17/05/2011 17:44
(VTC News) - Hôm nay (17/4), đặc phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên Stephen Bosworth sẽ bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc để thảo luận về vấn đề hạt nhân và an ninh lương thực.
Trong chuyến thăm này, ông Stephen sẽ có buổi tọa đàm với đặc phái viên về vấn đề hạt nhân Wi Sung-lak của Hàn Quốc với nỗ lực khôi phục lại các cuộc đàm phán đã từng bị gián đoạn trước đây, nhằm mau chóng chấm dứt các kế hoạch hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Ông Bosworth cho biết, ông cũng có cùng quan điểm với Seoul về việc viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về sự việc này. Chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm ngay sau khi một báo cáo của Liên Hợp Quốc về việc Bắc Triều Tiên bị cáo buộc chia sẻ công nghệ đạn đạo với Iran bị rò rỉ.
Đặc phái viên Mỹ này đã phát biểu trong một buổi họp báo rằng, quyết định về việc liệu đặc phái viên về vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên của Mỹ có tới thăm đất nước này hay không sẽ được đưa ra trong những ngày tới đây.
Nhiều trẻ em ở Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng (Ảnh BBC) |
Viện trợ lương thực hiện đang là một vấn đề gây tranh cãi. Theo những bình luận gần đây của một số người như cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thì các chính trị gia không nên can thiệp vào.
Các nhà phân tích Hàn Quốc đã bày tỏ mối lo ngại rằng Bắc Triều Tiên đang muốn dự trữ lương thực trước thềm lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo đầu tiên của họ - Cố Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) vào năm 2012 tới.
Các tổ chức viện trợ cũng cho biết, mùa đông khắc nghiệt đã khiến người dân ở đây buộc phải ăn cỏ và vỏ cây để tồn tại. Trước đó, vào những năm 1990, tại đây cũng đã có tới vài trăm người chết vì nạn đói hoành hành.
Ông Bosworth cũng chỉ trích chương trình làm giàu Uranium của Bắc Triều Tiên “trái với quy định trong các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và đối lập hoàn toàn với nhiều chủ trương khác”. Bắc Triều Tiên đã chuyển chương trình này cho Washington (Mỹ) và các nước khác, do vậy ngày hôm nay nó được đưa ra thảo luận tại một cuộc họp của Liên Hợp Quốc.
Trong thời gian ở Seoul, ông Bosworth cũng sẽ phải gặp ông Chun Yung-woo - Cố vấn An ninh và Đối ngoại của Hàn Quốc và ông Hyun In-taek - Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc để đàm phán.
Mỗi nước trong số 6 quốc gia tham gia đàm phán về Bắc Triều Tiên bao gồm Nam Triều Tiên (Hàn Quốc), Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mỹ đã cử ra các đặc phái viên của mình. Họ đã từng có những cuộc thảo luận riêng với nhau trong những tháng gần đây và thường xuyên thay đổi địa điểm gặp mặt từ thủ đô nước này tới thủ đô nước khác.
Đặc phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên Stephen Bosworth (Ảnh BBC) |
Các cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa Bắc Hàn đã từng bị đình trệ vào năm 2009. Những nỗ lực nối lại bị cản trở do phía Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đã bắn chìm một tàu chiến của Hàn Quốc vào tháng 3 năm ngoái làm chết 46 người, tiếp đến là cuộc tấn công của họ vào đảo Yeonpyeong nằm dọc theo tuyến biên giới với Hàn Quốc vào tháng 11 vừa qua. Seoul muốn nhận được những lời xin lỗi hoặc ít nhất là sự thừa nhận từ Bắc Triều Tiên về sự việc trên trước khi cuộc đàm phán có thể tiếp tục diễn ra.
Những cách tiếp cận trước đó nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên kết thúc các chương trình hạt nhân của họ bao gồm cả việc cam kết sẽ viện trợ và cam kết sẽ cung cấp các công nghệ thay thế cho các trạm điện năng thông thường tại Bình Nhưỡng.
Phóng viên thường trú của BBC tại Seoul Lucy Williamson cho biết, ý tưởng này dường như đã thu hút được nhiều sự chú ý nhất, và nó bao gồm 3 giai đoạn sau: đầu tiên đại diện của Nam và Bắc Triều Tiên sẽ gặp nhau, sau đó họ sẽ mở ra một cơ hội đàm phán giữa Mỹ và Bình Nhưỡng, và cuối cùng sẽ là cuộc đàm phán có sự có mặt của cả 6 bên.
Tuy nhiên, nữ phóng viên này cũng cho biết giai đoạn đầu có vẻ khá phức tạp, mặc dù chưa phải là giai đoạn khó khăn nhất bởi vì các nhà lãnh đạo ở cả hai miền Nam và Bắc Triều Tiên vừa mở rộng lời mời với nhau trong vài tuần qua.
Kiều Vui (theo BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét