Quân đội nắm quyền điều khiển Bắc Kinh?

tuanvietnam.net:

Tác giả: Gordon G. Chang

Bài đã được xuất bản.: 16/10/2010 06:00 GMT+7

Có thật là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang nắm quyền điều khiển Bắc Kinh? Người ta ngày càng nhìn thấy những quan điểm của lực lượng sĩ quan diều hâu đang trở thành chính sách của Trung Quốc, Gordon G.Chang đã nói.

Trong những tháng gần đây, đặc biệt từ tháng 12/2009, Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán. Cùng lúc, các đô đốc hải quân và sĩ quan cao cấp công khai đưa ra nhiều bình luận khiêu khích về những vấn đề thường được coi là thuộc về trách nhiệm dành riêng cho các quan chức dân sự nhà nước.

Ví dụ, tháng ba vừa rồi, Chuẩn Đô đốc Yin Zhuo đã khoanh một vị trí trên Bắc Cực để lấy phần cho Trung Quốc. Hành động này đã dẫm chân và mâu thuẫn với quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Thêm vào đó, có một lượng lớn những lời bình luận công khai tỏ ra thù địch một cách không bình thường từ những sĩ quan quân đội, đặc biệt về việc họ muốn tham dự vào cuộc chiến với Mĩ. Chẳng hạn, trong tháng Hai, một đại tá Trung Quốc là Meng Xianging đã hứa hẹn một "cuộc chiến tay đôi với Mỹ". Cũng chính trong tháng đó, thiếu tướng Yang Yi đã nói Trung Quốc "phải trừng phạt nước Mỹ... Chúng ta phải khiến họ bị tổn thất".

Có một thời, quân đội có sự liên kết hữu cơ với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự thực thì chính PLA là lực lượng xây dựng nên những người cộng sản ở Bắc Kinh. Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, hai nhà lãnh đạo đầu tiên của nền Cộng hòa Nhân dân đều là hai sĩ quan quân đội. Tuy nhiên, hai lãnh đạo sau này là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, lại có gốc gác từ dân sự. Điều này đã dẫn đến cái mà Michael Kiselycznyk và Phillip Saunders gọi đó là "sự phân chia của giới tinh hoa dân sự và quân sự".

http://tuanvietnam.net/assets/Uploads/BKquandoi.jpg

Ngay sau sự kiện Thiên An Môn, việc Giang Trạch Dân được thăng lên hàng quyền lực tối cao đánh dấu sự bắt đầu của một thời kì thu hẹp một cách nhanh chóng ảnh hưởng của quân đội.

Trong nhiệm kì của ông này, càng ngày càng ít tướng và sĩ quan quân đội cấp cao nắm giữ các vị trí then chốt trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chẳng hạn, từ 1997, không một sĩ quan quân đội nào được phục vụ trong Ủy ban Thường vụ của Bộ Chính trị, nơi được coi là đỉnh cao quyền lực chính trị của Trung Quốc. Mặc dù các sĩ quan cao cấp đều là thành viên của Đảng Cộng sản và hình thành một khối chính trị hùng mạnh trong thời kỳ Giang Trạch Dân, họ vẫn không có được quyền lực như những tiền nhiệm từng có trong thời kỳ của Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình.

PLA đã từng đóng vai trò dựng lên hoặc gạt bỏ các nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính quân đội là lực lượng đã khôi phục lại trật tự trong giai đoạn Cách mạng Văn hoá kéo dài cả thập kỉ. Sau đó, giới quân sự cấp cao hai lần đưa ra quyết định ai sẽ là người lãnh đạo nền Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.

Lần thứ nhất , nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã xóa bỏ lực lượng cực tả - "Bè lũ 4 tên" vào tháng 11 năm 1976 , cuối cùng đã đảm bảo cho sự thăng tiến của Đặng Tiểu Bình.

Lần thứ hai, các tướng lĩnh ủng hộ Đặng Tiểu Bình ra lệnh quân đội dẹp đám đông biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh trong mùa xuân 1989. Những sự kiện đó tăng cường nhận thức trong xã hội rằng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc lại là trọng tài chung cuộc trong trò chơi chính trị Trung Quốc.

Từ biến cố Thiên An Môn, giới dân sự đã cố gắng tránh để xảy ra các bất ổn xã hội đe doạ đến sự tồn vong của chế độ, và do đó đã phải dựa vào các tướng lĩnh để giữ quyền lực cho mình. Song chính họ cũng đã không thành công trong việc tránh các rạn nứt nội bộ. Kết quả là, giới sĩ quan cấp cao đã giành được ảnh hưởng ở Bắc Kinh từ giữa thập kỷ này.

Từ giữa năm 2004, Hồ Cẩm Đào đã tranh thủ sự ủng hộ của các tướng lĩnh cao cấp trong cuộc tranh giành với cựu lãnh đạo tối cao Giang Trạch Dân. Chiến thuật của Hồ Cẩm Đào mang lại kết quả rất tốt. Chẳng hạn quân đội ở một mức nào đó hậu thuẫn cho nỗ lực của Hồ Cẩm Đào trong thời gian chờ tuyển cử vào Đại hội Đảng lần thứ 17, được tổ chức vào tháng 10- 2007 để chọn người kế nhiệm mình.

Có một điều rõ ràng là tại các đại hội Đảng, được tổ chức 5 năm một lần, ông đã cố gắng giành được nhiều hơn sự ủng hộ của các thành phần cứng rắn của PLA bằng việc trở lại chính sách tăng cường cho chi tiêu quốc phòng với quy mô lớn hơn bao giờ hết; đề bạt những sĩ quan bảo thủ, đặc biệt là tướng Chen Bingde, người trở thành Tổng Tham mưu trưởng; và chấp nhận thực thi một thái độ quyết đoán hơn đối với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích phủ nhận có một sự chuyển đổi quyền lực về phía các đô đốc hải quân, cho rằng sự thẳng thắn của họ không phản ánh việc họ có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong chính trị hay chính sách. Các nhà phân tích đó cho rằng chúng ta đang nghe nhiều tiếng nói từ phía các sĩ quan quân đội Trung Quốc bởi họ dễ tiếp cận hơn, họ tham dự các hội thảo quốc tế và tham gia các trao đổi và diễn tập, do vậy đơn giản là có thêm nhiều dịp để trao đổi với họ.

Thêm vào đó, việc thương mại hóa các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã dẫn tới việc phát tán rộng rãi các quan điểm giật gân và giới chức PLA lợi dụng điều đó để thay đổi.

Cuối cùng, sự tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc mang lại cho dân chúng ở Bắc Kinh - không chỉ cho giới sĩ quan cao cấp - một niềm tin mới được tạo dựng. Tất cả điều này có nghĩa là những quan chức giờ đây được phép phát ngôn mạnh miệng hơn.

Song, mặc dù có một sự đúng đắn nào đó ở những khẳng định này, thì rõ ràng rằng các sĩ quan quân đội cấp cao đang giành được quyền lực ở đầu não chính trị của Trung Quốc. Trước hết các quan điểm mang tính diều hâu của họ trên thực tế đã trở thành chính sách của quốc gia. Thứ hai, có quá nhiều lời nhắc nhở công khai đối với lực lượng quân đội rằng "Đảng nắm giữ quyền lực" [nguyên văn "the Party controls the gun", có thể hiểu cụ thể hơn là "Đảng dựa vào bạo lực để nắm giữ quyền lực" - chú thích của người dịch] cho phép nghĩ rằng điều này không có gì phải bàn cãi.

Thứ ba, những chia rẽ xuất hiện trong khoảng thời gian gần đến Đại hội Đảng lần thứ 18, được tổ chức vào năm 2012, một lần nữa lại đang làm đòn bẩy cho quân đội như họ đã từng có nửa thập kỷ trước. Khi Hồ Cẩm Đào và các đối thủ của ông đấu tranh trên những vấn đề khác nhau - đặc biệt là danh sách ứng cử viên sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nước vào năm 2012 - quân đội chắc chắn sẽ củng cố lại lợi ích của mình và thậm chí tìm cách vượt lên kiểm soát cả về tài chính và chính sách đối ngoại của quốc gia.

Thứ tư, mặc dù Hồ Cẩm Đào nói rằng chi phí cho quân đội tăng lên là tương xứng với sự phát triển của kinh tế, thực tế, có vẻ như rằng ngân sách dành cho quân sự tăng vọt hơn cả tăng trưởng kinh tế những năm gần đây.

Những ngầm ý của việc tái vũ trang đang được tiến hành của Trung Quốc rõ ràng là rất quan trọng. Một mặt, trong mùa xuân này, có vẻ như được thúc giục bởi PLA, lần đầu tiên Bắc Kinh mở rộng định nghĩa về "lợi ích cốt lõi" ("Core interests"), bao gồm những đòi hỏi chủ quyền cũ - và vô căn cứ - của Trung Quốc đối với toàn bộ phần rộng lớn của vùng biển và không phận quốc tế, bao gồm thềm lục địa của năm quốc gia khác - Philippines, Brunei, Indonesia và Việt Nam.

Trong khi đó, đô đốc Trung Quốc đưa ra yêu sách đòi Hải quân Hoa Kỳ rút quân khỏi Hoàng Hải và phần còn lại của vùng biển Châu Á. Đồng thời, Bắc Kinh đòi hỏi các nước trong khu vực phải thừa nhận uy thế của Trung Quốc - trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã đụng độ với Hoa Kì, Nhật Bản và các quốc gia lân bang trong vùng biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] trong một loạt các tranh cãi mà nó khởi sự.

Có một sự thật là những ngày này Trung Quốc không biết đến giới hạn cho các tham vọng của mình. "Chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc đang tăng lên rất nhanh còn vượt hơn cả dự tính", Huan Jing, thuộc trường Chính sách Công mang tên Lee Kwan Yew của Singapore, đã trả lời tạp chí London's Telegraph. "Các sĩ quan trẻ đang kiểm soát chiến lược giống như những sĩ quan trẻ ở Nhật những năm 1930. Họ nghĩ đến cái họ có thể làm, chứ không nghĩ đến cái họ nên làm".

Thật không may, sự kiêu ngạo này là kết quả của việc tái vũ trang đang được tiến hành đối với chính trị và các chính sách của Trung Quốc.

Nguyễn Hương Thảo dịch từ The Diplomat

Chú thích về tác giả: Gordon G. Chang viết trên Forbes.com. Ông là tác giả của 'The Coming Collapse of China.' (Sự thất bại đang đến gần của Trung Quốc).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét