>> Liên minh quốc tế “đồng ý tiếp tục không kích Libya”
Họ đã đưa ra một “tầm nhìn mới” cho tương lai của Libya, mà theo Thủ tướng nước chủ nhà Anh David Cameron, đó là “một khởi đầu mới”. Bản thân Thủ tướng Anh đã nói về một “tiến trình chính trị” và một hiến pháp mới, trong trường hợp ông Gadhafi quyết định ra đi.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh thành tích mà nỗ lực quốc tế đạt được tại Libya, sau 12 ngày “hành động”. Bà cho hay một lệnh ngừng bắn chỉ có thể đạt được “khi các điều kiện nhân đạo được đáp ứng”. Bà cũng cho biết thêm, theo cách hiểu của bà, thì Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hoàn toàn cho phép các nước bên ngoài cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy. Song bà khẳng định một quyết định như thế đến nay vẫn chưa được đưa ra.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cũng cho biết Pháp đã “sẵn sàng thảo luận” về việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy.
Cuộc họp tại London đã công bố sự ra đời của một “nhóm liên lạc”, nhằm điều hành cách hoạt động của liên quân và tư vấn cho người Libya giao chiến trên bộ. Nhóm chính trị này gồm đại diện của 15 quốc gia, Liên hợp quốc, Liên đoàn Ảrập, các quan chức Hồi giáo, EU và Liên minh châu Phi, nhằm “cung cấp một trung tâm...để liên lạc với các bên ở Libya”.
Qatar, một trong 2 đối tác Ảrập trong liên minh, sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên của “nhóm liên lạc”. Tại London, Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jabor al-Thani đã hối thúc ông Gadhafi ra đi và cho rằng đó là “giải pháp duy nhất”. Đó là “giây phút buồn, song là hi vọng cho tương lai”, nhà lãnh đạo Qatar cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ Clinton và người đồng cấp Anh William Hague đã gặp lãnh đạo phe đối lập của Libya Mahmoud Jabril bên lề hội nghị, mặc dù không có bức ảnh nào về sự kiện được công bố. Chủ đề được xem là “nhạy cảm” bởi giới chức Mỹ mới chỉ bắt đầu gặp gỡ và tìm hiểu mục đích của ban lãnh đạo phe đối lập Libya.
Bà Clinton cho hay quan điểm về chính trị, xã hội dân sự của ông Jabril “hoàn toàn giống với những gì mà phe đối lập đã nêu”. Nhưng bà cho biết thêm cho đến tận những ngày gần đây, họ “không có bất kỳ thông tin cụ thể nào” về cái gọi là hội đồng lâm thời, hiện được tập trung chủ yếu ở thành phố Benghazi, miền đông Libya. “Chúng ta vẫn phải tìm hiểu để biết thêm về những người đang lãnh đạo” cuộc chuyển giao.
Phan Anh
Theo CSmonitor
Thứ Hai, 28/03/2011, 11:28 (GMT+7)
Vì sao Mỹ nhường Pháp cuộc chiến Libya?
Tuổi trẻ cuối tuần (TTCT) - Thứ bảy 19-3 từ Brazil, Tổng thống Barack Obama loan báo với dân Mỹ: “Hôm nay tôi đã cho phép quân lực Mỹ bắt đầu một hành động quân sự hạn chế ở Libya... Chúng ta sẽ không phái bộ binh Mỹ đến đấy... Mỹ hành động chung với một liên minh... Liên minh này vừa nhóm họp tại Paris...”.
Lần đầu tiên từ sau Thế chiến thứ nhất, Mỹ không “xồng xộc” nhảy vào một cuộc chiến tranh.
Phi công chiếc Mirage 2000 của Pháp kiểm tra khí cụ tại căn cứ quân sự Solenzara trước khi bay đến Libya làm nhiệm vụ ngày 21-3 - Ảnh: Reuters |
Dân tình ngán chiến tranh
Có nhiều lý do để ông Obama phải “kiêng dè” nhảy vào Libya. Trước hết là dân tình. Hai cuộc chiến dang dở ở Afghanistan và Iraq, trong đó cuộc chiến Afghanistan được gọi là “cuộc chiến của ông Obama”, vẫn chưa hứa hẹn chút ánh sáng cuối đường hầm nào. Báo hại ông Obama phải vừa giải thích vừa thề thốt: “Tôi nhận thức sâu sắc những bất trắc của mọi hành động quân sự dù ta có đặt ra bất cứ giới hạn nào. Tôi muốn dân chúng Mỹ biết rằng việc sử dụng vũ lực không phải là chọn lựa đầu tiên của chúng ta và đó không hề là một chọn lựa nhẹ dạ của tôi”.
Theo một thăm dò được CNN đặt hàng Hãng Opinion Research Corporation Poll thực hiện từ ngày 11 đến 13-3, trả lời câu hỏi về cách thức chính quyền Obama xử lý tình hình tại Libya; có 45% số người tán thành, 40% chê trách và 15% không có ý kiến. CNN thêm câu hỏi sau:
Quý vị có nghĩ rằng nước Mỹ nên nhận vai trò lãnh đạo trong bất cứ cố gắng giải quyết tình hình tại Libya; nên để các tổ chức quốc tế hay đồng minh như Anh, Pháp nhận vai trò lãnh đạo này?
* Nhận vai trò lãnh đạo: 23%
* Nhường cho người khác: 74%
* Không có ý kiến: 4%
Với các kết quả thăm dò dư luận (1) ngày càng xấu đi và nhất là không tán thành chiến tranh đến thế (xem thêm bảng), ông Obama thừa hiểu không nên chọc giận dư luận, nhất là khi ông đang “giải quyết công chuyện” với người mà công luận quốc tế đang không hoan nghênh, bằng cớ là hai nghị quyết liên tiếp 1970 và 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phê phán ông Gaddafi mà ông này tuyệt nhiên không nhận được một bảo vệ nào bằng một lá phiếu phủ quyết.
Tình báo "kỳ đà cản mũi"
Nếu như cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 của tổng thống Bush “con” đã khởi sự với một bản báo cáo tình báo láo về vũ khí hủy diệt hàng loạt bị gán là của ông Saddam Hussein, mà sau này chính ông Bush phải thú nhận rằng “Hối tiếc lớn nhất của cả trào tổng thống của tôi là lỗ hổng tình báo ở Iraq” (2), thì chỉ chín ngày trước khi chiến dịch “Rạng đông của hành trình” khởi sự ở Libya, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã cảnh cáo tiểu ban quân vụ Thượng viện Mỹ rằng “Gaddafi sẽ chiến thắng”.
Fox News công bố thăm dò dư luận do hai hãng Anderson Robbins Research và Shaw & Company Research thực hiện từ ngày 14 đến 16-3 như sau: - Quý vị tán thành hay không tán thành cách thức chính quyền Obama đang xử lý tình hình tại Libya?
|
Chính giới Mỹ đã “rủa” thậm tệ viên sếp tổng quản mọi cơ quan tình báo Mỹ. Báo Mỹ thuật lại: chỉ vài giờ sau khi đưa ra các nhận xét đó, Clapper đã bị “đóng đinh”. Đầu tiên, nghị sĩ Lindsay Graham, thành viên tiểu ban quân vụ, yêu cầu Clapper từ chức. Nghị sĩ Graham nói thẳng vào mặt sếp tình báo: chỉ cần ba cuộc không kích là ông sẽ biến ngay khỏi đó thôi”.
Một thành viên tiểu ban tình báo Hạ viện, dân biểu Adam Schiff, nói rằng Clapper “đã gửi đi một thông điệp kinh hoàng đến những ai đang muốn đánh đấm với Gaddafi vào lúc này”. Lát sau, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Tom Donilon họp báo và kịch liệt bác bỏ quan điểm của Clapper về Libya: “Tôi không nghĩ rằng đó là một phân tích chứa đựng đầy đủ thông tin nhất. Tôi nghĩ phân tích đó cần rộng hơn và đa chiều hơn” (3).
Thế nhưng không một tổng thống hay một lãnh đạo quốc hội nào dám quyết định ngược lại những báo cáo tình hình của tình báo. Nhất là khi chính cố vấn trưởng chống khủng bố của Tổng thống Obama là John O. Brennan mới hôm thứ sáu tuần trước còn cảnh báo nguy cơ sẽ bị các tổ chức khủng bố thân ông Gaddafi “xử”: “Chúng ta cần dự kiến và chuẩn bị đối phó những gì Gaddafi có thể làm”.
Cố vấn Brennan cho biết trong những tuần qua, các cơ quan tình báo Mỹ đã cộng tác với các cơ quan tình báo Ả Rập nhằm chống đỡ một loạt âm mưu khủng bố tại các nước này (4). Muốn hay không muốn, vụ khủng bố ngày 21-12-1988 khiến một chiếc Boeing 747 của Hãng hàng không Mỹ Pan Am nổ tung trên bầu trời Lockerbie (Scotland) làm chết toàn bộ 259 người trên máy bay cùng 11 người dưới đất là một kỷ niệm kinh hoàng, cho dù sau này Quỹ Gaddafi đã chịu bồi thường! Coi như cuộc chiến Libya đã bị tình báo “kỳ đà cản mũi” từ trong trứng nước.
Thật ra, những e ngại của bộ máy tình báo - an ninh Mỹ chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Cả một “cỗ máy” mang tên Hội đồng đối ngoại (Council on Foreign Relations - CFR) vốn bao gồm các cựu lãnh đạo, quan chức ngoại giao, các nhà nghiên cứu hàng đầu, từ đầu tháng 3 đã cảnh báo mọi “đụng độ” trực tiếp với ông Gaddafi, trong đó nổi bật bài “Chớ sử dụng lực lượng Mỹ tại Libya!” (5) của chủ tịch danh dự CFR Leslie H. Gelb.
Trong bài, ông Leslie H. Gelb lập luận: “Không ai biết được các biến cố ở Libya hay ở đâu đó tại Trung Đông sẽ diễn biến ra sao. Chọn lựa an toàn và ý nghĩa nhất là tiếp tục phong tỏa tài sản của Libya tại Mỹ; cung cấp viện trợ nhân đạo ồ ạt cho người tị nạn; nhường mọi hành động quân sự và hỗ trợ quân sự cho Liên hiệp châu Phi, Liên đoàn Ả Rập, châu Âu... Cho dù Anh và Pháp có kiếm được một “vùng cấm bay” được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn, Washington không chống mà cũng không tham gia. Hãy nhớ rằng Libya không hề là một lợi ích chiến lược của Washington.
Chỉ một lý do cũng đủ: Libya chỉ sản xuất 1% lượng dầu hỏa thế giới hằng ngày tiêu thụ, đâu có đáng phải chiến đấu!”.
Nhường ông Sarkozy "vinh dự" khai chiến!
Trong bối cảnh đó, Anh và Pháp nổi lên như là những lãnh đạo sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tiềm năng, nhất là sau nghị quyết 1970 mà toàn thể Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua cấm ông Gaddafi và gia đình cùng một số quan chức Libya di chuyển ra nước ngoài, phong tỏa tài sản, giao cho tòa án hình sự quốc tế điều tra các tố cáo tội ác... Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngay từ ngày 10-3 đã nhanh chóng công nhận Hội đồng dân tộc Libya, tức phe nổi dậy, như là đại diện chính đáng của Libya.
Ông Sarkozy không cô độc. Cũng hôm 10-3, Thủ tướng Anh Cameron đã cùng ông đứng tên một lá thư gửi Liên hiệp châu Âu kêu gọi “tiến hành các biện pháp khiến Mouammar Gaddafi và băng đảng phải ra đi”. Một tuần sau, nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép thiết lập một “vùng cấm bay” ở Libya, tức cấm không quân Libya không được cất cánh, tuy chỉ được mười nước trong Hội đồng Bảo an nhất trí (năm nước bỏ phiếu trắng là Ấn Độ, Brazil, Đức, Nga và Trung Quốc), song cũng không bị phủ quyết hay phiếu chống nào.
Vừa ký xong ngày 17-3, hai ngày sau Tổng thống Sarkozy đã chủ trì “Hội nghị thượng đỉnh hậu thuẫn nhân dân Libya” tại điện Elysée với sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, các lãnh đạo khác, kể cả thủ tướng Đức, nước bỏ phiếu trắng nghị quyết 1973. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hiện diện tại hội nghị này thay Tổng thống Obama công du Brazil, bất kể việc Brazil bỏ phiếu trắng nghị quyết 1973 trong khi Mỹ bỏ phiếu thuận! Ông Obama chọn lựa chuyến công du này và chỉ can thiệp từ xa là đáp ứng dân tình và lợi ích Mỹ, đồng thời là một nghĩa cử dành cho ông Sarkozy.
Lần đầu tiên từ sau Thế chiến thứ nhất, Pháp dẫn đầu một hành động quân sự quốc tế. 15g30 ngày thứ bảy 19-3, Tổng thống Sarkozy trịnh trọng loan báo trước các nhà lãnh đạo khác của châu Âu, Ả Rập cùng Bắc Mỹ nhóm họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Paris hậu thuẫn dân chúng Libya tại điện Elysée: “Xuất phát từ thỏa thuận chung... ngay trong lúc này, máy bay của chúng tôi đã và sẽ chống lại mọi tấn kích... đe dọa thường dân”. Tổng cộng khoảng 20 chiếc Mirage và Rafale của không quân Pháp đã khởi sự tấn công vào lúc 17g45, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Pháp.
Ngày hôm sau chủ nhật 20-3, ở vòng 1 cuộc bầu cử cấp tỉnh tại Pháp, đảng cực hữu Mặt trận dân tộc vượt 15% tổng số phiếu, sát nút liên minh cầm quyền của Tổng thống Sarkozy. Trước đó hai tuần, một thăm dò dư luận cho thấy đảng trưởng đảng này, Marine Le Pen, sẽ về đầu ở vòng 1 bầu cử tổng thống 2012, qua mặt cả lãnh đạo Đảng Xã hội Martine Aubry lẫn Tổng thống Sarkozy.
DANH ĐỨC
__________
(1) http://www.pollingreport.com/libya.htm
(2) http://www.guardian.co.uk
(3) http://www.chicagotribune.com/news/nationworld/sc-dc-0311-clapper-20110310,0,1380828.story
(4) “US Fears Gaddafi Terror Attacks”, New York Times March 18, 2011
(5) “Don’t use U.S. Force in Libya!”, CFR March 8, 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét