Iran “bắn ngư lôi” vào các cường quốc?


Cập nhật lúc 11h15" , ngày 24/08/2010
Nhà máy hạt nhân Bushehr.

(VnMedia) - Sự kiện Iran chính thức khánh thành nhà máy hạt nhân đầu tiên hôm 21/8 chẳng khác gì một quả ngư lôi được bắn thẳng vào các cường quốc, trong bối cảnh những nước này đang gia tăng sức ép buộc Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân. Đây cũng là một dấu hiệu chứng tỏ những biện pháp trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên Iran chẳng có tác dụng gì.

Nhà máy hạt nhân đầu tiên và sự thách thức của Iran

Sau 12 năm trì hoãn, cuối cùng nhà máy hạt nhân đầu tiên của Iran ở thành phố Bushehr cũng được khánh thánh hôm thứ Bảy (21/8). Như vậy, Tehran đã hoàn thành mục tiêu mà họ chờ đợi từ lâu nay. Trước đó, mục tiêu này tưởng như không thể thực hiện vì một loạt những lần trì hoãn vì lý do tài chính và những cản trở từ phía Mỹ và Israel. Washington và Tel Aviv đã nhiều lần thuyết phục Moscow ngừng giúp Iran xây dựng nhà máy hạt nhân Bushehr cho đến khi nước này chấm dứt chương trình hạt nhân đầy tranh cãi theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã liên tục nhắc lại quan điểm của Washington cho rằng, nhà máy Bushehr chỉ nên tồn tại khi Iran tái bảo đảm với thế giới là họ sẽ không làm giàu uranium hoặc thay đổi cách cư xử như kết quả của các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, trong mọi hành động, Iran vẫn tỏ ra thách thức các cường quốc trong vấn đề hạt nhân của nước này. Ông Alaedin Boroujerdi, Chủ tịch Uỷ ban Anh ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran, gần đây thẳng thừng tuyên bố: “Vấn đề làm giàu uranium và an ninh quốc gia có liên quan chặt chẽ đến nhau”. Nói cách khác, việc ngừng làm giàu uranium sẽ gây ra nguy cơ về mặt an ninh đối với quốc gia Hồi giáo Iran.

"Người Nga đã chứng tỏ họ là những người đáng tin. Điều này có thể sẽ tạo ra bước ngoặt trong việc hàn gắn quan hệ giữa hai nước để sao cho chúng ta có thể tận dụng tốt hơn tiềm năng phát triển lợi ích của mỗi nước,'' ông Boroujerdi phát biểu.

Từ lâu, các cường quốc do Mỹ dẫn đầu và Iran luôn tỏ ra ngờ vực mục đích thực sự trong chương trình hạt nhân của Iran. Họ cáo buộc Tehran đang theo đuổi mục tiêu sản xuất vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, Iran luôn phủ nhận điều này. Dù vậy, các cường quốc vẫn liên tiếp dùng mọi biện pháp từ thuyết phục đến trừng phạt và đưa ra những gói biện pháp khuyến khích nhằm ép Tehran từ bỏ các tham vọng hạt nhân. Đáp lại, Iran vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của nước này.

Trước sự thách thức của nước CH Hồi giáo, mới đây, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rồi sau đó là đến Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Canada lần lượt thông báo các biện pháp mới hà khắc hơn nhằm vào Iran. Với 4 gói biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cùng với một loạt các biện pháp trừng phạt khác của Mỹ, EU và Canada, một số người hy vọng Tehran sẽ khuất phục. Và câu trả lời của Iran là sự kiện khánh thành nhà máy hạt nhân đầu tiên của nước này kèm theo một loạt các động thái phô trương sức mạnh quân sự khác.

Phô trương sức mạnh quân sự

Trong thời gian ngắn gần đây, để đối phó với khả năng có thể xảy ra các cuộc tấn công từ bên ngoài vào các cơ sở hạt nhân của mình (một trong những sự lựa chọn mà các cường quốc đang đặt lên bàn để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran), Tehran liên tục có các động thái phô trương sức mạnh quân sự của nước này. Đầu tiên, Iran trình làng một loại máy bay ném bom tầm xa không người lái được Tổng thống Mahmud Ahmadinejad ví là “Sứ giả của Thần chết đối với các kẻ thù của Iran”. Sự kiện này diễn ra đúng một ngày sau khi Tehran khánh thành nhà máy hạt nhân Bushehr.

Chiếc máy bay ném bom không người lái dài 4m có tên Karrar có thể mang tới 4 tên lửa hành trình, hoặc 2 quả bom mỗi quả nặng 113kg, bay với vận tốc 900km/h và có tầm bay khoảng 1.000km.

Mới hôm qua (23/8), Iran đã khánh thành các dây chuyền sản xuất hai loại tàu tấn công cao tốc trang bị tên lửa có tên là Seraj và Zolfaghar. Theo đài truyền hình vệ tinh địa phương Press TV, phiên bản mới của tàu Zolfaghar có khả năng phóng tên lửa và có thể tấn công nhanh ở những con sóng có độ cao trung bình là 1,21m, trong khi tên lửa được lắp đặt trên những chiếc tàu loại này có thể làm việc hiệu quả ở những con sóng có độ cao 1,25m. Ngoài các tên lửa, tàu Zolfaghar còn được trang bị súng máy.

Trong khi đó, Seraj là loại tàu cao tốc được trang bị các thiết bị viễn thông, điện tử hiện đại và có bệ phóng tên lửa ứng dụng công nghệ cao. Tàu này được thiết kế cho những khu vực có điều kiện thời tiết nhiệt đới.

Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng Quốc phòng Iran – Thiếu tướng Ahmad Vahidi cho biết, các tàu cao tốc mới giúp củng cố sức mạnh quốc phòng của Iran và sẽ được triển khai nhằm đảm bảo an ninh cho các vùng Vịnh Persia, Vịnh Oman và Eo biển Hormuz. Theo ông Vahidi, cả hai loại tàu nói trên đều được thiết kế nhằm tiến hành các cuộc tấn công nhanh chóng và ngay lập tức vào các tàu thuyền của kẻ thù.

Ngoài những động thái trên, Tehran cũng tiết lộ một loạt chương trình phát triển vũ khí như sản xuất tàu ngầm hay tên lửa đất đối đất Qiam 1. Qiam, 1 là loại tên lửa có tốc độ nhanh, tránh được hệ thống radar và có thể “được phóng đi từ các loại bệ phóng khác nhau".

Iran còn tìm cách xâm nhập vào thị trường vũ khí toàn cầu với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí. Theo Thiếu tướng Vahidi, Iran hiện giờ đã có thể xuất khẩu vũ khí sang khoảng 50 nước.

Dù Tehran nhấn mạnh việc họ phát triển khả năng quân sự chỉ nhằm phục vụ các mục đích phòng vệ nhưng các động thái trên của Iran là một dấu hiệu khác chứng tỏ sự thách thức của nước này đối với các cường quốc.

Tuy nhiên, song song với những động thái cứng rắn đầy thách thức, Iran cũng đã tỏ ra khôn ngoan khi thể hiện một số dấu hiệu linh hoạt trong đàm phán hạt nhân nhằm giảm nhẹ phản ứng từ các nước phương Tây đối với Moscow. Từ đó, Iran hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của Nga.

Một trong những dấu hiệu thể hiện sự linh hoạt của Iran là việc một số chính khách nước này, trong đó có ông Ali Akbar Velayati, cố vấn của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đã bày tỏ sự sẵn sàng tham gia đàm phán hạt nhân với Washington trong khuôn khổ Nhóm Vienna (gồm Mỹ, Nga, Pháp và Cơ quan năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA) hoặc khuôn khổ Iran với 6 cường quốc (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức). Dù vậy, theo các nhà phân tích, vẫn chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ cuộc khủng hoảng hạt nhân mang tên Iran sẽ sớm được giải quyết.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét