“Không nên thêm 4 chữ cái khác vào tiếng Việt”

VTC News:
11/08/2011 13:17

(VTC News) – Nếu các Bộ khác cũng đề xuất thêm các chữ cái mới vào tiếng Việt thì “chết dân” – GS.TS Nguyễn Minh Thuyết lên tiếng.

“Không nên thêm 4 chữ cái khác vào tiếng Việt”
Những chữ cái được đề xuất thêm vào tiếng Việt. Ảnh: Hoàng Lan.

Liên quan đến việc Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn sử dụng tiếng Việt trong máy tính và hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có việc thêm 4 chữ cái vào tiếng Việt, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội khóa 12, Chủ tịch Hội đồng bộ môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT.

“Không nên thêm 4 chữ cái khác vào tiếng Việt”
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Việt Dũng.

GS có biết về việc soạn thảo Thông tư hướng dẫn sử dụng tiếng Việt của Bộ GD&ĐT, trong đó đề xuất thêm 4 chữ cái vào tiếng Việt?

- Qua báo chí tôi có biết điều này. Đúng là trong công việc ở Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT có gặp một số vướng mắc nên những đề xuất của họ là dễ hiểu. Nhưng nếu Bộ GD&ĐT giao cho Cục trên soạn thảo Thông tư là trái thẩm quyền, không đúng chức năng. Vì bảng chữ cái là quy định của Quốc gia chứ không phải các Bộ tự quy định.

Kể cả Thông tư này chỉ quy định trong sách giáo khoa thì cũng không đúng vì sách giáo khoa làm sao trái với các quy định chung được? Ngay cả Vụ Giáo dục Tiểu học của Bộ cũng chưa biết dự thảo Thông tư này.

Trong lịch sử, chúng ta đã từng có lần điều chỉnh chữ viết?

- Đó là năm 1980. Năm đó, Bộ GD&ĐT đã thay chữ mà người ta đã gọi là chữ “mỳ ăn liền”, “cứng cong queo”, do Bộ tự sáng tạo ra rồi “áp” vào sách giáo khoa. Nhưng đến năm 1984 do thấy chữ xấu quá nên phải thay đổi nhưng đã mất 4 lứa học sinh viết chữ xấu.

Vậy quan điểm của GS về việc dự thảo Thông tư này?

- Tôi thấy không ổn. Có nhiều việc được đề xuất cần giải quyết, có những việc có thể chưa cần. Ví dụ như thêm 4 chữ F, W, Z, J vào máy tính thì thực tế trên bàn phím đã có, còn thêm vào sách giáo khoa thì không ai cấm cả.

Tức là khi anh dùng ký hiệu của các bộ môn hay phiên âm tên người nước ngoài thì có ai cấm đâu. Nhưng bảng chữ cái là thể hiện cách phát âm Việt Nam, không thể bổ sung bất cứ cái gì được. Bổ sung W vào đây thì phát âm thế nào? Một khi đã thêm vào thì phải có sự phân công nhiệm vụ các chữ cái này. Nếu chữ “F” thay “PH” thì sửa hết sách? Mà Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật phải theo.

Ngay cả chữ của Anh cũng có chỗ vô lý nhưng có ai sửa đâu? Chưa kể việc sửa như vậy tốn kém biết bao tiền của. Nếu cứ bổ sung như vậy thì có lẽ chúng ta phải thêm cả “anpha - α”, “beta - β ” vào tiếng Việt…Nên không thể bổ sung thế được.

“Không nên thêm 4 chữ cái khác vào tiếng Việt”
Bảng chữ cái tiếng Việt hiện nay. Ảnh: vatgia.com

Trong dự thảo Thông tư cũng nói đến việc quy định các trường hợp đang gây nhầm lẫn như “Quý” hay “Quí”; hoặc “Òa” hay “Oà”…Liệu GS có đồng tình với điều này?

- Cái đó thì nên xem xét. Nhưng phát âm “Quý” và “Oà” là đúng vì đã có quy luật. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp chưa có thống nhất, như “mỹ” hay “mĩ”, hoặc “lí” hay “lý”…Nhưng quy định ở cấp Quốc gia thì không thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT.

Mình cũng phải để ý đến sự thừa nhận của người dân. Ví dụ “xã Mỹ Sơn” thì phải viết “y”, hay họ “Lý” của một người nào đó thì không thể thay đổi…

Tóm lại, tôi cho rằng Bộ GD&ĐT nên dừng lại, không làm vì việc này phải do cơ quan cấp cao hơn đảm nhiệm. Bổ sung bảng chữ cái của một đất nước đâu phải chuyện chơi. Nếu mai các Bộ khác cũng đề xuất thêm các chữ cái mới vào tiếng Việt thì “chết dân”…Việc đó phải do Chính phủ, nếu không muốn nói là Quốc hội quy định.

Xin cảm ơn GS!

Vì sao Việt Nam chưa có quy định chi tiết về chữ Quốc ngữ?

Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Tô Văn Động cho biết, chúng ta mới có quy định về Quốc ca, Quốc kỳ, Quốc huy, chứ chưa có quy định chi tiết về Quốc ngữ.

Giải thích điều này, GS.TS Nguyễn Văn Khang, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, chính sách ngôn ngữ trên thế giới được chia làm 2 loại: tường minh và không tường minh. Tường minh có nghĩa là được ghi vào Hiến pháp. Không tường mình thì tuy không được ghi vào Hiến pháp nhưng vẫn được dùng trong thực tế. Tùy vào tình hình các quốc gia mà lựa chọn chính sách ngôn ngữ khác nhau. Ngay các nước có nền chính trị giống nhau thì chính sách ngôn ngữ vẫn khác nhau.

Việt Nam có chính sách ngôn ngữ không tường minh nhưng tiếng Việt đã được sử dụng để thực hiện giao tiếp quốc gia.

Từ nay đến năm 2012, Viện Ngôn ngữ học sẽ hoàn thành đề tài nghiên cứu “Xây dựng cơ sở khoa học để xây dựng Luật Ngôn ngữ Việt Nam”. Kết quả để giải đáp câu hỏi, chúng ta có nên ban hành Luật Ngôn ngữ hay không và nếu làm Luật này thì làm thế nào?

Tin liên quan

» Thêm 4 chữ cái vào tiếng Việt nhưng không thay cách học

Hoàng Lan
(thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét