Cuộc làm việc gần đây giữa Vietnam Airlines, quan chức Cục Hàng không Việt Nam với Direct Personel - đơn vị môi giới cấp phi công cho Vietnam Airlines - khẳng định việc phi công khai gian kinh nghiệm bay là trường hợp hy hữu 20 năm mới xảy ra đơn vị này. Không những thế, có lần, phi công này còn thuê luật sư dọa kiện công ty môi giới nếu làm lớn chuyện. Tuy nhiên, từ đó đến nay, luật sư và phi công biến mất tăm.
Được biết, quy định trong ngành hàng không, phi công Airbus 320 khác nhau mức lương từ mức kinh nghiệm bay 500 giờ trở lên (thu nhập rất cao). Trường hợp phi công vừa chuyển loại lái Airbus 320 chưa có giờ bay kinh nghiệm lái thương mại vẫn có thể được điều khiển máy bay. Do đó, có thể hiểu, viên phi công nọ khai gian kinh nghiệm bay để hưởng mức lương cao.
Trước đó, nhà chức trách hàng không Hàn Quốc đã có văn bản gửi sang Việt Nam yêu cầu xác minh lại số giờ bay thực tế của phi công Kim Tae Hun - cơ phó của chuyến bay VN970 từ TP.HCM đi Pusan hồi cuối tháng 4/2011 vì đã hạ cánh hụt.
Bộ phận chuyên môn của Vietnam Airlines sau đó đã làm việc với phi công Kim và yêu cầu giải thích, phi công này đã xin quay trở lại Indonesia để bổ sung tài liệu nhưng đã một đi không trở lại. Vietnam Airlines và công ty môi giới Direct Personel (công ty giới thiệu phi công Kim cho Vietnam Airlines) đã liên hệ nhiều lần nhưng phi công này cũng không hồi âm.
Mới đây, cơ quan chức năng nhận được thông tin phi công Kim đang lái thuê cho hàng không Lào.
Theo một quan chức hàng không, không có chuyện phi công dởm hay bằng lái dởm. Bởi quy trình kiểm tra một phi công nước ngoài rất chặt chẽ. Theo đó, đầu tiên, các nhà môi giới phi công tập hợp các loại bằng cấp chứng chỉ và gửi cho hãng hàng không. Hãng hàng không xem xét, chuyển tiếp tới Cục hàng không Việt Nam. Chỉ khi Cục đồng ý, phi công nước ngoài mới vào Việt Nam để kiểm tra bay trên buồng lái giả định. Một giáo viên hướng dẫn (của hãng) được cử ra để giám sát và đối chiếu bằng lái, chứng chỉ... bản sao với bản gốc.
Sau đó, phi công sẽ đi kèm trên các chuyến bay nhất định và mất 2 tuần đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện bay (củaVietnam Airlines) để làm quen với môi trường làm việc mới ở Việt Nam.
Cục Hàng không kiểm tra kiến thức tổng quát theo quy định, nếu phi công vượt qua, mới có bằng hành nghề tại Việt Nam. Quy trình này được xem như bắt buộc cho phi công nước ngoài của các hãng hàng không nội địa chứ không riêng Vietnam Airlines.
Về vụ việc này, trao đổi với PV Dân trí , Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Khi có kết quả chính thức, nếu đúng là phi công này khai man giờ bay và phát hiện có sai sót, vi phạm trong quá trình thanh tra việc chấp hành tiêu chuẩn, quy định thuê phi công nước ngoài của Vietnam Airlines thì Bộ GTVT sẽ có hình thức xử lý thật nghiêm”.
Quỳnh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét