Người Trung Quốc buồn vì Mỹ 'mất giá'

VnExpress:
Thứ ba, 9/8/2011, 16:06 GMT+7

Không chỉ người Mỹ bị sốc khi Mỹ bị hạ bậc đánh giá tín dụng, nhiều người Trung Quốc cũng chung cảm xúc tương tự. Họ đang hướng sự chỉ trích vào chính phủ Trung Quốc

> Mỹ rớt hạng tín dụng

Việc cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor hạ bậc khiến Mỹ mất danh hiệu vàng AAA lần đầu tiên trong lịch sử đã gây ra cơn hoảng sợ trên khắp các thị trường hàng hóa, chứng khoán, tiền tệ không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới.

Các trang web của Trung Quốc cuối tuần qua tràn ngập những lời chỉ trích về công tác quản lý của Bắc Kinh đối với dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc - một chủ đề trước đây rất ít thu hút công chúng. Sự háo hức của người dân, muốn đóng góp vào câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ ở Trung Quốc với vai trò là người tiêu dùng, đã bị dập tắt bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ.

Thị trường chứng khoán của Trung Quốc hôm qua sụt giảm mạnh do các nhà đầu tư lo ngại rằng những sự kiện gần đây ở Mỹ và châu Âu sẽ làm suy giảm khả năng xuất khẩu của Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 3,78% và đây là mức giảm sâu thứ ba ở châu Á hôm qua, chỉ sau Đài Loan và Hàn Quốc.

Thị trường chứng khoán của Trung Quốc sụt giảm mạnh hôm qua do các nhà đầu tư lo ngại những sự kiện gần đây ở Mỹ và châu Âu sẽ làm suy yếu nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc, giống như mặt hàng may mặc tại một nhà máy ở tỉnh An Huy. Ảnh: NY Times

"Xếp hạng tín dụng của Mỹ bị hạ xuống một bậc, tại sao chúng ta phải trở thành nạn nhân lớn nhất?", một cá nhân viết trên mạng xã hội Sina Weibo rất phổ biến ở Trung Quốc. "Trung Quốc luôn cúi đầu trước Mỹ. Khi nào thì Trung Quốc mới ngẩng đầu lên được và gạt sang một bên sự lo ngại triền miên trước các phản ứng từ Mỹ!".

Nhiều bài viết trên mạng Internet cũng mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc tương tự và thắc mắc rằng về việc chính phủ đầu tư đến một nửa trong tổng dự trữ trị giá 3,2 nghìn tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Mức này vượt xa con số của các nền kinh tế khác trên thế giới.

Một trong những lời chỉ trích gay gắt nhất xuất hiện trên mạng, sau đó biến mất ngay, có nội dung: ""Những nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc muốn người khác tiêu tiền của người dân hơn là để người dân tự tiêu tiền của mình". Tuy nhiên những người chỉ trích hầu như chỉ bày tỏ nỗi bực bội vì lòng tự tôn bị tổn thương, chứ không đưa ra được giải pháp thay thế nào.

Dù những người viết chỉ trích trên mạng Trung Quốc có nhận ra hay không, nhưng có một thực tế là Trung Quốc có rất ít lựa chọn ngoài việc chi ra hàng chục tỷ USD mỗi tháng để duy trì tỷ giá thấp và bảo vệ bộ máy xuất khẩu. Mà Bộ Tài chính Mỹ thì chẳng có nhiều công cụ khác ngoài trái phiếu để có thể hấp thu nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc.

Tuy nhiên bộ máy lãnh đạo Trung Quốc không muốn bị công chúng cho là đã dung dưỡng hay ủng hộ các chính sách tài chính của Mỹ. Điều đó giải thích vì sao gần đây báo chí chính thống của Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ là "nghiện vay nợ", và đăng nhiều bài chỉ trích kịch liệt. Trong khi đó ngân hàng trung ương cũng như các định chế tài chính Trung Quốc chưa hề lên tiếng gì về sự tụt hạng tín nhiệm của Mỹ.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc sáng hôm qua đã cho đồng nhân dân tệ tăng 0,23% so với đồng USD vào sáng hôm qua khi ấn định tỷ giá hàng ngày. Mỹ từ lâu đã ép Bắc Kinh phải tăng giá đồng nhân dân tệ. Mức tỷ giá mới, 6.435 nhân dân tệ so với đồng USD, là bước nhảy vọt lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 11 năm ngoái.

Tuy nhiên đồng nhân dân tệ chỉ tăng 2,5% so với đồng USD vào năm nay. Các nhà kinh tế ở Bắc Kinh và phương Tây hoài nghi về khả năng lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một sự tăng vọt của giá trị đồng nhân dân tệ. Việc chi ra đủ nhân dân tệ để nhiều đôla như thế đã đẩy ngân hàng trung ương vào thế đi ngược với người tiêu dùng và các nhà kinh doanh có ý định phát triển kinh tế trong nước.

Các nhà đầu tư đang theo dõi tình hình thị trường tại trung tâm thương mại ở Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: NY Times.

Một chính sách được ngân hàng trung ương thực hiện là nhanh chóng tăng lượng cung tiền tệ cho Trung Quốc. Tăng cung dẫn đến lạm phát nhanh chóng trong giá nhà đất và bắt đầu ảnh hưởng lên hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Cơ quan Thống kê quốc gia cho biết giá cả trong tháng 7 tăng 6,5% so với năm ngoái.

Một chính sách khác của ngân hàng trung ương nước này là yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng dự trữ bắt buộc, thay vì cho doanh nghiệp vay tiền để làm ăn. Hiện các ngân hàng thương mại Trung Quốc phải để 20% tài sản của mình tại ngân hàng trung ương, tất nhiên là không có lãi. Điều này cho phép ngân hàng trung ương có tiền giá rẻ để phục vụ việc dự trữ ngoại tệ, nhưng đồng thời khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khát tiền.

Một blogger cuối tuần qua đã kết luận về sự thất vọng của anh ta như sau: "Người dân Trung Quốc đang làm việc rất chăm chỉ, ngày này sang ngày khác, môi trường kinh tế rất thuận lợi, nhưng đời sống của người dân không tuyệt vời như thế - hóa ra vì chính phủ đang thắt lưng buộc bụng người dân để cho Mỹ vay tiền".

Anh Ngọc (theo The New York Times)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét