Tòa nhà được liên quân cho là một trong những trung tâm chỉ huy của ông Gadhafi tại Tripoli bị tên lửa liên quân phá hủy.
Sau một tuần không kích Libya, Tổng thống Mỹ Barack Obama xác định rằng chiến dịch quân sự tại Libya của Mỹ và các đồng minh “đang thành công”; Lực lượng nổi dậy thì khẳng định đã chiếm lại thành phố chiến lược Ajdabiya và thừa thắng xông lên, tiến về các trung tâm quyền lực ở phía Tây vẫn nằm trong tay chế độ Gadhafi, dưới sự yểm trợ của không quân phương Tây.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, nhiều nguy cơ đang chờ đợi liên quân quốc tế trong những ngày sắp tới. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gérard Longuet cũng vừa tỏ ý rất thận trọng, cho rằng chiến dịch của không quân tại Libya sẽ là một “nhiệm vụ lâu dài”. Tham mưu trưởng quân đội Pháp, Đô đốc Edouard Guillaud, dự đoán việc tham chiến tại Libya sẽ phải kéo căng “nhiều tuần lễ”.
Một khó khăn mà liên quân quốc tế sẽ phải vượt qua trong thời gian tới đây là làm sao không vi phạm nhiệm vụ “bảo vệ thường dân” vốn là nền tảng của Nghị quyết 1973 cho phép can thiệp quân sự vào Libya. Sau chiến thắng tại Ajdabiya, lực lượng nổi dậy đang có kế hoạch tiến hành giải phóng các thành phố, thị xã còn lại ở Libya, kể cả căn cứ địa của Đại tá Gadhafi là Sirte và các trung tâm dân cư lớn như Misrata.
Chưa hết, hiểm họa đối với máy bay của liên quân quốc tế không phải là đã hoàn toàn biến mất. Theo Đại tá Burkhard, mặc dù “đã bị tổn thất nghiêm trọng” sau các đợt tấn công của không quân phương Tây song điều đó không có nghĩa là các đơn vị phòng không của Libya đã hoàn toàn bị phá hủy.
Đây là cuộc chiến thứ 3 mà Mỹ tham gia tại miền đất Hồi giáo. Nhưng lần này, Mỹ tham gia với vai trò nhỏ hơn – một trong vài lần ít ỏi kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Mỹ đã lựa chọn việc không lãnh đạo một hành động gây tranh cãi.
Cũng như các nước phương Tây, Mỹ hy vọng tiến hành cải thiện tình hình dân chủ ở Bắc Phi, tạo dựng các chính quyền phù hợp với lợi ích của Mỹ, phục vụ cho nhu cầu phát triển của nước này. Nhưng nếu tham dự sâu thêm chiến trường thứ ba, Obama không chỉ không đủ tài chính và nhân lực để gánh vác mà còn gây ra sự phản đối dữ dội từ dân chúng.
Yemen, mối lo lớn nhất của Mỹ
Libya có thể xuất hiện trên các dòng tít lớn, nhưng không phải là ưu tiên chiến lược của Obama trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố như Yemen. Một trong những mối lo ngại lớn nhất của Obama là một cuộc tấn công nữa của al-Qaeda theo kiểu 11/9 trên đất Mỹ, và Yemen có thể là nơi phát động cuộc tấn công này.
Trong khi quân đội Mỹ “miễn cưỡng” làm mũi nhọn trong chiến dịch không kích của phương Tây vào các lực lượng của Muammar Gadhafi ở Libya (vai trò này vừa được NATO quyết định tiếp nhận), các quan chức chống khủng bố của Mỹ nhấn mạnh rằng vấn đề cấp thiết nhất đối với Mỹ lúc này là sự sụp đổ có thể xảy ra của chế độ ở Yemen, điều có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực ngăn chặn al-Qaeda sử dụng nước này như một căn cứ an toàn.
Mỹ cũng lo ngại về tình hình bất ổn ở Yemen, nước có biên giới với nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới là Arập Xêút. Nếu ông Saleh không chống nổi sức ép đòi ông từ chức hay bị lật đổ, Mỹ có thể có ít ảnh hưởng đối với người kế nhiệm Saleh.
Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đang nhanh chóng mất đi quyền lực của mình khi nhiều lãnh đạo quân sự, chính trị và bộ tộc quan trọng đã gia nhập lực lượng biểu tình phản đối ông. Trong khi đó, lực lượng al-Qaeda trên Bán đảo Arập (AQAP) đã thiết lập được chỗ đứng tại các khu vực bộ tộc khó khăn của Yemen.
Tuy nhiên, Tổng thống Saleh dường như chỉ miễn cương trong việc chống AQAP do ông cho rằng lực lượng này không đe dọa đến quyền lực của ông như phong trào li khai ở miền nam hay nhóm nổi loạn Houthi ở miền bắc. Do đó, nếu Saleh cố gắng níu kéo quyền lực, Yemen có thể rơi vào tình trạng vô chính phủ và AQAP sẽ được hưởng lợi rất lớn, có thể tự do hơn trong hoạt động tại đây. Đó cũng là lý do chính khiến giới phân tích cho rằng Washington cần phải nỗ lực hỗ trợ một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình để đảm bảo rằng chính quyền ở Yemen vẫn cam kết với cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố al-Qaeda.
Syria: Ít quyền lợi=Không can dự?
Các nhà ngoại giao phương Tây cũng phải bất ngờ khi thấy các cuộc biểu tình đã phát triển mạnh như hiện nay ở Syria, bất chấp các biện pháp của chính phủ. Báo Mỹ The Washington Post thậm chí viết: “Các cuộc biểu tình hiện nay ở Syrialà sự nổi dậy nghiêm trọng nhất đối với 11 năm cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, vì những cuộc biểu tình phản đối chính phủ nổ ra ở ngay khu vực vốn trung thành truyền thống với chế độ của ông”.
Trong khi đó, ngày 27/3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dường như đã loại trừ khả năng Washington can dự vào Syria giống như cách đang làm đối với Libya hiện nay khi cho rằng “mỗi cuộc nổi dậy trong thế giới Arập đều có đặc thù khác nhau”.
Đặc điểm của Syria là người Allawite, một nhánh của phái Hồi giáo Shi'ite, chiếm thiểu số (15%) nhưng lại nắm quyền lãnh đạo từ năm 1963 đến nay, trong khi đa số dân ở nước này là người Hồi giáo Sunni (chiếm 74% dân số Syria). Gia đình Assad thuộc nhóm tôn giáo thiểu số Alawite.
Phong trào biểu tình chống chính phủ lan rộng từ tâm chấn đầu tiên ở thành phố miền Nam Deraa và nhanh chóng lan đến nhiều khu vực ở thủ đô Damascus. Xung đột giữa quân chính phủ và người biểu tình khiến hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương. Các biện pháp hòa giải được chính quyền đưa ra dường như không dập tắt được phong trào và tháo ngòi cuộc khủng hoảng. Có phân tích từ phương Tây cho rằng chế độ Assad ở Syria thực sự là thành lũy cuối cùng của đảng Baath thiểu số cầm quyền ở Trung Đông.
Syria lâu nay có mối quan hệ không mấy suôn sẻ với Mỹ - nước cáo buộc Syria hỗ trợ cho các tay súng Palestine, can thiệp vào Li-băng và cho phép lực lượng chống Mỹ vượt Syria vào Iraq. Do hầu như không có ảnh hưởng đối với Damascus, nên hiện vẫn chưa rõ Washington có thể gây ảnh hưởng đến đâu đối với tình hình ở Syria. Cũng do đang bận rộn với vấn đề Iraq và Afghanistan, và cả ở Libya, nên Mỹ sẽ còn do dự hơn về việc can thiệp vào Syria, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì lập trường thận trọng và theo dõi mọi diễn tiến.
“Lợi ích của Mỹ luôn là trên hết”
Bất ổn chính trị nổi lên ở Libya và Yemen và Bahrain, nhưng Mỹ và các đồng minh phương Tây chỉ lên kế hoạch phản ứng quân sự với mỗi Libya. Các vụ đàn áp tại Yemen và Bahrain cho đến nay chỉ bị phản đối bằng lời nói chứ không phải bằng hành động. Câu trả lời thật dễ nhận biết. Bahrain và Yemen là đồng minh của Mỹ - đặc biệt là Bahrain, nơi Mỹ có căn cứ hải quân lớn.
Phản ứng của Mỹ đối với Bahrain càng trở nên phức tạp hơn bởi nước láng giềng Arập Xêút, đồng minh Arập số một của Washington. Arập Xêút không hài lòng khi chứng kiến cảnh Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải ra đi. Mất chế độ quân chủ Sunni tại nước láng giềng là một mất mát lớn - đó là lý do tại sao nước này đã thực hiện một hành động chưa từng có là điều 1.000 binh lính qua biên giới vào Bahrain.
Khi cuộc nổi dậy đã lan ra khỏi Bắc Phi sang Bahrain và Arập Xêút, Washington đã tỏ ra thận trọng với cách tiếp cận riêng biệt đối với mỗi nước. Với Mỹ, sự ổn định tại các quốc gia giàu dầu mỏ hiện nay dường như quan trọng hơn là hy vọng về các phong trào phản kháng.
Yemen có ý nghĩa rất quan trọng đối với Washington trong cuộc chiến chống al-Qaeda. Ngay cả với Libya, Mỹ cũng không phải đã hết thận trọng. Bà Marina Ottaway, Giám đốc Chương trình Trung Đông của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, nói: “Cuối cùng thì quyền lợi của Mỹ luôn là trên hết”.
Cập nhật lúc : 9:49 AM, 27/03/2011
Bắc Phi, Trung Đông và các thế lực bên ngoài
(VOV) - Sau 3 tháng có thể thấy rõ diễn biến tình hình ở các nước và nổi bật lên hai thái cực một là thuận theo Mỹ và một chống Mỹ.
Trong 3 tháng qua, khu vực Bắc Phi và Trung Đông nổi lên làn sóng biểu tình chống chính phủ. Cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát từ Tunisia rồi tiếp đến là Ai Cập, Bahrain, Yemen, Libya, Moroco, Jordan, Oman, Algeria, Iran và Syria… Nhưng có lẽ mạnh mẽ nhất và gây ra nhiều biến động lớn là Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libya. Các phương tiện truyền thông cho rằng nguyên nhân của các cuộc bạo loạn chính trị này là do chế độ chuyên quyền độc đoán, tham nhũng, phân hoá xã hội, khủng hoảng kinh tế, giá cả leo thang. Nhưng thực tế có thể thấy một yếu tố nữa là sự can thiệp từ bên ngoài.
Thi thể của một người thiệt mạng do biểu tình tại Yemen (Ảnh: Reuters) |
Làn sóng biểu tình ở Tunisia đã lan sang Ai Cập và Tổng thống Mubarak đã phải từ chức sau đó 3 tuần. Nhưng khác với Tổng thống Tunisia, ông Mubarak từ chức dù muộn nhưng vẫn được cho là thích hợp. Đó là lý do vì sao ông Mubarak và gia đình vẫn an toàn và sống trên quê hương mình.
Sự bất ổn ở Ai Cập đã được dự báo trước, cũng như những rạn nứt trong quan hệ đồng minh Mỹ - Ai Cập. Sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề dân chủ, nhân quyền ở đất nước Kim Tự Tháp trong vài năm qua đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Mubarak.
Mỹ đã nhận thấy thiếu sự hợp tác của chính quyền Tổng thống Mubarak, cũng như vai trò và tiếng nói của Ai Cập ở Trung Đông đã giảm sút. Ủng hộ phe đối lập và lực lượng chống đối là chìa khoá Mỹ sử dụng tại Ai Cập vừa qua. Mỹ đã thành công khi các cuộc biểu tình của Ai Cập dù có lúc trở thành bạo động, bạo lực và hơn cả là chính quyền và cả Tổng thống Mubarak đã bị thay thế.
Vai trò và vị trí của Ai Cập không thể phủ nhận bởi trong vòng 1 tuần qua, cả Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates lần lượt tới thăm. Mỹ đã khẳng định quan hệ chiến lược với đồng minh Ai Cập và cam kết duy trì khoản viện trợ 1,5 tỉ USD.
Làn sóng biểu tình tại Ai Cập và Tunisia tiếp tục lan sang Yemen cũng với các lý do tương tự và Mỹ lại xuất hiện tại đây.
Trong bài diễn văn tại trường Đại học Sana’a ngày 1/3, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh tố cáo Israel và Mỹ đã âm mưu kích động biểu tình. Ngay sau đó, người phát ngôn Nhà Trắng đã lên tiếng phản bác. Dù cứng rắn và mềm dẻo hơn Tổng thống Mubarak nhưng cuối cùng thì ngày 24/3 vừa qua, Tổng thống Abdullah Saleh đã phải đưa ra cam kết sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Dù cam kết này chưa được thực hiện nhưng trong bối cảnh hiện nay đó là sự lựa chọn khôn khéo và tốt nhất cho ông Saleh - người đã năm quyền hơn 30 năm từ năm 1978 đến nay.
Những gì đang diễn ra tại Yemen gần giống với Ai Cập. Khác với Libya, Mỹ có lợi ích riêng của mình ở đây khi hợp tác với đồng minh Yemen trong cuộc chiến chống khủng bố trên bán đảo Arab. Đó cũng là lý do vì sao tình hình Yemen lại diễn ra giống Ai Cập và không có sự can thiệp bằng vũ lực từ bên ngoài.
Tình hình tại Libya lại hoàn toàn khác. Làn sóng biểu tình chống chính phủ đã bùng phát và lan rộng trong cả nước. Đụng độ giữa lực lượng chống chính phủ và quân đội của Nhà lãnh đạo Libya Gaddafi đã xảy ra ở một số khu vực. Chỉ đợi có thế, liên quân Mỹ, Pháp, Anh đã nhanh chóng can thiệp. Đầu tiên là lệnh cấm vận không phận Libya của LHQ do máy bay và tàu chiến của Liên quân thực hiện. Lệnh cấm vận vừa được thông qua dù Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Nam Mỹ, Arab, Châu Phi phản đối, Liên quân đã tấn công tên lửa vào các mục tiêu quân sự của chính phủ Libya với lý do bảo vệ dân thường.
Cuộc tấn công đã gây thiệt hại về người và phá huỷ các cơ sở hạ tầng của Libya. Ngày 26/3, Bộ Y tế Libya cho biết từ hôm 20-23/3 các cuộc không kích của Liên quân đã làm ít nhất 114 người chết và 445 người bị thương.
Dư luận tiếp tục lo ngại tới tình hình Syria và các cuộc biểu tình đang bùng phát ở nước này. Tình hình ở đây sẽ diễn biến phức tạp hơn nhiều bởi trong nội bộ có nhiều bất đồng và mâu thuẫn, đặc biệt Tổng thống Bashar Al-Assad và chính quyền Syria không thân Mỹ. Liệu có một cuộc tấn công nữa nhằm vào Syria hay không? Và còn Iran - nước luôn đối đầu với Mỹ và phương Tây trong vấn đề hạt nhân.
Một chính quyền có thể bị thay thế và loại bỏ nếu không theo quỹ đạo và không cùng cuộc chơi. Dư luận và cộng đồng quốc tế kịch liên lên án việc dân thường bị sát hại. Cần chấm dứt đổ máu, tôn trọng nhân quyền, dân chủ và không can thiệp vào công việc nội bộ, chủ quyền lãnh thổ nước khác./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét