Chernobyl 25 năm sau thảm họa

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Ba, 26/04/2011, 12:31 (GMT+7)

TTO - 1g23 sáng 26-4-2011, các góa phụ Ukraine thắp nến tưởng niệm những người đã chết trong vụ nổ lò phản ứng ở Nhà máy điện Chernobyl cách đây tròn 25 năm. Chuông điểm 25 tiếng như lời cảnh báo thế giới về sự hủy diệt của nguồn năng lượng hạt nhân.

Một em bé thắp nến cho người ông chết sau khi bị nhiễm xạ cấp trong vụ nổ lò số 4 - Ảnh: AFP

Linh mục Patriarch Kirill tiến hành buổi lễ cầu nguyện gần đài tưởng niệm những người lính cứu hỏa, công nhân nhà máy đã chết ngay sau khi nhiễm phóng xạ cấp vì vụ nổ lò số 4 ở Chernobyl - thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử.

Vụ nổ đã phát thải lượng phóng xạ gấp 400 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima. Những khu rừng nguyên sinh và đồng ruộng quanh đó đến giờ vẫn bị nhiễm xạ.

Mới tuần trước, Tổ chức Y tế thế giới kết luận có đến 600.000 người nhiễm xạ nặng và hơn 4.000 người chết vì bệnh ung thư liên quan đến vụ nổ này.

Quanh Nhà máy Chernobyl là khu vực cấm vào bán kính 30km - Ảnh: BBC

Lò phản ứng số 4 nổ được bọc trong hầm mộ bêtông và phải tiếp tục được bọc tiếp để phóng xạ không phát thải ra bên ngoài - Ảnh: BBC

Hồi tháng 2-2011, các chuyên gia đang nghiên cứu để làm tiếp một “quan tài” mới bọc lò số 4 nằm sau bức tường phía trái bức ảnh này - Ảnh: BBC

“Cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn. Đó từng là một thành phố tuyệt đẹp với công việc tuyệt vời trong quãng đời thanh xuân của chúng tôi. Giá mà các bạn biết được chúng tôi đau đớn thế nào khi thấy vô số trẻ em sau này ốm đau vì phóng xạ, bao cặp vợ chồng không thể có con…” - Larisa Demchenko, một góa phụ 64 tuổi có chồng là công nhân ở Nhà máy Chernobyl mất chín năm trước vì ung thư, bày tỏ.

Trong khi đó, tại Bryansk - vùng bị nhiễm xạ nặng nhất ở Nga sau thảm họa, chính quyền đã không sửa chữa bệnh viện ung thư của địa phương. “Đó là nơi nghỉ ngơi duy nhất của chúng tôi. Các lãnh đạo hứa đổi mới nó nhưng đó chỉ là lời hứa” - công nhân Leonid Kletsov nói.

Các chuyên gia tạm nghỉ sau khi khoan các lỗ để đặt dầm thép gia cố cho “hầm mộ” bêtông được xây dựng vội vàng quanh lò số 4 - Ảnh: Huffington Post

Cảnh hoang tàn trong phòng điều khiển của lò phản ứng số 4 - Ảnh: BBC

Cư dân Pripyat từng nghĩ họ sẽ quay trở về khi nơi đây trở lại bình thường, nhưng 25 năm qua họ không làm được điều đó - Ảnh: BBC

Thị trấn Pripyat từng được xây làm khu nhà ở cho công nhân Nhà máy Chernobyl giờ bị bỏ hoang - Ảnh: BBC

Lễ tưởng niệm 25 năm thảm họa Chernobyl diễn ra khi thế giới đang phải đặt lại câu hỏi đối với ngành năng lượng hạt nhân vì sự cố tại Nhà máy điện Fukushima 1 của Nhật Bản - nơi cảnh báo cũng được tăng lên cấp độ 7 ngang bằng với Chernobyl. Nếu không được giải quyết sớm, phóng xạ phát thải ra không khí hiện bằng 1/10 Chernobyl sẽ có nguy cơ vượt mức thảm họa năm 1986.

Công viên cho trẻ em định khai trương hôm 1-5-1986 chưa bao giờ được sử dụng - Ảnh: BBC

Cả Pripyat giờ là một “thành phố ma” - Ảnh: Huffington Post

Trường học vắng hoe - Ảnh: Huffington Post

Dù vậy, giờ đây vẫn có vài trăm người già trở lại chốn xưa với mong muốn thà được yên nghỉ trên đất quê hương nhiễm xạ hơn chốn quê người. Các bác sĩ thỉnh thoảng trở lại đây để kiểm tra sức khỏe cho họ - Ảnh: Huffington Post

Những người trẻ hơn đang được điều trị ung thư ở bệnh viện hiện đại hơn. Đây là ông Oleg 54 tuổi và cậu bé Dima 13 tuổi đang được chữa ung thư giáp trạng vì nhiễm xạ ở Belarus - Ảnh: Huffington Post

Tại Đức ngày 25-4, hàng nghìn người đã đổ ra đường biểu tình phản đối các nhà máy điện hạt nhân. 25 năm sau, các khu vực xung quanh Nhà máy Chernobyl vẫn như một nấm mồ lạnh lẽo.

PHAN ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét