Mỹ dùng máy bay không người lái đối phó với Trung Quốc?

VietNamNet

Mỹ đang phát triển loại máy bay không người lái sử dụng cho tàu sân bay. Theo giới phân tích, động thái này khá quan trọng trong khi Mỹ không ngừng nỗ lực đối phó với sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc.


Quan chức Mỹ khá kín kẽ về nơi sẽ triển khai máy bay không người lái, nhưng một quan chức hải quân nói rằng, có thể loại này được dùng ở châu Á. "Chúng sẽ đóng vai trò không thể thiếu trong các hoạt động tương lai của chúng tôi trong khu vực này”, phó Đô đốc Scott Van Buskirk, chỉ huy Hạm đội 7 hoạt động chủ yếu ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cho biết.

Máy bay không người lái của Mỹ bay thử tại căn cứ không quân Edwards. Ảnh: AP

Máy bay không người lái hoạt động trên đất liền được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến tại Afghanistan, nhưng những phiên bản vận hành trên biển sẽ cần nhiều năm hơn để phát triển. Nhà sản xuất Northrop Grumman đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên của loại này - tuy vẫn trên đất liền - vào đầu năm nay.

Van Buskirk không đề cập cụ thể tới Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích quân sự đều nhất trí rằng, máy bay không người lái sử dụng trên tàu sân bay là nhằm đối phó với những tiến bộ quân sự gần đây của Trung Quốc, đặc biệt là chương trình tên lửa mệnh danh “sát thủ tàu sân bay”.

"Quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài mà Mỹ phải sẵn sàng ứng phó tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các phương tiện robot - trên không cũng như trên biển - ngày càng đóng vai trò quan trọng để đối phó với thách thức ấy”, Patrick Cronin, một nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington, nói.

Trung Quốc sẽ mất nhiều thập niên nữa để xây dựng được lực lượng mạnh mẽ như Mỹ, nhưng việc họ đang phát triển mạnh các khả năng không quân, hải quân và tên lửa có thể thách thức ưu thế Mỹ ở Thái Bình Dương cũng như khả năng của Mỹ trong việc bảo vệ những tuyến đường biển quan trọng và các đồng minh như Nhật, Hàn Quốc.

Bắc Kinh vẫn khẳng định không có mục tiêu gây hấn mà chỉ là để bảo vệ các lợi ích của chính họ: Các tuyến đường biển rất quan trọng với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu của Trung Quốc.

Việc hải quân Mỹ theo đuổi chương trình máy bay không người lái mới là sự thừa nhận tính cần thiết cho các chiến lược và hệ thống vũ khí mới để không chỉ đối phó với Trung Quốc mà còn thích nghi với sự thay đổi lớn trong quân sự nói chung. "Hệ thống máy bay không người lái dùng cho tàu sân bay có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là gia tăng phạm vi và thời gian cho các hoạt động tình báo, do thám, giám sát của chúng tôi cũng như khả năng nhanh chóng tấn công các mục tiêu”, ông Van Buskirk nói tại tổng hành dinh của Hạm đội 7 ở Yokosuka, Nhật Bản.

Hạm đội của ông có một tàu sân bay - USS George Washington cùng 60 tàu khác và 40.000 thủy thủ, lính thủy đánh bộ.

Theo các chuyên gia, máy bay không người lái có thể được triển khai trên bất kỳ tàu sân bay nào trong tổng số 11 tàu của Mỹ ở khắp thế giới và không chỉ nhằm đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, các thông tin của Trung Quốc về tiến bộ đạt được trong chương trình tên lửa dường như thúc đẩy nhu cầu sử dụng chúng.

Tên lửa DF 21D với mệnh danh "sát thủ tàu sân bay” được thiết kế để phóng từ đất liền, có khả năng tấn công mục tiêu di động (như tàu sân bay) ở khoảng cách khoảng 1.500km. Mặc dù chưa được chứng minh - và một số nhà phân tích nói đó là sự phóng đại - thì tới nay vẫn chưa có quốc gia nào sở hữu loại vũ khí này.

Các loại máy bay chiến đấu gần đây của hải quân Mỹ chỉ có thể hoạt động trong phạm vi 800km so với mục tiêu, đặt tàu sân bay vào tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc.

Máy bay không người lái có bán kính chiến đấu khoảng 2.780km mà không cần tiếp dầu và có thể ở trên không từ 50-100h, so với 10 giờ tối đa cho một phi công, theo phân tích năm 2008 của Tom Ehrhard và Robert Work thuộc Trung tâm Đánh giá ngân sách và chiến lược. Dự án này giờ đây trực tiếp dưới sự giám sát của hải quân Mỹ.

"Giới thiệu một máy bay mới hứa hẹn giúp nhóm chiến đấu hoạt động xa hơn ở tầm bắn hiệu quả tối đa của tên lửa đạn đạo chống hạm, nó gia tăng đáng kể khả năng phòng thủ của tàu sân bay”, James Holmes thuộc trường Chiến tranh hải quân Mỹ nói.

Northrop Grumman có hợp đồng 6 năm trị giá 635,8 triệu USD để phát triển hai trong số các máy bay. Một nguyên mẫu dòng X-47B của hãng này đã tiến hành bay thử trong 29 phút hồi tháng 2 ở căn cứ không quân Edwards tại California. Ban đầu, dự kiến bay thử là vào năm 2013.

Một số nhà sản xuất máy bay khác gồm Boeing và Lockheed cũng tham gia cuộc chơi. General Atomics Aeronautical Systems, Inc. - nhà sản xuất máy bay không người lái Predator dùng trong chiến tranh Afghanistan - cũng đã tiến hành thử nghiệm hồi tháng 2. Tuy nhiên, người phát ngôn Kimberly Kasitz nói còn quá sớm để công bố chi tiết.

Một số chuyên gia cảnh báo, máy bay không người lái dùng cho tàu sân bay vẫn chưa được thử nghiệm và các tiến bộ của Trung Quốc có thể khiến nhà cung cấp trở nên lỗi thời. Một số nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc có thể không muốn kích động chiến tranh vì có thể ảnh hưởng tới lợi ích thương mại của mình.

Cả không quân và hải quân Mỹ đều tài trợ cho một dự án phát triển máy bay không người lái dùng cho tàu sân bay vào đầu những năm 2000 nhưng không quân đã rút lui năm 2005.

Mùa hè trước, Đô đốc Gary Roughhead, phụ trách các hoạt động hải quân, nói rằng, mục tiêu có một số máy bay ném bom không người lái đi vào hoạt động năm 2018 là “quá chậm chạp”.

Thái An (Theo AP)

Người TQ muốn tàu sân bay dù có chạy đua vũ trang
Trung Quốc lẳng lặng "đe" láng giềng bằng tàu sân bay
Trung Quốc sắp hoàn thành tàu sân bay

Sau nhiều năm nâng cấp, tàu sân bay Varyag có thể được hạ thủy trong năm nay, trở thành con tàu lớn nhất, hoành tráng nhất trong lực lượng hải quân quân đội Trung Quốc (PLAN).

Phân tích của tác giả Richard A.Bitzinger - chuyên gia nghiên cứu cấp cao Chương trình Thay đổi quân sự tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore và Paul T.Mitchell - giáo sư nghiên cứu quốc phòng tại trường quân sự Canada ở Toronto, Canada.

Varyag sẽ không phải là tàu sân bay duy nhất của PLAN; nhiều đồn đoán cho thấy, Trung Quốc dường như xây dựng 4 đến 6 tàu sân bay. Tuy nhiên, trong khi PLAN đang trên con đường trở thành lực lượng hải quân sở hữu tàu lớn, thì việc này sẽ không xảy ra sớm sủa hay dễ dàng.

Varyag suýt chỉ là một sòng bạc nổi

Một “di sản” của hậu Chiến tranh Lạnh, Varyag được bắt đầu xây dựng vào đầu những năm 1980 nhưng công việc bị dừng lại năm 1992 khi con tàu mới chỉ được hoàn thành khoảng 70%. Ukraine, nước sở hữu con tàu sau khi Liên Xô tan rã, đã dỡ bỏ một số trang bị trên tàu, và để cho tàu “phơi mưa phơi nắng”. Cuối cùng, khi Varyag được bán và chuyển về cho Trung Quốc năm 2001 - để có thể trở thành một sòng bạc nổi tại Macau - nó chỉ còn lớp vỏ gỉ sét, không động cơ, không hệ thống vũ khí hay điện tử.

Hơn thế nữa, quá trình dỡ bỏ các thiết bị nhạy cảm trên con tàu đã dẫn tới việc phá hủy kết cấu, nên thậm chí khả năng đi biển của nó cũng đáng nghi ngờ.

Tàu sân bay Varyag được đại tu tại cảng Đại Liên. Ảnh: THX
Không nản lòng, vào giữa năm 2005, người Trung Quốc đưa Varyag đến một xưởng đóng tàu tại Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc, nơi con tàu được sơn màu xám đặc trưng của PLAN và phần bãi đáp máy bay trên boong được sang sửa lại. Sau đó, hệ thống động cơ và điện tử của tàu được lắp đặt và phần cầu tàu cũng xây dựng lại.

Khi ấy, Trung Quốc vẫn thiếu các máy bay có thể sử dụng trên tàu sân bay. PLAN bắt đầu chú tâm vào máy bay chiến đấu Su-33, loại máy bay hoạt động trên con tàu sân bay duy nhất của Nga mang tên Đô đốc Kusnetzov. Có rất nhiều tin đồn về việc Trung Quốc có thể mua tới 50 máy bay S-33 từ Nga hoặc đã tậu được hai chiếc từ Ukraine và đang trong quá trình “mổ xẻ” máy bay.

Những bước tiếp theo

Varyag có lẽ chủ yếu sử dụng làm nền tảng nghiên cứu và huấn luyện cho đội ngũ thiết kế, thủy thủ đoàn tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai, hơn là hoạt động đầy đủ như một chiếc tàu sân bay toàn diện. Cùng lúc đó, Trung Quốc được cho là bắt đầu xây dựng một số tàu sân bay trong nước. Ước tính của Nhóm Thông tin Jane’s cho thấy, PLAN có thể xây dựng tới 6 tàu sân bay, và chiếc đầu tiên sẽ xuất hiện vào giữa thập niên này.

Khi điều đó xảy ra, điều đó đồng nghĩa với việc thay đổi quan điểm của PLAN về Nhóm tàu sân bay tác chiến (CVBG), với việc coi tàu sân bay là trái tim của đội tàu hỗ trợ gồm tàu ngầm, tàu khu trục - một sự hợp nhất trong trình diễn sức mạnh hàng đầu. Các CVBG như vậy nằm trong số trang thiết bị ấn tượng nhất của sức mạnh quân sự, về lực lượng tấn công bền vững, sâu rộng và có khả năng viễn chinh.

Thách thức

Tuy nhiên, việc có một con tàu sân bay không đơn giản là tự động chuyển đổi trở thành một lực lượng hải quân sở hữu tàu sân bay. Trung Quốc có thể mất 15-20 năm trước khi có một nhóm CVBG gồm 4-6 sáu chiếc. Và, các thách thức đặt ra với việc vận hành hoạt động hạm đội này không hề nhỏ. Hạ cánh trên tàu sân bay là công việc căng thẳng nhất trong hoạt động bay. Đồng thời, boong tàu sân bay là một khu vực làm việc rất nguy hiểm vì kích cỡ tương đối nhỏ, và số lượng nhiều hoạt động cùng diễn ra ở một nơi trong cùng một thời điểm. Do đó, rủi ro dẫn đến cái chết của một phi công hay người hỗ trợ là rất cao.

Hoạt động tàu sân bay là cả một gánh nặng. Hơn mọi tàu chiến khác, tàu sân bay là “hệ thống của hệ thống” bên trong và của chính bản thân nó. Các tàu sân bay có thể có những loại máy bay khác nhau trên boong. Một tàu sân bay Mỹ có khoảng bốn phi đội chiến đấu cơ riêng biệt, một phi đội chiến đấu điện tử, một phi đội chống tàu ngầm và các trực thăng tìm kiếm cứu hộ, một phi động cảnh báo sớm và một phi đội vận chuyển hàng hóa. Hơn thế nữa, cái gọi là “chu kỳ hoạt động” - khởi động và phục hồi liên tục của các sứ mệnh bay trong một ngày - đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa con người và máy móc, tất cả đều đòi hỏi sự thực hành liên tục để sẵn sàng tiếp cận với bất kỳ mức độ nào. Điều đó có nghĩa là không chỉ cần tới một cơ sở đào tạo lớn trên bờ mà còn cần đến việc diễn tập thường xuyên trên biển.

Do đó, có thể đặt câu hỏi việc việc PLAN sẽ cố gắng lặp lại sự phức tạp của một tàu sân bay Mỹ. Tàu Varyag sử dụng thiết kế kiểu nhảy cầu “ski-jump”. Kiểu này cung cấp nhiều lợi thế: khi cất cánh nó sẽ không tạo ra áp lực cho khung máy bay và phi công, cho phép trọng lượng máy bay nhẹ hơn vì ít phải tăng cường cấu trúc khung. Khi đã lên không, máy bay sẽ có được góc tấn công lớn, làm tăng thêm tốc độ bay. Nhưng mặt khác, máy bay cất cánh kiểu này không thể mang tải trọng nặng (như trang bị vũ khí và nhiên liệu), vì thế bị hạn chế lớn về hỏa lực và phạm vi hoạt động.

Điều sẽ tới

Bất chấp các thách thức, PLAN rõ ràng muốn trở thành lực lượng hải quân có tàu sân bay. Nếu thập niên trước thể hiện cho chúng ta biết điều gì đó về quân đội Trung Quốc, thì đó là một quyết tâm xây dựng lực lượng vũ trang.

Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ tài nguyên vào việc hiện đại hóa quân sự - gần đây nhất là việc nâng chi tiêu quốc phòng lên 12,7% ở mức 91,5 tỉ USD. Nếu Trung Quốc thành công trong việc có được không chỉ một mà là cả một hạm đội tàu sân bay, thì hạm đội ấy sẽ tạo nên những đột phá lớn trong nỗ lực mở rộng sức mạnh quân sự Trung Quốc. Cán cân quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ thay đổi.


Thái An (Theo eurasiareview)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét