Cuối tuần qua, làn sóng dân tộc chủ nghĩa lại dâng lên ở Trung Quốc với các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản và ý kiến của giới báo chí chính thống trích dư luận tiếp tục lên án Na Uy vì giải Nobel cho ông Lưu Hiểu Ba.
Các sự kiện gây căng thẳng này diễn ra trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc khép lại hội nghị trung ương giữa lúc có những ý kiến khác, đòi mở rộng dân chủ và thả ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến hiện chịu án tù 11 năm.
Sáng nay, Thủ tướng Nhật Bản, ông Naoto Kan nói ông lấy làm tiếc rằng hai ngày qua có những cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc.
Ông cũng kêu gọi hai nước hãy bình tĩnh giải quyết vụ việc trong lúc có tin một cuộc biểu tình nữa dự kiến sẽ có ở Vũ Hán trong ngày để phản đối Nhật sau vụ Điếu Ngư.
Phát biểu tại Nghị viện Nhật, thủ tướng Naoto Kan nói rằng các cuộc biểu tình hôm 16 và 17 tháng này ở Trung Quốc là rất đáng tiếc nhưng ông yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc hãy bảo vệ an toàn cho các công dân Nhật và các công ty của Nhật ở Trung Quốc.
Cuối tuần qua, các cuộc biểu tình bài Nhật diễn ra tại một số thành phố của Trung Quốc, từ Thành Đô tới Tây An, và nay sẽ có ở Vũ Hán, trước sự chứng kiến của công an.
Hiện chính quyền Trung Quốc phải cân nhắc để làm sao giữ ổn định trước luồng dư luận dân tộc chủ nghĩa.
Đây là tâm lý khiến hàng trăm người Trung Quốc xuống đường phản đối Nhật dù vụ tuần tra biển của Nhật bắt và thả tàu cá Trung Quốc gần vùng đảo tranh chấp Điếu Ngư đã diễn ra từ tháng 8.
Đã có chuyện đập phá cơ sở của người Nhật tại Trung Quốc.
Tại Nhật, cũng có những cuộc biểu tình đáp trả, phản đối Trung Quốc.
Dân tộc chủ nghĩa
Sợi dây nối hai chuyện với nhau chính là làn sóng dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc.
Chính những người theo chủ nghĩa Trung Quốc cũng lên án Na Uy đã trao Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba hồi tháng qua.
Theo báo Trung Quốc Global Times thì một cuộc điều tra dư luận chớp nhoáng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu hôm Chủ Nhật vừa qua với 866 người cho thấy 58,6 phần trăm đòi Ủy ban Nobel của Na Uy rút lại giải trao cho ông Lưu và phải xin lỗi dân Trung Quốc.
Hơn một nửa đòi chính quyền phải giam ông Lưu cho tới khi đến hạn được ân giảm.
Nhưng điều đáng chú ý là 17,3 phần trăm người được hỏi cũng nói ông Lưu cần được thả vào lúc nào thích hợp và cho đi khỏi Trung Quốc, còn 9 phần trăm nói chính quyền cần thả ông Lưu ngay và cho ông sang Na Uy nhận giải.
Tuy vậy, bài phân tích trên báo Global Times của TQ vẫn cho rằng việc trao giải Nobel cho ông Lưu chỉ có tác dụng xấu đến Hòa bình thế giới.
Có vẻ như chính quyền Trung Quốc một mặt để cho các cuộc biểu tình bài Nhật diễn ra dưới sự chứng kiến của công an để giúp giải tỏa tâm lý dân tộc chủ nghĩa nhưng không muốn biểu tình lan rộng hay biến thành chống nhà nước.
Mặt khác, báo chí chính thống tại Trung Quốc muốn lái luồng dư luận vào chỗ lên án giải Nobel cho Lưu Hiểu Ba dù hiện chưa rõ việc này liệu có tác dụng gì với quyết định đã trao Nobel Hòa bình cho ông Lưu của Ủy ban Nobel Na Uy hay là không.
Trong lịch sử giải Nobel, người được trao có thể từ chối không nhận giải nhưng chưa có trường hợp Ủy ban Nobel rút lại hoặc xin lỗi ai về các giải đã trao.
Nhưng việc phong ông Tập Cận Bình vào chức phó chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng là dấu hiệu Trung Quốc sẽ nhiều khả năng tiếp tục theo xu hướng cứng rắn chứ không hề xuống thang trong đối ngoại.
Ông Tập, năm nay 57 tuổi có tiếng là người kín đáo, bảo thủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét