- “Vì đau quá, tôi đã dùng lưỡi lam và dao nhọn chọc mạnh vào chỗ đau, cạy viên sỏi ra khỏi cơ thể… Sau đó dùng nước giếng xối lên vết thương cho đến lúc cầm máu…”, ông Nguyễn Hai (77 tuổi) Đội 6 Long Hồ, xã Hương Hồ (Hường Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) kể lại “ca mổ” không bác sĩ, băng, gạc, thuốc giảm đau…
Ca mổ kinh hoàng
Từ lúc mắc căn bệnh sỏi thận ông đêm nào cũng mất ngủ vì đau, nương rẫy đành bỏ dở. “Một mình tui phải đi trông con cho người ta, dăm bữa nửa tháng mới mang gạo về nấu cháo cho ông ăn…” Bà Trần Thị Khướu, vợ ông Hai, nói.
Hai ông bà đã ngoài 75 chống chọi với số phận trong căn lều sơ sài. |
Bệnh ngày càng nặng khiến ông nằm một chỗ, khuôn mặt hốc hác vì thiếu ăn và những đêm thức trắng. Tiền bà kiếm được chỉ đủ cho ông bát cơm, bát cháo qua ngày chứ không thể nào đưa ông đi mổ. “Nhìn ông quằn quại trên giường mà tui chỉ biết đứng khóc chứ biết làm răng. Động viên ông gắng chịu đựng rồi tui gom tiền để đưa đi mổ…” - Bà Khướu tâm sự.
Biết chẳng bao giờ có đủ tiền để đi mổ, có lần đau không chịu nổi, ông đành đánh thức bà dậy: “Bà lấy cái lưỡi lam rạch mổ lấy viên sỏi ra cho tôi với. Tôi xin bà đấy! Chết cũng được, chứ sống ri tui khổ quá bà ơi…!”. Nước mắt ứ đầy đôi mắt sâu hoắm rồi lăn dài trên gò má gầy guộc, bà ôm ông vào lòng. “Tui xin ông, hãy chờ tui thêm vài ngày nữa tui sẽ kiếm đủ tiền đưa ông đi mổ…”, bà nói.
Suốt đêm đó bà chỉ biết ngồi xoa bóp cho ông, khi ông chìm vào giấc ngủ cũng là lúc nước mắt bà đã phủ ướt vạt áo.
Trời vừa rạng sáng bà liền chạy tới nhà chủ mà bà đã trông con, ứng tiền để chạy chữa cho ông. Nhưng bà đã ứng 2 lần nên họ không cho ứng tiếp, bà đành ngậm ngùi về.
Sau nhiều lần năn nỉ bà “phổ thuật” lấy sỏi không được. Ông quyết định tự tay mình sẽ làm việc này. “Lần nào thấy bà về ngoài cổng là hai con mắt thâm quầng vì lo cho tui. Tui biết dù bà có lo mấy đi nữa cũng không bao giờ đủ tiền, nên một lần bà đi trông con cho nhà người ta tui đã tự tay lấy lưỡi lam và dao cạy viên sỏi ấy ra…” - ông nhìn vết thương kể. "Lúc đó tui lấy quần cắn ngang miệng, nhắm mắt sờ vào sau lưng, lấy lưỡi lam rạch mạnh vào chỗ đau. Rồi nhìn vào gương lấy dao nhọn cạy tìm viên sỏi".
“May lúc đó có một anh đi rừng nghe có tiếng rên mạnh của tui nên chạy vào hốt hoảng nhìn. Lúc đó tui nửa tỉnh nửa mơ, mồ hôi và máu ướt đẫm người. Thấy thế anh lại giúp tui một tay lấy nước giếng rửa vết thương, cứ rửa đến lúc máu đỏ không chảy nữa, đến lượt máu vàng ra thì biết là đã cầm máu. Sau đó thấy tui vẫn còn tỉnh nên anh ấy cũng yên tâm lên rừng… Vì mệt quá tui cũng quên hỏi tên… Đến giờ tui chưa gặp lại anh ấy…”
Vết sẹo trên cơ thể do chính tay ông “phẫu thuật” cách đây gần 1 năm. |
Những ngày ông mổ bà Khướu không có ở nhà, một mình ông xoay xở với vết thương của mình. “Tui nằm bất tỉnh hai ngày mà không ai biết. Sang ngày thứ 3 tui bắt đầu tỉnh dậy. Bụng thấy đói, bà nó chưa về, tui gượng dậy lấy xoong bắc cháo rồi vào ngủ tiếp, đến tối tỉnh dậy soong cháo đã bị cháy phần dưới, tui hớt phần trên ăn. Thấy mình ăn được tui nghĩ là mình còn sống…”, ông kể lại.
Khi vết thương của ông đã gần lành bà Khướu mới trở về. Nhìn vết thương bà chẳng biết nói gì cứ ngồi khóc. “Phận mình nghèo tui không biết làm răng, tui đã cố hết sức ông ơi…!”- bà nói trong nước mắt. Ông vuốt nhẹ mái đầu bạc của bà: “Thôi mọi chuyện đã qua rồi bà đừng trách mình nữa…!”
“Vì thương bà nên tui mới sống”
Trước đây (1976), ông đã trải qua 2 lần phẫu thuật vì bệnh khó tiểu (do không tự chủ được nên phải mổ để thông tiểu). Cuộc sống khó khăn, ông phải đi làm nhiều nơi để kiếm sống nên bị nhiễm trùng rồi nổi lên một khối u ở bụng. “Vì không có tiền nên đành để vậy… Giờ mỗi lúc thấy đầy tiểu tui lại lấy tăm chích mạnh vào cho nước tiểu chảy ra…”, ông nói.
Vết thương bị nhiễm trùng và sưng phù vẫn đeo bám ông từ lần mổ trước (ảnh trái). Bà Khướu trước túp lều của hai ông bà (ảnh phải). |
Từ đó, phải đeo bên mình một khối u nặng nề đó để kiếm sống nuôi thân, nhưng bệnh tật cứ tiếp tục dồn khiến ông tiều tụy: “Hai vợ chồng tui được một đứa con gái, nhưng nó lấy chồng cũng cực lắm, cơm không đủ nuôi chồng con. Hai vợ chồng tui cố bám vào nhau sống qua ngày đoạn tháng. Quần áo, chăn màn đều bà con làng xóm cho cả, chứ lấy đâu ra…”.
Gần 20 năm sống trong căn lều thủng lỗ chỗ nằm chênh vênh bên mép núi, mỗi lúc mưa gió đứng trong nhà mà như ở ngoài trời. Đồng “lương” quý nhất của hai ông bà là từ mấy con gà do bà nuôi, để lúc nào hết gạo lại đưa gà đi bán.
Nói chuyện với tôi lâu lâu ông lại nhỏ giọt nước mắt. “Nói thật với chú giờ tôi chỉ muốn chết đi cho khỏe thân xác. Vì thương bà nên tui mới sống, khổ mấy cũng có ông có bà…!”, ông buồn nói.
Nhưng tuổi già sức yếu, bệnh tật tái phát, không biết hai ông bà có chống chọi nổi với cuộc sống này không…
Phương Trà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét