Mỹ siết chặt luật buôn bán với hàng giá rẻ châu Á

Mỹ siết chặt luật buôn bán với hàng giá rẻ châu Á
ảnh minh họa

Chính phủ Mỹ sẽ siết chặt các luật buôn bán đối với dòng hàng hoá giá rẻ từ các nước châu Á bắt đầu từ cuối năm 2010.

Ngày 26/8, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, họ đã đề xuất 14 quy chế để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu hàng hóa bất hợp pháp vào nước Mỹ và truy thu đầy đủ mọi khoản thuế. Các quy chế này đặc biệt nhằm vào các nước mà Mỹ cho là chính phủ kiểm soát thị trường.

Mỹ luôn cho rằng hàng hoá giá rẻ từ các nước châu Á vào Mỹ là do được hưởng trợ cấp của chính phủ trong quá trình sản xuất và xuất khẩu.

Ngay từ tháng 1/2010, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Mỹ Obama cam kết tăng cường mạnh mẽ luật buôn bán của Mỹ để tạo sân chơi bình đẳng cho các công ty và người lao động Mỹ.

Trong năm 2009, Cơ quan Thương mại quốc tế Mỹ đã thực hiện 34 cuộc điều tra các công ty nước ngoài về bán phá giá và nhận trợ cấp sản xuất và xuất khẩu từ chính phủ.

Gửi vào 26/08/10 22:10

Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu

Thế giới đang đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc chiến thương mại mới do thâm hụt thương mại gia tăng của Mỹ - nền kinh tế số 1thế giới - có thể khiến Washington phải lựa chọn giải pháp duy nhất là chính sách bảo hộ.


Liệu thế giới có sa vào cuộc chiến tranh thương mại mới? (Ảnh minh họa: Internet)
Liệu thế giới có sa vào cuộc chiến tranh thương mại mới? (Ảnh minh họa: Internet)

Trong chuyên mục bình luận trên tờ “Thời báo Tài chính” (Anh), chuyên gia tài chính Michael Pettis và là thành viên cao cấp của Viện Carnegie Endowment, cho rằng nếu Mỹ quyết liệt thực hiện chính sách bảo vệ hàng hóa nội địa, thời kỳ của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu chắc chắn sẽ xảy ra và sẽ tác động mạnh tới các nước có thặng dư thương mại.

Hiện Mỹ và châu Âu (chủ yếu là Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp) là những khu vực có mức thâm hụt thương mại cao nhất thế giới. Thâm hụt thương mại của Mỹ tháng 6/2010 đã lên tới 50 tỷ USD, tăng so với mức 42 tỷ USD trong tháng 5/2010. Đây là mức cao nhất kể từ giữa năm 2008 và chưa từng có trước năm 2004. Thâm hụt thương mại gia tăng là hệ quả tự nhiên của tình trạng mất cân bằng thương mại toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua đã huỷ hoại trạng thái cân bằng tạm thời giữa các khối bằng cách buộc các quốc gia thâm hụt thương mại phải cắt giảm nợ, điều này sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng của toàn thế giới, đặc biệt ở Mỹ, giảm sút. Các nước thặng dư thương mại, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, đã kháng cự lại mạnh mẽ bằng việc cố gắng duy trì hay thậm chí tăng mức thặng dư của mình.

Tuy nhiên, thặng dư thương mại tăng ở nước này lại đồng nghĩa với thâm hụt thương mại ở nước khác. Cuộc khủng hoảng nợ đã khiến cho các nước thâm hụt thương mại ở châu Âu không thể tìm ra các nguồn tài chính mới. Cũng như nhiều nước thâm hụt thương mại khác ở châu Âu, Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp sẽ phải chứng kiến một sự sụt giảm nhanh chóng trong thặng dư tài khoản vãng lai.

Do không thể kiểm soát lãi suất và can thiệp tiền tệ đối với các quốc gia thặng dư thương mại chủ chốt, Mỹ buộc phải sử dụng các hình thức khác của chủ nghĩa bảo hộ thương mại - đó là hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại qui mô toàn cầu.

Chính vì vậy, thay vì ủng hộ các chính sách đùn đẩy thâm hụt sang nơi khác, các nền kinh tế lớn cần phải chấp nhận chia sẻ một phần khó khăn ở châu Âu, nếu không muốn Mỹ thực hiện các biện pháp trả đũa.

Gửi vào 25/08/10 22:10

Gió Đông thổi bạt gió Tây?

Những dự báo cách đây một năm về kinh tế thế giới của Diễn đàn toàn cầu Weiss đã trở thành hiện thực. Nay diễn đàn này lại đưa ra 8 dự báo về kinh tế toàn cầu trong năm 2010.


Chú Sam: Bơm vào hay hút ra? (Ảnh: Internet)
Chú Sam: Bơm vào hay hút ra? (Ảnh: Internet)

Diễn đàn toàn cầu Weiss lần thứ nhất ở Mỹ đã dự báo về việc chuyển dịch ồ ạt sự giàu có từ các nước phương Tây bị sa lầy trong suy thoái và nợ nần sang châu Á và các thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Cho đến nay, điều này đã trở thành hiện thực.

Dự báo kinh tế thế giới năm 2010, Diễn đàn toàn cầu Weiss lần thứ 2 với sự tham dự của nhiều nhà kinh tế nổi tiếng thế giới đã đưa ra 8 nhận định sau đây:

- Mỹ không thể đưa ra gói kích thích kinh tế khổng lồ mới và cũng không thể chặn nền kinh tế số 1 thế giới này rơi vào suy thoái kép. Điều đó có nghĩa là kinh tế Mỹ vừa phục hồi ngắn sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 lại tiếp tục rơi vào đợt suy thoái mới. Cơ quan ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ lên tới 1,5 nghìn tỷ USD trong năm 2010 và 1,3 nghìn tỷ USD năm 2011. Tình hình kinh tế ảm đạm này đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải tung ra một gói kích thích kinh tế mới, song hai ngành hành pháp và lập pháp Mỹ khó có khả năng nhất trí với nhau về các biện pháp cứu nguy.

- Toàn bộ gánh nặng chống suy thoái và bù đắp thâm hụt ngân sách đều rơi vào các ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu sẽ khởi động một đợt in tiền mới lớn hơn đợt in tiền chống khủng hoảng kinh tế 2008-2009. Tuy nhiên, số tiền mới in ấn này chỉ tạo nên “thịnh vượng ảo” và phần sẽ chảy sang các nước có mức tăng trưởng cao.

- Cuộc khủng hoảng nợ công sẽ bùng phát trở lại với mức độ cao hơn trước: đầu tiên ở Đông Âu, sau đó đến Mỹ và Anh. Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho biết nợ công của Mỹ thậm chí còn “tệ” hơn cả những nước bị coi là “nợ như Chúa Chổm” như Tây Ban Nha, Ailen, Italia, Bồ Đào Nha, Hy Lạp.

- Tình hình kinh tế Mỹ sẽ còn xấu hơn Hy Lạp, nước vừa thoát nguy cơ vỡ nợ nhờ sự bảo lãnh của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU). Suy thoái sâu hơn ở Mỹ và châu Âu, việc in thêm tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách, tình trạng giảm giá mạnh của đồng USD và đồng Euro cùng với “thịnh vượng ảo” càng khiến cho gánh nặng nợ nần ở Mỹ ngày càng nặng hơn.

- Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ gấp ít nhất 4 lần tăng trưởng GDP của Mỹ và Tây Âu trong những năm tới. Trung Quốc hiện có dự trữ vàng và dự trữ ngoại tệ trị giá 5 nghìn tỷ USD. Trừ khoản nợ nước ngoài 374 tỷ USD, Trung Quốc vẫn còn 4,6 nghìn tỷ USD để đầu tư vào nền kinh tế. Trong khi đó, Mỹ hiện nợ tới 1,6 nghìn tỷ USD. Trung Quốc đang ngồi trên núi tiền lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ đang trở thành con nợ lớn nhất thế giới.

- Trong 12 tháng tới, các nhà đầu tư vào Inđônêxia sẽ kiếm được nhiều tiền hơn các nhà đầu tư vào Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Inđônêxia tăng 20% trong năm nay, đồng nội tệ tăng giá 5%. Đầu tư nước ngoài vào nước này từ đầu năm đến nay tăng 51% so với cùng kỳ năm 2009. Xu hướng này đang được mở rộng vì các nhà đầu tư đã thu được lợi lớn khi đầu tư vào Inđônêxia.

- Trong khi các nền kinh tế châu Á tăng trưởng tốt hơn Mỹ và châu Âu, trong khi các nền kinh tế Braxin và Chilê còn tăng trưởng tốt hơn châu Á. Hai nền kinh tế Braxin và Chilê đang tăng trưởng mạnh nhờ các nhà lãnh đạo sáng suốt, năng động và có tầm nhìn xa, cũng như nhờ nhu cầu nội địa. Mảng sáng của
bức tranh kinh tế thế giới hiện nay rõ ràng thuộc về châu Á và Nam Mỹ.

- So với tháng 3/2009, Quỹ buôn bán chứng khoán quốc tế (ETF) của Chilê hiện tăng 104%, ETF của Ôxtrâylia tăng 105%, Braxin tăng 114%, Xinhgapo tăng 127%, Hàn Quốc tăng 130%, Thái Lan tăng 143%, Ấn Độ tăng 158%.

Gửi vào 25/08/10 22:10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét