Nhật Bản, Hàn Quốc mua máy bay tàng hình và do thám

Thứ Ba, 27/12/2011, 07:19 (GMT+7)

TT - Hàn Quốc loan báo ngày 26-12 ý định mua hai máy bay do thám tối tân của Pháp nhằm ngăn chặn những tin nhắn vô tuyến cùng phát hiện mọi tên lửa được bắn đi từ CHDCND Triều Tiên vào trước năm 2015.
Một phiên bản cũ của Falcon-2000 - Ảnh: flugzeuginfo.net 
Tờ The Korea Times cho biết các phiên bản đặc biệt “Falcon-2000” của Hãng Dasault, Pháp với nhiều trang thiết bị hiện đại và tầm hoạt động rộng sẽ thay thế các máy bay do thám cũ RC-800 của Hãng Raytheon, Mỹ. Falcon-2000 có thể chở theo tám chuyên viên và bay với vận tốc 0,8 match trên một chặng đường dài 5.555km.
Quyết định này được đưa ra sau thất bại của Cơ quan tình báo Hàn Quốc trong việc thông tin về cái chết của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il.
Dòng máy bay chiến đấu tàng hình F-25 Lightning II của Mỹ - Ảnh: Reuters 
Theo AFP, trước đó Hàn Quốc cũng loan báo mua bốn máy bay trinh sát độ cao (AEW&C) của Hãng Boeing vào cuối năm 2012. Các máy bay này có khả năng theo dõi các mục tiêu trên không, trên biển và chuyển các thông tin cần thiết cho các chiến đấu cơ và tàu chiến để đối phó.
Trước đó, theo Reuters, Nhật Bản đã ký kết hợp đồng mua 42 chiến đấu cơ tàng hình F-35 trị giá khoảng 7 tỉ USD của Hãng máy bay Mỹ Lockheed Martin.
Không quân Nhật với 362 máy bay phản lực, hầu hết là F-15, F-4 và F-2 là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất trong khu vực. Mỗi năm Nhật sẽ phải chi 115,5 tỉ USD để bảo trì và sửa chữa.
ANH THƯ

Thứ Ba, 27/12/2011, 10:23 (GMT+7)
TTO - Hải quân Philippines đã triển khai tàu chiến mới sắm Gregorio Del Pilar tới phía tây biển Đông vào ngày 25-12, theo tin tức trên báo Philippines The Inquirer.
Đây là chiếc tàu lớn nhất và hiện đại nhất của hải quân nước này. Tàu có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho dự án khai thác khí đốt tự nhiên Malampaya ngoài khơi đảo Palawan, The Inquirer dẫn lời hải quân Philippines.
Tàu chiến Gregorio Del Pilar của Philippines - Ảnh: Getty Images
Ngoài ra, tàu chiến này cũng sẽ “bảo vệ chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế ở biển Tây Philippines (tức biển Đông)”.
Chiếc tàu xuất phát lúc 18g. Thủy thủ trên tàu đều là các binh sĩ được tuyển lựa riêng của hải quân, phi công và lực lượng lính thủy đánh bộ dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Alberto Cruz.
Binh sĩ trên tàu đã đón Giáng sinh trên biển trong lúc làm nhiệm vụ.
Ngoài tàu Gregorio Del Pilar, hải quân Philippines còn triển khai các tàu chiến Rajah Humabon và Federico Martir làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho dự án Malampaya, theo thông báo từ hải quân nước này.
Tàu Gregorio Del Pilar dài 115m, được mua từ Mỹ.
HẢI MINH

Thứ Ba, 27/12/2011, 12:20 (GMT+7)
TTO - Ngày 27-12, Nhật Bản đã quyết định nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đã kéo dài hàng thập kỷ mà nước này tự áp đặt, theo Hãng tin Kyodo.
Động thái này được cho là nhằm hướng đến việc mở ra các thị trường mới cho những nhà thầu quốc phòng của Nhật để có thêm nguồn thu cho ngân sách.
Mẫu máy bay Lockheed Martin F-35 sẽ là chủ lực của không quân Nhật Bản thế hệ tiếp theo - Ảnh: Reuters
Theo Hãng tin Kyodo, Hội đồng an ninh quốc gia thuộc Chính phủ Nhật Bản đã nhất trí nới lỏng lệnh cấm và cho phép Nhật Bản tham gia các dự án sản xuất và phát triển vũ khí với các nước khác, cũng như cung cấp quân trang quân dụng cho các nhiệm vụ nhân đạo.
Luật cấm xuất khẩu vũ khí ở Nhật Bản thông qua năm 1967 cấm nước này bán vũ khí cho các nước xã hội chủ nghĩa, các nước đang tham gia những cuộc xung đột quốc tế hoặc đang bị Liên Hiệp Quốc cấm vận.
Luật này sau đó được mở rộng thành một lệnh cấm bán vũ khí cho mọi quốc gia, trừ Mỹ, khiến các công ty Nhật Bản không thể tham gia các dự án đa quốc gia liên quan đến phát triển công nghệ quốc phòng.
Lệnh nới lỏng sẽ cho phép những công ty như Mitsubishi Heavy tham gia việc chế tạo mẫu máy bay Lockheed Martin F-35 mà Tokyo tuần trước đã tuyên bố sẽ là chủ lực của không quân của Nhật Bản trong tương lai, với việc chi ra hơn 7 tỉ USD để sắm 42 máy bay này.
Mặc dù Nhật Bản là nước chi tiêu quân sự lớn thứ sáu trên thế giới, nước này thường phải trả gấp đôi so với các quốc gia khác cho cùng loại trang thiết bị vì các nhà sản xuất trong nước bị hạn chế xuất khẩu, dẫn đến làm gia tăng chi phí trung gian.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ giúp Nhật Bản có thêm ngân sách chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh tay cho quân đội.
Năm 2011, Bắc Kinh đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 12,7%, bao gồm tiền chi cho việc chế tạo loại máy bay chiến đấu tàng hình mới J-20, đã bay thử vào tháng 1.
HẢI MINH
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét