Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :11:04 AM, 02/12/2011
(Đất Việt) Ngân hàng nào đang khó khăn thì được trợ giúp, sau đó sáp nhập trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo không đổ vỡ hệ thống, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết như trên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, tổ chức ngày 1/12, khi đề cập đến vấn đề tái cơ cấu ngân hàng.

Trả lời báo chí về tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã duyệt 49 đề án của các bộ, ngành, hiện đang xem xét 36 đề án, còn 13 đề án chưa được các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ. Trong 5 năm tới phải cổ phần hóa 573 doanh nghiệp, trong đó có 1 tập đoàn, các Tổng công ty 91, 90 và doanh nghiệp thuộc bộ, ngành, địa phương.

Lạm phát vẫn cao

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2011, Chính phủ thống nhất cho rằng, kinh tế vĩ mô từng bước ổn định vào những tháng cuối năm, tốc độ tăng giá tiều dùng giảm đáng kể so với đầu năm, tháng 11/2011 tăng 0,39%, là tháng thứ 4 liên tiếp mức tăng giá dưới 1%.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định tình hình KT-XH cả nước còn nhiều khó khăn. Lạm phát tuy đã giảm nhưng tính chung cả nước vẫn còn cao; lãi suất chưa giảm nhiều và còn bất hợp lý trong xu hướng lạm phát giảm, nhu cầu ngoại tệ và sức ép tỷ giá cuối năm là khá lớn. Đầu tư suy giảm, sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn… Do vậy, thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo điều hành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tập trung thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô gắn với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh…

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. Ảnh: Nguyễn Hữu.

Xem xét giảm lãi suất tiền gửi

Trả lời báo chí về việc có thể điều chỉnh lãi suất cơ bản từ 14% hiện nay xuống mức 12%, phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, công cụ điều hành lãi suất phải phù hợp với diễn biến thị trường, từng bước theo lạm phát. “Hiện, lạm phát tăng chậm lại, mục tiêu của năm tới kiểm soát lạm phát mức thấp. Do vậy có những cơ sở điều hành lãi suất theo hướng giảm dần tùy theo hoàn cảnh để người gửi tiền có lãi và Ngân hàng Nhà nước huy động được vốn”, ông Tiến nói.

Liên quan đến nội dung tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, ông Vũ Đức Đam cho biết, nguyên tắc và mục đích rõ ràng là làm sao cho hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phải lành mạnh, an toàn, minh bạch. “Lần này, chúng ta phải làm căn bản hơn, Ngân hàng của Nhà nước sẽ cổ phần hóa, Nhà nước vẫn giữ quyền chi phối, nòng cốt là để ổn định kinh tế vĩ mô, mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất một ngân hàng đủ uy tín, quy mô và sức cạnh tranh tầm khu vực”, ông Đam nói.

Đối với nhóm ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh, theo ông Đam, cũng phải tiến hành sắp xếp, những ngân hàng tốt được tạo điều kiện cho tốt hơn, ngân hàng nào đang khó khăn thì được trợ giúp, sau đó có sáp nhập thì trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. Việc sắp xếp tái cơ cấu ngân hàng đảm bảo không đổ vỡ hệ thống, đảm bảo lợi ích của người gửi tiền và việc tái cơ cấu đã được tiến hành, những ngân hàng yếu kém đang được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước.

Về việc hạ lãi suất, ông Đam cho biết thêm, nếu theo dõi chỉ số giá tiêu dùng từ tháng 8 đến nay đều thấp hơn 1%. Nếu tiếp tục theo đà này trong tháng 12 giữ mặt bằng giá biến động dưới 1% thì việc hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng thích hợp.

Giá xăng dầu chưa giảm

Cũng tại buổi họp báo, trả lời báo chí về việc giá nhập khẩu xăng dầu đã giảm, nhưng vì sao chưa giảm giá xăng, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, mới đây Bộ Tài chính có thông báo gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về giá xăng dầu có 4 nội dung: giữ ổn định giá bán các loại xăng dầu, tăng mức trích quỹ đối với mặt hàng xăng là 250 đồng và giữ ổn định trích quỹ đối với các mặt hàng dầu là 300 đồng/lít.

Theo bà Mai, thời gian gần đây giá xăng dầu thế giới có giảm, nhưng bình quân 30 ngày (từ 27/10 đến 25/11), giá cơ sở của mặt hàng xăng thấp hơn giá bán hiện hành là 288 đồng/lít. Còn giá cơ sở các mặt hàng dầu diezel, dầu hỏa, dầu ma dút vẫn cao hơn giá bán hiện hành từ 1.204 đồng đến 1.304 đồng. Do vậy, tổ điều hành liên bộ Tài chính, Công thương cân nhắc và quyết định được sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu và tăng mức trích quỹ bình ổn đối với xăng, việc trích quỹ bình ổn là tăng nguồn kinh phí bình ổn. “Mức 288 đồng/lít này, nếu có giảm giá xăng cũng rất thấp, hơn nữa, không giảm giá để tăng trích quỹ, luôn có quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng dầu, vì quỹ này không còn nhiều”, bà Mai nói.

Về việc Jetstar Pacific làm ăn thua lỗ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: chủ trương chung của Chính phủ là đẩy nhanh tiến trình sắp xếp cổ phần hóa DNNN, trong đó có những doanh nghiệp lỗ liên tục, cần sắp xếp lại. Theo ông Đam, chủ đại diện sở hữu vốn nhà nước là Tổng công ty đầu tư vốn nhà nước đặt tại Bộ Tài chính quản lý để việc quản lý vốn được hiệu quả và gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Các cơ quan chức năng đề xuất chuyển đại diện chủ sở hữu từ tổng công ty đầu tư vốn sang một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác. Ông Đam cũng cho biết, tiến trình này đang được xem xét và sẽ sớm có quyết định, mục đích là Nhà nước vẫn giữ vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Jetstar Pacific.

Mạnh Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét