Sonadezi đối mặt với hàng loạt đơn kiện

VnExpress:
Thứ năm, 11/8/2011, 16:44 GMT+7

Cả luật sư, chuyên gia môi trường đều cho rằng Sonadezi là công ty nhà nước, nhưng lại xả thải nước bẩn ra môi trường là coi thường pháp luật, cần bị xử lý nghiêm. Hiện đã có 60 đơn kiện Sonadezi về hành vi này.

> 'Sonadezi xả thải ra môi trường nhiều năm nay' / Nhà máy xử lý nước thải 'đầu độc' sông Đồng Nai

Những ngày gần đây, cái tên Sonadezi đang trở nên quen thuộc với người dân xã Tam An (Long Thành, Đồng Nai). Có người so sánh với Vedan nhưng nghiêm trọng hơn vì khác với Vedan, Sonadezi là công ty nhà nước.

"Công ty nhà nước đáng lẽ phải đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường nhưng lại vi phạm. Đây là hành động coi thường pháp luật, cần xử phạt nặng", luật sư Nguyễn Văn Hậu, người từng tham gia bảo vệ quyền lợi cho người dân trong vụ Vedan cho biết.

Cũng theo luật sư Hậu vụ việc Sonadezi có thể coi là vụ Vedan thứ hai, cần phải xử lý thật nghiêm để làm gương cho các doanh nghiệp bởi vì là một doanh nghiệp nhà nước mà ý thức bảo vệ môi trường rất kém, ngoài ra nếu cần có thể truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp.

Cơ quan chức năng đang xem xét hồ sinh thái của Sonadezi. Ảnh: Hà Mai
Cơ quan chức năng đang xem xét hồ sinh thái của Sonadezi. Ảnh: Hà Mai

Đồng quan điểm, giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện nước và môi trường của ĐH Công nghiệp TP HCM phân tích: "Việc Sonadezi xả chất thải ra sông Đồng Nai rất là phản cảm bởi vì đây là công ty của nhà nước chuyên về xử lý chất thải nhưng lại đi xả chất thải ra ngoài môi trường. Nếu so sánh với vụ Vedan thì Sonadezi còn sai phạm lớn hơn".

Còn theo kỹ sư Đinh Đăng Định, Tổng giám đốc SITECH (Liên hiệp khoa học công nghệ và hợp tác phát triển khu vực), Sonadezi xả thải trực tiếp có thể tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận và không phải đầu tư nhiều vào công nghệ xử lý mới. "Việc đầu tư và vận hành một hệ thống xử lý nước thải hiện đại vẫn còn rẻ hơn nhiều việc nộp phạt, đó là lý do nhiều công ty xả thải thẳng ra môi trường", anh Định nói.

Ngoài việc đang bị dư luận lên án vì sự coi thường pháp luật, Sonadezi còn phải đối diện với rất nhiều đơn kiện từ người dân khu vực này.

Trao đổi với VnExpress, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Tam An (Long Thành, Đồng Nai) cho biết, đến hết ngày 10/8 đã có 60 đơn kiện Sonadezi của bà con gửi về, thống kê cụ thể những thiệt hại mà mình phải chịu đựng suốt nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Văn Liêm ở ấp 2, xã Tam An, thống kê với 8 ao cá cùng đàn gà vịt, mỗi năm ông thiệt hại khoảng 12 triệu đồng, tính ra từ năm 2005 khi Sonadezi gây ô nhiễm, con số đã là mấy chục triệu đồng. Nhiều người dân cho biết khoảng 5-6 năm nay, con số thiệt hại của gia đình họ lên tới cả trăm triệu đồng và yêu cầu Sonadezi phải bồi thường.

Tổng công ty Phát triển Khu Công nghiệp (trước đây là Công ty Phát triển KCN Biên Hòa - Sonadezi) là doanh nghiệp nhà nước, được UBND tỉnh Đồng Nai thành lập nhằm phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Đồng Nai theo quyết định ngày 15/12/1990. Ngày 29/4/2010, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định cho phép Tổng công ty Sonadezi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.

Khoảng 23h ngày 3/8, cảnh sát môi trường đã ập vào kiểm tra đột xuất Nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp Long Thành do Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi thuộc Tổng công ty Sonadezi vận hành. Hình ảnh đầu tiên được ghi nhận tại đây là nước trong hồ sinh thái (để xử lý nước thải) chảy ra rất hôi thối, đen ngòm. Theo Sở Tài nguyên Môi trường, có khoảng 9.300 m3 nước thải theo cảm quan không đạt chuẩn chảy ra sông qua hệ thống ống này.

Huy Đức - Kiên Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét