Trung Quốc được gì từ "sự kiện Biển Hoa Đông"?

tuanvietnam.net:

Tác giả: Huỳnh Phan

Bài đã được xuất bản.: 22/10/2010 06:00 GMT+7

Trong khi, những hành động của Trung Quốc tỏ ra "phản tác dụng trong quan hệ đối ngoại, khiến họ trở nên ngày càng bị cô lập", như nhận xét của Giáo sư Thayer, Nhật Bản và các nước lại tận dụng tốt "cơ hội" này.

>> Biển Đông với cách tiếp cận mềm tại ADMM+
>> Vai diễn mới của Trung Quốc?

Chỉ gần một tuần nữa Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 17, và cùng với nó là các hội nghị không kém phần quan trọng như ASEAN+, Cấp cao Đông Á, sẽ khai mạc tại Hà Nội. Sự chú ý lớn nhất đang dồn vào Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia được coi là có ảnh hưởng lớn tới các hội nghị cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á. Nhất là sau những căng thẳng gia tăng đến chóng mặt giữa họ sau "sự kiện Biển Hoa Đông".

Những tưởng mối bất hoà lớn giữa hai quốc gia Đông Bắc Á này đã dịu đi phần nào, khi bộ trưởng quốc phòng hai nước đã có cuộc trao đổi không chính thức tại quán cà phê khách sạn. Và sau đó là việc hai phái đoàn quân sự đã nán lại ngay tại phòng họp, khi hội nghị ADMM+8 kết thúc, để thảo luận về chương trình tiếp xúc sắp tới ở cấp thủ tướng và ngoại trưởng bên lề Cấp cao Đông Á.

Nào ngờ, những diễn biến phức tạp sau đó ít ngày ở hai quốc gia này, đặc biệt là ở Trung Quốc đã làm sống lại những quan ngại sâu sắc trước đó.

Biểu tình tự phát, và những dấu chấm hỏi

Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), cuộc biểu tình kéo dài ba ngày ở Trung Quốc, bắt đầu từ ngày thứ bảy tuần trước (16/10) tại ba thành phố thuộc tỉnh Tứ Xuyên, với những tiếng hô khẩu hiệu ầm vang đòi chủ quyền với quần đảo Điếu Ngư (hiện do Nhật Bản quản lý với tên gọi là Senkaku). Còn báo chí Trung Quốc đã thống kê rằng, chỉ trong hai ngày 16-17/10, đã có hơn 10 ngàn người, chủ yếu là thanh niên, tham gia biểu tình tại 24 thành phố. Thậm chí đến ngày thứ ba (18/10), cộng đồng mạng tại Vũ Hán đã vào cuộc, khi kêu gọi mọi người tại đây tham gia biểu tình, như một hành động trả đũa đối với cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Tokyo vào sáng 16/10.

http://tuanvietnam.net/assets/images/thanhdo181010.jpgẢnh Reuters.

Sáng 17/10, trên website của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc lên tiếng: "Có thể hiểu được một số người thể hiện sự phản đối với những lời lẽ và chứng cứ không đúng của Nhật Bản trong thời gian gần đây. Chúng tôi ủng hộ lòng yêu nước có chừng mực và theo pháp luật..."

Thế nhưng, theo giới quan sát, cái gọi là "lòng yêu nước có chừng mực và theo pháp luật", theo cách nói của ông Mã Triều Húc, chỉ diễn ra trước sứ quán Trung Quốc ở Tokyo, chỉ có sự tham gia của khoảng 2 ngàn người và khá có tổ chức. Còn ở Trung Quốc, "những người yêu nước có chừng mực" đó còn kêu gọi tẩy chay hàng Nhật, và, thậm chí, còn đập phá cửa hiệu của người Nhật và đập nát xe hơi Nhật, trước sự chứng kiến của cảnh sát.

Người ta hoàn toàn có thể đặt những câu hỏi như:

Tại sao những hành động vừa rồi của dân chúng, nếu đúng là phản ứng tự phát, lại không diễn ra vào thời điểm được coi là hợp lý hơn, khi tàu tuần tra Nhật Bản bắt tàu cá và bắt giữ thuyền trưởng, theo Trung Quốc, đang hành nghề bình thường tại khu vực quần đảo họ có chủ quyền? Hoặc, chí ít, là sau khi cơ quan công tố Nhật Bản quyết định gia hạn lệnh giam giữ để tiếp tục thẩm vấn?

Hay là, cũng như giới lãnh đạo của họ, những người dân thường yêu nước này đã cố tránh cái bẫy "chuẩn kép" do báo chí phương Tây đặt sẵn? Tức là việc họ (các nhà báo phương Tây) đã dẫn ra vụ việc cách đây 3 năm, khi các nhà ngoại giao Trung Quốc gây sức ép mạnh mẽ, đòi hỏi các đồng nghiệp từ một quốc gia Đông Á khác phải có hành động kiểm soát những cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước một cách hòa bình đối với việc ngư dân nước này bị phía Trung Quốc thu tàu, ngư cụ, và giam giữ để đòi tiền chuộc.

Và "những người Trung Quốc yêu nước" này đành chờ tới khi phía Nhật có những phản ứng lại với những hành động trả đũa cứng rắn từ phía chính phủ Trung Quốc, mới bắt đầu thể hiện lòng yêu nước của mình?

Thế nhưng, trong khi dư luận vẫn tiếp tục thử khả năng đoán già đoán non của mình, nguồn tin riêng của Tuần Việt Nam lại đưa ra một khả năng hoàn toàn khác cho nguyên nhân của câu chuyện ầm ỹ vừa rồi. Và hoàn toàn chẳng dính dáng gì đến chính trị, hay chủ quyền gì cả.

Theo nguồn tin riêng của Tuần Việt Nam, được coi là khá thân cận với Bộ Ngoại giao Nhật Bản, những cuộc biểu tình có kèm bạo động, nổ ra ở ba thành phố thuộc tỉnh Tứ Xuyên vào sáng 16/10, nhiều khả năng đã xuất phát từ mâu thuẫn trong làm ăn giữa các công ty Nhật và công ty Trung Quốc ở tỉnh này. Và, nhân bối cảnh chính trị giữa hai nước đang căng thẳng, các công ty Trung Quốc đã ngầm phát động phong trào bài hàng Nhật, dưới cái chiêu bài "đòi chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư".

Nguồn tin này cũng cho biết không loại trừ khả năng có bàn tay của xã hội đen, được thuê để khích động quần chúng.

Sở dĩ, ngay sau đó, chính phủ Nhật đã lên tiếng kháng nghị với chính phủ Trung Quốc, và đã có những phát biểu căng thẳng về Trung Quốc trong phiên làm việc với Thượng viện vào đầu tuần này, là do bản báo cáo đầu tiên của sứ quán Nhật tại Bắc Kinh đã thiên về việc nhận định nguyên nhân xuất phát từ tình hình chính trị.

"Cũng dễ hiểu thôi, trước một rừng biểu ngữ bài Nhật như vậy, và thái độ khá hung hăng của nhiều người tham gia biểu tình. Nhất là trong bầu bối cảnh căng thẳng trong quan hệ chính trị giữa hai nước", nguồn tin này cho hay. Vị này cũng tiết lộ rằng cơ quan điều tra hai nước đang phối hợp điều tra theo hướng như đã nêu ở trên, cũng như kết luận sơ bộ rằng việc phong trào chống Nhật lan ra 24 thành phố chủ yếu mang tính hiệu ứng.

Triển vọng ấm lại quan hệ Trung - Nhật

Kết quả cuộc gặp giữa ông Satsuki Eda, cựu phát ngôn viên Thượng viện Nhật Bản, một nhân vật được coi là thân cận của Thủ tướng Naoto Kan, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, vào hôm 19/10 tại Bắc Kinh, dường như đã phần nào ủng hộ cho khả năng nói trên. Hoặc chí ít hai bên cũng coi những chuyện ầm ỹ mấy ngày trước đây không ảnh hưởng đến mối quan hệ mà hai bên đang muốn cải thiện.

http://tuanvietnam.net/assets/images/Nhat-TrungBBC.JPGẢnh BBC

Theo ông Eda, hai bên thống nhất là sẽ có cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Naoto Kan và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, trong hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Việt Nam, vào cuối tuần tới. Mặc dù, thuộc cấp của ông Dương Khiết Trì, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc, đã chỉ trích phát biểu trước đó của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara rằng "phản ứng của Trung Quốc về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là quá khích".

Ông Mã Triều Húc tuyên bố: "Chúng tôi bị sốc khi Bộ trưởng Ngoại giao của một nước lại có nhận xét như thế. Việc cải thiện quan hệ Trung - Nhật là lợi ích căn bản của cả hai quốc gia".

Trong một diễn biến theo chiều hướng này, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã cải chính rằng không có việc ngưng xuất đất hiếm sang Nhật. Mặc dù, phía Nhật vẫn yêu cầu có đối thoại chính thức trên vấn đề này, xuất phát từ phàn nàn của các doanh nghiệp Nhật về việc hải quan Trung Quốc đã phức tạp hóa các thủ tục liên quan đến xuất khẩu đất hiếm.

Được rèn luyện trí tuệ bằng tư duy cờ vây, người Trung Quốc là bậc thầy của khả năng đưa quân cờ của mình tiến vào cấu trúc của đối phương để thay đổi từng yếu tố trong cấu trúc đó, dần dần tiến tới phá vỡ toàn bộ cấu trúc. Họ là bậc thầy trong việc hoạch định những nước cờ "tầm thường" để di chuyển những quân cờ "tầm thường" đến những vị trí "tầm thường" - "tầm thường" trong thời điểm hiện tại nhưng sẽ trở thành một quả đấm thép trong một cục diện mới - Nguyễn Lương Hải Khôi.

Theo giới phân tích, thông tin về việc Trung Quốc ngừng cấp đất hiếm sang Nhật chủ yếu mang tính răn đe, hay "nắn gân" Nhật Bản. Bởi, nếu đó là một quyết định nghiêm túc, nó phải được phát ra từ những cơ quan truyền thông chính thống, như Tân Hoa Xã, hay Nhân Dân nhật báo, chứ không phải một tờ báo thuộc loại lá cải ở Hồng Công.

Và nếu cuộc trả đũa về kinh tế xảy ra, cả nền kinh tế Trung Quốc cũng bị thiệt hại nặng, chứ không riêng gì Nhật Bản. Người Trung Quốc đã có được bài học về hậu quả về kinh tế của những phản ứng thái quá liên quan đến chuyến thăm đền của Thủ tướng Koizumi hồi năm 2005. Thống kê mới nhất đã khẳng định điều này, khi đã có hơn 11 ngàn người đã hủy các chuyến bay giữa Trung Quốc và Nhật Bản, khi căng thẳng giữa hai nước bắt đầu cách đây một tháng rưỡi.

Phản tác dụng

Vậy Trung Quốc được lợi gì trong xì căng đan này, mà nhiều người vẫn nghi rằng họ là người khơi mào?

Có lẽ câu trả lời nằm ở mục đích răn đe các quốc gia Đông Bắc Á khác, nhất là Nhật Bản, đang có xu hướng tăng cường liên minh quân sự với Mỹ, sau sự cố chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc.

Và, biết đâu, đây cũng chính là sự thể hiện của cái gọi là nhìn rau - gắp thịt, khi ngày càng nhiều thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nhất là những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, ủng hộ sự can dự trở lại của Mỹ, khiến quốc gia hơn một tỷ dân này khó có thể "tung hoành", với vị thế một siêu cường về sức mạnh quân sự, ở Biển Đông.

Hoặc, theo nhận định của một số chuyên gia, họ có thể cũng muốn "đánh lạc hướng" sự chú ý về vấn đề Biển Đông tại ADMM+8.

Nhưng, dường như kết quả không đáp ứng mong đợi của Trung Quốc, nếu không nói là ngược lại.

Trong khi, những hành động của Trung Quốc trong vụ xì căng đan này tỏ ra "phản tác dụng trong quan hệ đối ngoại, khiến họ trở nên ngày càng bị cô lập", như nhận xét của Giáo sư Thayer, Nhật Bản lại tận dụng tốt cơ hội này để giải quyết những vấn đề đối nội.

Quyết định được coi là kiên quyết của chính phủ Nhật Bản trong việc bắt giữ thuyền trưởng của con tàu đánh cá, mà họ cho là có hành động khiêu khích khi lao thẳng vào tàu tuần tra Nhật Bản tại khu vực nước này đang quản lý, để tìm hiểu nguyên nhân, đã khiến cho uy tín của người đứng đầu chính phủ tăng lên nhiều.

http://tuanvietnam.net/assets/images/Nhat-TrungRe.JPGẢnh Reuters.

Để sau đó khoảng một tuần, ông Naoto Kan đã giành chiến thắng với khoảng cách đáng kể so với đối thủ của mình trong cuộc bầu cử chức chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), và tiếp tục cương vị thủ tướng. Mặc dù, trước đó, giới phân tích đã dự đoán rằng đây là cuộc đua ngang tài ngang sức, một điều hiếm thấy trong lịch sử của các đảng phái Nhật Bản.

DPJ cũng vì thế mà nâng được uy tín của mình trong con mắt người dân Nhật Bản nói chung. Hay, chí ít, họ cũng có thêm luận cứ, ngoài vụ chìm tàu Cheonan, để giải thích một cách thỏa đáng cho cái điều mà họ không thực hiện được như đã hứa hẹn khi tranh cử. (Còn nhớ, sự chậm trễ trong việc di dời các căn cứ quân sự của Mỹ khỏi đất Nhật là một trong những lý do khiến ông Hatoyama phải từ chức thủ tướng).

Sau những hành động thách thức liên quan đến chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư từ phía Trung Quốc, và nhất là hành động đòi chính phủ Nhật phải chính thức xin lỗi chỉ vì đã bắt một ngư dân, mà người Nhật cho rằng quá trịch thượng theo kiểu "thiên triều", sự tiếp tục hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật Bản đã được coi là điều không cần bàn cãi nữa cho lợi ích an ninh của nước này.

Đó là chưa nói tới phần giá trị gia tăng mà người Nhật đạt được trong quan hệ đối ngoại. Và không chỉ với Mỹ.

Cũng theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật, người Nhật đã tranh thủ được sự ủng hộ của Nga, Hàn Quốc, và nước chủ nhà Việt Nam, tất nhiên là không kể Mỹ, để có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại quán cà phê của khách sạn Intercontinental vào sáng 11/10. Mặc dù, cho tới tận khuya hôm trước phía Trung Quốc vẫn "làm cao", khi khẳng định không có cuộc gặp này.

Khi DPJ lên nắm quyền, nhiều quốc gia, trong đó có ASEAN, đều nghĩ rằng chính sách đối ngoại Nhật Bản sẽ đổi theo hướng ngả về phía Trung Quốc, trong chủ trương chung là hướng về châu Á. Nhưng, với sự tiếp tục tăng cường quan hệ với ASEAN, coi khối này là trọng tâm trong hợp tác Đông Á, trong quá trình nắm quyền, DPJ đã chiếm được lòng tin của không chỉ người dân Đông Nam Á, mà ngay tại quê hương họ.

Và, cùng với những hành động vừa rồi, chắc chắn Đảng DPJ sẽ củng cố được sự hiện diện của mình ở cái thị trường 600 triệu dân này, trước sự cạnh tranh quyết liệt trong nửa thập kỷ vừa rồi của Trung Quốc.

Còn với các nước Đông Nam Á, theo Giáo sư Thayer, sức ép của Trung Quốc khiến họ càng cảm thấy cần sự can dự trở lại của Mỹ, với mục đích đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực đang có nguy cơ dậy sóng này.

Tại cấp cao Mỹ - ASEAN lần thứ hai, diễn ra tại New York khoảng 3 tuần sau sự kiện Biển Hoa Đông, trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp, các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định sự tham dự của Mỹ vào hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng hằng năm của ASEAN, cũng như Diễn đàn An ninh khu vực ARF và tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh việc bổ nhiệm Đại sứ thường trực của Mỹ tại Ban thư kí ASEAN ở Jakarta.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thống nhất với Tổng thống Mỹ nâng quan hệ đối tác giữa Mỹ và ASEAN lên tầm chiến lược. Cụ thể, cả hai bên sẽ cử đại diện tham gia Nhóm làm việc cấp cao ASEAN - Mỹ, và những người này sẽ có trách nhiệm khuyến nghị các bước đi thực tế để đạt được quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN vào cuối năm 2011.

Và, theo nhận xét của Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, mặc dù cái tên Biển Đông không được nêu lên trong Tuyên bố chung, như một sự hạ tông so với bản dự thảo do Mỹ soạn, trước phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc khi bản dự thảo này bị tiết lộ, nhưng tại cuộc gặp này các lãnh đạo Mỹ và ASEAN đã vẫn thảo luận về vấn đề Biển Đông.

Giáo sư Thayer dẫn chứng rằng trong tuyên bố chính thức của Nhà Trắng, đưa ra ngay sau khi hội nghị kết thúc, đã có viết: "Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN cũng đã thống nhất về tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình cho tranh chấp, tự do hàng hải, ổn định khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm ở khu vực Biển Đông".

Còn tại hội nghị ADMM+8, diễn ra sau đó khoảng 2 tuần, đại diện của bảy nước đã nêu ra vấn đề Biển Đông, mặc dù vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự, được thống nhất trước đó bởi tất cả các thành viên. Trong số các quốc gia nêu ra vấn đề có đủ mặt những cái tên được chờ đợi, cả ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á và bên ngoài.

Tuy nhiên, thật không công bằng với Trung Quốc khi kết luận rằng họ không thu được cái gì sau vở diễn được dàn dựng khá công phu vừa rồi.

Theo Giáo sư Thayer, Trung Quốc cất được một mẻ lưới lớn gồm toàn những kinh nghiệm vô giá về tác dụng của những học thuyết được quốc gia nổi tiếng về truyền thống triết học này đã giới thiệu với thế giới trong vòng một thập kỷ rưỡi trở lại đây. Từ khái niệm an ninh mới, đến phát triển hòa bình, hay thế giới hài hòa, đến sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.

"Hẳn họ đã nhận thấy rằng tất cả những lý thuyết đó đã không được chứng minh bởi hành động thực tế", Giáo sư Thayer nói.

Còn một đồng nghiệp từ hãng sản xuất truyền hình Nhật Bản Nihon Denpa News (NDN) lại cho rằng nên có một cái nhìn độ lượng hơn với Trung Quốc.

"Sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự trong hai thập kỷ qua đã cho thế giới thấy hình ảnh một chàng trai vạm vỡ và ngang tàng. Nhưng cũng cần có thêm thời gian để chàng trai đang hừng hực sức sống của độ tuổi 20 này trưởng thành đầy đủ như một người đàn ông thực thụ", ông Trần Huy Công, đại diện NDN tại Việt Nam nói với người viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét