tuanvietnam.net:
Tác giả: Hoàng Hường
Bài đã được xuất bản.: 16/10/2010 06:00 GMT+7
Các nhà hảo tâm đánh tiếng sẵn lòng góp sức xây cầu cho các 'chim sáo' qua sông tìm chữ. Thế nhưng, thái độ của lãnh đạo huyện Đông Giang lại như ngược chiều với bầu nhiệt huyết đang sôi của họ.
Phát ngôn&Hành động: Cái khôn- cái họa- cái sợ- cái dại và...
"Dân cần nhưng quan không vội"
Trong phóng sự ra ngày 9/10 của báo Tuổi Trẻ, hình ảnh những đứa trẻ thôn Phú Mưa, xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam hàng ngày phải dắt díu cõng nhau lội qua sông đến trường đã gây xúc động mạnh cho độc giả. Tuần Việt Nam đã ví như đàn 'chim sáo qua sông' khi đề cập đến câu chuyện trên bài Phát ngôn & Hành động ngày 15/10.
Hình ảnh gợi nhớ lại cảnh những người dân đu dây 'bay qua sông' Poko của người dân huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) vài tháng trước. Sau khi những 'người bay' xuất hiện trên phương tiện truyền thông, nhiều nhà hảo tâm cùng một số cơ quan báo chí đã đứng ra quyên góp xây được 4 cây cầu qua sông Poko cho người dân.
Tương tự, bài phóng sự 'chim sáo sang sông' của Tuổi Trẻ ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, các nhà hảo tâm cũng đánh tiếng sẵn lòng góp sức xây cầu cho các 'chim sáo' qua sông.
Thế nhưng, thái độ của lãnh đạo huyện Đông Giang lại như ngược chiều với bầu nhiệt huyết đang sôi của họ.
Sang sông... tìm chữ. |
Ngày 13/10, trên blog của mình, nhà báo Trương Duy Nhất (báo Đại Đoàn Kết) tường thuật câu chuyện sau:
Sáng qua 12-10, một doanh nghiệp tại Đà Nẵng nhờ tôi báo cho lãnh đạo huyện Đông Giang hỏi xem yêu cầu thế nào để họ muốn giúp huyện xây cây cầu này. Tôi điện cho ông Đinh Thái Long, Chủ tịch huyện, số máy di động 0903... thông báo việc này và hỏi: tổng dự tính để xây một cây cầu như vậy ước bao nhiêu. Ông Long báo khoảng 3 tỷ. Vài phút sau, tôi điện báo lại lần 2 với ông Long: Họ muốn cho huyện trọn 3 tỷ để xây cây cầu này, xong cho ông Long số điện thoại của nhà hảo tâm nọ với lời dặn: ông điện ngay cho họ liên lạc xem thế nào để nhận tiền.
Chủ tịch Long ậm ừ. Chờ mãi đến sáng nay 13-10, vẫn chưa thấy ông Chủ tịch huyện cầm máy điện. Không biết ông đang bận chuyện gì? Hay ông quên? Hay ông nghĩ rằng việc xây cầu cho dân là không cần thiết? Hay huyện Đông Giang chê không muốn nhận?
Câu chuyện lập tức nhận được vô số phản hồi, bức xúc với thái độ của ông Chủ tịch huyện. Để làm rõ thực hư, phóng viên Tuần Việt Nam đã liên lạc với nhà báo Trương Duy Nhất và nhà hảo tâm nọ thì đều nhận được câu trả lời: cho đến thời điểm này (chiều 15/10), vẫn chẳng có ai từ huyện Đông Giang liên lạc với hai người về câu chuyện trên.
Nhà hảo tâm (GĐ một doanh nghiệp xây dựng, đề nghị không nêu tên vì lý do "không muốn bị hiểu lầm cố tình gây chuyện lùm xùm để đánh bóng tên tuổi") cho biết: Sau khi đọc bài phóng sự của Tuổi Trẻ, anh hết sức lo lắng cho tính mạng những đứa trẻ. Anh muốn tài trợ toàn bộ kinh phí xây cầu, số tiền 3 tỷ như ông Long nói, để cây cầu được xây càng nhanh càng tốt cho các em.
"Không muốn ra mặt nên nhờ anh Trương Duy Nhất liên hệ giùm, nhưng sự thờ ơ của phía Đông Giang làm tôi buồn quá. Vừa rồi tôi mới nghe loáng thoáng báo Dân Trí đã tổ chức quyên góp được 1,5 tỷ rồi. Tôi sẽ góp với Dân trí 500 triệu, bằng tiền mặt hoặc số vật liệu xây dựng tương đương", anh nói.
Còn nhà báo Trương Duy Nhất bức xúc: "Không những Đông Giang chẳng đoái hoài gì đến tâm huyết của doanh nghiệp, mà còn có cách ứng xử vô cùng kỳ lạ: thay vì gọi điện thoại trả lời (điện thoại Trương Duy Nhất đăng công khai trên blog) một người tên Đỗ Tài (trùng tên ông Phó chủ tịch thường trực huyện Đông Giang) vào blog của anh viết một comment như sau (nguyên văn):
"Kính gửi anh Trương Duy Nhất!
Sau khi đọc bài báo của anh với tiêu đề: "Dân cần nhưng quan không vội". Tôi đã liên lạc với anh Long, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (kể từ 24/9/2010 đã về nhận nhiệm vụ tại UBMTTQVN tỉnh) thì công nhận anh có điện thoại cho ảnh, nhưng do lúc đó anh Long đang dự lễ kỷ niệm tại tỉnh, nên có quên không điện lại. Tôi nghĩ việc này anh nên thông cảm, vì anh Long đã chuyển về tỉnh, không còn trách nhiệm là Chủ tịch UBND huyện tại thời điểm anh liên lạc.
Đối với vấn đề mà anh giới thiệu, cá nhân tôi rất trân trọng và đang rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm giúp cho nhân dân Đông Giang. Ngày 12/10/2010, tôi đã trực tiếp làm việc với anh Bính, phóng viên báo điện tử Dân Trí và chúng tôi đã thống nhất nhờ báo điện tử Dân Trí kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ cho huyện xây dựng cây cầu này. Do vậy, với tư cách cá nhân tôi xin cảm ơn anh đã có nhã ý giúp cho địa phương và cũng mong anh hết sức thông cảm cho anh Long, nguyên Chủ tịch UBND huyện".
Nhưng anh Nhất cho biết, cả hai lần anh gọi điện thoại cho ông Long về khoản tiền tài trợ, ông đều nghe máy với tư cách là Chủ tịch huyện Đông Giang.
"Mà kể cả ông Long đã về tỉnh làm, không lẽ việc sống chết của người dân ở huyện ông không cần phải quan tâm nữa?", anh Nhất bức xúc.
Bị "vu oan" làm Chủ tịch?!
Phóng viên đã cố gắng liên lạc với ông Đinh Thái Long. Lần thứ nhất, phóng viên được trả lời "đang họp"; lần thứ hai "tôi đang bận liên hoan chia tay"; lần thứ ba, ông Long cho biết chuyện anh Nhất gọi là có thật, và ông cũng chưa liên lạc lại cả anh Nhất và nhà hảo tâm.
Ảnh Tuổi trẻ. |
Giải thích lý do, ông Long nói: "tôi không nắm rõ mấy số điện thoại đó, tôi không làm việc qua điện thoại, nhà hảo tâm nào có lòng muốn đóng góp, đề nghị đến UBND huyện Đông Giang làm việc cụ thể"
Phóng viên lại hỏi: 3 tỷ là số tiền rất lớn, đủ xây trọn cây cầu, tại sao ông không bỏ ra chỉ vài phút gọi cú điện thoại. Đầu dây tắt máy. Có lẽ ông bận tiếp cuộc liên hoan chia tay?!
Mấy phút sau, đầu dây kia chủ động gọi lại, sau khi nói một thôi một hồi về "sự bôi nhọ của anh Trương Duy Nhất" và "tại sao báo chí cứ bủa vây làm phiền tôi", "tôi sẽ kiện..." người đầu dây vẫn khẳng định là Đinh Thái Long, nhưng cho biết ông không còn là Chủ tịch huyện Đông Giang nữa, và công việc của Đông Giang ông không nắm.
Hỏi: Vậy sao tại bài viết ngày 10/10 của Tuổi Trẻ, ông vẫn trả lời với tư cách là Chủ tịch Đông Giang (Ông Đinh Thái Long - chủ tịch UBND huyện Đông Giang - nhìn nhận: "Tôi ứng cử đại biểu HĐND ở xã này nên mỗi khi về tiếp xúc bà con, tôi cũng phải lội phải bơi, bà con có ý kiến rất gay gắt, tôi cũng xót lòng". Thôn Phú Mưa hiện có 25 hộ với gần 200 nhân khẩu, trong đó có hơn 15 em học cấp I mỗi ngày phải qua sông Voi rộng hơn 30m đến trường. Theo ông Long, mùa hè nước cạn thì người lớn, trẻ con có thể lội qua sông nhưng đến mùa lũ, nước cao chảy xiết thì việc bơi qua sông của người lớn cũng rất nguy hiểm - Tuổi Trẻ).
Lẽ ra, ở cương vị chủ tịch huyện, và nếu "xót lòng" thật, từ lâu ông đã phải chủ động đôn đáo gõ cửa các nơi, kêu bên nọ gọi bên kia để làm cầu cho dân chứ không phải đợi đến lúc báo đăng ông mới thấy nguy hiểm. Rồi khi người ta ngỏ ý "dâng" cây cầu lên tận tay ông cũng hờ hững không nhận.
Ông Long đáp lời, ông sẽ... kiện báo Tuổi Trẻ và anh Trương Duy Nhất về tội đưa thông tin sai, "vu" cho ông là chủ tịch huyện, trong khi ông đã thôi chức vụ này được gần một tháng "hiện đang chờ phân công công tác mới" - như ông nói. Mà nếu không nhầm, vị trí công tác mới của ông ở UBMTTQVN tỉnh, là nơi được nhận, cấp phát, sử dụng tiền hàng viện trợ!
Thảo nào, trong khi các em học sinh hàng ngày hàng giờ đánh đu tính mạng qua sông, còn ông thì đang bận rộn với sự đi/ ở của mình, xen giữa những lễ kỷ niệm, hội họp, tiệc chia tay, nên khó lòng gọi - nghe được một cú điện thoại trọn vẹn.
Người viết chợt nhớ đến một comment trong blog Trương Duy Nhất: "Chủ tịch Long làm vậy là đúng rồi, phải đảm bảo đúng quy trình mà. Sau khi tiếp nhận thông tin, Chủ tịch Long phải chuyển xuống phòng KT-KT, Phòng XDCB. Hai phòng này làm tờ trình liên phòng gửi cho lãnh đạo UBND huyện. UBND huyện họp, nếu thống nhất thì làm tờ trình chuyển sang Huyện ủy. Huyện ủy xem xét các yếu tố, yêu cầu xác minh thông tin, thân nhân, ý đồ nhà hảo tâm... Nếu đồng ý thì trả lời bằng văn bản cho UBND. UBND tổ chức cuộc họp HĐND đột xuất để xin ý kiến đại biểu. Nếu thống nhất thì UBND có công văn xin ý kiến của UBND tỉnh, UBND tỉnh lại làm y như cũ. Và đến tết Công go mới có chủ trương đồng ý cho phép tặng cầu. Lúc này nhà hảo tâm chắc đã mòn nhiệt huyết".
Không đủ kiên nhẫn sắp xếp lại cái 'quy trình' loằng ngoằng của câu chuyện này, người viết chỉ băn khoăn câu nói của nhà hảo tâm Đà Nẵng: "tôi muốn trao tận tay số tiền cho nhà thi công, hoặc trực tiếp thu chi mua vật liệu và thi công dự án, tôi chỉ muốn đảm bảo số tiền của mình được sử dụng cho một cây cầu trọn vẹn". Có phải vì thế mà ông chủ tịch sắp lên/xuống vị trí 'cấp - phát' không vui chăng?
Câu nói dân gian 'quan có cần...' khi đảo vị trí chủ ngữ, trở nên hoàn toàn chính xác về cả nghĩa đen và nghĩa bóng trong trường hợp này: "Dân có cần nhưng quan chưa vội, Dân có vội (đi học) dân lội (sông) dân sang"
Thôi thì, nhà hảo tâm và các em nhỏ cố kiên nhẫn, đợi vậy...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét