Không xử lý ai thì khó hiểu…
Ngày 26/3, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội. Trong buổi thảo luận này, có một số đại biểu nêu quan tâm đến vụ Vinashin.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đã đi thẳng vào 3 câu hỏi:
Thứ nhất, tại sao Bộ Chính trị kết luận như vậy trước khi có kết luận thanh tra. Hai là vì sao Bộ Chính trị không thông báo với Quốc hội bằng văn bản mà thông qua báo cáo Chính phủ. Ba là cử tri cũng muốn biết đồng chí A, B trong Chính phủ có hạn chế gì trong điều hành Vinashin.
Đề xuất này cũng trùng với ý kiến của đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau), cần có một cơ quan có năng lực chuyên môn kiểm tra xong và báo cáo Quốc hội khi hoàn thành nhiệm kỳ vào tháng 7 tới.
Tại nghị trường, đã có không ít ý kiến băn khoăn bởi những thiệt hại mà vụ Vinashin gây ra là rất lớn song Bộ Chính trị vẫn có quyết định không xử lý kỷ luật. Thay cho phát biểu của mình, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đã truyền đạt lại ý kiến của một cử tri:
“Chúng tôi vay tiền nuôi bò, không may bò chết thì chúng tôi bị siết nợ. Số tiền ấy nếu so sánh với việc khoanh nợ, giãn nợ của Vinashin thì quá khập khiễng, vậy mà trong báo cáo Chính phủ lại không xử lý kỷ luật ai thì khó hiểu!”
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cũng đặt câu hỏi: Tại sao Vinashin được Chính phủ cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, vậy các doanh nghiệp khác và người dân có được hưởng như vậy không?
Do vậy, “chúng tôi thấy cần thiết chúng ta phải thông báo kết luận cuối cùng về thất thoát của Vinashin để trên cơ sở đó, chúng ta mới có được những đánh giá đúng và thấy được những hạn chế trong cơ chế để xử lý trách nhiệm.” - Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh:
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân có vấn đề…
Trước thảm họa động đất kinh hoàng tại Nhật Bản, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng tới vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Theo đại biểu Dương Trung Quốc, Chính phủ dường như có phần hơi chủ quan.
Bằng chứng là khi xảy ra những hiện tượng ở Nhật Bản liên quan đến việc an toàn của nhà máy điện nguyên tử thì rất nhiều nước, kể cả những nước có kinh nghiệm và tiềm lực về nguyên tử cũng rất thận trọng, khôn ngoan khi ứng xử và đồng thời có từng bước đi một.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết còn cho biết: “Tôi nhận được thông tin là Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga đã chỉ ra những nhược điểm về địa điểm chọn xây dựng nhà máy.”
Cụ thể là địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy nằm ngay đường đứt gãy thậm chí tam giác của 3 đường đứt gãy. Có địa điểm nằm sát biển khó chống sóng thần… Cái này có thể do điều tra không kỹ.
“Bởi vậy, các cơ quan giúp việc Chính phủ phải điều tra rất cẩn thận vì ta không thể chủ quan, không thể lường trước được sự tàn phá của thiên nhiên. Cứ nói yên tâm, sợ đến lúc hối không kịp.” - đại biểu Thuyết tỏ ra lo lắng.
Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng đã kiến nghị Chính phủ cần cung cấp những thông tin đầy đủ hơn về dự án nhà máy điện hạt nhân để người dân được nắm rõ tình hình.
Lan Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét