Ai bảo kê xe ben?

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Năm, 19/05/2011, 07:27 (GMT+7)

TT - Vì sao “hung thần” xe ben tác oai tác quái, ngang nhiên vi phạm luật giao thông mà vẫn “bình yên vô sự”? Đó là một câu hỏi không khó trả lời nhưng rất khó tìm ra chứng cứ để nói lên sự thật.

Trên tỉnh lộ 16, xe ben vẫn “bình yên” chở quá tải dù cảnh sát giao thông thường tuần tra trên tuyến đường này - Ảnh: H.K.


Xem video do Phòng truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện

Theo giới kinh doanh vận tải ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương..., chủ nhân của các đoàn xe ben không là “sếp” thì cũng là người có quan hệ thân thiết với “sếp”.

Xe ben “chất lượng cao”

Theo điều tra của PV Tuổi Trẻ, “tập đoàn” xe ben Công Khánh “hùng cứ” khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... là người nhà của một “sếp” cảnh sát giao thông (CSGT) ở Đồng Nai. Hầu hết hợp đồng vận chuyển cát, đất, đá, clinker (nguyên liệu sản xuất ximăng), than đá ở khu vực này đều do xe Công Khánh “ôm” hết. Xe Công Khánh luôn chở “líp ba ga”, phóng nhanh vượt ẩu.

Tại khu vực Thống Nhất (Đồng Nai) cũng có một dàn xe ben hùng hậu do em ruột của một vị công an điều hành. Mọi vướng mắc trên đường đều có con ruột của vị công an này là đội phó của một đội CSGT Đồng Nai giải quyết.

Ở Trảng Bom, đoàn xe Tuấn Hạnh của ông Tuấn và một “sếp” CSGT Trảng Bom làm ăn chung. Điều hành chính là ông Tuấn, còn vị CSGT nọ lo phần việc giải quyết các rắc rối trên đường. Hầu hết xe Tuấn Hạnh đều được cơi thùng, thoải mái chở quá tải, vào đường cấm, tất nhiên là cả phóng nhanh vượt ẩu. Từ “sân nhà” Trảng Bom đến các huyện lân cận, xe Tuấn Hạnh được coi là bất khả xâm phạm.

Chiều 13-5, chúng tôi có mặt tại ngã ba Cây Gáo (Trảng Bom). Từ đầu đường vào đến Sông Trầu, Soklu (tỉnh lộ 762) ra Gia Kiệm (Thống Nhất) hạn chế tải trọng từ 10-13 tấn nhưng từng đoàn xe ben chở cả núi đất đá phóng ào ào trên đường mà chẳng thấy bóng dáng CSGT. Một tài xế cho biết xe này của “sếp” gửi nên ra đường chẳng sợ ai. Một CSGT Trảng Bom cho biết gặp xe quen, xe có “logo” (có bảo kê) là giải phóng ngay, còn xe lạ thì “quất” thẳng tay.

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu có dàn “xe vua” Trung Hiếu do người nhà của một người làm trong ngành công an điều hành. Đó là ông Trung, anh ruột của vị cán bộ công an. Chiều 13-5, giám đốc một công ty xây dựng gặp ông Trung để hợp đồng chở đất, cát san lấp mặt bằng ở gần cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Trung hứa sẽ lo mọi chuyện trên đường.

Làm ngơ

Đêm 12-5, chúng tôi có mặt tại gần ngã tư Cộng Hòa - Ngô Bệ (Q.Tân Bình, TP.HCM), nơi xảy ra vụ xe ben cán chết và bị thương hai người vào rạng sáng cùng ngày. Cách hiện trường khoảng 15m, chúng tôi thấy hai CSGT thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất đang say sưa chặn xe máy, ôtô các loại nhưng lại để yên cho các “hung thần” xe ben chở quá tải phóng bạt mạng trên đường.

Trong vòng 30 phút, chúng tôi ghi nhận có khoảng 30 chiếc xe ben chở đầy bùn đất chạy như bay từ hướng Lăng Cha Cả xuôi theo đường Cộng Hòa về Q.12 nhưng chẳng có CSGT nào ngó ngàng đến.

Trước đó, đêm 11-5 tại đường Nguyễn Thị Tú (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân), chúng tôi thấy hai CSGT đang lập chốt chặn xe. Từng đoàn xe ben từ hướng ngã tư Gò Mây phóng bạt mạng vào đường Nguyễn Thị Tú, Quách Điêu để đổ đất. Hai CSGT cũng chỉ chặn xe tải và xe máy, còn xe ben thì làm ngơ.

Sáng 13-5, tại trạm thu phí quốc lộ 1K, hai CSGT đi môtô chặn xe tải hướng từ Thủ Đức về Biên Hòa. Một vài xe ben chạy qua nhưng không thấy hai CSGT này “động tĩnh”. Qua trạm thu phí tỉnh lộ 16, lại gặp môtô của CSGT đi tuần tra trên đường. Nhiều xe ben chở đá phóng ào ào qua nhưng môtô của CSGT vẫn chạy rề rề phía sau, không hề có động tác kiểm tra.

Đêm 10-5, tại quốc lộ 1K đoạn gần vòng xoay Hóa An (Biên Hòa, Đồng Nai), cách trạm thu phí khoảng 50m (hướng từ Đồng Nai về TP.HCM), có hai CSGT đi môtô tuần tra đứng trong góc khuất liên tục chặn xe. Lần lượt các tài xế chạy vào đưa một cái gì đó rồi trở lại xe phóng đi. Tất cả diễn ra chỉ vài giây. Trong vòng một giờ quan sát, chúng tôi thấy có gần 40 xe ben dừng lại trình “giấy” cho CSGT.

14g ngày 13-5 trên quốc lộ 1A (Bình Minh, Trảng Bom, Đồng Nai), chúng tôi gặp một ôtô tuần tra của CSGT đang lập chốt dừng xe vi phạm. Trong vòng 30 phút, hai CSGT thay nhau chặn khoảng 20 chiếc xe tải, xe ben từ hai chiều. Sau khi “làm việc” tốc hành với tài xế, lơ xe, các CSGT đều cho xe đi, không lập biên bản nào.

“Bán” đường

Qua giới thiệu của “cò” Tín, ngày 10-5, ông M. - chủ một doanh nghiệp vận tải - liên lạc với trung úy Hòa, CSGT huyện Trảng Bom, để nhờ bảo kê đoàn xe. Ông Hòa ra giá 1 triệu/xe qua Trảng Bom, những nơi khác thì “tự xử”.

Chiều 11-5, ông Hòa hẹn ông M. đến trước Khu công nghiệp Sông Mây để bàn tiếp vụ bảo kê xe. Đến nơi, ông Hòa và một cảnh sát cơ động đi xe tuần tra đang đợi sẵn. Ông M. nói có đoàn xe năm chiếc chở quá tải qua Trảng Bom. Ông Hòa nói nếu đi nhiều thì lấy 1,2 triệu đồng/xe. Sau khi chỉ dẫn lộ trình, ông Hòa dặn khi nào xe đi gọi điện báo trước để anh em CSGT tránh mặt. Nếu gặp ca ông Hòa làm thì cứ thế đi qua. Hôm nào lãnh đạo đi kiểm tra, tất nhiên phải lập biên bản.

Thấy ông M. tỏ ra lo lắng, ông Hòa trấn an: “Hầu như bọn em đều biết trước (lãnh đạo đi kiểm tra) và sẽ thông báo cho xe dừng lại”. Ông Hòa còn hứa nếu bị lập biên bản sẽ đứng ra đóng phạt, lấy bằng lái ra. Ông M. hỏi nếu gặp trật tự giao thông thì sao, ông Hòa nói “bên đó đã lo xong rồi”.

Xong vụ xe quá tải, ông M. cho biết sắp tới cần xe ben chở đá từ Thống Nhất về thi công công trình ở gần ngã ba Dầu Giây. Ông Hòa cho biết việc này phải gặp “sếp” Hiển để đàm phán. Chiều 13-5 tại một quán cà phê ở Trảng Bom, ông Hòa nói ông Hiển đã bố trí gặp ông Tuấn là người làm ăn chung với ông Hiển để bàn bạc trước. Ông Tuấn khẳng định tuyến đường Soklu đi qua hai huyện Trảng Bom và Thống Nhất khỏi phải lo vì đã có gửi gắm.

20g ngày 13-5, ông Hiển đi ôtô đến điểm hẹn. Sau khi nghe ông M. trình bày, ông Hiển nói việc thuê xe cộ giao hết cho ông Tuấn, còn nếu trục trặc trên đường thì ông Hiển giúp được. Ông M. hỏi trên các tuyến đường Cây Gáo, Soklu, xe ben chở 30-40 tấn vào được không, ông Hiển nói đường Cây Gáo chỉ cho phép xe 13 tấn, Soklu 10 tấn trục. Ở đây có hai lực lượng cùng làm việc là CSGT và trật tự giao thông. Riêng CSGT Trảng Bom thì không sao nhưng “cánh” thanh tra giao thông phải gửi gắm.

21g, ông M. đến huyện Thống Nhất gặp “cò” Huy để dẫn đi “ra mắt” CSGT Thống Nhất. Tại ngã ba Soklu - quốc lộ 20, “cò” Huy lái ôtô đến đón ông M.. Chúng tôi lên xe bám theo. Cách ngã ba Soklu khoảng 3km, chúng tôi gặp hai CSGT đang lập chốt sát bên rừng cây để chặn xe. Huy xuống xe đến gặp hai CSGT to nhỏ gì đó rồi gọi ông M. đến “trình diện”.

Gặp CSGT, ông M. nói có đoàn xe quá tải qua Soklu, mong được cho qua. Một người tên Chinh hỏi mấy chiếc, ông M. trả lời một đêm đi năm chiếc. Ông Chinh hỏi: “Nhiều lúc tình hình căng thẳng phức tạp chờ được không?”, ông M. đáp: “Chừng nào cho đi thì đi”. Ông Chinh nói “cứ liên hệ qua máy” và “nếu gặp ca em làm thì khỏi alô”.

Hỏi giá cả bao nhiêu, ông Chinh hỏi ngược: “Bên Trảng Bom lấy sao?”, ông M. nói: “1,2 triệu”. Ông Chinh nói: “Một mình em không quyết được”. Nghĩ ngợi sao đó, ông Chinh cho biết nếu gặp trực tiếp ông này đang làm trên đường thì chỉ lấy năm xị/xe (500.000 đồng/xe).

Thanh tra giao thông cũng bảo kê

Thanh tra viên Tùng (phải) và “cò” Tín - Ảnh: H.K.

Không chỉ CSGT mà trật tự giao thông cũng bảo kê xe ben, xe quá tải. Chiều 13-5, “cò” Tín dẫn ông M. đến gặp thanh tra viên Tùng. Ông M. nói có đoàn xe quá tải qua Đồng Nai, “xin được giúp đỡ”. Sau khi hỏi số lượng xe, giờ giấc, ông Tùng nói chừng nào đi thì thông báo trước.

Hỏi “làm luật” bao nhiêu, ông Tùng nói để hỏi ý kiến các sếp rồi báo lại. Hỏi đưa tiền thông qua “cò” Tín hay đưa trực tiếp, ông Tùng nói cứ xuống đưa trực tiếp. “Gút” xong xe quá tải, ông M. đề cập sang đoàn xe ben đang chở đá từ Thống Nhất về ngã ba Dầu Giây thi công. Ông Tùng nói lo được, “nhưng phải đưa biển số xe để tránh nhầm lẫn, mạo nhận”.

Ông M. hỏi đường Soklu, Cây Gáo cấm tải từ 10-13 tấn sao đi được, ông Tùng huỵch toẹt: “Một khi làm việc rồi thì em lo được”.

HOÀNG KHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét