Thêm 4 chữ cái vào tiếng Việt nhưng không thay cách học

VTC News 
10/08/2011 06:36
(VTC News) – Sẽ đề xuất thêm các chữ F, J, W, Z vào tiếng Việt nhưng không thay đổi chương trình học – TS Quách Tuấn Ngọc cho biết.
 
Bảng chữ cái tiếng Việt hiện nay. Ảnh: vatgia.com 
Trao đổi với VTC News chiều 9/8, TS Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho biết, Cục này đang soạn dự thảo Thông tư quy định hướng sử dụng tiếng Việt trong máy tính và hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong dự thảo, dự kiến sẽ thêm 4 chữ cái là F, J, W, Z vào tiếng Việt và quy định “cứng” những trường hợp nào dùng “i” hay “y”.
Theo TS Quách Tuấn Ngọc, việc thêm các chữ trên để thuận lợi về mặt kỹ thuật trong sắp xếp trật tự, chuẩn hóa tiếng Việt trên máy tính, đánh dấu tiếng Việt (ví dụ dấu “huyền” đặt ở đâu trong chữ “hòa”), thống nhất dùng “i” hay “y”... Mặt khác, những chữ cái đề xuất ở trên, tuy đã được dùng trong văn bản và máy tính, nhưng chưa được chính thức thừa nhận.
Những chữ cái được đề xuất thêm vào tiếng Việt. Ảnh: HT. 


Hiện nay, chưa có quy định về vấn đề này nên TS Ngọc cho biết, chúng ta vẫn đang “loạn” cách dùng, ví dụ như tên “Quý” hay “Quí” đã khiến nhiều người bị giữ lại ở sân bay vì nhầm lẫn.
Nếu thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính được ban hành, bảng chữ cái tiếng Việt sẽ bao gồm 33 chữ. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra lấy ý kiến của công chúng, sau đó trình Bộ Tư pháp kiểm tra…mới chính thức ban hành.
“Nhưng Thông tư này không làm thay đổi cách dạy, cách học tiếng Việt” – TS Ngọc khẳng định. Vì những cái đề xuất thêm vào không ảnh hưởng đến việc phát âm tiếng Việt.
“Nếu Thông tư này ra đời thì phầm mềm Vietkey gõ tiếng Việt sẽ có chế độ mặc định chứ không phải hỏi người dùng lựa chọn “òa” hay “oà” nữa” – TS Ngọc phân tích thêm.
Trong khi đó Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Tô Văn Động cho VTC News biết, chúng ta mới có quy định về Quốc ca, Quốc kỳ, Quốc huy, chứ chưa có quy định chi tiết về Quốc ngữ.
Bạn có đồng ý việc thêm 4 chữ cái vào tiếng Việt hiện nay không? Hãy nêu quan điểm của bạn ở ô thảo luận phía dưới.
 Hoàng Lan


Ông Quách Tuấn Ngọc - Ảnh: T.Hà

TT - Đó là khẳng định của ông Quách Tuấn Ngọc - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GĐ-ĐT) - xung quanh việc thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt đang xôn xao dư luận.

Thông tin về việc Bộ GD-ĐT sẽ có thông tư hướng dẫn về sử dụng tiếng Việt trong môi trường máy tính và hệ thống giáo dục (“Thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt”, Tuổi Trẻ ngày 9-8) đã khiến nhiều bạn đọc bày tỏ băn khoăn với cả trăm email gửi về tòa soạn.
Để cung cấp thêm thông tin, Tuổi Trẻ đã trao đổi với TS Quách Tuấn Ngọc - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), người được giao chủ trì việc soạn thảo thông tư trên. Ông Quách Tuấn Ngọc cho biết:
- Ban soạn thảo sẽ thảo luận để đưa ra những quy định phù hợp. Còn việc sắp xếp chữ cái sẽ theo quy luật của chữ Latin. Chủ trương soạn thảo thông tư này không phải bây giờ mới có. Trước đây, Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học - công nghệ) và Bộ Thông tin - truyền thông cũng từng đặt vấn đề soạn thảo thông tư chuẩn hóa một số vấn đề của tiếng Việt nhưng chưa làm được. Vì thế chúng tôi sẽ thận trọng, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn để việc này được khả thi.
Nếu được thông qua, học sinh sẽ được làm quen với bốn ký tự mới bên cạnh bảng chữ cái quen thuộc. Trong ảnh: học sinh Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, TP.HCM tập làm quen với mặt chữ cái - Ảnh: như hùng
* Dư luận rất quan tâm đến việc ban soạn thảo dự định đưa nhóm ký tự F, J, Z, W vào bảng chữ cái tiếng Việt. Họ cho rằng việc này không cần thiết và sẽ làm xáo trộn việc dạy tiếng Việt trong nhà trường, xáo trộn cách viết, phát âm tiếng Việt. Xin ông giải thích kỹ hơn về việc này?
- Về điều này, tôi cần khẳng định ngay là sẽ không có chuyện xáo trộn việc dạy tiếng Việt trong nhà trường, việc phát âm và chữ viết. Việc bổ sung nhóm ký tự trên là để quy định bảng chữ cái tiếng Việt đầy đủ sử dụng trong công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục. Vì trên thực tế, ở một số môn học trong nhà trường, nhóm ký tự trên cũng được sử dụng, nhất là môn toán. Trong nhiều văn bản, sách báo đều có sử dụng các ký tự trên. Ví dụ chữ viết tắt của từ “trung ương” (TW). Như vậy, không thể để nhóm ký tự đó nằm ngoài bảng chữ cái tiếng Việt và học sinh không biết gì về chúng.
Trong các nhà trường hiện nay đều dạy công nghệ thông tin, công nghệ thông tin được xem là kiến thức cần phải phổ cập trong thời đại hiện nay. Như vậy việc biết đến và chính thức công nhận nhóm ký tự trên trong bảng chữ cái càng cần thiết. Nhưng tôi nhấn mạnh, đưa nhóm chữ cái trên vào bảng chữ cái tiếng Việt không phải để sửa cách phát âm, chữ viết tiếng Việt. Đây không phải việc sáng tạo mà chỉ là sự thừa nhận những cái đã được sử dụng trên thực tế.
Hiện tại học sinh mầm non vẫn bắt đầu bằng bảng chữ cái không có F, J, W, Z - Ảnh: NHƯ HÙNG
* Ngoài việc bổ sung nhóm ký tự trên vào bảng chữ cái tiếng Việt đầy đủ, còn có những nội dung gì được thảo luận và đưa vào dự thảo?
- Có nhiều vấn đề cần được thống nhất, chuẩn hóa trong môi trường công nghệ thông tin và giáo dục. Đó là quy định về trật tự bảng chữ cái, trật tự các dấu trong tiếng Việt, cách sắp xếp thứ tự họ tên, từ điển, thống nhất cách viết trong một số trường hợp, ví dụ khi nào sử dụng chữ “i” khi nào sử dụng “y”, cách viết dấu thế nào, cách điền dấu thế nào, ví dụ viết “hòa” hay viết “hoà” (vị trí của dấu huyền) hay cách viết khi có dấu chấm phẩy (;), dấu hai chấm (:) và dấu chấm than (!) thì trước đó có để khoảng trắng (như quy định của một số nhà xuất bản) hay không có khoảng trắng...
Tuy nhiên đây là những vấn đề vẫn đang phải thảo luận. Đặc biệt là những vấn đề cần phải tham khảo ý kiến nhiều chiều của các nhà chuyên môn, như việc viết chữ “i” hay “y” cần phải nghe ý kiến của các nhà ngôn ngữ, còn các vấn đề thuộc phạm vi kỹ thuật trong môi trường công nghệ thông tin sẽ trao đổi với chuyên gia công nghệ thông tin.
* Mục đích của việc soạn thảo thông tư là gì? Sau khi thông tư ban hành, việc thực hiện thế nào, thưa ông?
- Trong thời đại hiện nay, chúng ta phải làm việc trên máy tính rất nhiều, nhiều cơ quan, cụ thể là ngành GD-ĐT phải sử dụng rất nhiều các phần mềm quản lý. Nếu không chuẩn hóa tiếng Việt, cụ thể là các vấn đề nêu trên, máy tính sẽ không thể xử lý được. Chỉ đơn cử việc nhập dữ liệu của các kỳ thi quốc gia (thông tin thí sinh, đề thi, kết quả chấm thi...) nếu không thống nhất sẽ bị trục trặc, không thể vận hành, cũng không thể tra cứu, ngoài ra còn rất nhiều việc khác phải quản lý, sử dụng, khai thác trên hệ thống dữ liệu được tin học hóa. Nếu thông tư có hiệu lực, trước hết sẽ áp dụng trong các cơ quan quản lý GD-ĐT, các nhà trường.
VĨNH HÀ thực hiện

Sẽ công bố và tiếp thu ý kiến trong vòng 60 ngày
Hiện nay ban soạn thảo bao gồm các nhà ngôn ngữ học, chuyên gia công nghệ thông tin và các nhà giáo vẫn đang tiếp tục hoàn chỉnh bản dự thảo thông tư. Những thông tin ban đầu về nội dung dự thảo thông tư này chưa đầy đủ và không chính thức. Còn nhiều vấn đề ban soạn thảo vẫn đang phải tiếp tục thảo luận và tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn. Theo quy trình, sau khi hoàn thành dự thảo sẽ được công bố trên trang web của Bộ GD-ĐT để tiếp thu ý kiến góp ý trong 60 ngày. Sau đó chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo với các chuyên gia về ngôn ngữ và công nghệ thông tin. Vì vậy, khi thông tư còn đang trong quá trình soạn thảo, mọi sự đánh giá, góp ý đều không có cơ sở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét