Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Á đang lâm vào căng thẳng xung quanh tranh chấp một nhóm đảo được biết đến với cái tên Senkaku tại Nhật và Điếu Ngư tại Trung Quốc.
> Biểu tình vì nhóm đảo tranh chấp
Nhóm đảo tranh chấp nói trên gồm 8 hòn đảo và bãi đá ngầm không có người ở thuộc vùng viển Hoa Đông. Chúng có tổng diện tích khoảng 7 km vuông và nằm ở phía đông bắc đảo Đài Loan, phía đông đại lục Trung Quốc và đông nam vùng lãnh thổ cực nam của Nhật Bản là Okinawa.
Các hòn đảo này không có nhiều giá trị về sinh sống, nhưng trở thành trung tâm của cuộc tranh chấp giữa hai nước vì chúng nằm sát tuyến đường biển quốc tế mang tính chiến lược, nơi có những ngư trường phong phú và hứa hẹn có trữ lượng dầu mỏ lớn.
Hiện nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát và căng thẳng mới nhất với Trung Quốc bùng phát hồi tháng 9/2010 vừa qua, khi Nhật bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc sau khi con tàu này va chạm với hai tàu tuần tra hàng hải của Nhật tại khu vực gần nhóm đảo.
Một trong số 8 hòn đảo không có người ở thuộc nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư . Ảnh: AP |
Lập luận của Nhật Bản
Nhật Bản cho biết họ đã tiến hành nghiên cứu tổng quát nhóm đảo trên trong suốt 10 năm qua và khẳng định chúng đều không có cư dân sinh sống. Tokyo khẳng định chủ quyền với những hòn đảo này bằng sự kiện khi cha ông họ dựng một tấm bia chính thức tuyên bố nhóm đảo thuộc lãnh thổ Nhật Bản từ ngày 14/1/1895.
Kể từ đó, nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trở thành một phần của quần đảo Nansei Shoto nay thuộc quận Okinawa. Sau Thế chiến II, Nhật Bản từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ và hòn đảo, bao gồm đảo Đài Loan, theo Hiệp ước San Francisco năm 1951. Nhưng theo hiệp ước này, quần đảo Nansei Shoto (bao gồm nhóm đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc) được đặt dưới sự ủy thác quản lý của Mỹ và sau đó chúng được giao lại cho Nhật Bản năm 1971 theo thỏa thuận trao trả Okinawa.
Tokyo cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã không hề có ý kiến phản đối nào đối với Hiệp ước San Francisco năm 1951 liên quan đến chủ quyền nhóm đảo Senkaku. Cũng theo phía Nhật Bản, chỉ đến những năm 70, khi vấn đề trữ lượng dầu mỏ được đặt ra trong khu vực, cả Trung Quốc và chính quyền Đài Loan mới bắt đầu tuyên bố đòi chủ quyền đối với nhóm đảo này.
Lập luận của Trung Quốc
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư (tức nhóm đảo Senkaku trong tiếng Nhật) là một phần lãnh thổ của họ kể từ thời cổ đại, vốn đóng vai trò quan trọng về ngư trường do tỉnh đảo Đài Loan quản lý. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhiều lần tuyên bố điều này "được chứng minh đầy đủ bằng lịch sử và pháp lý".
Vụ việc càng thêm rắc rối khi chủ quyền nhóm đảo liên quan đến cả đảo Đài Loan. Trong lịch sử, Đài Loan đã được nhượng cho phía Nhật Bản theo Hiệp ước Shimonoseki năm 1895, sau cuộc chiến Trung Nhật cuối thế kỷ 19. Sau khi Đài Loan được Nhật trả lại theo Hiệp ước San Francisco năm 1951, Trung Quốc cho rằng nhóm đảo Điếu Ngư vốn là một phần của Đài Loan cũng phải được trả lại cùng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng thủ lĩnh Quốc Dân Đảng là Tưởng Giới Thạch nắm quyền quản lý Đài Loan khi đó đã không nêu ra vấn đề nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku, ngay cả khi nhóm đảo này được ghi trong thỏa thuận trao trả Okinawa của Mỹ cho Nhật Bản năm 1971, do Tưởng Giới Thạch đang phải phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của Mỹ. Do đó, Đài Loan hiện cũng đơn phương đòi chủ quyền đối với nhóm đảo Điếu Ngư.
Những vụ đụng độ
BBC dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu quan điểm tranh chấp nhóm đảo với Nhật Bản cần những dàn xếp trong tương lai và hai bên nên nỗ lực tránh để vấn đề này thành "nhân tố gây bất ổn" trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra căng thẳng lẻ tẻ giữa hai nước liên quan đến nhóm đảo tranh chấp này.
Năm 1996, một nhóm người Nhật Bản đã xây dựng một ngọn hải đăng trên một trong các hòn đảo của nhóm đảo Senkaku. Các nhà hoạt động người Trung Quốc sau đó đã đi tàu tới nhóm đảo để phản đối và một trong số này đã rơi xuống biển chết đuối.
Kể từ đó, các nhà hoạt động của cả Trung Quốc và Đài Loan vẫn tìm cách đi tàu tới nhóm đảo đang nằm trong sự kiểm soát của Nhật Bản nói trên. Năm 2004, Nhật Bản cũng bắt giữ 7 nhà hoạt động Trung Quốc sau khi những người này đổ bộ lên hòn đảo chính của nhóm đảo.
Ngoài ra còn có hàng loạt các vụ chạm trán giữa các tàu tuần tra của Nhật Bản với tàu đánh cá Trung Quốc hoặc Đài Loan trong khu vực tranh chấp. Đặc biệt, năm 2005, khoảng 50 tàu đánh cá Đài Loan đã tiến hành một vụ biểu tình trong khu vực nhạy cảm này để bày tỏ sự phản đối việc gây khó khăn của các tàu tuần tra Nhật Bản.
Diễn biến mới đây nhất liên quan đến tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư là việc Nhật Bản bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc hôm 7/9 vừa qua. Sự kiện này khiến quan hệ song phương rơi vào căng thẳng. Ngay cả khi Nhật thả toàn bộ thành viên của con tàu đánh cá nói trên, căng thẳng liên quan đến nhóm đảo vẫn tiếp diễn.
Cuối tuần trước, một loạt cuộc biểu tình đòi chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đã nổ ra ở cả Nhật Bản và Trung Quốc. Sự kiện này cho thấy tranh chấp về nhóm đảo sẽ còn là trở ngại kéo dài trong quan hệ hai nước.
Đình Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét