Giờ đây, hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về "anh hùng" Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy.
Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troy cũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác. Nhân cách ấy, tài năng ấy và tinh thần ấy đã đưa Hector vào bất tử. Chàng trở thành một trong số Chín Hiệp Sĩ Được Kính Trọng để sánh vai cùng Alexander đại đế, Julius Caesar, vua Arthur, hoàng đế Charle-magne…
Trong blog cá nhân của mình (blog Thích học toán - entry ngày 13/4/2011), GS Ngô Bảo Châu đã so sánh: "Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này". Phát biểu ấy, dù vô tình hay cố ý, đã đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những người anh hùng trong lịch sử nhân loại.
So sánh ấy thật sự là một điều đáng tiếc cho hình tượng của Hector, hoàng tử thành Troy, vua Turnus của người Rutuli hay tráng sỹ Kinh Kha người nước Vệ. Những con người ấy trong tất cả những điều kiện tương ứng của thời đại đã đạt tới tầm vóc của anh hùng nhờ vượt lên những cám dỗ tầm thường của cuộc sống. Kể cả ham muốn sống với họ cũng trở thành nhỏ bé khi đi đến cùng những giá trị tinh thần của mình.
Minh họa: Hữu Khoa. |
Cù Huy Hà Vũ sống trong một thời đại khác. Dù sức mạnh bạo lực không còn được tôn vinh nhưng giá trị của nhân cách và trí tuệ vẫn là những yếu tố bất biến để tạo nên một anh hùng. Cù Huy Hà Vũ đã làm gì để đạt tới một tầm vóc như vậy?
Đây là một câu hỏi không khó trả lời. Từ trước đến nay, không ai biết đến Cù Huy Hà Vũ trong các lĩnh vực học thuật hay tư cách cá nhân. Có hai con đường để mọi người biết đến Vũ. Thứ nhất là cái bóng của những thế hệ đi trước. Thứ hai là cách gây ra những sự vụ chẳng giống ai qua những lá đơn kiện. Nó hao hao như cách những ngôi sao đánh bóng tên tuổi bằng những scandal. Khi chạm tới những giá trị cá nhân, Vũ chỉ là một kẻ nhỏ bé với những cư xử tầm thường.
Bỏ qua những mưu đồ chiếm dụng nhà đất, bỏ qua những cách ứng xử đoạn tuyệt tình nghĩa gia đình, bỏ qua quá khứ học hành và làm việc không rõ ràng, chỉ cần vài chi tiết nhỏ cũng đủ nói lên bản chất của Vũ. Đơn cử như năm 2006, Vũ tự ứng cử mình vào vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Khi trả lời về khả năng để có thể đảm đương chức vụ, Vũ nói: "Bố của tôi là nhà thơ, nhà cách mạng Cù Huy Cận. Tôi học được ở ông rất nhiều điều, nhất là nhiệt huyết. Còn nếu nói về đức và tài, tôi xin tự khẳng định là tôi thừa đủ. Đảng đã nói là cần phải lựa chọn cán bộ có đức có tài cơ mà, vậy tôi có những điều đó tại sao lại không được lựa chọn?". Với một người có khả năng trả lời một cách kiêu ngạo và tùy tiện như vậy, hẳn cũng không phải nói thêm nhiều. Nhiệt huyết thì do bố truyền lại, đức tài thì tự mình phong cho mình. Hơn nữa với cách trả lời trên thì gần như duy nhất Vũ là người có đức có tài hoặc cái đức cái tài của Vũ hơn hẳn thiên hạ. Ứng cử vào một chức vụ liên quan nhiều đến văn hóa, ngay từ vốn văn hóa ứng xử cơ bản Vũ đã hiểu hết chưa?
GS Ngô Bảo Châu đã quá tùy tiện khi đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những biểu tượng anh hùng. Dù những anh hùng đó thuộc về những thời đại đã qua nhưng mang một sự trân trọng trong tâm thức mỗi người. Nó dễ gây sự lầm lẫn biến Cù Huy Hà Vũ từ một kẻ vô giá trị thành một biểu tượng.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là mục đích của tất cả những hành động trên của Cù Huy Hà Vũ là gì? Liệu nó có phải vì đất nước, vì dân tộc như một số người vẫn thổi phồng hay không?
Nhìn lại cả quá trình, Vũ chưa bao giờ biết hy sinh cho xã hội. Vũ kiên quyết giữ căn nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội như một tài sản cá nhân thay vì chấp nhận để Nhà nước xây dựng một phần thành Bảo tàng Xuân Diệu, một công trình mang tính cộng đồng. Những đơn kiện chẳng giống ai chỉ là những scandal nhằm đánh bóng tên tuổi Vũ. Chỉ khác với giới nghệ sỹ đánh bóng mình trên sân khấu, Vũ đánh bóng mình trên vũ đài chính trị. Và chi tiết thể hiện ham muốn quyền lực mang tính chất cá nhân lớn nhất của Vũ chính là việc tự ứng cử chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin năm 2006. Cứ giả sử Vũ muốn cống hiến thật thì đó cũng là một cống hiến có điều kiện, một điều kiện không hề khiêm tốn.
Có những kẻ muốn biến Vũ thành anh hùng. Bằng những tụng ca đầy tính từ, Cù Huy Hà Vũ đã được đẩy lên đến tận mây xanh. Dân chủ đã trở thành những chiêu bài chính được đưa ra trong những ý kiến cá nhân đó. Tuy nhiên, nếu những cá nhân trên thật sự muốn dân chủ, hẳn họ phải hiểu rằng dân chủ đi đôi với trí tuệ. Một người có trí tuệ không bao giờ chấp nhận một tư cách như Vũ làm anh hùng. Trường hợp còn lại, họ hiểu Vũ không đủ khả năng làm anh hùng nhưng vẫn biến Vũ thành anh hùng thì đây là những hành động đơn thuần nhằm thực hiện những mưu đồ cá nhân. Vũ khoác lên bộ y phục lóng lánh của những mỹ từ, trong khi giá trị thực cũng chỉ là một con bài trong tay kẻ khác mà thôi.
Chỉ có điều đáng tiếc ý kiến của GS Ngô Bảo Châu đã vô tình trở thành một luận cứ tâm lý có lợi cho những kẻ ngu dốt hoặc cơ hội đó. GS là niềm tự hào của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, GS là biểu tượng về mặt trí thông minh cho một dân tộc. Bởi vậy, những phát ngôn của GS không đơn thuần là những câu nói mang tính chất cá nhân nữa vì nó có tác động mãnh liệt đến suy nghĩ và niềm tin của hơn 80 triệu dân. Có điều chính GS hình như cũng không lường trước được hết những tác động từ những phát biểu của mình.
Hệ quả là chính GS cũng được biến thành một kiểu biểu tượng về trí tuệ uyên bác trên các diễn đàn. Là một tài năng trong lĩnh vực toán học, GS đã được đám đông mặc định như một trí tuệ ở một ngạch khác bao trùm hơn: hình ảnh của GS đã trở thành một cái gì đó hao hao như một nhà triết học, một nhà chính trị học, một nhà xã hội học có khả năng phán xét đúng sai cho mọi vấn đề trong cuộc sống Việt Nam.
Trong khi đó hơn một nửa cuộc đời mình GS Ngô Bảo Châu làm việc, học tập và nghiên cứu ở châu Âu. Lĩnh vực chuyên môn và chắc chắn cũng là lĩnh vực GS dành nhiều thời gian nghiên cứu nhất là toán học. Cuộc sống thì rộng hơn toán học và mang nhiều những phức tạp trong mỗi toan tính của con người. Phải sống trên chính đất nước của mình, thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người mới hiểu phần nào thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Việc phân tích từng câu nói, mổ xẻ từng ý tứ của Ngô Bảo Châu tưởng như để thể hiện sự tôn vinh, hóa ra lại trở thành một sự lợi dụng. Chân lý không quan tâm đến người phát ngôn. Việc trích dẫn Ngô Bảo Châu xét cho cùng cũng chỉ là mượn gió bẻ măng. Có những kẻ cần sự nổi tiếng, cần niềm tin mà những người Việt Nam đang đặt trên hình tượng Ngô Bảo Châu. Về mặt phương pháp cũng không khác gì việc thổi Cù Huy Hà Vũ lên thành một anh hùng để thực hiện những toan tính cá nhân.
Việt Nam rất cần những anh hùng. Tuy nhiên, những anh hùng của thời hiện đại không thể giống những Hector, Turnus hay Kinh Kha ngày trước. Cả thế giới đang bước vào thời kỳ mà trí thức quyết định phần lớn những tiến bộ trong xã hội. Người anh hùng của hiện tại trước hết phải là những người có trí tuệ, có trái tim, có tầm vóc văn hóa và kỹ năng đối thoại với thế giới. Trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính chất thời đại như biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, khủng hoảng văn hóa thì khả năng hành động của những con người như vậy chính là chìa khóa để vươn lên.
Ngược lại, việc tạo nên những anh hùng một cách áp đặt hay thổi phồng những cá nhân không xứng đáng chỉ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực. Nó tạo ra sự hoang mang trong xã hội và sự sụp đổ của niềm tin. Đó chính là những thảm họa của văn hóa và chính trị. Cho nên bất kỳ người trí thức nào trước khi tạo ra những so sánh cần sự cân nhắc kỹ càng.
Ngạn ngữ Hy Lạp nói: "Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần". Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng. Giờ đây, những hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về "anh hùng" Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét