Thứ Hai, 28/11/2011 21:34
(NLĐO)- Một sĩ quan cảnh sát Ai Cập đã bị những người biểu tình gọi là ‘The Eye Hunter’ (Kẻ săn mắt), vì theo các nhân chứng thì anh ta luôn nhắm mục tiêu là mắt người trong cuộc đụng độ tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo.
Ngày 25-11 vừa qua, công tố viên trưởng của tòa án Ai Cập đã yêu cầu trung úy Mahmoud Sobhi El Shinawi – viên sĩ quan là nghi phạm “Kẻ săn mắt” giải trình về trách nhiệm của anh ta trong việc bắn vào mắt người biểu tình ở quảng trường Tahrir thuộc thủ đô Cairo. Các bằng chứng được cung cấp để chống lại El Shinawi bao gồm các video do chính những người biểu tình ghi lại và từng được đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook. Các video này cho thấy ít nhất năm người bị viên trung úy này bắn vào mắt.
Những nạn nhân của kẻ săn mắt
Adel Saeed, phát ngôn viên của tòa án đã phát biểu trên CNN: “Bộ nội vụ sẽ giải quyết vụ việc này triệt để và sẽ đưa ra quyết định thỏa đáng nhất”.
Người biểu tình đã gọi El Shinawi là “kẻ săn mắt” đồng thời phun dòng chữ “lệnh truy nã” lên các bức ảnh chứa khuôn mặt và tên anh ta rồi đem dán khắp các bức tường dọc quảng trường Tahrir. Những tờ rơi có khuôn mặt El Shinawi cũng đã được phát tới tay nhiều người ở quảng trường này – nơi được xem là cứ điểm của các nhà hoạt động phong trào nhằm chống lại giới lãnh đạo quân sự hiện đang cầm quyền ở Ai Cập.
Theo một hoạ sĩ giấu tên, người đã vẽ những bức hình El Shinawi nói trên, người ta đã treo thưởng 800 USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin dẫn tới nghi phạm này.
Trong những cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình gần đây, El Shinawi làm nhiệm vụ trên phố Mohamed Mahmoud ở Cairo. Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Ai Cập nói với CNN, El Shinawi là “tay thiện xạ”, tuy nhiên từ chối bình luận về những cáo buộc liên quan tới El Shinawi.
Một trong số những nạn nhân đã cáo buộc El Shinawi, Ahmed Harrara đã bị bắn mù một mắt vào hôm 28-1 vừa qua trong cuộc nổi dậy chống lại cựu Tổng thống Hosni Mubarak, và bị mất luôn con mắt còn lại vào ngày 20-11 khi tham gia biểu tình trên phố Mahmoud. Các bác sĩ cho Harrara biết viên đạn vẫn còn kẹt trong hốc mắt của anh ta. Tuy nhiên, anh ta vẫn vui vẻ nói rằng: “Tinh thần của tôi vẫn rất phấn chấn. Tôi sẽ tới Thụy Sĩ trong vòng 10 ngày tới để kiểm tra và có thể sẽ phẫu thuật mắt để lấy viên đạn”.
Hàng trăm người biểu tình dựng trại qua đêm tại quảng trường Tahrir ở Cairo trước ngày bầu cử 28-11
Cả Harrara và ít nhất một nạn nhân khác có tên Malek Mustapha đều nói rằng họ bị bắn mù mắt, do đó không thể xác định được có một hay nhiều tay thiện xạ bắn họ và bọn chúng là ai.
Những nhân chứng tại hiện trường còn cho biết một chàng thanh niên tên là Sayed Ahmed, 21 tuổi đã chết do một chiếc xe an ninh đâm phải. Theo bộ nội vụ Ai Cập thì vụ việc này là một sự không may.
Giới chức nước này cho hay hàng trăm người biểu tình bị thương vong khi xảy ra đụng độ vào tuần trước. Theo phát ngôn viên Hisham Shiha của Bộ Y tế nước này, tính đến cuối tuần qua đã có ít nhất 41 người thiệt mạng, trong đó 33 người chết ở Cairo và khoảng 3.250 người bị thương sau các cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra ở đây.
Linh San (Theo Daily Mail)
nld.com.vn
Ai Cập: Biểu tình lan rộng, bạo lực dâng cao
Chủ Nhật, 27/11/2011 10:20
(NLĐO) - Trước thềm bầu cử quốc hội ở Ai Cập, việc quân đội nước này bổ nhiệm ông Ganzuri làm thủ tướng tiếp tục châm ngòi cho các cuộc xung đột giữa người dân và chính phủ, biểu tình vẫn lan rộng và bạo lực leo thang.
Hội đồng Quân sự Tối cao Ai Cập đã bổ nhiệm ông Kamal el-Ganzuri, 78 tuổi, làm thủ tướng, thay thế cho người tiền nhiệm phải từ chức trước áp lực phản đối của người dân. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ông Ganzuri lại tiếp tục làm người dân tức giận, họ tập trung tại quảng trường Tahrir để phản đối. Người dân đòi Hội đồng Quân sự Tối cao Ai Cập phải từ bỏ quyền lực. Một thanh niên 19 tuổi đã bị xe cảnh sát cán chết. Đây là người thiệt mạng đầu tiên của cuộc biểu tình này.
Một số nhóm phản đối mong muốn ông Mohamed ElBaradei, nguyên giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thay thế Hội đồng Quân sự Tối cao giám sát quá trình bầu cử ở Ai Cập. Ông ElBaradei được tôn trọng do là một trong những nhà vận động ủng hộ dân chủ. Ông đã dành phần lớn sự nghiệp của mình ở nước ngoài.
Những cuộc biểu tình liên tục tại Ai Cập làm 41 người chết và hơn 3.000 người bị thương. Nhiều người dân mong muốn chấm dứt biến động để cuộc bầu cử quốc hội bắt đầu ngày 28-11 diễn ra êm đẹp, đúng tiến độ.
M.Khuê (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét