Đối đầu không có lợi cho Mỹ, Iran?

baodatviet.vn
Cập nhật lúc :2:05 PM, 27/12/2011
Tham vọng hạt nhân khiến Iran phải gánh hậu quả là các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngược lại, Washington cũng rơi vào thế bí bởi chính những biện pháp bao vây Tehran do mình đặt ra.
Tung chiêu ‘chí mạng’
Sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố bản báo cáo mới nhất về bước tiến hạt nhân của Iran, Mỹ nhanh chóng mở rộng các lệnh trừng phạt quốc gia Hồi giáo khi buộc tội 10 công ty vận tải biển giúp Tehran đẩy mạnh các chương trình tên lửa và vận chuyển hàng hóa quân sự cho nước này.
Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc các công ty này có quan hệ với Shipping Lines - hãng vận tải lớn đường biển lớn nhất của Iran, một công ty đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo Thứ trưởng Tài chính Mỹ Cohen, dù đang “trong tầm ngắm” nhưng Shipping Lines cùng một số công ty con của mình tiếp tục hành động dối trá để thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế.
Do đó, lệnh trừng phạt mới cấm 10 công ty này tiếp cận với thị trường tài chính và thương mại Mỹ.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đó vẫn chưa “đánh trúng” lĩnh vực mũi nhọn của Tehran. Vì vậy, Washington quyết định “tung đòn chí mạng”. Theo đó, với 100% số phiếu ủng hộ, Thượng viện Mỹ đồng loạt thông qua lệnh siết chặt trừng phạt kinh tế nhằm vào lĩnh vực công nghiệp dầu mỏ của Iran và lệnh này dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2012.
Trước đó, với 410 phiếu thuận và 11 phiếu chống, Hạ viện Mỹ cũng thông qua biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Theo các biện pháp mới, Mỹ sẽ áp đặt các quy định cứng rắn nhằm loại bỏ Ngân hàng Trung ương Iran ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu thông qua việc cấm các thể chế tài chính nước ngoài vốn có quan hệ hợp tác kinh doanh với Ngân hàng Trung ương Iran mở hay duy trì các hoạt động giao dịch tại Mỹ.
Theo giới phân tích, cả Iran và Mỹ đều đang tự làm khó mình. Ảnh: Americanranger.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng kêu gọi các nước tẩy chay nguồn dầu mỏ của Iran, đồng thời trừng phạt các nước và các công ty đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Iran, cung cấp nhiên liệu hoặc bí quyết giúp Tehran phát triển vũ khí hóa học, sinh học hoặc vũ khí hạt nhân hay các loại vũ khí hiện đại khác...
Quốc hội và Chính phủ Mỹ đều cho rằng, sẽ không có biện pháp trừng phạt kinh tế nào hữu hiệu đối với Iran bằng việc hạn chế xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Theo các quan chức Mỹ biện pháp trừng phạt đó sẽ dần làm cạn kiệt các nguồn tiền mà Iran dành để đầu tư vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Iran thấm đòn
Một loạt biện pháp mới đang tạo ra một “bãi mìn pháp lý” đối với các đối tác thương mại của Iran và dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong kinh doanh và đầu tư, đồng thời bóp nghẹt các ngân hàng nước này.
Điều này châm ngòi cho việc bán tháo đồng nội tệ của Iran. Trong vài ngày qua, giá trị của đồng rial giảm thêm 15%, rơi xuống mức thấp nhất so với đồng USD. Các công ty thương mại của Iran bắt đầu sử dụng hình thức đổi hàng để tránh các lệnh trừng phạt, còn người dân Iran hoảng loạn đi mua vàng.
Trong khi đó, Sinopec, công ty dầu hàng đầu của Trung Quốc cũng giảm một nửa lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran, một phần do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các lệnh trừng phạt.

Trước đây, các quan chức Iran thường quả quyết rằng các biện pháp trừng phạt nước này sẽ thất bại bởi thực tế quốc gia này đã quen kiểu “sống chung với lũ” suốt 30 năm nay.
Tuy nhiên, phản ứng đầy lúng túng của giới chức Iran gần đây cho thấy họ đã thực sự “thấm đòn”. Ngoại trưởng Iran Akbar Salehi hồi tuần trước nhấn mạnh: “Chúng ta không thể giả bộ rằng các lệnh trừng phạt không có tác động gì”. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Mahmoud Bahmani cũng nói với các nhà báo rằng, Iran cần hành động nếu “bị bao vây”.
Không chỉ vậy, dường như do quá mất bình tĩnh, họ còn có những tuyên bố đầy mâu thuẫn. Hossein Ebrahimi, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Quốc hội Iran mới đây cho biết, nếu phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành xuất khẩu dầu mỏ của nước Cộng hoà Hồi giáo này thì Iran sẽ đóng cửa ro biển Hormuz và sẽ không cho phép các quốc gia khác trung chuyển dầu mỏ thông qua tuyến giao thương chiến lược này.
“Khu vực Trung Đông hiện cung ứng 70% nhu cầu năng lượng cho thế giới mà đa phần lượng năng lượng đó được trung chuyển qua eo biển Hormuz. Nếu thế giới muốn làm khu vực này trở nên bất ổn, thì chúng tôi cũng sẽ làm thế giới không được yên ổn”, ông Sorouri khẳng định.
Tuy nhiên, tuyên bố này ngay sau đó bị người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast bác bỏ. “Như chúng tôi từng  nói, vấn đề đóng cửa eo biển Hormuz không nằm trong chương trình nghị sự của Iran vì chúng tôi tin ở sự ổn định và hoà bình ở khu vực Trung Đông”, phát ngôn viên Ramin Mehmanparast nhấn mạnh.
Mỹ và đồng minh cũng liêu xiêu
Bất chấp những tác động trực tiếp từ các lệnh trừng phạt mà Iran phải gánh chịu, giới phân tích cảnh báo, “đòn chí tử” mà Washington chuẩn bị giáng vào lĩnh vực dầu mỏ của Tehran sẽ như một hành động “tự vụt vào lưng mình”.
Hãng thông tấn NPR nhận định: “Nhà Trắng đang đứng trước sự lựa chọn hết sức khó khăn”.
Theo tác giả Tom Gjelten, các chính sách của Washington đang ở thế bất lợi, đặc biệt là khi các mục tiêu xung đột lẫn nhau và một số trường hợp cho thấy việc trừng phạt Iran sẽ khó có thể tránh khỏi làm tổn thương chính mình cũng như các quốc gia đồng minh.
Cụ thể, nếu kế hoạch “đánh trúng miếng cơm” của Iran thành công, tức là hoạt động xuất khẩu dầu của quốc gia Hồi giáo bị gián đoạn thì các đồng minh của Mỹ sẽ là những đối tượng chịu tác động trước tiên.
Theo đó, một số nền kinh tế vốn đang rất mong manh như Hy Lạp sẽ bị thiếu hụt dầu trầm trọng vào đúng thời điểm những quốc gia này có sức chịu đựng kém nhất. 
Dường như nhận thấy rõ nguy cơ này, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba mới đây tuyên bố rằng, Mỹ cần cân nhắc lệnh cấm vận đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran và khẳng định nước này tiếp tục nhập khẩu dầu từ nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu nhập khẩu vì nước này hầu như không có nguồn nhiên liệu hóa thạch. Theo số liệu mới nhất, dầu nhập khẩu từ Iran chiếm khoảng 8% tổng lượng dầu tiêu thụ của Nhật Bản trong tháng 10 vừa qua.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết, Tokyo gửi một thông điệp tới Washington, trong đó bày tỏ những quan ngại xung quanh những biện pháp trừng phạt mà Quốc hội Mỹ mới thông qua nhằm tăng sức ép với Iran. Theo lập luận của ông Gemba, lệnh siết chặt trừng phạt của Mỹ sẽ gây nhiều bất lợi đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Iran bị giảm xuất khẩu dầu mỏ thì không chỉ riêng Nhật Bản mà toàn bộ nền kinh tế thế giới, trong đó có Mỹ sẽ phải gánh hậu quả nghiêm trọng.
Iran là một nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, nếu hạn chế nguồn cung cấp dầu của nước này trên thị trường sẽ dẫn đến việc cung không đủ cầu và giá cả sẽ bị đẩy lên cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái lại rình rập.
Do đó, ông Daniel Yergin, chuyên gia phân tích năng lượng của Mỹ quả quyết: “Đây hoàn toàn không phải là một vấn đề dễ giải quyết. Trên thực tế nó là một sự đánh đổi. Việc áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran có thể gây tổn hại cho chính nền kinh tế cũng như những lợi ích của Mỹ”.
Có lẽ đó là lý do vì sao mà nhiều quan chức trong chính quyền Obama khẳng định, họ đã đưa ra được một giải pháp cấm vận chưa từng có tiền lệ nhằm chống lại Iran, song họ không thể chứng tỏ những nỗ lực đó có thể thay đổi thay đổi cục diện.
Trà My (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét