Bất chấp dư luận lên tiếng, những ca khúc kém chất lượng vẫn "hồn nhiên" ra đời với giai điệu cóp nhặt, thậm chí "copy and paste" từ nhạc nước ngoài, ca từ mang tính khẩu ngữ, không có ý tưởng hay chất nghệ thuật gì, chứ chưa đòi hỏi sự sáng tạo. Điều này cho thấy phông văn hóa và đạo đức nghề nghiệp của người sáng tác có “vấn đề”.
Nổi tiếng hay tai tiếng?
Những ngày gần đây, cư dân mạng "sốt" lên sùng sục vì những ca khúc mà báo chí đánh giá là "thảm họa của nhạc Việt" được tung lên mạng: Hết "Da nâu" của cô người mẫu P.T.V. lại đến L.K.N. với ca khúc "Đừng yêu em". Mới đây, P.T.V. tiếp tục khiến người nghe kinh hoàng vì ca khúc "Tâm hồn là vĩnh cửu" của cô. Còn ca sĩ P.M. cũng làm "đắng lòng" người nghe với "Nói dối".
Trong khi những lời chỉ trích các ca khúc này rất nặng nề, mà bất cứ ai cũng có thể đọc được nếu vào Youtube, thì lượng tải các ca khúc này làm nhạc chuông, nhạc chờ lại… tăng vọt. Và những người thể hiện nó, vốn không phải là những tài năng âm nhạc, bỗng nổi tiếng như những "hot girl" đích thực.
Người sáng tạo, hơn ai hết, họ hiểu rõ thế nào là tác phẩm chưa đạt giá trị chân - thiện - mỹ, nhưng vì tiền, họ cứ làm và cứ đưa ra những gì mà bạn trẻ thích, ca sĩ mua. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: "Khi nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật không bằng tâm huyết từ trong trái tim, chắc chắn chất lượng tác phẩm sẽ có vấn đề".
Song hành cùng với những người sáng tác ra những sản phẩm kém chất lượng, là một số người, vì lý do cá nhân hay sự thẩm định nghệ thuật còn thiếu hụt, nên đã thản nhiên thể hiện những bài hát ấy. Nhưng còn lạ lùng hơn khi trước phản ứng của khán giả, những người này không buồn, mà ngược lại, còn tỏ ra hân hoan "vì bao năm đi hát không được ai biết đến, nay chỉ nhờ có một bài dở tệ này mà thành… nổi tiếng".
Thái độ này cũng cho thấy trình độ văn hóa của họ. Một người đã nhầm lẫn tai hại khi không phân biệt nổi tai tiếng với nổi tiếng, thì sao có thể trở thành người nghệ sĩ chân chính?
Số lượng tải nhạc chuông nhạc chờ tăng, nhưng không phải để thưởng thức nghệ thuật đúng nghĩa mà đa phần lớp trẻ tải về để cười cợt, chọc đùa nhau. Dẫu sao, điều đó cũng phản ánh một xu hướng không lành mạnh trong thưởng thức âm nhạc.
Thế nhưng, mới chỉ thấy trang nhacso.net có một động thái tích cực, là đưa ra thông báo: "Để bảo vệ người tiêu dùng, nhacso.net quyết định sẽ xóa toàn bộ dữ liệu liên quan đến Phương My, một trong những giọng ca đi đầu trong việc tạo ra những tác phẩm nhạc "thảm họa", nhằm giảm cơn thịnh nộ của cư dân mạng.
Đâu rồi các cơ quan quản lý?
Trong khi đó, trước một hiện tượng không bình thường này, lại chưa hề thấy cơ quan quản lý Nhà nước có động thái chính thức nào: lĩnh vực băng đĩa do Cục Quản lý nghệ thuật - biểu diễn của Bộ VH, TT&DL quản lý và lĩnh vực website do Bộ Thông tin- Truyền thông chịu trách nhiệm. Có vẻ như các cơ quan quản lý sự lúng túng vì chưa theo kịp những "bước nhảy hoàn vũ" của thực tế đời sống nên không "đỡ" nổi, dù "đòn" chưa phải là "cao tay"?
Lạ nữa là cho đến nay, mới chỉ thấy các nhà báo tâm huyết phát hiện và lên tiếng về hiện tượng "thảm họa nhạc Việt", chứ cũng chưa thấy nhiều nhà lý luận phê bình âm nhạc bày tỏ quan điểm bằng việc phân tích cái được, chưa được của những cái gọi là "ca khúc" này, để định hướng dư luận.
Trách nhiệm của truyền thông trong việc phổ rộng các ca khúc này là không thể phủ nhận. Trên một trang mạng, với đoạn sapo chừng dăm chục chữ phê phán "thảm họa Vpop", liền sau đó, là 4 video clip giới thiệu 4 "thảm họa", có khác nào tuyên truyền, quảng bá cho những "ca khúc" này?
Năm ngoái, tại một kỳ họp của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TW, các nhà quản lý đều thống nhất rằng, sự "xuống cấp" của âm nhạc hiện nay, có trách nhiệm không nhỏ của các đài truyền hình, khi phụ thuộc vào nhà tài trợ, hoặc do người quản lý, người biên tập có trình độ thẩm định âm nhạc yếu và phong cách làm việc thiếu nghiêm túc, nên đã lăng-xê những bài hát kém chất lượng.
Làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Một số nhạc sĩ và quản lý cho rằng, cứ kệ nó, rồi cuộc sống sẽ đào thải. Nhưng nếu "kệ", thì chỉ cần vài tháng hay vài năm tồn tại, những bài hát kém chất lượng này đủ để phá hỏng tâm hồn, trình độ thưởng thức âm nhạc của nhiều người trong thế hệ trẻ.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Khắc phục các "dị tật" trong âm nhạc, trước hết phải do cơ quan quản lý văn hóa, bằng việc quản lý chặt việc sản xuất băng đĩa, báo chí, chương trình, không để lọt ra những tác phẩm kém chất lượng và đặt các chương trình ca nhạc đúng vị trí của nó. Các cơ quan quản lý thừa biết rằng sự độc hại sẽ ảnh hưởng đến văn hóa - chính trị của đất nước, nếu để hổng âm nhạc. Đã đến lúc chúng ta nên lấy tầm nhìn của thế giới để đo sự thành công trong âm nhạc. Khán giả cũng là một bộ phận để nói lên điều này, nhưng vấn đề khán giả đó là ai? Đừng nghĩ mọi người vỗ tay thì ca sĩ đó là đỉnh cao!
Ngay trong khu vực Đông Nam Á, nhạc pop-rock của Việt Nam cũng thấp nhất. MTV giới thiệu các phẩm của Malaysia, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc v.v… đủ cả, nhưng không có Việt Nam. Thực tế này đủ để những ngôi sao, những người làm âm nhạc Việt Nam nên tỉnh giấc xem âm nhạc Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới. Báo chí cần "gõ cửa" cho họ tỉnh dậy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét