Sóng thần đến Việt Nam, 5 phút sau mới có cảnh báo

VTC News:
29/03/2011 10:34

(VTC News) – Nếu sóng thần xảy ra, sau 5 phút, Việt Nam mới phát hiện ra và miền Trung sẽ thiệt hại nặng nhất – Viện Vật lý địa cầu nhận định.

Bản đồ tốc độ chuyển dịch kiến tạo hiện đại khu vực Biển Đông và lân cận. Ảnh: Phan Trọng Trịnh, Kết quả đề tài trọng điểm cấp nhà nước KC09.11/06-10.

Sáng nay, 29/3, tại Viện Địa chất Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học về động đất và sóng thần" do Hội kiến tạo Việt Nam và Hội Khoa học và Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam tổ chức.

Theo ông Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu thì trên biển, có 9 vùng nguồn có tiềm năng gây động đất, sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong đó, vùng biển Philippines có nguy cơ cao nhất gây ra sóng thần đến nước ta.

“Nếu động đất mạnh xảy ra ở vùng này thì sau 2 tiếng sẽ đến Việt Nam” – ông Phương cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống và các phương tiện cảnh báo động đất, sóng thần của chúng ta mới phát hiện được điều này sau 5 phút, ở mức trung bình. Trong khi Indonesia chỉ sau 1 phút đã phát hiện được động đất, sóng thần khi nó xảy ra.

Trao đổi với VTC News về lý do chậm trễ, ông Phương cho biết, vì chúng ta chưa có đủ mạng lưới đo đạc để cung cấp số liệu kịp thời. Ví dụ những đứt gãy ở sông Hồng thì có những đoạn chúng ta có trạm đo, có những đoạn không có. Trong khi Indonesia có mạng lưới đo đạc dày đặc hơn ta.

“Trên thế giới cũng chưa có nước nào dự đoán được chính xác vị trí xảy ra động đất – sóng thần” – nhà khoa học này cho biết.

Theo GS.TS Bùi Công Quế, nếu sóng thần xảy ra, miền Trung sẽ có sóng cao 5-6m, Bắc Bộ cao 2m, miền Nam cao 2m. Nếu có động đất, 15 phút sau sóng thần sẽ có thể ập vào ven biển miền Trung.

Cũng tham dự hội thảo, PGS.TS. Phan Trọng Trịnh, Viện Địa chất cho rằng rút kinh nghiệm từ trận động đất ở Nhật Bản, trong phần đánh giá động đất cực đại, cần liên kết hai đoạn đứt gãy ở đới cuốn chìm Malina, như vậy động đất cực đại sẽ lớn hơn giá trị 8.5 đã được đánh giá trước đây. Nên các nhà máy hạt nhân xây dựng phải được tính toán với độ an toàn cao nhất, ứng với chu kỳ lặp động đất hàng chục nghìn năm.

Theo PGS.TS. Phan Trọng Trịnh, các nhà khoa học Nhật và thế giới đều bất ngờ trước trận động đất vừa qua, các dự báo trước đây chỉ cho rằng magnitude cực đại là 8.5 độ Richter, nhưng trên thực tế động đất có Magnitude 9.0 đã xảy ra.

Theo ghi nhận, Việt Nam từng chịu các trận động đất tại Điện Biên năm 1935 (6,7 độ richter), Tuần Giáo năm 1983 (6,7 độ richter) và Vũng Tàu năm 2005 (5,1 độ richter).

Tại Hội thảo sáng nay, GS.TSKH Đặng Văn Bát, ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội phát biểu, các nhà khoa học Việt Nam cần nghiên cứu lại vị trí đặt nhà máy điện hạt nhân. Bởi vì khu vực Ninh Thuận về lâu dài có thể xảy ra những đứt gãy dưới lòng đất, gây nguy hiểm cho nhà máy.

Hoàng Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét