Nhưng trên thực tế, Thuỵ Điển không còn đứng đầu các bảng xếp hạng về bình đẳng giới như trước đây. Nước này đã rớt khỏi vị trí số 1 xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng Chỉ số khoảng cách giới tính do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố hồi năm ngoái.
Mặc dù vẫn xếp thứ hạng cao cùng với các nước vùng Bắc Âu khác là Iceland, Phần Lan và Na Uy nhưng Thuỵ Điển vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước.
Một báo cáo mới mang tên “Phụ nữ và nam giới tại Thuỵ Điển: Sự thật và những con số” từ Cơ quan thống kê Thuỵ Điển đã cho thấy nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Cả trong giáo dục và thị trường lao động, phụ nữ và nam giới chưa thật sự bình đẳng. Số lượng các phụ nữ làm giám đốc điều hành trong các công ty có tiếng chỉ chiếm 8/269.
Phụ nữ Thuỵ Điển có thu nhập bình quân thấp hơn 15% so với phụ nữ. 1/3 phụ nữ vẫn phải làm việc bán thời gian vì một số người không tìm được việc làm đủ, những người khác còn phải lo việc gia đình.
Tại Thuỵ Điển, các ông bố và bà mẹ đều được hưởng chế độ nghỉ 480 ngày khi người phụ nữ trong gia đình sinh con. Tuy nhiên, số liệu mới nhất cho thấy chỉ 1/5 nam giới thực hiện chế độ nghỉ sinh này. Cuộc vận động nhằm hướng tới việc phụ nữ và nam giới cùng hưởng chế độ sinh nghỉ sinh ngang nhau chưa mang lại nhiều kết quả.
Cơ hội chưa ngang nhau
Phụ nữ tại nhiều nơi thế giới vốn không được hưởng chế độ hỗ trợ nghỉ sinh hào phóng như vậy hẳn sẽ ngạc nhiên và ghen tị. Phải thừa nhận rằng so với nhiều nơi trên thế giới, chế độ hỗ trợ sinh đẻ đã khiến Thuỵ Điển trở thành một quốc gia lý tưởng cho các phụ nữ.
Năm 1972, chính phủ Thuỵ Điển đã xem việc tạo cơ hội bình đẳng nam nữ là vấn đề chính trị trọng tâm. Xã hội Thuỵ Điển cho phép mọi người đều có thể tự kiếm sống. Thuy Điển có các hệ thống chăm sóc y tế trẻ em và người già rất tốt. Ngoài ra, nước này còn có chế độ bảo hiểm sinh đẻ tốt và giờ mở cửa trường học phù hợp.
Thuỵ điển cũng là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ có việc làm cao nhất trên thế giới. Nhưng nếu xem xét kỹ hơn sẽ thấy nhiều phụ nữ nước này phải làm việc bán thời gian với các công việc bị trả lương thấp.
Theo một báo cáo, trong số các công nhân mặc áo xanh, 50% phụ nữ phải làm việc bán thời gian trong các điều kiện lao động thông thường là không an toàn, trong khi con số này của nam giới chỉ là 9%.
Thu nhập của phụ nữ chí còn bị giảm hơn nữa nếu họ làm ít thời gian hơn sau khi sinh con. Mâu thuẫn giữa công việc và chăm sóc con cái này đã khiến phụ nữ không thể độc lập về kinh tế. Điều này cũng khẳng định thêm ý niệm rằng nam giới là trụ cột chính của gia đình.
Làm thế nào để khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ không ảnh hưởng tới trách nhiệm làm các công việc việc nhà đang trở thành một cuộc thảo luận ngày càng sôi nổi tại Thuỵ Điển.
Phụ nữ Thuỵ Điển - cũng giống như các phụ nữ trên khắp thế giới - thường đóng vai trò chính trong gia đình. 2/3 công việc nhà là do phụ nữ đảm nhiệm.
Vậy, làm thế nào để phụ nữ và nam giới chia đều công việc tại nhà? Chính phủ Thuỵ Điển đang áp dụng các biện pháp như miễn thuế cho các hộ gia đình sử dụng các dịch vụ như lau chùi, giặt là và làm vườn.
Nhưng liệu biện pháp trên có được mở rộng? Liệu chính phủ có miễn thuế cho việc chăm sóc con cái? Hay liệu chính phủ có nên chia sẻ chế độ nghỉ sinh ngang bằng giữa phụ nữ và nam giới và bắt buộc họ phải thực hiện?
Công việc chưa hoàn thiện
Cuộc tranh luận về vấn đề trên vẫn diễn ra căng thẳng tại Thuỵ Điển. Gudrun Schyman, lãnh đạo đảng Sáng kiến Phụ nữ, khẳng định các chính trị gia tại Thuỵ Điển không muốn nhìn thấy cuộc tranh luận này diễn ra trong một bối cảnh xã hội rộng hơn.
Bà Schyman muốn các chính trị gia xem sự mất cân bằng đó là một mâu thuẫn xã hội lớn lao, cần phải được đấu tranh và chỉnh sửa, giống như các vi phạm nhân quyền.
Nữ triết gia Susan Moller Okin cho rằng một xã hội công bằng là một xã hội mà trong đó phụ nữ và nam giới phải bình đẳng ở mọi khía cạnh của cuộc sống.
Bình đẳng giới nên được xem là tiêu chí để đánh giá xem xã hội đó có phải là tốt hay xấu. Về khía cạnh này, Thuỵ điển là một nơi tương đối tốt cho phụ nữ.
Nhưng vẫn còn nhiều điều phải làm. Đó là một công việc chưa hoàn thiện.
An Bình
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét