Brazil “vượt mặt” Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới

Thứ Ba, 27/12/2011 - 13:53

(Dân trí) - Theo xếp hạng mới nhất của Trung tâm nghiên cứu kinh tế, kinh doanh (CEBR), nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Á tăng mạnh nên Brazil - nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ đã vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
Trong khi đó, Anh rơi xuống vị trí số 7 do ít nhiều ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và suy thoái kinh tế thế giới.
 
Brazil - nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ đã vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.

CEBR cũng dự đoán, Nga và Ấn Độ cũng được kỳ vọng sẽ được tăng trưởng mạnh trong 10 năm tới, và có thể sẽ sớm đẩy Anh xuống vị trí thứ 8.

Giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, Ấn Độ cũng đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát tang cao và tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, nhờ lực lượng lao động trình độ cao và tăng trưởng trong ngành công nghệ thông tin và dịch vụ kỹ thuật, kinh tế nước này được kỳ vọng sẽ sớm vươn lên vị trí thứ 5 thế giới.

Còn Nga, sau nhiều thập kỷ bán dầu mỏ và khí ga cho châu Âu và châu Á, sẽ sớm lên vị trí thứ 4.

Niềm an ủi duy nhất của Anh là hiện nay kinh tế Pháp đang tụt dốc nhanh chóng. Theo nhận định của CEBR, có thể Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ vẫn giữ được vị trí thứ 5 thế giới cho quốc gia này, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, nhưng đến năm 2020, quốc gia này tụt xuống vị trí thứ 9, sau cả Anh. Cũng theo dự báo của tổ chức này, Đức sẽ rớt xuống vị trí thứ 7 vào năm 2020.

Giám đốc điều hành CEBR Douglas McWilliams nhận xét, “Trong bóng đá, Brazil đã nhiều lần đánh bại các quốc gia châu Âu, nhưng trong kinh tế thì đó là một hiện tượng hết sức mới mẻ. Bản đồ kinh tế thế giới đang thay đổi với sự vươn lên của các quốc gia châu Á và sự đi xuống của các nền kinh tế châu Âu”.

Châu Âu được dự báo sẽ phải chịu một “thập kỷ mất mát” với tăng trưởng chậm. Áp lực trả nợ trong thời gian ngắn sẽ hạn chế tăng trưởng của các nước châu Âu trong nhiều năm. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) sẽ vẫn là một liên minh kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp suy thoái kinh tế.

Theo dự báo mới nhất của CEBR, năm 2012, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm xuống còn 2,5%, giảm so với mức dự báo tổ chức này công bố hồi tháng 9 vừa rồi. Tuy nhiên, CEBR cũng cảnh báo về viễn cảnh trong đó “ít nhất một quốc gia sẽ phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung euro, vỡ nợ công, sự sụp đổ của các ngân hàng và các gói cứu trợ” sẽ còn khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2012 giảm hơn nữa, thậm chí xuống 1,1%.
 
Ngọc Trang
Theo Guardian

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét