Cập nhật lúc 16h05" , ngày 22/10/2010 -
|
(VnMedia) - Hôm 20/10, Mỹ đã chính thức thông báo về kế hoạch bán một số lượng lớn vũ khí tân tiến trị giá lên tới 60 tỉ USD cho Ả-rập Xê-út. Nếu như trước đây, Israel chắc chắn sẽ phản đối gay gắt động thái này của Mỹ. Tuy nhiên, lần này, Israel đã khiến mọi người bất ngờ khi hoàn toàn lặng thinh trước thông báo trên của Mỹ. Bản thân các quan chức Mỹ cũng tin tưởng rằng việc họ bán một số lượng khổng lồ vũ khí hiện đại cho Ả-rập Xê-út sẽ không vấp phải trở ngại nào từ phía nước đồng minh thân thiết Israel.
Israel từ lâu luôn kiên quyết theo đuổi việc duy trì lợi thế về sức mạnh quân sự so với các nước láng giềng. Đó chính là lý do khiến nước này trong quá khứ thường phản đối gay gắt những hợp đồng mua bán vũ khí gây bất lợi hay đe dọa sự thống trị về mặt kỹ thuật quân sự của họ trong khu vực. Tuy nhiên, lần này, mọi việc lại khác. Israel có vẻ như ủng hộ việc Mỹ bán vũ khí cho Ả-rập Xê-út. Giải thích thái độ có phần bất thường đó của Israel, nhiều nhà phân tích cho rằng nguyên nhân nằm ở chỗ Israel và Ả-rập Xê-út đều xem Iran là một mối đe dọa ngày càng gia tăng với họ và hợp đồng mua bán vũ khí giữa Mỹ với Israel sẽ không làm thay đổi cán cân chiến lược trong khu vực.
Kẻ thù chung
Ông Joshua Teitelbaum, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Châu Phi ở trường Đại học Tel Aviv, đã nhận định, sự im lặng của Israel có thể được giải thích gói gọn trong một câu nói: “Kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta."
"Chừng nào Israel còn cảm thấy họ vẫn duy trì lợi thế về mặt sức mạnh quân sự thì họ sẽ không tìm cách phản đối hay ngăn chặn các nỗ lực của đồng minh Mỹ trong việc củng cố sức mạng quân sự cho các nước khác trong khu vực," ông Teitebaum cho biết.
Bản thân Israel gần đây cũng ký một hợp đồng mua vũ khí của Mỹ. Theo đó, Washington sẽ cung cấp cho Tel Aviv khoảng 20 chiếc máy bay chiến đấu F-35. Hợp đồng này có trị giá khoảng 3 tỉ USD.
Mặc dù Israel và Ả-rập Xê-út có thể không nhìn chung một hướng trong nhiều vấn đề ở khu vực Trung Đông nhưng cả hai đều chia sẻ một nỗi lo ngại chung về Iran. Tuy nhiên, nỗi lo ngại của hai nước này về Iran là hoàn toàn khác nhau. Nếu như Israel quan ngại sâu sắc về chương trình hạt nhân của Iran thì Ả-rập Xê-út lại lo lắng về mối đe dọa tiềm năng của Iran tối với vị trí thống trị khu vực của nước này.
Duy trì lợi thế về quân sự
Ngoài lý do cùng chung kẻ thù, theo ông Francis Tus, biên tập viên tờ Phân tích Quốc phòng ở London, còn có một lý do khác khiến Israel không phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Ả-rập Xê út. Đó là, kế hoạch này không làm thay đổi cán cân chiến lược trong khu vực và Israel vẫn duy trì được lợi thế về sức mạnh quân sự.
Khi Mỹ xuất khẩu các máy bay chiến đấu F-15 cho Ả-rập Xê-út thì đồng thời Mỹ cũng quyết định bán cho Israel những chiếc chiến đấu cơ F-35 tối tân hơn. Trong khi F-15 không thể hoạt động ở tầm xa thì những chiếc F-35 lại có thể tác chiến gần như ở bất kỳ nơi nào trong khu vực nếu được tiếp nhiên liệu trên không. Sự khác biệt lớn này giữa hai loại máy bay F-15 và F-35 là lý do thuyết phục để Israel tin rằng hợp đồng mua bán vũ khí giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út không phải là mối đe dọa đối với họ.
"Tất cả mọi người cần phải nhớ một điều là Washington sẽ không bao giờ làm bất kỳ điều gì khiến cán cân quân sự trong khu vực Trung Đông thay đổi theo hướng bất lợi đối với Israel," ông Tusa nhấn mạnh.
Nếu xảy ra tình huống một nước Ả-rập tìm cách tấn công Israel thì Mỹ chắc chắn sẽ nhảy vào trợ giúp cho nước đồng minh thân thiết của mình, ông Tusa nói thêm. Cũng theo ông này, chính phủ Ả-rập Xê-út hiện nay không hề có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ họ có ý định muốn tấn công Israel.
Không phải dấu hiệu của sự tin tưởng
Nhiều người có thể tin rằng việc Israel không phản đối kế hoạch bán vũ khí của Mỹ cho Ả-rập Xê-út là dấu hiệu chứng tỏ hai quốc gia Trung Đông này đã trở nên tin tưởng lẫn nhau hơn. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại nghĩ, đó là dấu hiệu chứng tỏ Israel tin tưởng vào Mỹ nhiều hơn chứ không phải là tin tưởng vào Ả-rập Xê-út.
Theo quan điểm của ông Barak Seener, người phụ trách chương trình an ninh Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia ở thủ đô London, hợp đồng mua bán vũ khí “khủng” giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út không nên được coi là một dấu hiệu của sự tin tưởng lẫn nhau giữa Israel và Ả-rập Xê-út. Thay vào đó, hợp đồng này là một kế hoạch được dàn dựng chu đáo của Mỹ nhằm “củng cố khả năng chiến lược của Ả-rập Xê-út nhưng không làm đảo lộn lợi thế quân sự của Israel."
Quan điểm của ông Seener đã nhận được sự đồng tình của ông Yehuda Ben Meir, một nhà nghiên cứu chính và là đồng giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia thuộc trường Đại học Tel Aviv. Ông Meir cho biết, “Israel rất khó có thể phản đối thỏa thuận bán vũ khí của Mỹ cho Ả-rập Xê-út khi mà Washington nói rằng việc đó nhằm mục đích củng cố sức mạnh quân sự của những nước Ả-rập xung quanh Iran".
Kiệt Linh - (theo THX)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét