Nhật Bản có thể đối phó với tác động của thảm họa

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 3:33 PM, 25/03/2011

(VOV) - Nhật Bản có nguồn dự trữ dồi dào có thể tự mình đáp ứng các nhu cầu tái thiết

Ngày 24/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định nền kinh tế Nhật Bản hoàn toàn có thể đối phó với các tác động của thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/3.

Ông Mahmood Pradhan, cố vấn cao cấp của IMF tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khẳng định: Nhật Bản có nguồn dự trữ dồi dào, do đó, nước này có thể tự mình đáp ứng các nhu cầu tái thiết. Bên cạnh đó, các khoản tiền này sẽ không gây tác động dài hạn đối với nền kinh tế Nhật Bản. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của đất nước Phù tang sẽ chỉ chậm lại trong thời gian ngắn, sau đó sẽ lại phục hồi, thậm chí còn vượt thời kỳ trước khi xảy ra thảm họa.

Giới chức IMF cũng hoan nghênh các thể chế tài chính của Nhật Bản, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), vì đã có phản ứng nhanh chóng và mang tính quyết định sau thảm họa kép.

Một phụ nữ nhìn cảnh đổ nát sau thảm họa (Ảnh: Reuters)

Liên quan cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay, IMF nhấn mạnh rất khó có thể đánh giá nguy cơ hạt nhân hiện nay bởi chưa rõ khi nào cuộc khủng hoảng hạt nhân kết thúc. Tình trạng thiếu điện do sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukishima số 1 cũng như việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân khác ít nhiều đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế của Nhật Bản.

Theo kế hoạch, IMF sẽ công bố báo cáo dự báo tăng trưởng vào ngày 11/4 tới và tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm nay có thể sẽ giảm mạnh so với dự báo 1,6% hồi tháng 1.

Trong một diễn biến khác, giới chức IMF khẳng định đồng yen Nhật Bản được định giá đúng sau khi Nhóm 7 nước phát triển (G-7) nhất trí can thiệp vào thị trường tiền tệ nước này, đồng thời phủ nhận quan điểm việc đồng yen tăng giá so với đồng dollar Mỹ là do các nhà đầu tư Nhật Bản đã ồ ạt bán tài sản ở nước ngoài rồi chuyển ra tiền yen để chuyển về nước sau thảm họa.

Người đàn ông trong khu phố của mình (Ảnh: Reuters)

Trong phiên giao dịch tại thị trường chứng khoán Tokyo sáng 24/3, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 130,48 điểm, tương đương 1,4% lên mức 9.565,49 điểm. Chỉ số Topix của các cổ phiếu hạng nhất cũng tăng 1,2%, đạt 864,13 điểm.

Các nhà đầu tư cho biết sở dĩ chỉ số chứng khoán Nhật Bản tăng là do thị trường chứng khoán tại Mỹ có những dấu hiệu khởi sắc, như việc tăng các khoản lãi và tỷ lệ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm.

** Ngày 25/3, Bộ Giao thông Nhật Bản cho biết, tất cả các cảng biển quan trọng của Nhật Bản trong khu vực bị ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần kinh hoàng đã hoạt động trở lại, phục vụ cho các mục đích tái thiết khu vực bị ảnh hưởng.

Theo một diễn biến liên quan, số người thiệt mạng trong thảm họa vừa qua tại Nhật Bản đã tăng lên 10.000 người và 17.433 người khác vẫn mất tích. Trong khi đó, hoạt động khắc phục sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukishima số 1 cần phải mất thêm ít nhất 1 tháng nữa./.

TH (từ TTXVN, AP)


Khó quyên tiền cho Nhật Bản

Thứ Bảy, 26/03/2011 16:30

(NLĐO)- Các tổ chức từ thiện quyên góp tiền cho các nạn nhân trong thảm họa kép ở Nhật đang đối mặt với bài toán hóc búa, đó là thuyết phục công chúng rằng đất nước mặt trời mọc đang thực sự cần sự trợ giúp về tài chính.

Ghi nhận sau 1 tuần quyên tiền cho Nhật cho thấy số tiền gây được chỉ bằng một phần sáu so với những gì người Haiti nhận được sau trận động đất đầu năm 2010.


Những người sống sót mất nhà nấu nướng và ăn ngoài trời. Ảnh: AP


Các nhà gây quỹ cho rằng vị thế là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới của Nhật đã gây khó khăn cho việc kêu gọi viện trợ cho họ.

Tổ chức Chữ Thập Đỏ Mỹ cho biết, số tiền họ quyên góp được ở Mỹ là 29 triệu bảng, chỉ bằng một nửa khoản tiền huy động được để ủng hộ cho Haiti sau trận động đất đầu năm 2010.

Một phần không nhỏ số tiền quyên góp được ở Mỹ đến từ những người nổi tiếng, bao gồm Sandra Bullock – nữ diễn viên đã trở thành nhà tài trợ cá nhân lớn nhất cho Nhật Bản với 1 triệu USD.


Sandra Bullock trở thành nhà tài trợ cá nhân lớn nhất cho Nhật Bản với 1 triệu USD. Ảnh: GEOFF PUGH


Trong khi đó, ca sỹ Lady Gaga quyên góp được khoảng 300.000 USD trong vòng 4 giờ bằng việc bán đồ trên website của cô. Còn nam diễn viên đình đám Charlie Sheen ủng hộ 1 USD trong mỗi vé bán được trong show diễn sắp tới của mình.

Các doanh nghiệp tài trợ đáng kể gồm có Walt Disney studio (1,5 triệu bảng) và Warner Bros, cam kết tài trợ lợi nhuận từ việc bán DVD phim Hereafter của Clint Eastwood.

Tuy nhiên, theo một báo cáo của Mỹ được Telegraph dẫn lại, những khoản quyên góp trên toàn thế giới cho Nhật Bản mới chỉ bằng một phần sáu so với thống kê tương tự tại Haiti và chỉ bằng một phần tư khoản tiền mà các nạn nhân của cơn bão Katrina ở New Orleans nhận được cách đây 6 năm.

Các nhà gây quỹ ở Anh cho biết các khoản tài trợ cho thảm họa tại Nhật Bản khá ổn định nhưng không cao như cho Haiti.

Một phát ngôn viên cho hay: “Chúng tôi nghĩ rất nhiều về thực tế này nhưng câu trả lời chỉ có thể là khi các quốc gia nghèo khó gặp nạn thì sự giúp đỡ cho họ có vẻ hào phóng hơn.”


Hơn 10.000 người được xác nhận đã chết sau thảm họa kép Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Thảm họa động đất, sóng thần Nhật Bản hôm 11-3 đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và vẫn còn khoảng 17.400 người mất tích. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 310 tỉ USD và Nhật đang căng mình lên để chống lại thảm họa hạt nhân. Hơn ai hết lúc này Nhật Bản rất cần sự chung tay giúp đỡ của thế giới nhưng dường như vị trí giàu có thứ 3 thế giới đang khiến họ gặp bất lợi.

Theo Kyodo, sáng 26-3, Hải quân Mỹ đã dùng xà lan cấp tốc chuyển nước ngọt đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima I để giúp Nhật Bản chống chọi với việc rò rỉ chất phóng xạ.



Thu Hằng (TheoTelegraph)


=

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét