Thời kỳ vàng son cho các nền kinh tế mới

BBC Vietnamese
Cập nhật: 09:34 GMT - thứ hai, 28 tháng 11, 2011

Vai trò của Trung Quốc trong nhóm BRIC đang ngày càng lớn hơn.

Đã được 10 năm kể từ khi sự xuất hiện khái niệm BRIC (viết tắt tên bốn nước là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc bằng tiếng Anh).

Mười năm là khoảng thời gian rất ngắn so với cả lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới và chính trị đã trải qua thăng trầm vô cùng lớn trong giai đoạn này.

Các nền kinh tế tại các nước phát triển đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng và đang mất đi ánh hào quang.

Trong khi đó, các quốc gia BRIC đang phát triển nhanh và đóng góp lớn cho nền kinh tế thế giới.

Khi trật tự quốc tế mới đang hình thành, BRIC sẽ trở thành lực lượng mới nổi lên cần được để tâm đến.

‘Hạm đội mới’

Từ đầu thế kỷ 21, những xung đột tiềm năng ngày càng rõ ràng hơn, và các cuộc khủng hoảng gây ảnh hưởng tới tình hình kinh tế và chính trị quốc tế đang ngày càng thêm nghiêm trọng.

Mặc dù không có chiến tranh trên toàn cầu nổ ra, nhưng các cuộc xung đột quân sự khu vực chưa bao giờ ngưng.

Sau cơn bão tài chính châu Á, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do vỡ tín dụng tại Hoa Kỳ đã xảy ra.

Tổng thống Nam Phi (nước đã gia nhập khối BRICs) và Chủ tịch Trung Quốc.

Trong khi người ta đang hy vọng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ kết thúc thì cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bắt đầu lây lan.

Trong bối cảnh thế giới đang gặp phải khó khăn về chính trị và kinh tế, các nước thuộc thị trường mới nổi Brazil, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc - với nguồn tài nguyên đặc biệt của họ, cùng dân số và những lợi thế về thị trường - nắm bắt cơ hội, và tăng cường nhiều cho vị thế quốc gia của họ.

Bốn quốc gia BRIC - Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc giống như một đội tàu chiến lướt sóng qua các châu lục.

Sau khi Nam Phi gia nhập nhóm, BRIC tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của họ.

Phát triển vững chắc

Trung Quốc cần tăng cường hợp tác với nhóm BRIC nhiều và nhóm này cũng cần có sự tham gia nhiều từ Trung Quốc.

Công cuộc cải cách chính sách Trung Quốc đã theo đuổi trong 30 năm qua khiến đất nước này thay đổi rất nhiều - Trung Quốc trong thế kỷ 21 là hoàn toàn khác với Trung Quốc hơn 30 năm trước đây.

Đặc biệt trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đạt được những gì các nước phát triển đã làm trong nhiều thập niên hoặc thậm chí nhiều thế kỷ.

GDP của Trung Quốc đã tăng từ dưới 10 nghìn tỷ nhân dân tệ lên gần 40 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng kích cỡ kinh tế của Trung Quốc từ vị trí 6 lên số 2 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Ngoại thương của Trung Quốc tăng từ dưới 500 tỷ đôla lên gần 3000 tỷ đôla và cũng đứng thứ hai trên thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc đã chuyển mình từ một nước phải nhập khẩu vốn, công nghệ và bí quyết công nghiệp từ nước ngoài thành một quốc gia xuất khẩu vốn và hoạt động chế tạo, tăng cường thêm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Thách thức


Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình phát triển: việc đồng nhân dân tệ lên giá quá nhanh đã làm tổn thương xuất khẩu của Trung Quốc, sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu là quá cao, và dân số quá lớn.

Một vấn đề có tính mấu chốt là khó tìm kiếm đúng người cho đúng công việc, và áp lực tỷ lệ thất nghiệp khá cao.

Trung Quốc đang phải giải quyết thực trạng lạm phát cao.

Giá nhà cao và đi kèm với lạm phát cao, và thị trường chứng khoán biến động mạnh. Thách thức môi trường cũng khá nghiêm trọng.

Chúng ta tin rằng Trung Quốc có thể để giải quyết những vấn đề này. Chúng ta có lợi thế đặc biệt, chẳng hạn như các nguồn tài nguyên phong phú của con người nhằm đảm bảo chất lượng ngày càng tăng.

Chúng ta có đất hiếm và các nguồn tài nguyên thiên nhiên công nghệ cao và một thị trường khổng lồ của người tiêu dùng trong nước.

Hơn nữa, Trung Quốc đã tiếp tục theo đuổi một chính sách đối ngoại của đôi bên cùng có lợi, và duy trì hợp tác kinh tế và chính trị với các nước khác, bao gồm các nước phát triển, và, đặc biệt là với các nước láng giềng của Trung Quốc.

Ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới đang được củng cố và vai trò của Trung Quốc trong nhóm BRIC đang ngày càng lớn hơn.

Triển vọng sáng sủa

Các quốc gia khác thuộc BRIC đang có những tiến bộ nhanh chóng.

Tăng trưởng GDP hàng năm của Ấn Độ là hơn 6,5%. Nga đã thức tỉnh sau giai đoạn "sốc". GDP của Brazil hiện đứng đầu Nam Mỹ, và sau khi Nam Phi gia nhập nhóm BRIC thì BRIC nay có sự hiện diện nhiều hơn trên toàn cầu.

42% dân số thế giới, và 30% lãnh thổ trên toàn cầu thuộc các nước nhóm BRIC. Dự kiến ​​đến năm 2015, GDP của BRIC sẽ đạt 22% trong tổng GDP toàn cầu.

Với sự phát triển kinh tế mạnh của mình, BRIC nhiều khả năng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Tác giả là một giáo sư từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, và là giám đốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế Than, Đại học Tài chính và Kinh tế Trung Quốc.


BBC Vietnamese
Cập nhật: 11:35 GMT - chủ nhật, 27 tháng 11, 2011

Giáo sư Joseph Nye nổi tiếng với học thuyết về sức mạnh mềm

Tác giả học thuyết "sức mạnh mềm", giáo sư Joseph Nye, không tin rằng 5 nền kinh tế đang nổi lên có thể lập thành một khối thống nhất để cạnh tranh với Mỹ.

Sức mạnh đang lên của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (được gọi tắt là BRICS) được phỏng đoán sẽ càng ngày càng gia tăng ảnh hưởng.

Nhưng giáo sư Joseph Nye, nhà tư tưởng đối ngoại nổi tiếng từ Đại học Harvard, cho rằng BRICS sẽ vẫn chỉ là một khối có liên kết lỏng lẻo vì có nhiều lợi ích khác nhau.

Joseph Nye: Tôi không cho rằng các nước này sẽ trở thành lực lượng lớn với tư cách một tổ chức thống nhất. Từng cá nhân, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng Nga không thực sự thuộc về nhóm này. Nga là một quyền lực đang đi xuống chứ không phải đang lên.

Khi chúng ta đi vào chi tiết, quyền lợi của các nước này thật khác nhau.

BBC:Vậy, từng nước một có thể thách thức sự thống trị của Mỹ trên thế giới không?

Có thể chứ. Ví dụ, vai trò của Trung Quốc ở Đông Á thường bị xem là thách thức cho sự có mặt của Mỹ ở Biển Nam Trung Hoa. Nếu nhìn Brazil, nước này cũng muốn có ảnh hưởng ở Nam Mỹ.

Nhưng nếu bạn hỏi họ có tạo thành liên minh chống Mỹ thì không hẳn.

Có những khác biệt sâu sắc về lợi ích giữa, chẳng hạn, Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ rất hài lòng khi có quan hệ tốt với Mỹ để cân bằng sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

BBC:Theo giáo sư, còn có những nhóm nước nào có thể tạo ra một khối thống nhất?

Các nền kinh tế đang lên có những quyền lợi khác nhau

Nó phụ thuộc vào định nghĩa của bạn về ‘thách thức’. Nếu cần một nhóm quốc gia tại Liên Hiệp Quốc ngăn không thông qua một nghị quyết do Mỹ bảo trợ, được chứ, nhất định là được. Chuyện đó đã xảy ra rồi.

Nhưng nếu lại hỏi có một nhóm quốc gia lập liên minh quân sự để cân bằng lại với Mỹ? Chi phí quốc phòng của Mỹ chiếm một nửa của cả thế giới. Thật khó tin lại có một nhóm quốc gia có thể có ngân sách gần đến mức ấy.

Nên nó lại phụ thuộc vào ta định nghĩa ‘thách thức’ là thế nào. Một mặt nào đó, thách thức đã tồn tại rồi, nhưng mặt khác, tôi không chắc nó sẽ xảy ra.

BBC: Sự trỗi dậy của BRICS chủ yếu mang tính kinh tế. Làm thế nào các nước đó gia tăng ‘sức mạnh mềm’ của họ?

Vài nước trong đó cũng đã có sức mạnh mềm và muốn tăng cường nó. Sức mạnh mềm của Brazil đến từ văn hóa và thành công. Tại Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào đã nói Trung Quốc cần tăng cường sức mạnh mềm, và họ đã đầu tư hàng tỉ đôla cho mục đích này. Nhưng Brazil và Ấn Độ có lợi thế là nền dân chủ, và nhờ đó mà sử dụng được xã hội dân sự tạo ra sức mạnh mềm. Ví dụ, công nghiệp điện ảnh Bollywood của Ấn Độ rất ấn tượng.

Vấn đề của Trung Quốc là chế độ chuyên chế. Một ví dụ là việc giam cầm Lưu Hiểu Ba và ngăn không cho ông ta dự lễ trao giải Nobel Hòa bình. Truyền hình thế giới truyền đi cảnh một chiếc ghế trống tại Oslo. Chuyện đó làm giảm đi sức mạnh mềm.

BBC:Giáo sư có nghĩ rằng khủng hoảng ở Liên hiệp châu Âu sẽ tạo ra khoảng trống để các nước đang lên lấp đầy?

Dù chuyện gì xảy ra cho đồng euro, thì các nước đang lên cũng sẽ gia tăng được ảnh hưởng thôi.

Nhưng nếu đồng euro sụp đổ, hiệu ứng đầu tiên của nó có lẽ là làm đồng đôla mạnh lên, chứ không phải nhân dân tệ hay bất kỳ đồng tiền nào.

Nếu xảy ra việc đồng euro sụp đổ, có lẽ các nhà đầu tư sẽ đi tìm vùng đất an toàn, sẽ quay sang đôla chứ không dùng đồng tiền của các nước đang lên đâu.

BBC:Vậy giáo sư nhìn thấy tương lai nào cho BRICS?

Đó sẽ là một tổ chức có liên thông ngoại giao lỏng lẻo. Đôi khi họ thấy thuận tiện để gặp nhau, bàn về một quan điểm chung. Nhưng vấn đề là khi đã vượt qua được tầm mức đầu tiên, thì sẽ thấy có những quyền lợi khác nhau giữa các nước.

Ví dụ, Brazil và Trung Quốc có lập trường khác nhau về giá trị của đồng nhân dân tệ. Brazil không hài lòng với chính sách định giá thấp của Trung Quốc. Nước này không muốn nói nhiều vì không muốn không khí ở các cuộc họp của BRICS căng thẳng. Nhưng có khác biệt thật sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét