Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ bị áp giải về trại giam sau phiên xử hôm qua - Ảnh: D.Đ.M |
Công tố viên: Đủ cơ sở buộc tội
Theo bản luận tội của đại diện Viện KSND, Huỳnh Ngọc Sĩ đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được phân công để móc ngoặc nhận hối lộ của nhà thầu Nhật Bản. Từ đó, Huỳnh Ngọc Sĩ có những việc làm có lợi cho nhà thầu này.
Vị công tố dẫn chứng, Huỳnh Ngọc Sĩ được UBND thành phố tín nhiệm bổ nhiệm làm Giám đốc Ban Quản lý Dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM (viết tắt là BQL), đại diện cho chủ đầu tư là trưởng đoàn đàm phán ký kết các hợp đồng, ký văn bản trình các bộ, Chính phủ chỉ định gói thầu tư vấn giám sát; là người có quyền cao nhất, quyết định cuối cùng về giá cả hợp đồng, ký xác nhận khối lượng, phê duyệt khối lượng hoàn thành, ký tạm ứng, thanh toán cho nhà thầu…
Với chức trách quan trọng này, các quan chức PCI đã tìm mọi cách tiếp cận và nhiều lần gặp gỡ đưa tiền để đạt được nhiều mục đích thuận lợi. Chính các ông Sakano Tsuneo (Trưởng văn phòng đại diện PCI tại Việt Nam), Sakashita Haruo (Trưởng phòng Các dự án giao thông, Giám đốc dự án đại lộ Đông - Tây) khai Sĩ cung cấp cho PCI bản tiêu chí đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu. Từ đó, hồ sơ dự thầu PCI được đánh giá tốt nhất so với những nhà thầu khác. Hai ông này còn khai khi biết Ngân hàng JBIC (Nhật Bản) vào VN để kiểm tra, khảo sát, đánh giá Dự án đại lộ Đông - Tây, Sakano đã soạn thảo sẵn văn bản đưa cho Sĩ để phát biểu lý do BQL muốn chỉ định PCI thực hiện gói thầu tư vấn giám sát đại lộ Đông - Tây. Lời khai này cũng phù hợp với lời khai của Lê Quả. Từ đó, có thể chứng minh giữa Huỳnh Ngọc Sĩ và PCI từng bước thực hiện việc đưa - nhận hối lộ.
Vị công tố còn dẫn chứng Huỳnh Ngọc Sĩ có nhận 262.000 USD từ PCI vào 28.5.2003 tại BQL với chứng cứ ba ông Sakashita Haruo, Sakano Tsuneo và ông Takasu Kunio (thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc điều hành PCI) đều có lời khai phù hợp với nhau về thời gian, địa điểm, nguồn tiền, và số tiền đưa cho Sĩ. Ngoài ra, Takasu Kunio còn nhận diện ông Sĩ qua ảnh và vẽ sơ đồ phòng làm việc của Huỳnh Ngọc Sĩ chính xác, dù chỉ qua VN một lần. Việc đưa nhận tiền còn được chứng minh qua các chứng từ rút, chuyển tiền, phù hợp với hành trình bay của ông Sakashita Haruo cũng như sự có mặt của Takasu Kunio tại TP.HCM.
Vị công tố cũng dẫn ra những lợi ích mà PCI có được để chứng minh Huỳnh Ngọc Sĩ đã nhận hối lộ. Cụ thể, PCI được lợi: mức lương chuyên gia nước ngoài cao hơn biên bản thảo luận ký ngày 28.10.1999 giữa Ngân hàng JBIC và Chính phủ VN lên đến gần 7 tỉ đồng; được duyệt thanh toán tạm ứng trong khi chưa có hồ sơ bảo lãnh của ngân hàng và tín dụng thư không hủy ngang hợp lệ theo quy định để đảm bảo có khả năng thu hồi các khoản tạm ứng. Việc ưu ái còn rõ hơn khi nhiều hồ sơ đề nghị thanh toán trọn gói không có biên bản nghiệm thu số lượng hoàn thành. Khi nhân viên trình hồ sơ, bị cáo Sĩ còn hỏi "ký vào đâu?", chứng tỏ không nghiên cứu hồ sơ thanh toán...
Từ đó, vị công tố kết luận lẽ ra phải áp dụng mức hình phạt cao nhất cho bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ, nhưng xét những đóng góp của bị cáo này nên đề nghị HĐXX chỉ cần áp dụng mức án tù chung thân, buộc nộp lại 262.000 USD phạm tội.
Luật sư: Đề nghị trả hồ sơ, điều tra lại
Trong phần tranh luận, ba luật sư bào chữa cho Huỳnh Ngọc Sĩ đưa ra nhiều chứng cứ để chứng minh chưa đủ cơ sở kết tội Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ và trong quá trình điều tra có nhiều điểm vi phạm tố tụng, cần phải trả hồ sơ điều tra lại.
Cụ thể, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng việc ông Sakano Tsuneo lý giải: Khi ông Sĩ nói “Pay soon” được hiểu là “tôi muốn các anh nhanh chóng thanh toán tiền hối lộ cho tôi”; khi ông Sĩ nói: “When you come to Hochiminh?”, lại được hiểu là “khi nào thì mang cho ông ấy khoản tiền hối lộ đó?” là cách diễn giải không có cơ sở. Hơn nữa, chứng từ cho việc rút 140 ngàn USD ở TP.HCM ghi rõ để chi trả lương nhân viên, còn số tiền 80 ngàn USD mang từ Nhật sang có được nhập vào VN không thì không có chứng từ chứng minh (Cục Hải quan đã tiêu hủy hết chứng từ đến hạn). Ngày 28.5 ông Sĩ khai đi Hà Nội, không có ở TP.HCM, để nhận tiền hối lộ (chứng từ xác minh của Việt Nam Airlines cũng đã bị tiêu hủy do đến hạn).
Bên cạnh đó, luật sư Trần Văn Tạo và luật sư Phạm Công Út cũng nêu nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong quá trình điều tra. Các lời khai của cựu quan chức PCI và Huỳnh Ngọc Sĩ có mâu thuẫn với nhau nhưng không tổ chức đối chất theo quy định. Các bản dịch từ tài liệu của Nhật cung cấp có quá nhiều sai sót (rút bất cứ trang nào cũng thấy dịch sai) nên cần phải xem lại tính chính xác của bản dịch. Giấy bảo lãnh của ngân hàng có trước khi ông Sĩ ký duyệt chuyển tiền. Quá trình điều tra không xác định tư cách của bà Phan Thị Lịch Sa (vợ ông Sĩ là người liên quan) để triệu tập lấy lời khai. Hai luật sư này cũng cho rằng ông Sĩ không phải là người có thẩm quyền quyết định mọi việc mà phải thông qua nhiều bộ, ngành và cả Chính phủ.
Tranh luận lại, vị công tố khẳng định: đối với việc nhận hối lộ đã có đủ chứng cứ vì không ai dám ghi rõ là rút tiền đưa hối lộ, việc ghi trả lương chỉ là một thủ đoạn che giấu hành vi vi phạm. Còn những lời khai của phía Nhật cung cấp được xem là chứng cứ phù hợp với quy định.
Khi được nói lời sau cùng, Huỳnh Ngọc Sĩ cho biết rất đau lòng khi bị đề nghị mức án tù chung thân và không hiểu tại sao lại bị truy tố như thế.
Lê Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét