Sai phạm tại Vinashin khiến ngành công nghiệp đóng tàu của VN bị ảnh hưởng nặng nề - Ảnh: K.T.L |
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ quá trình hình thành và phát triển Vinashin, đến những sai phạm, yếu kém và tập trung mổ xẻ khá kỹ lưỡng nguyên nhân của những sai phạm, yếu kém đó.
Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Vinashin được thành lập năm 1996 và chính thức thành tập đoàn vào tháng 5.2006. Đến hết năm 2009, Vinashin đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 3.300 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đã tăng từ hơn 100 tỉ đồng lên 8.000 tỉ đồng, giá trị tài sản 104.000 tỉ đồng.
Thế nhưng, do chịu tác động hết sức nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đặc biệt là sự yếu kém trong dự báo của lãnh đạo tập đoàn, sự phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng khi tự ý mua tàu cũ Hoa Sen, rồi sự “đa mang” khi cho vay và bảo lãnh cho các công ty liên kết vay nhưng không có khả năng trả nợ…, tập đoàn này đã lâm vào cảnh thua lỗ, suy sụp.
Báo cáo chỉ ra các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay, nhiều dự án chưa đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả lãi.
“Khi tập đoàn kiến nghị cho mua tàu cũ vận chuyển hành khách Bắc - Nam, Thủ tướng Chính phủ không đồng ý và chỉ cho chủ trương là thực hiện đóng mới. Việc tập đoàn mua tàu cũ (Hoa Sen) là cố ý làm trái với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về đầu tư”, ông Dũng đơn cử.
Trong báo cáo, Chính phủ tập trung mổ xẻ những yếu kém và nguyên nhân dẫn đến sai phạm và coi “sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu”.
Lãnh đạo tập đoàn và một số đơn vị thành viên có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, tùy tiện và nhiều trường hợp cố ý làm trái với quy định của Nhà nước, sự chỉ đạo của Thủ tướng về hoạt động đầu tư và quản lý, sử dụng vốn cho sản xuất kinh doanh, quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ.
Trong nhiều năm, Vinashin đã “báo cáo không trung thực về sử dụng vốn, về đầu tư và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2009 lỗ 1.600 tỉ đồng nhưng lại báo cáo lãi 750 tỉ đồng, quý 1/2010 thua lỗ vẫn báo cáo lãi gần 100 tỉ đồng. Khuyết điểm này của lãnh đạo Vinashin làm cho cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cấp trên nắm không đúng thực trạng nên chỉ đạo không phù hợp, kịp thời”, Chính phủ lý giải.
Trong phần nguyên nhân, Chính phủ cũng thừa nhận “thể chế, cơ chế thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu của HĐQT tại các doanh nghiệp, của bộ quản lý ngành, bộ chức năng, của Thủ tướng, của Chính phủ còn lúng túng và chưa đủ rõ”.
Bộ GTVT với chức năng là bộ quản lý ngành đã cố gắng thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao nhưng “cũng chưa phát hiện kịp thời những yếu kém trong hoạt động và cố ý làm trái của tập đoàn để chủ động, đề nghị các cơ quan chức năng và báo cáo Chính phủ ngăn chặn, xử lý”.
Đặc biệt, theo đánh giá của Chính phủ, mô hình tập đoàn đang triển khai thí điểm, nhưng ở Vinashin trong một thời gian dài (từ khi còn là tổng công ty) tập trung các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch tập đoàn, Tổng giám đốc vào một người, “mà người này, những năm gần đây trở nên độc đoán, gia trưởng”, trong khi Đảng ủy, Ban kiểm soát, các phó tổng giám đốc yếu kém, không đấu tranh, không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao về lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, ngược lại, còn đồng tình với những việc làm sai trái của người đứng đầu tập đoàn.
Sau phần báo cáo cụ thể về thực hiện tái cơ cấu Vinashin, Chính phủ nêu một số bài học rút ra từ vụ việc này, trong đó có việc “tiếp tục giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, kèm theo có quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và có chế tài xử lý vi phạm”.
Bảo Cầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét