"Tôi rất mừng khi hầu hết dân VN đều quan tâm cụ Rùa"

VTC News:
29/03/2011 13:19
(VTC News) - Xung quanh vấn đề bảo tồn và chữa trị cho Rùa hồ Gươm, VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Tim McCormack Giám đốc Chương trình bảo tồn rùa châu Á tại Việt Nam, một người đã bỏ nhiều năm nghiên cứu Rùa hồ Gươm.

Ông Tim McCormack - Giám đốc Chương trình bảo tồn rùa châu Á tại Việt Nam (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Ông có thể nói rõ hơn về sự quý hiếm của cá thể Rùa hồ Gươm ở Việt nam là như thế nào?

Loài rùa này được các nhà khoa học cho rằng là một trong những loài có độ nguy cấp tuyệt chủng lớn nhất. Hiện nay trên thế giới mới chỉ ghi nhận được có 4 cá thể, 2 ở Trung Quốc hiện đang ở vườn thú Tô Châu, 2 ở Việt Nam, trong đó có 1 cá thể ở hồ Gươm còn 1 cá thể ở hồ Đồng Mô.

Vùng phân phối lịch sử của chúng là ở 2 bên các bờ sông lớn, một trong số đó là lưu vực sông Hồng, ngoài ra còn có ở Trung Quốc là sông Dương Tử.

Rùa hồ Gươm là cá thể rùa lớn, nó có thể đạt được cân nặng là 150kg. Những thông tin về loài này hiện nay rất ít, nếu có thì cũng đã từ 20 đến 30 năm trở về trước.

- Thưa ông, hiện nay mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe của Rùa hồ Gươm là gì?


Mối đe dọa lớn nhất đối với Rùa hồ Gươm có lẽ là mất môi trường sống. Bên cạnh đó còn có hiểm họa từ nhu cầu săn bắt và phục vụ cho mục đích, nhu cầu tại địa phương.

- Hai cá thể của loài này tại vườn thú Tô Châu đã được bảo vệ và nhân giống như thế nào, thưa ông?

Nói về công tác bảo vệ nhân giống loài rùa này trên thế giới thực ra là chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Ở Việt Nam thì chưa có công tác nhân giống và bảo vệ còn ở Trung Quốc năm 2008, họ đã tiến hành ghép đôi sinh sản 2 cá thể, con cái đẻ khoảng 600 trứng, nhưng chưa được ấp nở thành công.

Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm trong nhiều điều kiện nhiệt độ và độ ẩm, phòng ốc và điều kiện khác rất tốt, nhưng không hiểu tại sao mà trứng đó chưa nở.

Tình trạng rùa Hoàn Kiếm thì đã rất nguy cấp, nếu thời điểm 10 hay 20 năm về trước chúng ta tiến hành công tác bảo tồn thì rất dễ vì thời điểm đó loài rùa này rất phổ biến. Hiện tại rất nhiều nơi trên thế giới không còn ghi nhận thông tin về loài rùa này nữa, vì số lượng chúng còn quá ít.

Cụ rùa liên tục nổi những ngày gần đây, để lộ những vết thương ngày một nặng. Ảnh Tuấn Nguyễn (Tienphong.vn)

- Hiện tại, chương trình bảo vệ rùa châu Á đã và đang làm những gì để có thể giúp đỡ cứu chữa cho Rùa hồ Gươm?


Các nhân viên của Chương trình bảo vệ rùa châu Á không phải chuyên về công tác thú y mà chỉ đóng vai trò tư vấn cho công tác bảo tồn. Chúng tôi ghi nhận những thông tin về Rùa hồ Gươm, tổng hợp những thông tin phản hồi, sau đó chuyển lại cho các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm cứu chữa. Chúng tôi cũng rất hi vọng có được kết quả khả quan trong việc bắt và cứu chữa Rùa.

- Sức khỏe của cụ Rùa hiện đang rất yếu, đó có phải là điều khó khăn nhất trong công tác cứu chữa cho Rùa hồ Gươm?

Đó đúng là một trong những trở ngại lớn nhất, trong những ngày qua, khi xem ảnh, chúng ta có thể thấy những vết thương trên mai cụ rùa và điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến tập tính sinh hoạt của nó.

Các bước mà ủy ban tư vấn đó là: cải thiện môi trường nước, đưa nước sạch vào, dỡ bỏ chướng ngại vật sau đó là đưa cụ Rùa lên chữa trị. Trong những ngày vừa qua, đã có rất nhiều các hạng mục được xây dựng và tạo nên để có thể đưa cụ rùa lên bờ và chữa trị, có vẻ như công tác đó đang được tiến hành rất là nhanh.

- Nhiều người dân cho rằng vì Rùa hồ Gươm ăn xác thối của động vật nên sức khỏe bị giảm sút. Điều này có đúng không thưa ông?

Vấn đề rùa ăn xác thối không phải là vấn đề lớn, vì vai trò của rùa trong hệ sinh thái như là sinh vật làm trong sạch môi trường.

Việc rùa vẫn ăn có thể ăn những xác động vật chết thì đó cũng có thể coi là 1 dấu hiệu tốt vì khi rùa ốm thì nó thường không ăn gì cả.

Bức ảnh chụp ngày 6/3 cho thấy cụ rùa vẫn ăn xác động vật chết nhưng còn có thể thấy rằng chất lượng nước đang rất là tồi. Vấn đề lớn nhất ở đây là môi trường nước đã bị ô nhiễm.

- Ông có bất ngờ về sự quan tâm của người dân Hà Nội đến vấn đề này?


Tôi không bất ngờ lắm vì tôi đã biết được truyền thuyết về Rùa hồ Gươm và hiểu được vai trò rất lớn của cá thể Rùa này trong đời sống tâm linh và văn hóa của người dân Việt Nam. Tôi rất vui mừng khi biết hầu như tất cả người dân Việt Nam đều rất quan tâm đến cụ Rùa ở hồ Gươm.

- Ông đánh giá như thế nào về những việc làm của Ủy ban cứu chữa Rùa hồ Gươm trong những ngày qua?


Ủy ban cứu chữa đã và đang làm rất tốt những công tác bắt và cứu chữa cụ rùa nhưng đó là cá thể rùa lớn, tuổi thọ cao nên cũng không dám đảm bảo. Tôi hi vọng những hoạt động cứu chữa này có thể thành công.

- Cá nhân ông dành tình cảm cho cá thể Rùa hồ Gươm này như thế nào?


Với cá nhân tôi, tôi rất lo lắng cho sức khỏe cũng như tình trạng của Rùa Hồ Gươm nhưng trên hết là sự lo lắng cho vận mệnh của loài rùa này trên toàn thế giới. Trong tương lai rất có thể loài này sẽ mất đi khi ở Trung Quốc việc nhân giống không thành công và cụ rùa ở Việt Nam thì lại mất đi.

- Ông đánh giá như thế nào về sức khỏe của Rùa hồ Gươm khi trưa ngày 8/3, "cụ" đã phá 2 vòng lưới để trốn thoát?

Đội lai dắt và bắt rùa hầu như đã bắt được cá thể rùa này nhưng vì rùa hồ Gươm là một trong các loài rùa mai mềm kích thước lớn nên nó có thể rất khỏe và di chuyển nhanh trong nước. Thật không may là lưới bắt rùa bị rách, tôi hy vọng lần bắt rùa tới đây sẽ thành công

- Theo ông, khi lập phương án mới đội cứu chữa Rùa hồ Gươm nên tập trung vào những vấn đề để tránh việc lai dắt thất bại thêm 1 lần nữa làm ảnh hưởng đến sức khỏe của rùa hồ Gươm.

Đội lai dắt và bắt rùa đã có những kế hoạch chi tiết và cụ thể về việc họ sẽ làm gì, như thế nào với lưới bắt rùa chắc chắn hơn, tỉ lệ thành công sẽ lớn hơn. Hệ quả tất yếu của việc bắt cụ rùa lên khỏi hồ đó là sẽ thu hút một số lượng lớn người dân tập trung quanh hồ để theo dõi quá trình bắt rùa cũng như quan sát cá thể rùa nếu rùa bị bắt thành công. Những đám đông này cần phải được kiểm soát để đảm bảo ko có ai bị rơi xuống hồ hoặc bị giẫm đạp,…

Xin cảm ơn ông!

Nếu hôm 8/3, chúng ta bắt được rùa ngay từ lần vây bắt đầu tiên, thì quả thật mừng ít lo nhiều. Nếu thật vậy thì quả là rùa đang rất yếu. Và có thể đó là suy nghĩ và dự đoán của một số người hôm đó.

Sự thật thì Rùa Hồ Gươm đã từng sống qua hàng trăm năm, trải qua không ít những mối de dọa khác nhau và vẫn bình yên đến hôm nay, thì những khả năng thóat hiểm, khả năng vượt qua những chướng ngại vật như các lớp lưới như vừa rồi là việc không đến mức khó hiểu.

Ngoài khả năng xé lưới, vượt qua phao hay rúc xuống bùn sâu thoát qua chân lưới kẹp chì để thoát ra ngoài vòng vây có thể chúng ta còn được chứng kiến những khả năng thể hiện sức mạnh kiểu khác của loài rùa này trong lần vây bắt sắp tới. Vì vậy chúng ta cũng phải có những động tác tiếp cận dần dần để rùa từng bước quen với sự tiếp xúc với con người, không cảm thầy bị đe dọa thì sẽ không tìm cách chạy trốn.

Có lẽ chúng ta nên dừng lại khi dẫn được rùa bằng hành lang lưới ống về khu vực có lưới thép bảo vệ quanh Tháp Rùa. Sau đó từng bước tiếp cận bằng thức ăn hay để rùa quen dần với sự có mặt của con người. Sau đó mới tiến hành chuyển rùa vào bể bơi thông minh để chữa bệnh.

Tức là phải thêm một quá trình thuần hóa nữa. Mọi loài vật đều có khả năng nhận biết mối nguy hiểm và làm quen với con người khi chúng không thấy bị đe dọa. Không có ai có sẵn kinh nghiệm thuần hóa rùa, nhưng cách tiếp cận nhẹ nhàng, không gây cho rùa những phản ứng sợ hãi thì sẽ có hy vọng làm quen thành công.

Tháp Rùa ở xa bờ vì thế đám đông người hiếu kỳ trên bờ, nếu chỉ đứng xem đơn thuần thì không gây nên sự kinh động đáng kể đối với rùa, mong là như vậy.

(GS.TS Lê Trần Bình, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội)


Phạm Thịnh (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét