Tồn tại hay không tồn tại?

(27/08/2010)


VH- Chuyện công bố những tài liệu mật của Cơ quan Tình báo Mỹ CIA trên trang web WikiLeaks đang biến dạng theo hướng trở thành cuộc đối đầu giữa thế giới ảo và bộ máy quyền lực của nhà nước, giữa quan niệm về tự do báo chí trên mạng Internet và nhu cầu của nhà nước về kiểm soát hoạt động của mạng Internet cũng như giữa cá nhân một trong những người sáng lập ra WikiLeaks là ông Julian Assange (người Australia) và CIA.

Đối với cả CIA lẫn WikiLeaks và cá nhân ông Assange, bản chất cuộc đối đầu là tồn tại hay không tồn tại. WikiLeaks được lập ra với tôn chỉ mục đích là công bố những thông tin vốn được kẻ khác giữ kín. Đấy là bản sắc và cơ sở tồn tại của trang web này. Để đạt được mục đích ấy, WikiLeaks cần tự do gần như không giới hạn trên mạng Internet và không chịu sức ép từ bất cứ phía nào, càng không phải từ phía các cơ quan nhà nước. Đấy cũng chính là ý tưởng kinh doanh độc đáo của những người đã sáng lập ra WikiLeaks. Nếu như có một kiểu ý thức hệ về chuyện này thì tôn chỉ mục đích của WikiLeaks rất tương đồng với Đảng Cướp biển đã xuất hiện và hoạt động trong thời gian gần đây ở một số quốc gia với chủ trương không áp dụng chế tài về bản quyền cho mọi thông tin được công bố, sao chép và lan truyền trên mạng Internet. Có người đề cập đến một kiểu “văn hoá mạng” chính vì thế.

Đối với CIA nói riêng và bộ máy chính quyền nhà nước nói chung, những thông tin mật do WikiLeaks công bố không chỉ có tác động rất tai hại. Chúng đưa lại những hình ảnh hoàn toàn khác về cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Chúng phơi bày không ít điều mà họ muốn che giấu dư luận. Chúng đưa lại bằng chứng về mức độ yếu kém của họ trong việc bảo quản tài liệu mật. Cho nên chẳng có gì là lạ khi CIA và cả chính quyền một số quốc gia khác tìm mọi cách để ngăn cản WikiLeaks tiếp tục khai thác nguồn thông tin mật và công bố mới như vừa rồi. Cho nên cuộc đối đầu về pháp lý và văn hoá giữa hai bên sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Hà An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét