NATO chỉ huy chiến dịch Libya như thế nào

VnExpress:
Thứ hai, 28/3/2011, 16:13 GMT+7
Từ đầu tuần này, quyền chỉ huy toàn bộ các chiến dịch trên không của liên quân tại Libya được chuyển giao từ Mỹ sang NATO, trong đó vai trò điều hành trực tiếp được đặt trong tay viên tướng 3 sao người Canada.

Khi mở màn chiến dịch không kích hôm 19/3, Mỹ nắm quyền chỉ huy lực lượng đa quốc gia gồm 13 nước tấn công lực lượng ủng hộ đại tá Muammar Gadhafi. Ngay sau đó Washington tuyên bố chuyển giao quyền dẫn dắt chiến dịch và động thái này đã gây ra những tranh cãi nội bộ NATO với hai phe ủng hộ và phản đối khối đứng ra chỉ huy chiến dịch.

Tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp tham gia chiến dịch Libya. Ảnh
Tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp tham gia chiến dịch Libya. Ảnh: AP

Phải mất vài ngày điều phối giữa các thành viên, tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương mới có thể bắt đầu lãnh trách nhiệm cho chiến dịch Libya. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hôm qua cho biết, các máy bay của khối đang bắt đầu tuần tra để áp đặt vùng cấm bay tại Libya theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

"Các đồng minh NATO quyết định chỉ huy toàn bộ chiến dịch quân sự tại Libya theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc. NATO sẽ thực hiện tất cả các khía cạnh của nghị quyết, không hơn không kém", AP dẫn tuyên bố của ông Rasmussen. Tuy nhiên, giới ngoại giao cho biết phải mất vài ngày nữa quá trình chuyển giao đầy đủ từ quân đội Mỹ cho NATO mới hoàn tất.

Sau khi các thành viên NATO phê chuẩn việc để khối nằm toàn bộ trách nhiệm cho chiến dịch Libya, tướng 3 sao người Canada Charles Bouchard được giao nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp hoạt động quân sự này. Ông sẽ báo cáo công việc cho đô đốc người Mỹ Samuel Locklear, tư lệnh sở chỉ huy liên quân của NATO đặt tại Naples (Italy).

Naples là một trong hai tổng hành dinh điều hành các hoạt động của NATO. Tổng hành dinh còn lại đặt tại Brunssum (Hà Lan), nơi chịu trách nhiệm điều hành cuộc chiến Afghanistan. Theo đó, tổng hành dinh Naples sẽ điều phối hoạt động của các máy bay do thám, máy bay tiếp dầu trên không, máy bay tuần tra hàng hải và các trực thăng để duy trì chiến dịch tại Libya được liên tục 24/24h.

Khi mở màn chiến dịch đánh Libya, lực lượng liên quân được đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Sở chỉ huy châu Phi (Africom) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, tại một căn cứ ở Stuttgart, Đức. Africom nằm dưới quyền tướng trẻ Carter Ham là một trong 6 sở chỉ huy khu vực của quân đội Mỹ được lập ra năm 2007, với 1.500 thành viên.

Theo đó, quyền chỉ huy trực tiếp chiến dịch Libya sẽ chuyển từ tướng Mỹ Carter Ham sang tướng Canada Charles Bouchard. Còn đô đốc Samuel Locklear ngoài vai trò tư lệnh sở chỉ huy liên quân của NATO tại Naples, ông còn là tư lệnh hải quân Mỹ tại châu Âu kiêm nhiệm châu Phi. Do đó khi mở màn đánh Libya, ông nắm quyền tư lệnh hải quân Mỹ tham gia chiến dịch và thường có mặt trên tàu chỉ huy USS Mouth Whitney tại Địa Trung Hải.

Trước đây NATO từng có kinh nghiệm trong những chiến dịch như tại Libya. Các máy bay của khối đã thành công trong việc đảm bảo vùng cấm bay tại Bosnia trong những năm 90 và chiến dịch không kích tại Kosovo năm 1999, nhằm ngăn chặn cuộc đàn áp vào thường dân mang sắc tộc Albani.

Trong khi đó, sau 8 ngày không kích, diễn biến tại Libya đang đi theo hướng có lợi cho lực lượng chống Gadhafi, điều mà liên quân mong muốn. Cán cân lực lượng đang dần nghiêng về phe nổi dậy với những bước tiến sang vùng phía tây Libya, nơi đang do phe ủng hộ Gadhafi kiểm soát.

Những ngày không kích vừa qua là giai đoạn đầu của chiến dịch lập vùng cấm bay tại Libya, trong đó liên quân dội mưa tên lửa và bom để tiêu diệt hệ thống phòng không của quân đội Gadhafi, đồng thời khoá chặt các máy bay chiến đấu của Libya dưới mặt đất. Đây là giai đoạn "mở cửa bầu trời" để các máy bay NATO tuần tra một cách an toàn đảm bảo vùng cấm bay trên không phận Libya.

Đình Nguyễn


Liên quân khó rút chân khỏi Libya

Cuộc không kích Libya của liên quân đã bước sang tuần thứ hai và có khả năng đang bắt đầu một cuộc chiến tranh kéo dài tại đây như lời thách thức của đại tá Muammar Gadhafi.


Lực lượng chống đối Libya ăn mừng bên chiếc xe tăng bị liên quân tiêu diệt. Ảnh: AFP
Lực lượng chống đối Libya ăn mừng bên chiếc xe tăng bị liên quân tiêu diệt. Ảnh: AFP

Sau khi nghị quyết của Liên Hợp Quốc thông qua ngày 17/3 cho phép “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân Libya đang có nguy cơ bị tấn công”, có 13 quốc gia tham gia can thiệp vào nước này với mức độ khác nhau, nhưng các cuộc oanh tạc trực tiếp chỉ do 3 nước Mỹ, Anh và Pháp thực hiện.

Chiến dịch mang tên Bình minh Odyssee đã cứu phe đối lập Libya ở thành phố miền đông Benghazi không bị lực lượng thân Gadhafi từ miền tây sang đè bẹp. Không tuyên bố rõ ràng nhưng các dấu hiệu đều cho thấy liên quân quyết đánh Libya từ ngày 19/3 nhằm làm cho chế độ Gadhafi sụp đổ bằng cách chống lưng cho lực lượng đối lập từ miền đông tiến chiếm Tripoli, lập ra chính quyền mới.

Giai đoạn đầu của chiến dịch được coi là thành công khi liên quân khẳng định loại khỏi vòng chiến đấu lực lượng phòng không không quân của quân đội Libya, để các máy bay quốc tế thoải mái tuần tra vùng cấm bay. Tuy nhiên, dự đoán ban đầu về việc loại bỏ lực lượng này của đại tá Gadhafi sẽ dọn đường cho phe chống đối nhanh chóng chiếm nốt các vùng đất do ông nắm giữ đã không diễn ra.

Sau hơn một tuần được liên quân hậu thuẫn bằng chiến dịch không kích, do trang bị kém, không được huấn luyện và thiếu tổ chức nên lực lượng chống Gadhafi tỏ ra quá yếu để có thể sớm làm lên chuyện, ngoài một số bước tiến hồi đầu tuần này khi chiếm được các thành phố Ạdabiya, Brega, Ras Lanuf và Ben Jawad.

Trong khi đó, việc lực lượng ủng hộ đại tá Gadhafi phải chấp nhận rút lui tại một số mặt trận nhưng vẫn bảo toàn thủ đô Tripoli cho thấy họ không dễ “bị bắt nạt”. Tuy nhiên, lực lượng này từ nay không còn sự trợ giúp của không quân nên khó có thể tiếp tục chiến dịch đông tiến để áp đảo phe chống đối.

Như vậy liên quân vẫn chưa thể khai thông thế bế tắc tại Libya với phần phía tây thuộc phe Gadhafi và phía đông thuộc phe chống đối, đẩy nước này tới khả năng sẽ bị chia cắt lâu dài. Cả hai phe đều tuyên bố sẽ không để điều này xảy ra, nhưng họ có thể không còn lựa chọn nào khác là phải chấp nhận nó.

Giáo sư ngành an ninh Nicolas Gvosdev thuộc trường Naval War College của Mỹ cho rằng, câu hỏi không có lời đáp hiện nay là sứ mệnh quân sự của nước ngoài ở Libya là nhằm bảo vệ thường dân hay cố tạo ra sự thay đổi chế độ tại nước này. Theo ông, dù câu trả lời là gì thì ngày càng có nhiều khả năng liên quân sẽ phải can dự vào một cuộc chiến kéo dài hơn những gì họ tính toán.

Liên quân không dễ gạt bỏ chế độ Gadhafi tại Libya: Ảnh: Telegraph

Sự nhùng nhằng tại Libya cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu liên quân sẽ duy trì chiến dịch không kích được bao lâu nữa. Pháp và Anh đi đầu vận động để Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết cho phép can thiệp vào Libya, nhưng Mỹ mới là nước góp nhiều sức mạnh nhất cho chiến dịch. Ví dụ trong ngày 22/3 có 175 đợt không kích Libya thì các máy bay Mỹ thực hiện tới 113 vụ trong số này.

Trong khi đó, Mỹ đang muốn giảm dần sự can dự vào Libya và bước đi đầu tiên của họ là trao lại quyền chỉ huy chiến dịch cho các đối tác khác trong NATO. Thực tế này sẽ là một khó khăn cho các đại diện châu Âu vốn đang phải cắt giảm chi phí quân sự do khủng hoảng tài chính, nay lại phải gánh cả một cuộc chiến thay cho Mỹ.

Bối cảnh trên khiến các toan tính đánh nhanh rút nhanh bằng lực lượng không quân áp đảo của lực lượng đa quốc gia tại Libya khó thành hiện thực. Việc đại tá Gadhafi chưa bị lật đổ cũng là kết quả mà liên quân không hề mong muốn vì chừng nào ông còn cầm quyền ở một nửa đất nước, có nghĩa nguy cơ với thường dân theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc vẫn còn.

Nói cách khác, nếu không "giải quyết" nhanh được chính quyền Gadhafi, liên quân sẽ đối mặt với tương lai phải duy trì vùng cấm bay rất tốn kém tại Libya một cách vô thời hạn. Điều này làm người ta nhớ đến vùng cấm bay tại Iraq trước đây, chiến dịch phải kéo dài tới hàng thập kỷ cho tới khi Mỹ cầm đầu liên quân đưa cả bộ binh vào đánh chiếm Iraq và lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003.

Diễn biến hiện nay dẫn đến nghi ngại có thể liên quân sẽ trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập Libya, thậm chí triển khai bộ binh để giúp lật đổ nhanh chế độ Gadhafi. Nhưng động thái này sẽ vượt quá giới hạn của nghị quyết Liên Hợp Quốc. Hơn nữa Mỹ và Anh cũng ít có khả năng dám mạo hiểm tung bộ binh vào thêm một chiến trường nữa sau Afghanistan và Iraq.

Interfax dẫn lời đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin bình luận: "NATO đang ngày càng lấn sâu vào cuộc chiến ở Bắc Phi và có nguy cơ bị đẩy vào một cuộc chiến toàn diện tại Libya". Nguồn tin tình báo do hãng tin khác của Nga là Ria Novosti trích dẫn cũng dự đoán có thể lực lượng đa quốc gia đang tích cực lên kế hoạch cho binh sĩ đổ bộ vào Libya vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 tới.

Trong khi đó, NATO bắt đầu tiếp quản quyền chỉ huy chiến dịch Libya từ ngày 24/3 thay cho Mỹ và các quan chức khối quân sự này dự tính chiến dịch can thiệp vào Libya có thể kéo dài khoảng 90 ngày và sẽ thay đổi tuỳ theo tình hình. Như vậy nếu tình hình không như tính toán của liên quân, thì thời gian cho chiến dịch sẽ phải tính bằng đơn vị tháng hay thậm chí bằng đơn vị năm là điều khó tránh khỏi.

Gửi vào 28/03/11 15:03

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét