TT - Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda cũng như đối thoại chiến lược ba bên Mỹ - Nhật - Ấn cho thấy một trật tự khu vực mới đang hình thành tại châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này.
Cái bắt tay giữa Thủ tướng Nhật Noda và Thủ tướng Ấn Độ Singh mang nhiều ý nghĩa - Ảnh: Reuters |
Theo báo The Hindu, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Noda và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai nước đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, hai bên đã đạt thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 15 tỉ USD. Nhật Bản sẽ đầu tư 4,5 tỉ USD vào hành lang công nghiệp trải dài 1.483km từ New Delhi đến Mumbai. Tokyo cũng cam kết cho Ấn Độ vay 1,7 tỉ USD để thực hiện các dự án lớn, trong đó có kế hoạch mở rộng tuyến tàu điện ngầm New Delhi. Thương mại song phương Nhật - Ấn sẽ đạt 25 tỉ USD vào năm 2014. Dù đây là con số thấp, nhưng Tokyo khẳng định các công ty Nhật coi Ấn Độ là thị trường lớn, đầy tiềm năng với dân số đông và trẻ, tăng trưởng cao.
Đàm phán hạt nhân dân sự giữa hai nước cũng “đang đi đúng hướng” như hai thủ tướng cho biết. Trước đó, Chính phủ Nhật đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và Ấn Độ là một trong những quốc gia sẽ hưởng lợi từ quyết định này.
Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ sẽ là đối tác đầy triển vọng cho Nhật trong thời điểm Tokyo đang nỗ lực vượt qua thời gian kinh tế trì trệ. Và không chỉ có vậy.
Hợp tác an ninh
Báo India Times dẫn lời giáo sư chính trị Brahma Chellaney khẳng định những sự hợp tác kinh tế vững chắc nhất trên thế giới thường dựa vào hợp tác an ninh. Hợp tác kinh tế đơn thuần thường thiếu ổn định, điển hình như hợp tác giữa Nhật - Trung Quốc hay Ấn Độ - Trung Quốc.
Theo Kyodo News, Tokyo và New Delhi đã đạt thỏa thuận hợp tác “trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, bao gồm chống cướp biển và đảm bảo tự do hàng hải” và “duy trì an ninh cho các tuyến đường biển để đảm bảo thương mại song phương và đa phương không bị cản trở”. Theo báo The Pioneer của Ấn Độ, khoảng 40% khối lượng hàng hóa buôn bán của Ấn Độ với các nước như Mỹ được vận chuyển qua biển Đông. Toàn bộ hoạt động giao thông thương mại của Ấn Độ với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đều đi qua các khu vực biển mà Trung Quốc nhận là chủ quyền và xem là lợi ích cốt lõi của họ. Trước đó vào tháng 11, hai nước đã đồng ý tổ chức cuộc tập trận chung trên biển và trên không đầu tiên vào năm 2012. Một cuộc “Đối thoại chính sách quốc phòng Nhật - Ấn” sẽ diễn ra đầu năm 2012 ở Tokyo.
Giới quan sát Ấn Độ nhận định trong tương lai Ấn Độ và Nhật sẽ thắt chặt hợp tác về hải quân để đảm bảo an ninh trên các vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Lực lượng phòng vệ trên bộ Nhật và bộ binh Ấn Độ cũng như không lực hai nước đều đã bắt đầu các cuộc đối thoại hợp tác. Hai bên cũng đang xem xét ý tưởng cùng phát triển các hệ thống quốc phòng, trong đó có hệ thống phòng vệ tên lửa.
Báo Wall Street Journal dẫn lời giới quan sát phương Tây đánh giá hiện Nhật đang thay đổi quan điểm an ninh thụ động truyền thống và tìm kiếm cơ hội để giữ một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực. Trong số các láng giềng của Nhật, Ấn Độ là quốc gia sẵn sàng thừa nhận vai trò trung tâm của Nhật trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh châu Á. Giáo sư chính trị Chellaney mô tả Nhật và Ấn Độ là hai “đồng minh tự nhiên”.
Tam giác an ninh
Trước đó, Mỹ - Ấn - Nhật đã khởi động vòng đối thoại an ninh ba bên đầu tiên. Trọng tâm đối thoại là các vấn đề an ninh Đông Á, bao gồm an ninh các tuyến hàng hải khu vực. Trang Project Syndicate dẫn lời cựu bộ trưởng tài chính Ấn Độ Jaswant Singh nhận định đối thoại song phương Nhật - Ấn cũng như đối thoại ba bên Mỹ - Ấn - Nhật không hề nhắc đến Trung Quốc, nhưng thực tế đây đều là các nỗ lực để đối diện với “thách thức từ Trung Quốc”.
Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh hàng hải khu vực châu Á chính là thái độ hiếu chiến của Trung Quốc khi đòi chủ quyền ở biển Đông. Quan hệ Nhật - Trung cũng xấu đi vì tranh chấp đảo trên biển Hoa Đông. Trung - Ấn cũng có tranh chấp biên giới. Theo ông Jaswant Singh, Trung Quốc chưa bao giờ che giấu ý định cản trở Nhật và Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn đối với an ninh khu vực và quốc tế. Bằng chứng là việc Bắc Kinh luôn phản đối việc mở rộng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với Nhật và Ấn Độ là các thành viên thường trực mới.
Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ đánh giá đối thoại an ninh ba bên Mỹ - Ấn - Nhật là một sáng kiến đầy hứa hẹn, có thể giúp hình thành một cấu trúc an ninh vững chắc trong khu vực để đối phó với “thách thức Trung Quốc”. Nhưng đó không phải là tam giác an ninh khu vực duy nhất. Có nhiều dấu hiệu cho thấy một tam giác Mỹ - Úc - Ấn đang được hình thành. Mỹ vừa đạt thỏa thuận triển khai 2.500 quân tại miền bắc nước Úc. Chính phủ Úc vừa hủy bỏ lệnh cấm bán uranium cho Ấn Độ. Canberra và New Delhi đang tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng.
Ông Jaswant Singh đánh giá nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách thiếu kiềm chế với các nước láng giềng, Bắc Kinh sẽ phải chứng kiến sự hình thành những trật tự khu vực mới không hề có lợi cho họ.
SƠN HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét