Mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng - Chính trị - VietNamNet

,

- Nhiều mái đầu bạc đã gặp lại nhau trong căn phòng nhỏ ở số 30 Hoàng Diệu - Hà Nội sáng nay (23/8) cùng ôn lại những kỷ niệm cũ về "anh Văn" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tham dự cuộc gặp mặt của những người từng làm việc trong Văn phòng Đại tướng còn có các nhà sử học và những người bạn thân thiết với gia đình.

Người dẫn đường

Là thư ký đảm trách giúp việc về khoa học, giáo dục cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời kỳ 1976 - 1989, đại tá Nguyễn Ngọc Thanh tha thiết mong lịch sử đánh giá đúng vai trò của Tướng Giáp đối với nền khoa học nước nhà.

Mô tả ảnh.
Tướng Giáp cùng các cộng sự nghỉ ngơi bên bờ suối. Ảnh tư liệu của Đại tá Nguyễn Huy Toàn

Ông Thanh nhớ lại, ngay khi Đại tướng được giao phụ trách khoa học, kỹ thuật, nhiều nhà khoa học, trong đó có GS Hoàng Tụy đã thẳng thắn bày tỏ băn khoăn, không hiểu rồi vị nguyên soái lẫy lừng trong quân đội có tiếp tục "lập chiến công" trên mặt trận khoa giáo mới hay không.

"Và rồi chỉ 5, 6 năm sau, nhiều người đã phải công nhận rằng, ở Đại tướng có tầm nhãn quan chiến lược về khoa học, qua những công văn, nghị quyết và ý kiến gửi lên Bộ Chính trị và Chính phủ, quyết sách về nhiều vấn đề quan trọng", ông Thanh nói.

Như nguyên Viện trưởng Viện năng lượng hạt nhân Đà Lạt Phạm Duy Hiển chia sẻ, chúng ta vẫn chưa đúc kết được công lao Đại tướng trong phát triển của khoa học, giáo dục nước nhà.

Không có điều kiện dự cuộc họp mặt, GS Hoàng Tụy gửi lời nhắn mong chuyển tới Đại tướng: "Tôi luôn nhớ lời hứa với Đại tướng là làm sao cho nền khoa học, giáo dục Việt Nam đạt tới đỉnh cao trí tuệ. Tôi sẽ phấn đấu nốt phần đời còn lại của mình cho mục tiêu này. Hiện tượng Ngô Bảo Châu khẳng định thành công của trí tuệ Việt Nam chứ không phải thành công của nền khoa học - giáo dục Việt Nam".

Với nhiều người, Tướng Giáp không chỉ "đóng đinh" trong huyền thoại ở vị trí người anh cả của quân đội mà với sự quan tâm, trăn trở cho vận nước, ông còn hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác của đời sống.

Thành viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương Lê Trọng Nghĩa run run xúc động: "Tôi vẫn thấy trong thời kỳ đấu tranh xây dựng đất nước hoà bình, đấu tranh cho tự do, dân chủ hiện nay hình ảnh anh Văn. Vẫn thật cao quý, đáng trân trọng. Vị tướng kiệt xuất của quân đội, giờ đây vẫn đang đứng cạnh chúng ta trong cuộc đấu tranh mới xây dựng tự do, dân chủ".

Nhà thơ Việt Phương nói với sang: "Không chỉ đứng cùng chúng ta mà vẫn dẫn đường chúng ta".

"Người có công với Hoàng thành Thăng Long"

Câu chuyện miên man không dứt khi nhà sử học Phan Huy Lê kể lại những "duyên nợ" của Tướng Giáp - Chủ tịch danh dự Hội sử học Việt Nam - với những người làm sử.

Mô tả ảnh.
GS Phan Huy Lê: "Ông là vị tướng hiếm hoi không chỉ có binh nghiệp lừng lẫy mà còn soạn binh thư hiện đại"

"Cả thế giới đều nói ông đã đi vào lịch sử bằng tài năng nhân cách, thiên tài quân sự, nhà văn hóa lớn. Nhưng tôi muốn nói ở khía cạnh sử học, hiếm có vị tướng nào trên thế giới vừa có binh nghiệp lẫy lừng vừa soạn được những cuốn binh thư hiện đại, tổng kết về lý luận", ông Phan Huy Lê khẳng định.

Vị tướng huyền thoại, trong suốt quá trình chỉ huy cuộc kháng chiến đã vừa làm sử, tham gia vào lịch sử lại vừa viết sử, những trang sử sống động.

Theo GS Phan Huy Lê, lịch sử quân sự Việt Nam chỉ có hai pho "binh thư", của Trần Quốc Tuấn và Võ Nguyên Giáp.

Theo tin từ Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiều nay, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tới mừng thọ Đại tướng.
Cũng theo ông Lê, với tác phong, tư duy chiến lược, Đại tướng đã có nhiều cống hiến lớn lao cho nền sử học Việt Nam, với nhiều ý kiến xác đáng giúp các nhà sử học biên soạn sách về lịch sử chống ngoại xâm, các trường phái quân sự Việt Nam, về Nguyễn Trãi...

Một kỷ niệm đáng nhớ về tác phong nghiêm ngặt, chuẩn mực của ông, đó là khi ý kiến "chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm đã có từ thời Trần" gây tranh cãi, thì Đại tướng đề nghị các nhà sử học phải đi tìm cứ liệu để chứng minh.

Quả thật, các sử gia đã tìm được từ "dân binh" được dùng dưới thời nhà Trần, để nói về lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tướng cũng đề nghị những người làm sử phải tìm trong ngôn ngữ từng thời kỳ để thấy nghệ thuật quân sự, vai trò của người dân trong các cuộc chiến tranh.

Ông cũng không hài lòng việc các dịch giả diễn giải chữ "manh lệ" (dân cày, tôi tớ, nô lệ) trong "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi thành chữ "dân nghèo". Bởi chữ dân nghèo không nói hết được sự tham gia của người dân. Tướng Giáp cũng đưa ra nhiều kiến nghị mong vực dậy nền sử học nước nhà.

GS Phan Huy Lê cũng tin tưởng rằng vị tướng huyền thoại sẽ không thể không tham gia Đại lễ 1.000 năm Thăng Long sắp tới đây. Bởi, ông là người có công lao cực kỳ lớn trong bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, ở giai đoạn đầu tiên khó khăn nhất để giữ gìn di sản, từ đó mới có căn cứ lập hồ sơ.

Theo ông Phan Huy Lê, "Đại tướng vẫn quan tâm tới các vấn đề thời sự, tới vận mệnh dân tộc, di sản văn hóa dân tộc".

Ngoài lẵng hoa tươi, Hội Sử học cũng gửi tặng gia đình Đại tướng cuốn sách viết về 59 vị nguyên soái huyền thoại trong lịch sử 2.500 năm của thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người Việt Nam duy nhất, cũng là người duy nhất còn sống có mặt trong cuốn sách này.

Mô tả ảnh.
Phu nhân Đại tướng (bên phải) rưng rưng: "Gặp lại các anh hôm nay, tôi như thấy lại các thời đại"

Mô tả ảnh.
Ông Dương Trung Quốc thay mặt Hội sử học tặng gia đình cuốn sách về 59 vị tướng huyền thoại

Mô tả ảnh.
Ông Phạm Khắc Lãm (phải) kể về một quyết định lui quân của Tướng Giáp: "Một vị tướng hô tiến công khi xông lên không quan trọng bằng một vị tướng hô rút quân khi thấy quân có thể tổn thất lớn. Đó là lòng thương người"

Mô tả ảnh.
Đại tá Nguyễn Huy Toàn tặng lại gia đình Đại tướng bức ảnh Đại tướng bên bờ suối

  • Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng

  • ập nhật cách đây 13 giờ 23 phút

Tướng Giáp - những ấn tượng khó quên

Nhà báo, sử gia Stanley Karnow là người Mỹ đã phỏng vấn độc quyền đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chiến tranh VN - cuộc trò chuyện thẳng thắn về những cuộc chiến tại VN trên tờ New York Times năm 1990 với tựa đề “Ký ức của tướng Giáp”.

1062182640_ImageView_aspx_ThumbnailID_44
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Điện Biên Phủ vào tháng 4-1994 - Ảnh: Catherine Karnow

Ông bảo đến giờ vẫn còn nhớ như in ngày ông ngồi trong một căn phòng kiểu cổ ở Hà Nội và nghe tướng Giáp, con người huyền thoại vẫn còn bí ẩn với thế giới phương Tây, nói về chiến thắng thần kỳ của ông và dân tộc VN trước những cuộc chiến đầy bi kịch trong lịch sử nhân loại. Stanley Karnow đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện nhân dịp sinh nhật đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911-25-8-2010).

* Lần đầu tiên ông phỏng vấn đại tướng Võ Nguyên Giáp là khi nào?

- Lần đầu tiên tôi gặp ông là sau chiến tranh, khoảng năm 1990. Bởi vì trong suốt thời chiến người Mỹ không thể đến miền Bắc VN. Chúng tôi gặp nhau tại một tòa nhà kiểu cổ ở Hà Nội, gần khách sạn của tôi. Chúng tôi nói chuyện, sau đó tôi đến thăm nhà ông, gặp vợ ông và vài người thân khác trong gia đình ông.

777057895_ImageView_aspx_ThumbnailID_44
Nhà báo, sử gia Stanley Karnow - Ảnh: Catherine Karnow

Stanley Karnow là trưởng phân xã của tạp chí Time - Life tại châu Á trong thời chiến tranh VN. Từ năm 1959, ông đã đi, về VN rất thường xuyên trong những biến động chính trị và xã hội.

Ông là nhà báo đầu tiên viết về người lính Mỹ đầu tiên chết tại VN. Ông tường thuật khoảnh khắc chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ và cái chết của ông Diệm. Ông là phóng viên chính tường thuật cho một loạt phim tài liệu truyền hình: VN - thiên lịch sử truyền hình, giải mã cuộc chiến VN từ hai phía với những phỏng vấn nổi tiếng cùng các tướng lĩnh hàng đầu ở cả hai bên. Loạt phim truyền hình này đoạt sáu giải Emmy.

Ông là tác giả cuốn sách Vietnam: a history (Việt Nam: một lịch sử). Ông tường thuật cuộc chiến VN từ 1959-1974 với tư cách là một nhà báo và sử gia.

Sau chuyến đi này tôi đã viết một bài lớn cho tờ New York Times về ông và sử dụng các nghiên cứu đó cho một phần trong quyển sách của mình sau này. Tôi đã nghiên cứu để biết về chiến tranh, về vai trò của ông lúc ông bắt đầu tham gia lãnh đạo Việt Minh... Tôi và ông Giáp nói chuyện với nhau và thực hiện cuộc phỏng vấn bằng tiếng Pháp vì ông tỏ ra đặc biệt thông thạo ngôn ngữ này.

* Ông có bao giờ biết tại sao tướng Giáp lại đồng ý để ông - một người Mỹ - phỏng vấn vào giai đoạn mới vừa mở cửa không?

- Tôi nghĩ chắc vì ông đã đọc quyển Việt Nam: một lịch sử của tôi. Khi tôi ngỏ ý muốn được phỏng vấn ông đã chấp nhận. Ông đã dành thời gian kể cho tôi nghe về Điện Biên Phủ, bằng cách di chuyển những ly tách và vật dụng đặt trên bàn ăn của chúng tôi.

Việc được gặp và phỏng vấn tướng Giáp là một điểm quan trọng thường được nhắc tới trong sự nghiệp báo chí và sử học của tôi.

* Có bất cứ thay đổi nào trong quan điểm của ông về cuộc chiến tranh sau khi ông trò chuyện với tướng Giáp?

- Tôi thật sự nghĩ rằng người Mỹ đã sai khi thực hiện cuộc chiến VN. Người Mỹ không có bất cứ một cơ hội nào có thể thắng tại đây. Đó cũng là chủ đề trong quyển sách của tôi. Khi nhìn lại tất cả, tôi thấy cuộc chiến là một bi kịch. Khoảng 60.000 người Mỹ chết và mất tích. Quá nhiều người VN chết. Quá nhiều gia đình VN mất người thân và bị nhiễm chất độc da cam.

Bất kể hoàn cảnh thế nào, tướng Giáp tỏ ra vô cùng kiên quyết. Và khi tôi hỏi ông: “Hãy giúp tôi hiểu vì sao không có một cơ hội nào cho người Mỹ thắng cuộc chiến này?”, ông đã trả lời: “Bởi vì chúng tôi luôn kiên định và luôn sẵn sàng chiến đấu vượt qua mọi hoàn cảnh”.

* Tướng Giáp có bao giờ nói với ông về cái giá con người phải trả trong cuộc chiến không?

- Ông kể nhiều về những nghĩa trang liệt sĩ, nơi chôn những binh lính chết trận và những bia mộ màu trắng ở đó. Có rất nhiều nghĩa trang có bia mộ màu trắng nhưng bên dưới không có thi thể hay tro cốt của ai cả. Đó là những ngôi mộ gió của những người lính đã chết trận tại miền Nam chưa tìm được dấu tích. Chúng ta có thể hiểu rằng khi một cuộc chiến diễn ra thì luôn có những hi sinh đau lòng.

Tướng Giáp không bao giờ nói với tôi về con số cụ thể người VN chết trong chiến tranh. Ông luôn nhắc lại rằng đó là một tổn thất lớn, nhưng cũng như ông ấy nói sẽ có những sự sống phải hi sinh vì cái quyết định phải chiến thắng đến cùng trong cuộc chiến ấy. Tôi đã nghe ông ấy nói và rất hiểu... Vào thời điểm đó mọi chuyện không thể khác được.

Tôi không có bất cứ phán xét nào về ý niệm đó. Chính tôi cũng là người lính trong Chiến tranh thế giới thứ hai khi tôi 18, 19 tuổi. Tôi đã tường thuật cuộc chiến ở Algeria. Tôi đã quan sát nhiều cuộc chiến trong suốt cuộc đời mình, để hiểu rằng số người phải chết cho tất cả những hành vi chiến tranh đó thật khủng khiếp.

* Tại sao ông viết về tướng Giáp là “người ngang hàng với những Grant, Lee, Rommel và MacArthur trong ngôi đền vinh danh các lãnh đạo quân sự thế giới”?

- Tôi đề cập rất nhiều vị tướng trong tác phẩm của mình để so sánh với ông. Ông đã kể tôi nghe về việc ông phải đối mặt với người Pháp từ năm 1946. Người Pháp bắt đầu tăng lực lượng của họ lên dữ dội. Khi ông Giáp nói với tôi về tướng Jean de Lattre de Tassigny của Pháp tại VN, ông vô cùng tự hào. Đó là một trong những vị tướng quan trọng nhất của người Pháp. Tướng Giáp tự hào vì mình đã thật sự đối mặt với vị tướng này trong chiến tranh. Ông làm tôi nhớ đến những vị tướng khác trong lịch sử.

Khi tướng Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, có một số cố vấn người nước ngoài luôn kề bên ông. Họ chỉ dẫn ông phải làm cái này, cái kia, phải điều khiển chiến dịch thế này, thế khác. Tướng Giáp bảo ông luôn lắng nghe những gì mà các cố vấn ấy nói, để rồi ông không ngủ được suốt cả đêm dài, phải quyết định cái gì là điều đúng đắn thật sự cần làm. Sáng hôm sau ông tự quyết định bài bố lại chiến dịch theo ý mình.

Ông đã ra lệnh phải đào sâu vào lòng đất để tiến vào trung tâm. Người Pháp không bao giờ tưởng tượng tướng Giáp có thể đưa đại bác lên các đỉnh đồi, sau đó chiến thắng với ít tổn thất nhất, và đó là một trong những chiến thắng đặc biệt nhất của cuộc đời tướng Giáp. Đó là lý do tại sao tôi so sánh ông, trận đánh lịch sử của ông với những vị tướng nổi tiếng khác trên thế giới.

* Điều gì làm ông nhớ nhiều nhất đến tướng Giáp?

- Ông là một người đàn ông lịch thiệp, luôn có chút hài hước khi trò chuyện. Ông ấy đặc biệt thông minh và có một kiểu bặt thiệp “rất Pháp”. Nhân dịp sinh nhật của ông, cho tôi gửi đến tướng Giáp lời chúc mừng sinh nhật của tôi và Catherine, con gái tôi, người từng phỏng vấn và có rất nhiều kỷ niệm đẹp về ông.

Gặp mặt những người cộng sự và giúp việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sáng nay (23-8), tại nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ diễn ra cuộc gặp mặt giữa những người cộng sự và người giúp việc của đại tướng suốt nhiều năm qua.

Đây là cuộc gặp gỡ thường niên, mang đậm tính chất tình cảm, do văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình ông tổ chức, để các thế hệ cộng sự và người giúp việc đại tướng gặp gỡ, thăm hỏi, chia sẻ tình cảm nhân dịp sinh nhật vị tướng vĩ đại.

Tin từ gia đình đại tướng cho biết dự kiến có khoảng 30 người là các sĩ quan thuộc văn phòng Tổng quân ủy trước đây, Văn phòng đại tướng, Cục Tác chiến, các trợ lý và thư ký qua các thế hệ của đại tướng. Đặc biệt, còn có GS Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc - chủ tịch và tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử - mà đại tướng là chủ tịch danh dự, cùng một số người đã tham gia ghi chép trong các cuốn hồi ký của đại tướng và các cuốn sách ông viết về tư tưởng Hồ Chí Minh.


Theo Tuổi Trẻ Online


"Vị lãnh tụ tối cao, vị nguyên thủ quốc gia cao tuổi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân ra tiền tuyến cùng quân dân đánh giặc xâm lăng. Thật là xưa nay hiếm!". Đó là câu trả lời của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An trả lời nhà báo Trần Đương khi được hỏi cảm tưởng của người nghệ sĩ về những bức ảnh Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới (1950). Thoáng cái đã 60 năm qua đi, những nhân chứng trong những bức ảnh Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới phần nhiều đã thành người thiên cổ, chỉ còn Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đang ở tuổi đại thọ 100 năm.

Trong gia tài nghệ thuật nhiếp ảnh của Vũ Năng An đưa ông đến với giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt đầu tiên (1996), có bức ảnh nổi tiếng: "Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê", đã được nhiều người biết đến. Duy có câu chuyện về phút ngả lưng trên đường đi chiến dịch Biên giới (1950) giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thì cứ cuốn tôi mãi…

Mùa xuân năm 1950, sau 4 năm kháng chiến gian khổ, quân dân ta đã vươn lên chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Quyền chủ động trên chiến trường đã không còn thuộc về quân đội Pháp. Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định mở thông biên giới phía Bắc để nối liền căn cứ địa kháng chiến với bạn bè quốc tế.

…Cuối tháng 7, trước khi lên đường đi chiến dịch, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từ Điềm Mặc sang Tân Trào báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh để lên đường. Khi chia tay, Bác nói: "Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua!". Đồng thời Bác hẹn cuối tháng Tám hoặc đầu tháng Chín sẽ có mặt ở Cao Bằng. Nghe Cụ nói xong, anh Văn vui mừng khôn xiết. Sự có mặt của Cụ là một nguồn động viên vô giá đối với toàn quân. Nhưng ngay sau đó là một nỗi lo: Lãnh tụ tối cao ra tận nơi mũi tên hòn đạn là chuyện hiếm thấy. Phải làm sao bảo đảm bí mật, an toàn cho chuyến đi của Cụ ra mặt trận.

Một ngày đầu tháng 9 năm 1950, từ ngôi nhà sàn tre nứa cạnh bản Khuân Tác, ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Bác Hồ đã lên đường đi chiến dịch. Cùng với đoàn tùy tùng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An được cử đi chụp ảnh Bác Hồ suốt dọc đường hành quân ra trận...

Trong khi Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập cuộc họp cán bộ chỉ huy từ trung đoàn trở lên thông qua kế hoạch đánh Đông Khê lần cuối, làm đột phá khẩu mở màn, thì Bộ Chỉ huy nhận tin Cụ Hồ đã đến Sở Chỉ huy ở Tả Phầy Tử. Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp vội lên ngựa đi đón.

Chiều hôm đó, khi nghe Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo phương án tác chiến mới của Bộ chỉ huy chiến dịch: mở đầu bằng tiêu diệt Đông Khê, tiếp theo là diệt quân viện, đánh Thất Khê, cuối cùng là tập trung lực lượng giải phóng Cao Bằng, Cụ gật đầu, vừa giơ từng ngón tay vừa nhắc lại: "Một là đánh Đông Khê, hai là đánh quân tiếp viện, ba là đánh Thất Khê, bốn là đánh Cao Bằng, tất cả là bốn bước... Đông Khê không lớn. Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu, nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê, Cao Bằng sẽ hoàn toàn chơ vơ. Địch buộc phải cho quân ứng cứu, bộ đội sẽ có cơ hội tiêu diệt chúng trong vận động. Quân ứng cứu địch đã tan thì khó giữ nổi Cao Bằng; chúng rút khỏi Cao Bằng, ta đánh càng thuận lợi".

Chiều hôm sau, Hồ Chủ tịch đến thăm và động viên cán bộ đang dự hội nghị. Sự có mặt của Cụ là một điều bất ngờ lớn, đồng thời cũng là một nguồn động viên vô giá đối với mọi người. Bằng cách nói giản dị, Cụ nhắc lại vì sao thay đổi kế hoạch tác chiến: "…Trong quân sự phải kiên quyết và bạo dạn. Bạo dạn, dũng cảm không phải là liều. Liều là dại. Dũng cảm là khôn. Không phải chỉ một người kiên quyết và bạo dạn, mà phải toàn bộ, tất cả mọi người. Muốn toàn bộ kiên quyết, dũng cảm thì phải có kỉ luật. Kỉ luật là động lực giữ sức mạnh cho bộ đội...".

Ngày 18/9/1950, mắt xích Đông Khê bị chặt đứt, trận mở màn thắng lợi! Địch chết và bị bắt 300 tên. Một số chạy thoát về Thất Khê. Ta thu toàn bộ vũ khí. Giải phóng xong Đông Khê, trong mệnh lệnh tác chiến số 4 đề ngày 21/9, Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp nhận định: Địch sẽ đưa quân, từ 2 đến 3 tiểu đoàn bộ binh từ Thất Khê kết hợp với khoảng 1 tiểu đoàn quân dù, chiếm lại Đông Khê. Đại tướng lệnh cho bộ đội triển khai trận địa sẵn sàng đánh quân tăng viện của địch.

Phút giải lao của Bác Hồ và Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Biên giới (1950). Ảnh: Vũ Năng An.

Theo đúng mệnh lệnh, các đơn vị nhanh chóng triển khai đội hình đánh viện binh. Đã gần một tuần mà vẫn không thấy bóng địch. Gạo trong kho hậu cần cạn dần. Đại tướng Trần Canh - khách mời của Hồ Chủ tịch từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Phó tư lệnh dã chiến quân (phiên chế cao nhất trong tổ chức giải phóng quân Trung Quốc lúc đó, tương đương với phương diện quân của Liên Xô), và là Trung ương ủy viên dự khuyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang có mặt tại đường số 4. Tuy là khách, nhưng trong những năm chiến tranh ở Trung Quốc, đồng chí Trần Canh thường được cử tới những nơi nào có khó khăn, nên Bác dặn mình cố gắng tranh thủ ý kiến và kinh nghiệm.

Đại tướng Trần Canh nói với Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: "Võ Tổng thấy thế nào! Hay là thu quân thôi! Viện binh địch không lên. Quân địch ở Thất Khê đã tăng lên 4 tiểu đoàn. Bộ đội Việt Nam đánh công kiên quá kém. Không thể đánh Thất Khê. Cũng không thể đánh Cao Bằng. Muốn đánh Cao Bằng phải xây dựng một trận địa chiến hào như Giải phóng quân đánh Hoài Hải!"

...Hồ Chủ tịch cùng với Đại tướng ngả lưng trao đổi giữa dọc đường từ Đông Khê đến Thất Khê trong khi chờ đợi đánh quân tiếp viện... Vũ Năng An chớp cơ hội đưa ống kính lại gần để bạn đọc được thưởng thức bức ảnh kèm theo bài viết này.

Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp đặt vấn đề: Kết quả chiến dịch sẽ ra sao nếu chỉ dừng lại ở chiến thắng Đông Khê? Ông chủ trương kiên trì chờ viện. Cuối cùng, Hồ Chủ tịch và đồng chí Trần Canh đồng ý trong khi chờ đợi quân viện, dùng một bộ phận nhỏ đánh những đơn vị nhỏ của địch, và chuẩn bị giải phóng Thất Khê.

…Tối 1/10, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Lê Trọng Tấn báo cáo khẩn cấp tin rất đông quân địch - cả quân dù và quân tabor (lính Bắc Phi) - đã xuất hiện trước Đông Khê. Địch từ Thất Khê lên. Chắc chúng muốn chiếm lại Đông Khê.

Khi nghe tin quân địch từ Thất Khê lên, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: Vô luận ý định của địch như thế nào (đánh chiếm lại Đông Khê hay đón quân từ Cao Bằng rút về), chúng điều quân lên Đông Khê là hoàn toàn có lợi cho ta. Thời cơ tiêu diệt sinh lực địch đã đến. Có mặt ở Sở Chỉ huy lúc đó, Cụ Hồ động viên Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp: "Cơ hội rất tốt đã xuất hiện, không được bỏ lỡ...".

Quả là cơ hội không thể bỏ lỡ, đường số 4 trở thành "con đường tử địa" đối với người Pháp, Cốc Xá - 477 trở thành điểm hội ngộ của hai viên trung tá Lơ-pa-giơ (Lepage) và Sác-tông (Charton) - hai tù binh của những người lính áo vải chân đất.

Chỉ trong mười ngày, từ ngày 13 đến ngày 23 tháng 10 năm 1950, địch đã rút khỏi phòng tuyến dài 100 kilômét trên đường số 4 từ Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu tới sát Tiên Yên. Sở chỉ huy Khu Biên thùy Đông Bắc đã chuyển về vùng bờ biển Tiên Yên. Một vùng rộng lớn ở Đông Bắc không còn quân giặc. Bên kia biên giới là cả một hậu phương vô cùng rộng lớn, chạy dài từ Á sang Âu.

Còn Đại tướng - Tổng Tư lệnh lúc đó đang trên đường về Lam Sơn. Đến Đông Khê, ông đề nghị cả đoàn tùy tùng dừng lại, tìm một ngôi nhà nghỉ tạm qua đêm để ngày mai đi tiếp (...). Giờ đây chiến trường đã im tiếng súng, lần đầu tiên những người gần gũi Đại tướng trong Sở Chỉ huy cảm thấy vị thủ trưởng gần sang tuổi tứ tuần của mình có dáng mệt mỏi. Ông nói cảm thấy đầu óc nặng trĩu. Và một tình huống bất ngờ thú vị đã xảy ra. Đúng lúc đó, bỗng từ trong căn nhà sàn nào đó của cái bản hẻo lánh vẳng ra những tiếng đàn, và - như sau này Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ức:

"Những âm thanh bất ngờ đó như một liều thuốc kỳ diệu nhanh chóng xua tan mọi nỗi mệt nhọc sau một chặng đường chinh chiến. Tôi ngỡ ngàng cứ như lần đầu nghe thấy những âm thanh này. Những âm thanh kỳ lạ. Những mệt mỏi tiêu tan. Nó giống như một lần leo sườn dốc đứng ngột ngạt từ Khuôn Chu lên đỉnh Tam Đảo bỗng được tắm mình trong hơi sương mát lạnh và luồng gió lành đầy sinh khí nơi non cao".

Tiếng đàn bỗng ngưng bặt. Như luyến tiếc những âm thanh ngọt ngào thoắt đến thoắt đi. Tình hình chung thời gian này không có gì khẩn trương, Đại tướng - Tổng Tư lệnh chỉ đạo văn phòng tạm ngừng liên lạc điện đài với các nơi trong một giờ, rồi cử cán bộ đi tìm người vưa đánh đàn, và mời xem có thể mang đàn sang căn nhà sàn đang nghỉ chơi một vài bài.

Lát sau, một chiến sĩ trẻ ôm cây ghita bước vào. Họ cùng nhau ngồi nghe âm nhạc trong suốt khoảng thời gian chừng một giờ. Người chiến sĩ trẻ ắt hẳn không biết những "thính giả" trong căn nhà đơn sơ này là những ai và càng không ngờ rằng bằng cây đàn ghita rất tầm thường của mình, anh đã đem lại cho người đứng đầu toàn quân những giây phút dịu êm sau những ngày cầm quân bận rộn và căng thẳng.

Đúng như Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ức: "Hình như Pitago (Pythagore), một nhà hiền triết Hy Lạp ở thế kỷ V trước Công nguyên, đã nói âm nhạc có khả năng thanh lọc tâm hồn con người".

Trong cuốn sách "Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp" do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2006, nhà nghiên cứu quân sự - Đại tá Trần Trọng Trung viết:

"Đây là cuộc đấu trí giữa một vị đại tướng quân phục chỉnh tề [Đại tướng Các-păng-chi-ê (Carpentier),Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương], bốn ngôi sao bạc trên cầu vai, huân chương đầy ngực, ngồi giữa căn phòng sang trọng có điều hòa nhiệt độ trong dinh Nô-rô-đôm, dùng phương tiện thông tin hết sức tối tân điều hành chừng 30 vạn quân chính quy, trang bị hiện đại trên toàn Đông Dương, với một vị đại tướng đi giày vải, mặc áo khoác chiến lợi phẩm không có quân hàm, Sở Chỉ huy đặt trong một căn nhà sàn, đài quan sát là túp lều tranh dựng trên một ngọn đồi, lực lượng có trong tay là những tiểu đoàn, trung đoàn vừa thoát thai từ những đội du kích trang bị còn rất đỗi thô sơ".


Kiều Khải

-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét