Trường Giang (12/08/2011 11:04) | |||||
| |||||
Nhân dịp Đại lễ Vu Lan báo hiếu, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW, Giáo hội Phật giáo Việt Nam; trụ trì chùa Lý Triều Quốc Sư và chùa Bằng (Hà Nội) đã kể về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày rằm tháng Bảy.
“Theo kinh Vu Lan Bồn thì Mục Kiền Liên là một trong mười đệ tử của Đức Phật. Ngài vốn có phép thuật thần thông quảng đại. Mẹ ngài là Thanh Đề khi sống làm nhiều điều ác. Ngài dùng thiên nhãn thông soi thấy mẹ mình bị đày đọa dưới địa ngục. Ngài dùng phép của mình đựng cơm trong bát dâng mẹ, nhưng ác nghiệp quá nặng nên cơm biến thành lửa đỏ than hồng. Ngài cầu xin đức Phật chỉ phương cách cứu mẹ. Đức Phật chỉ rằng vào ngày rằm tháng Bảy đem hoa quả ngon, thức ăn quý cúng Phật và chư tăng mười phương mẹ sẽ thoát nạn. Mục Kiền Liên hồi hướng giúp mẹ thoát kiếp nạn bị lưu đày địa ngục”. Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, lễ Vu Lan ở nước ta đã trở thành ngày lễ báo ân, báo hiếu. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Phật giáo trong việc coi trọng “tứ ân” (ơn cha mẹ, ơn Tổ quốc, ơn chúng sinh và ơn Tam Bảo). Đây cũng chính là nét giao thoa của Phật giáo với nền văn hóa Việt. Trong ngày Vu Lan người ta còn hướng tới việc tri ân các chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc, chia sẻ với những vong hồn không có người thân cúng viếng… Vu Lan còn được người Việt phát triển thành ngày lễ cúng cô hồn với tên gọi là ngày “xá tội vong nhân”. Trong khi hành lễ để cứu mẹ Mục Kiền Liên, nhiều nơi đã thực hiện nghi thức “phá ngục”. Theo nghi lễ thì một số chúng sinh cũng thoát khỏi khổ nạn, được xá tội cùng bà Thanh Đề… “Với những ai còn may mắn được cài bông hồng trên ngực áo trong ngày lễ Vu Lan, hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Đó là may mắn lớn nhất mà người đó còn có được trên cuộc đời này. Còn với những ai mà cha mẹ đã khuất núi thì hãy giữ vững nề nếp gia phong, dòng tộc, anh em hòa thuận. Thực ra không chỉ là trong ngày Vu Lan chúng ta mới thể hiện tinh thần báo hiếu mà mỗi người phải có tinh thần Vu Lan trong suốt cuộc đời", Thượng tọa thuyết giảng. Mùa Vu Lan năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc biệt chú trọng tới giới trẻ, học sinh, sinh viên với việc tổ chức các chương trình ca múa nhạc hướng về cha mẹ và thuyết pháp tại chùa Bằng, chùa Sùng Phúc, chùa Phúc Khánh (Hà Nội)… Các nhà chùa đều khuyến cáo người dân không đốt vàng mã, tránh xa hoa lãng phí theo đúng tư tưởng nhà Phật. Đại lễ Vu Lan báo hiếu (Phật lịch 2555-DL 2011) đã được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại lễ đài chính chùa Bằng (Hoàng Mai, Hà Nội) dưới sự chứng minh của Thượng tọa trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng Chư Tôn Đức đến từ các tự viện và sự tham dự của hơn 2.000 khóa sinh, đại diện các đạo tràng Pháp hoa phía Bắc.
Với nghi thức “bông hồng cài áo” trong tiếng nhạc da diết, không gian chùa Bằng như lắng đọng với những cảm xúc trào dâng trong mỗi người khi nhớ về cha mẹ. Bông hồng vàng được cài trịnh trọng lên ngực Chư Tôn Đức tượng trưng cho sự giải thoát, bông hồng đỏ được cài cho người may mắn còn cha mẹ trên đời để yêu thương, bông hồng trắng cho những ai không còn cha mẹ để được chở che yêu thương, sống trong sự nâng đỡ ngọt ngào từ khi sinh ra cho đến khi mất đi của một kiếp người… Trong Kinh Vu Lan, Đức Phật đã nói lên nỗi khổ của người làm mẹ khi mang thai con chín tháng mười ngày cho đến những hi sinh thầm lặng mà vĩ đại vô cùng: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”.
Và trong lời đạo từ, Thượng tọa trụ trì chùa Bằng cũng đã nhắc đến tấm gương sáng Mục Kiền Liên, cho dù đã là bậc thần thông nhưng cũng phải nhờ vào oai lực của mười phương chư Tăng trong ngày tự tứ để cứu độ cho vong mẫu Thanh Đề. Qua đó nhắc nhở các Phật tử biết ý nghĩa sâu xa của ngày này… Thượng tọa cho rằng, phóng sinh và bố thí ngày rằm tháng Bảy là sự từ bi của Phật giáo nhằm cứu khổ, cứu nạn cho các sinh linh trên cuộc đời. Việc phóng sinh phải diễn ra tự nhiên đúng quy luật. “Chẳng hạn như khi chúng ta ra chợ thấy có một mớ cua, cá, ốc… chúng ta bỏ tiền ra để chuộc sinh mệnh cho chúng rồi thả đi. Như thế gọi là phóng sinh. Nếu như trước mỗi dịp có nghi lễ phóng sinh, chúng ta lại đặt mua chim, cá, rùa… đặc biệt là rùa tai đỏ nguy hại để phóng sinh là phản quy luật tự nhiên, gây nguy hại môi trường nghiêm trọng. Như thế là gián tiếp gây tội ác chứ không phải phóng sinh”. “Ngay từ khi bắt đầu mùa Vu Lan năm nay, tôi đã nhắc nhở Phật tử tuyệt đối không được phóng sinh rùa tai đỏ xuống ao chùa. Tại bất cứ buổi thuyết pháp nào, tôi cũng nói về tác hại và những dấu hiệu phân biệt rùa tai đỏ. Phật giáo có tư tưởng “dĩ sát chỉ sát”, nghĩa là giết một con vật để cứu được nhiều con vật khác là không có tội. Còn cứu một con vật lại gây hại nhiều con vật khác là có tội. Chính vì thế, trong dịp lễ Vu Lan, tôi đã thông báo cho các chùa tại các địa phương phải nghiêm cấm phóng sinh rùa tai đỏ”, Thượng tọa nói. |
Lòng thành báo hiếu mẹ cha… (Sự tích lễ Vu Lan)
BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét