Trung Quốc viện trợ châu Phi ‘vô tư’?

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :2:02 PM, 27/04/2011
Cùng với việc nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ, dự trữ ngoại tệ tăng… Bắc Kinh trở thành nước viện trợ lớn cho hàng loạt quốc gia châu Phi. Điều này khiến phương Tây lo ngại rằng Trung Quốc đang "vơ vét" tài nguyên của lục địa Đen.

Theo sách trắng của Trung Quốc, tới cuối năm 2009, Bắc Kinh viện trợ gần 40 tỷ USD cho 161 quốc gia và hơn 30 tổ chức khu vực và quốc tế. Còn tính từ năm 2004, tổng giá trị viện trợ tăng trung bình ở mức 29,4% mỗi năm.

Khoảng 40% trong số đó là viện trợ không hoàn lại và phần còn lại là các khoản vay với lãi suất thấp hoặc không tính lãi. Gần 80% số viện trợ đó dành cho châu Phi và châu Á. Riêng năm 2009, khu vực châu Phi nhận được khoảng 45% tổng số viện trợ của Trung Quốc.

Một báo cáo gần đây của ngân hàng Phát triển châu Phi cho biết, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của châu Phi gia tăng với tỷ lệ trung bình là 46% một năm trong thập niên vừa qua. Đồng thời, lượng xuất khẩu của châu Phi qua Trung Quốc tăng gấp đôi.

Trong lĩnh vực này, dầu thô chiếm khoảng 70% các mặt hàng châu Phi xuất qua Trung Quốc, phần lớn từ hai nước Angola và Sudan. 15% trong tổng số hàng xuất là khoáng sản.

Bắc Kinh trở thành nước viện trợ lớn cho hàng loạt quốc gia châu Phi.

Việc Trung Quốc “tấn công” châu Phi khiến thị phần phương Tây tại đây sụt giảm. Hiện châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của châu Phi nhưng sụt giảm từ 50% cách đây hai thập niên xuống chỉ còn 30% hiện nay.

Tình trạng đó cộng với việc Trung Quốc đổ “núi” tiền vào châu Phi khiến nhiều nước phương Tây quan ngại Bắc Kinh đang thực thi chiến lược nhằm thống trị kinh tế trên khắp châu lục này.

Nhiều người còn cáo buộc Trung Quốc đang triển khai chế độ thực dân kiểu mới nhằm khóa chặt các tài nguyên mỏ và năng lượng của châu Phi với giá rẻ.

Theo tiết lộ của Wikileaks, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Phi là Johnnie Carson miêu tả Trung Quốc là “đối thủ kinh tế hết sức hung hăng và nguy hiểm. Họ có mặt ở châu Phi không phải vì mục đích nhân đạo mà vì quyền lợi bản thân”.

Ông nói thêm: “Lý do thứ 2 cho sự hiện diện của Trung Quốc là để giành phiếu bầu của các nước châu Phi tại Liên Hiệp Quốc”.

Ông Carson cũng nhận định, Washington hiện chưa xem Bắc Kinh như đe dọa về mặt an ninh nhưng theo ông, Mỹ cần theo dõi kỹ những diễn biến mới nhất. Ông cũng bày tỏ sự lo ngại về khả năng Trung Quốc ký hợp đồng thiết lập căn cứ quân sự tại lục địa Đen, huấn luyện quân đội một số nước, triển khai nhân viên tình báo…

Trung Quốc bị cáo buộc "bóc lột" châu Phi.

Đáp trả, Thứ trưởng thương mại Trung Quốc Fu Ziying hôm qua khẳng định là Trung Quốc viện trợ nhiều cho châu Phi không phải nhằm khai thác tài nguyên của châu lục này.

Ông tuyên bố: “Châu Phi là điểm đến quan trọng của các khoản viện trợ bởi khu vực có nhiều nước đang phát triển, cần giúp đỡ. Ngoài ra, chưa tới 30% lượng dầu châu Phi xuất khẩu là tới Trung Quốc. Do đó, thật vô lý khi cho rằng Trung Quốc việc trợ cho châu Phi chỉ vì muốn khai thác tài nguyên ở đây”.

Ông Fu Ziying còn tuyên bố: “Trung Quốc không gắn bất kỳ vấn đề chính trị nào vào các khoản viện trợ nước ngoài. Các chương trình viện trợ tuân thủ các nguyên tắc như công bằng, đôi bên cùng có lợi và phát triển. Nhiều quốc gia đang phát triển thiếu bệnh viện và đường xá. Các khoản viện trợ của chúng tôi tập trung vào các lĩnh vực họ cần nhất”.

Và từ khi bắt đầu viện trợ nước ngoài năm 1950, hơn 700 công nhân Trung Quốc thiệt mạng riêng tại châu Phi.

Trung Quốc khẳng định là họ đang giúp đỡ châu Phi.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cảnh báo Bắc Kinh cần điều chỉnh chính sách cấp viện trợ của họ cho phù hợp với sự thay đổi đang diễn ra trên toàn thế giới nhằm tránh bị phương Tây hiểu lầm.

Giáo sư Yin Jiwu của khoa Quan hệ quốc tế và đối ngoại tại ĐH nghiên cứu quốc tế Bắc Kinh cho rằng, các khoản viện trợ vô điều kiện của Trung Quốc không phải lúc nào cũng dẫn tới tình trạng hai bên cùng có lợi.

Còn theo tờ Economist, đáng lẽ Trung Quốc phải nhận được sự tín nhiệm khi giúp đỡ hàng triệu người châu Phi nhưng kiểu viện trợ không điều kiện có thể gián tiếp làm lợi cho bọn tham nhũng. Hậu quả cuối cùng là tạo ra nhiều dự án yếu kém ở châu Phi, đe dọa hình ảnh Trung Quốc tại châu lục Đen.

Do đó, Giáo sư Pang Zhongying của ĐH Nhân dân Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh nên chuyển sang hướng viện trợ có điều kiện.

Ngoài ra, Pang còn kêu gọi: “Trung Quốc cần gửi các thanh tra tới kiểm tra việc sử dụng tiền viện trợ, từ chi tiêu cho tới chất lượng dự án, tác động của chúng tới nền kinh tế, môi trường và xã hội địa phương. Có như vậy Trung Quốc mới tăng tính minh bạch trong các khoản viện trợ và tránh bị hiểu lầm”.

Nhà nghiên cứu Evan A. Feigenbaum thì cho rằng, Bắc Kinh cần thay đổi việc đơn độc viện trợ, hiếm khi kết hợp các chiến lược viện trợ với các nước khác.

Kết luận, Giáo sư Wang Fan của ĐH quan hệ quốc tế Bắc Kinh khẳng định, viện trợ không phải là của bố thí và rằng Trung Quốc cần phải cải thiện cơ chế viện trợ và tăng hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia khác.

Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng họ đang bị hiểu lầm.
Hiện cuộc tranh luận giữa các bên vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, theo thống kê của nhiều tổ chức thăm dò dư luận, đa phần người dân châu Phi có cảm tình với Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét