Nước Pháp trả giá vì biểu tình và đình công

VOVNEWS.VN:
Cập nhật lúc : 10:35 AM, 21/10/2010

(VOV) - Cho tới nay, cả Công đoàn lẫn Chính phủ đều bảo vệ quan điểm của mình. Khó có thể nói ai đúng ai sai, nhưng chắc một điều: Nước Pháp đang phải trả giá.

Pháp đang đối mặt với làn sóng biểu tình, đình công lớn của người dân phản đối dự luật cải cách hưu trí.

Ở nước Pháp vào những ngày này, có cảm giác như tất cả đều bị ngưng trệ. Do toàn bộ 12 nhà máy lọc dầu của Pháp gián đoạn hoạt động vì đình công, trong khi nhiều kho dự trữ xăng dầu bị người biểu tình phong toả, khoảng 4.000 trạm bán xăng - chiếm 1/3 tổng số (12.500 điểm bán xăng trên cả nước) phải đóng cửa.

Công nhân và sinh viên biểu tình phản đối các chính sách mới của Chính phủ Pháp (Ảnh: Getty Images)

Tình trạng những hàng xe dài nối đuôi nhau xếp hàng chờ mua xăng diễn ra phổ biến. Trong khi khả năng sử dụng phương tiện cá nhân trở nên hạn chế, các phương tiện công cộng - vốn rất thông dụng - cũng bị giảm thiểu.

Nhiều tuyến tàu điện ngầm đã giảm tần xuất hoạt động khoảng 30% - 40%, buộc khách phải chờ đợi lâu hơn và chen chúc nhau mỗi khi tàu dừng bến. Tại một số thành phố lớn như Paris, Lyon, Marseille…, giới học sinh - sinh viên phong toả nhiều trường học. Thậm chí, có những nơi bạo loạn xảy ra, một số thanh niên quá khích đốt ôtô, đụng độ với cảnh sát, đến mức báo chí Pháp mô tả một số khu vực giống như… một cuộc chiến tranh du kích ngay giữa lòng thành phố. Các cuộc biểu tình và đình công trong những ngày qua đã làm xáo trộn đời sống xã hội của Pháp, gây lãng phí thời gian và đảo lộn nhịp độ làm việc của người dân.

Trong khi kêu gọi người biểu tình hành xử đúng luật pháp, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Brice Hortefeux cũng nhấn mạnh khía cạnh này: “Các hoạt động phong toả không chỉ là hành động không thể chấp nhận được mà còn là hành động vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm vì nó ngăn cản người dân Pháp đi làm và kiếm sống. Vô trách nhiệm vì những người lao động, đặc biệt là các bác sỹ, y tá không thể đến nơi làm việc để chăm sóc bệnh nhân, hoặc đơn giản là các bậc cha mẹ không thể đưa con tới trường.”

Cho tới nay, chưa có thống kê chính thức nào về thiệt hại tài chính của những ngày đình công vừa qua. Tuy nhiên, thống kê về cuộc biểu tình và đình công năm 2007 cho thấy mỗi ngày, nền kinh tế Pháp thiệt hại gần 300 triệu euro. Tổng số giờ không làm việc bị lãng phí cho việc chờ đợi phương tiện giao thông lên tới 50 triệu euro mỗi ngày.

Đối với mỗi người biểu tình, một ngày đình công cũng tương đương với tiền lương một ngày bị mất. Không chỉ gây ra những thiệt hại kinh tế trước mắt, về lâu dài, các cuộc đình công và biểu tình khiến cho giới công đoàn và giới chủ ngày càng đối lập về mặt quan điểm, gây trở ngại cho các cuộc đối thoại sau này và qua đó ảnh hưởng tới sản xuất. Trong ý nghĩ của một bộ phận người dân, Chính phủ đã không lắng nghe ý kiến của họ. Chính điều đó khiến cho xu hướng cực đoan hoá trong xã hội Pháp gia tăng.

Các cuộc biểu tình biến thành bạo động (Ảnh: Getty Images)

Bất chấp các cuộc biểu tình và đình công, chính phủ Pháp vẫn tỏ quyết tâm thông qua dự luật cải cách hưu trí tới cùng. Các thượng nghị sỹ cánh hữu cầm quyền mong muốn dự luật này được thông qua tại Thượng viện vào ngày 26 hoặc 27/10 tới và hy vọng kỳ nghỉ Toussaint kéo dài 2 tuần lễ vào đúng dịp này sẽ làm nguội bớt cơn “thịnh nộ” của người biểu tình.

Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn và giới thanh niên - sinh viên cho biết sẽ không lùi bước. Khá ngạc nhiên, một cuộc thăm dò mới được thực hiện cho kết quả: 59% người Pháp ủng hộ các tổ chức công đoàn tiếp tục cuộc đấu tranh kể cả khi dự luật cải cách hưu trí đã được thông qua ở Thượng viện; và 60% người Pháp không muốn cải cách hưu trí, ít nhất là tới hết nhiệm kỳ của Tổng thống Sarkozy 2012.

Theo chiều hướng này, nước Pháp sẽ còn tiếp tục phải trả giá vì sự ngưng trệ các hoạt động kinh tế - xã hội do đình công và biểu tình./.

Quang Hưng (Từ Paris)

Vietnam+

Tổng thống Pháp tuyên bố không để đất nước "tê liệt"

21/10/2010 | 14:35:00
Tình hình nước Pháp dường như vẫn "nóng" khi làn sóng biểu tình vẫn tiếp diễn trên cả nước trong bối cảnh chính phủ một lần nữa khẳng định lập trường cứng rắn quyết tâm thúc đẩy kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí.

Theo lệnh của Tổng thống Nicolas Sarkozy, ngày 20/10, lực lượng cảnh sát tiếp tục được triển khai để giải tỏa các kho xăng dầu cũng như các nhà máy lọc dầu trong phạm vi cả nước đang bị người biểu tình bao vây phong tỏa từ nhiều ngày qua nhằm khôi phục việc cung cấp nhiên liệu.

Trước đó, đại diện của Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) Rachid Mehdi ngày 20/10 cho biết các nghiệp đoàn ở miền Nam đã phong tỏa một kho nhiên liệu lớn có chức năng cung cấp nhiên liệu cho các sân bay dân sự và quân sự, trong đó có một sân bay do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sử dụng.

Tình trạng thiếu nhiên liệu cung cấp cho các hoạt động kinh tế và đời sống do ảnh hưởng bởi các cuộc đình công và biểu tình kéo dài đã buộc nhà chức trách Pháp ngày 19/10 phải nhập một khối lượng lớn nhiên liệu. Hơn 3.000 trạm xăng dầu trong tổng số 12.500 trạm xăng dầu trên toàn nước Pháp đã phải ngừng hoạt động do nguồn cung bị gián đoạn.

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng bộ trưởng ngày 20/10, ông Sarkozy tuyên bố sẽ không để nước Pháp rơi vào tình trạng "tê liệt" và cảnh báo rằng làn sóng bãi công, biểu tình kéo dài có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Pháp.

Người đứng đầu Nhà nước Pháp một lần nữa khẳng định lập trường kiên quyết theo đuổi kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí. Ông cho rằng đó mới là chìa khóa để tháo gỡ những khó khăn về thâm hụt ngân sách của Pháp hiện nay và là bước quan trọng để khôi phục nền kinh tế, vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Theo kế hoạch, ngày 21/10, Thượng viện Pháp tiến hành bỏ phiếu về dự luật cải cách hệ thống hưu trí do chính phủ đề xướng. Nếu được Thượng viện thông qua, dự luật này sẽ chính thức có hiệu lực, bởi trước đó dự luật đã được Hạ viện thông qua.

Trong khi đó, các công đoàn vẫn hy vọng chính phủ có bước nhượng bộ trước cuộc đấu tranh của công nhân và người lao động trong cả nước.

Một cuộc thăm dò dư luận do cơ quan thăm dò BVA công bố ngày 20/10 cho thấy có gần 60% số người lao động Pháp ủng hộ tiếp tục tiến hành bãi công nếu Thượng viện thông qua dự luật cải cách hệ thống hưu trí gây tranh cãi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét