Sau sự cố bùn đỏ ở Hungary, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nhiều nhân sĩ - trí thức đã gửi thư lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiến nghị về dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.
Mời các bạn xem toàn văn thư kiến nghị của các nhân sĩ - trí thức TẠI ĐÂY.
>> Rà soát thiết kế các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên
>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều
>> Chuẩn bị kiểm tra thực địa các dự án bôxít
Nghiên cứu lại tổng thể vấn đề bô-xít Tây Nguyên
Với tư cách "những người Việt Nam gắn bó với vận mệnh tồn vong của đất nước", bà Nguyễn Thị Bình và các nhân sĩ trí thức đã gửi thư tới Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Cùng kí tên trong thư với bà Bình còn có Thiếu tướng Lê Văn Cương, GS Hồ Ngọc Đại, nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, GS Chu Hảo, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nhà văn Nguyễn Khắc Mai, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhà văn hóa Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên, nhà thơ Trần Việt Phương, Vũ Quần Phương, nhà nghiên cứu Nguyễn Trung, TS Tô Văn Trường, GS Hoàng Tụy, và GS Đặng Hùng Võ.
Trong thư, bà Bình và các nhân sĩ trí thức "khẩn thiết yêu cầu" Bộ Chính trị, BCH TƯ Đảng, Quốc hội và Chính phủ xem xét lại việc khai thác bô-xít Tây Nguyên.
Trên cơ sở "lường trước nguy cơ không thể kiểm soát nổi vấn đề bùn đỏ độc hại trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên", các nhân sĩ kiến nghị Đảng và Nhà nước "quyết định cho ngừng ngay việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý; tạm hủy dự án đang đàm phán tiếp với đối tác nước ngoài về nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông; tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án hiện thời về việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học".
Thảm họa bùn đỏ Hungary. |
Đồng thời đề xuất "nghiên cứu lại một cách tổng thể vấn đề bô-xít Tây Nguyên" trên cơ sở "lập một nhóm nghiên cứu độc lập (nhóm đặc nhiệm)". Nhóm này gồm những cá nhân có uy tín và có tâm huyết với đất nước trong giới các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và những người hoạt động xã hội độc lập, để tiến hành nghiên cứu toàn bộ vấn đề bô-xít Tây Nguyên.
"Những kết quả nghiên cứu lại một cách tổng thể vấn đề bô-xít Tây Nguyên của nhóm đặc nhiệm này sẽ được trình bày trước Quốc hội, đồng thời được đem trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước về đề tài kinh tế - xã hội vô cùng nhạy cảm này để quyết định", các nhân sĩ - trí thức viết.
Báo chí đưa tin chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa nhiều mỏ khai thác bô-xít trên lãnh thổ Trung Quốc để tránh thảm họa môi trưởng. Vì vậy, chúng ta có căn cứ để giải quyết vấn đề này với phía đối tác nước ngoài tham gia dự án. |
Lời cảnh báo nghiêm khắc từ thảm hoạ bùn đỏ Hungary
Trong thư, các nhân sĩ nhắc lại tính "phi kinh tế, hủy hoại môi trường, để lại nhiều hệ quả khó lường về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, uy hiếp nghiêm trọng an ninh quốc phòng của quốc gia" của dự án bô-xít Tây Nguyên đã được giới khoa học chỉ ra trong các cuộc hội thảo tiến hành trong hai năm 2008, 2009.
Khả năng sinh lời trong khai thác bô-xít Tây Nguyên "không hiện thực, thậm chí hầu như chắc chắn là lỗ". Vấn đề vận tải và cảng cho việc sản xuất, xuất khẩu alumina hiện tại và trong vài năm tới "hoàn toàn bế tắc chưa thể giải quyết". Nhà máy sản xuất alumina Tân Rai nếu làm xong, cũng có thể có nguy cơ phải nằm đắp chiếu một thời gian.
Hơn nữa, "việc sản xuất ra alumina với khối lượng vài triệu tấn/năm là quá nhỏ so với thị trường bô-xít/nhôm trên thế giới và trong thực tế chỉ có thể bán được cho một thị trường duy nhất là Trung Quốc,... tạo thêm nguy cơ phụ thuộc kinh tế và chính trị rất bất lợi cho đất nước".
Vả lại, "cứ sản xuất một tấn nhôm sẽ tạo ra 3 tấn bùn thải có chứa hóa chất độc hại, càng sản xuất nhiều đòi hỏi phải có hồ chứa bùn đỏ càng lớn, nguy cơ thảm họa môi trường càng hơn".
"Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên", các nhân sĩ viết trong thư.
"Không thể hình dung nổi nguy cơ thảm họa môi trường của một hồ chứa bùn đỏ hàng triệu hay hàng chục triệu m3 treo lơ lửng trên đầu đồng bằng sông Đồng Nai và Bắc Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ...".
Trách nhiệm tuyệt đối với vận mệnh quốc gia
Từ những phân tích khoa học, các nhân sĩ cho rằng, việc tạm ngưng khai thác bô-xít và nghiên cứu tổng thể lại toàn bộ vấn đề bô-xít Tây nguyên "là phương án an toàn nhất, có thể giúp đất nước có đủ thời gian tìm ra những phương án tối ưu trong việc xem xét vấn đề bô-xít Tây Nguyên nói riêng và cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói chung".
Nhìn lâu dài về tổng thể, đây còn là phương án tốt nhất, kinh tế nhất và toàn diện nhất, với nghĩa các tổn thất được tạm hủy ngay hoặc thậm chí có khi phải đi tới kết luận sẽ phải hủy hoàn toàn việc khai thác bô-xít Tây Nguyên.
Theo các nhân sĩ - trí thức, thực hiện thỉnh cầu này đồng nghĩa với việc phải thực hiện "một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế Việt Nam và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế phải chịu đựng, nhất là Nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án Nhà máy Nhân Cơ".
Nhưng "dù sao, sẽ vẫn còn rẻ hơn cái giá phải trả không thể lường hết được và thậm chí không thể cứu vãn được cho những hệ quả và thảm họa có thể xảy ra", các nhân sĩ viết trong thư.
"Chỉ có lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm tuyệt đối với vận mệnh quốc gia" của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, cùng "sự thông cảm" của nhân dân cả nước "mới đủ sức đi tới thực hiện quyết định khó khăn này", các nhân sĩ nhấn mạnh.
Hiện nay, đã có hơn 1500 người cùng kí tên vào thư kiến nghị này.
-----Xem thư kiến nghị:
TỪ THẢM HỌA BÙN ĐỎ Ở HUNG-GA-RI
KIẾN NGHỊ
VỀ DỰ ÁN KHAI THÁC BÔ-XÍT Ở TÂY NGUYÊN
Kính gửi: - Ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư BCHTƯ Đảng CSVN
- Ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCNVN
- Ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN
- Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN
Ngày 04-10-2010 đã xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ chứa phế thải từ việc sản xuất alumina cho luyện nhôm của Nhà máy Bauxit Ajka tại vùng Ajka, cách thủ đô Budapest 160 km về phía Tây Nam. Khoảng 1,1 triệu m³ nước thải bùn đỏ từ hồ bị vỡ này đổ xuống các vùng thấp chung quanh rộng gần 40 km² và một số con sông, trong đó có sông Danube. Trong vùng xảy ra tai nạn có thị trấn Kolontar hoàn toàn bị ngập trong mầu đỏ chết người. Tai nạn này (tính đến ngày 9-10-2010) làm bị thương (dưới dạng bị bỏng hóa chất) 122 người do các hóa chất độc hại có chất ăn mòn cao trong bùn gây ra, 6 người mất tích, 5 người chết, cuốn trôi khoảng 270 căn nhà, phá hủy nhiều cầu đường và làm hư hại nhiều xe cộ, tài sản khác. Số người thương vong còn có thể tăng lên do tác động của bùn đỏ chứa hóa chất tiếp tục ngấm vào cơ thể những người đã tiếp xúc với chất thải này khi hồ vỡ.
Chính phủ Hungary coi đây là thảm họa hóa chất thảm khốc nhất trong lịch sử quốc gia này. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định thảm họa này có nhiều khả năng do lỗi của con người gây ra, vì xảy ra trong lúc tình hình thời tiết hoàn toàn bình thường, không có mưa và chưa đến mùa tuyết rơi; trước khi xảy ra tai nạn hai tuần, một phái đoàn thanh tra Thủy lợi đã có chuyến đi kiểm tra hồ và không thấy có dấu hiệu gì khác thường; trong khi đó nhà máy vẫn thường xuyên nhắc lại cam kết với nhà nước hồ bùn đỏ này không nguy hiểm... Thủ tướng Viktor Orban đánh giá thảm họa này lớn gấp nhiều lần so thảm họa tương tự đã xảy ra ở vùng Baia Mare tại Romania năm 2000. Trước tình hình như vậy Thủ tướng Viktor Orban đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vùng nơi xảy ra thảm họa và thừa nhận các khu vực bị bùn đỏ tấn công đã “không còn có thể sống được nữa”, dân cư có thể phải xây dựng cộng đồng ở những nơi khác.
Theo nhận định của người phát ngôn thuộc Cơ quan Quản lý thảm họa của Hungary, ông Tibor Dobson, thảm họa này sẽ có thể ảnh hưởng đến 6 nước hạ lưu là Crotia, Serbia, Bulgaria, Moldova, Ukraina và Romania, và có nguy cơ trở thành thảm họa sinh thái châu lục Âu châu. Tại một số nơi nhiều thủy sản cây cối, hoa mầu và gia súc đã chết. Nhìn chung chưa đánh giá được toàn diện thiệt hại. Quốc vụ khanh Illes nói các đội cứu hộ của Hungary đang làm việc một cách tuyệt vọng, phải mất ít nhất một năm và tốn nhiều tiền của mới xử lý được; Hung-ga-ri kêu gọi sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu.
Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên.
Lường trước nguy cơ không thể kiểm soát nổi vấn đề bùn đỏ độc hại trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên, chúng tôi, những người Việt Nam gắn bó với vận mệnh tồn vong của đất nước ký tên trong bản kiến nghị này, khẩn thiết yêu cầu
- Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
1. Quyết định cho ngừng ngay việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai/Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý;
2. Tạm hủy dự án đang đàm phán tiếp với đối tác nước ngoài về Nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông;
3. Tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án hiện thời về việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học;
4. Lập nhóm nghiên cứu độc lập (nhóm đặc nhiệm) gồm những cá nhân có uy tín và có tâm huyết với đất nước trong giới các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và những người hoạt động xã hội độc lập, để tiến hành nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bô-xít Tây Nguyên.
5. Những kết quả nghiên cứu lại một cách tổng thể vấn đề bô-xít Tây Nguyên của nhóm đặc nhiệm này sẽ được trình bày trước Quốc hội, đồng thời được đem ra trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước về đề tài kinh tế - xã hội vô cùng nhạy cảm này để quyết định.
5 yêu cầu nêu trên của chúng tôi dựa vào các lý do sau đây:
Một là: Hầu hết các phản biện trong nhiều cuộc hội thảo được tiến hành năm 2008 và năm 2009 đã chứng minh có sức thuyết phục là việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên để sản xuất alumina như đang triển khai là phi kinh tế, hủy hoại môi trường, để lại nhiều hệ quả khó lường về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, uy hiếp nghiêm trọng an ninh quốc phòng của quốc gia.
Hai là: Chưa nói đến những khoản đầu tư là rất lớn, rất đắt, nhưng khả năng sinh lời trong khai thác bô-xít Tây Nguyên lại không hiện thực, thậm chí hầu như chắc chắn là lỗ, việc khai thác bô-xít Tây Nguyên để sản xuất quặng sơ chế alumina rất khó cân đối được đầu vào về nguồn nhiên liệu và nguồn nước vốn rất khan hiếm ở Tây Nguyên; việc từ quặng sơ chế alumina để sản xuất ra nhôm hoàn toàn bị loại trừ vì không có đủ nguồn điện. Các phản biện của các cuộc hội thảo năm 2008 và năm 2009 đã chứng minh không thể phản bác được những nhận định này. Việc sản xuất ra alumina với khối lượng một vài triệu tấn/năm là quá nhỏ so với thị trường bô-xít/nhôm trên thế giới và trong thực tế chỉ có thể bán được cho một thị trường duy nhất là Trung Quốc, vì cước phí vận tải rất cao; tình hình này sẽ góp phần tạo thêm nguy cơ phụ thuộc kinh tế và chính trị rất bất lợi cho đất nước. Nếu định nâng sản xuất alumina lên 5 – 6 triệu tấn/năm vào năm 2020 như dự kiến, thì đấy vẫn chỉ là một thị phần rất nhỏ trong thị trường bô-xít/nhôm thế giới và cũng vẫn chỉ có thể bán cho một người mua duy nhất là Trung Quốc, vì xu thế chung trên thế giới hiện nay là sản xuất nhôm ngay tại chỗ khai thác bô-xít để giảm chi phí vận tải. Cứ sản xuất 1 tấn nhôm sẽ tạo ra 3 tấn bùn thải có chứa hóa chất độc hại; càng sản xuất nhiều đòi hỏi phải có hồ chứa bùn đỏ càng lớn, nguy cơ thảm họa môi trường càng lớn. Không thể hình dung nổi nguy cơ thảm họa môi trường của một hồ chứa bùn đỏ hàng triệu hay hàng chục triệu m³ treo lơ lửng trên đầu đồng bằng sông Đồng Nai và miền Bắc Nam Bộ, miền Nam Trung bộ, nơi có hàng chục triệu dân cư sinh sống. Tây Nguyên là vùng đầu nguồn của những con sông huyết mạch và có tầm ảnh hưởng quan trọng tới các vùng kinh tế trọng yếu của đất nước. Trong khi đó, do tác động biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ở miền Trung và ở Tây Nguyên xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn; chưa kể đến tình hình khí hậu và kiến tạo địa hình nơi khai thác bô-xít ở Tây Nguyên khắc nghiệt hơn rất nhiều (mưa cường độ lớn và tập trung trong mùa mưa, địa hình đất đai có độ dốc cao…) so với vùng Ajka ở Hungary. Ajka là vùng tương đối thấp, trong khi các vùng dự định khai thác bauxit ở Tây Nguyên đều ở trên cao, thuộc vùng Nam Trường Sơn với sườn phía Đông dốc đứng. Các hồ chứa bùn đỏ ở đây sẽ là những quả bom độc treo trên đầu hàng nhiều chục triệu người với tai họa khôn lường. Ngoài ra khả năng quản lý, thực thi pháp luật, lực lượng vật chất kỹ thuật phòng hộ chống thiên tai… của ta hiện nay chưa thể so sánh với Hungary.
Ba là: Các khảo sát nghiêm túc của nhiều nhà khoa học và kinh tế đã được trình bầy trong các hội thảo năm 2008 và năm 2009 và đã được nêu lên trong nhiều kiến nghị gửi đến Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ cho thấy: Hiện tại và trong một vài năm tới hoàn toàn bế tắc chưa có thể giải quyết được vấn đề vận tải (dù là phương án đường bộ hay đường sắt) và cảng cho việc sản xuất và xuất khẩu alumina. Các tuyến đường bộ và cảng được dự kiến trong các dự án của Tập đoàn Than & Khoáng sản (TKV) nếu định thực hiện cũng phải mất một vài năm và phải chi thêm những khoản đầu tư rất lớn, vì những tuyến đường bộ hiện có định đưa vào sử dụng đều hẹp, nhiều cua gấp tay áo và có nhiều đèo dốc cao, không thể sử dụng cho xe vận tải lớn với trọng tải và lưu lượng lớn; nếu thực hiện phương án vận tải đường sắt thì còn phải chi thêm nhiều tỷ đô-la và cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa. Có thể khẳng định, ít nhất là trong một, hai năm tới hoặc lâu hơn vấn đề vận tải hoàn toàn bế tắc. Điều này cũng có nghĩa nhà máy sản xuất alumina Tân Rai nếu làm xong, cũng có thể có nguy cơ phải nằm đắp chiếu một thời gian.
Bốn là: Giả thiết rằng các tuyến đường vận tải và cảng đã sẵn sàng, một giả thiết hoàn toàn không tưởng, chi phí cho vận tải chở các nguyên liệu và than lên núi cho sản xuất và chở alumina xuống núi cho xuất cảng rất lớn, vì đoạn đường quá dài (khoảng gần 200 km hoặc hơn nữa, tùy phương án lựa chọn), sẽ đội giá thành lên rất cao. Điều này có nghĩa chỉ riêng vấn đề chi phí vận tải trên bộ để xuất cảng theo giá FOB đã gây ra nguy cơ thua lỗ lớn. Luận chứng này cũng đã được chứng minh trong nhiều tham luận khoa học có liên quan trong suốt năm 2008 và năm 2009.
Năm là: Những vấn đề về văn hóa-xã hội, từ đó dẫn đến những vấn đề về dân tộc ở Tây Nguyên vừa qua đã khá phức tạp, hoàn toàn chưa thể coi là ổn định; nay thêm dự án bô-xit với nhiều tác hại đã chỉ ra, chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống mọi mặt của các dân tộc tại chỗ, càng làm suy thoái văn hóa các tộc người Tây Nguyên, làm rắc rối thêm các vấn đề xã hội, sẽ khiến tình hình trầm trọng hơn, cả về an ninh và quốc phòng ở vùng chiến lược này.
Sáu là: Với 5 lý do trình bày trên, chúng tôi thấy việc thực hiện 5 yêu cầu nêu trong kiến nghị này là phương án an toàn nhất, có thể giúp đất nước có đủ thời gian tìm ra những phương án tối ưu trong việc xem xét vấn đề bô-xit Tây Nguyên nói riêng và cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói chung. Nhìn lâu dài về tổng thể, 5 yêu cầu nêu trong kiến nghị này còn là phương án tốt nhất, kinh tế nhất và toàn diện nhất, với nghĩa các tổn thất do phải tạm hủy ngay hoặc thậm chí có khi phải đi tới kết luận sẽ phải hủy hoàn toàn việc khai thác bô-xit Tây Nguyên, dù sao sẽ vẫn còn “rẻ” hơn cái giá phải trả không thể lường hết được và thậm chí không thể cứu vãn được cho những hệ quả và thảm họa có thể xảy ra. Báo chí đưa tin chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa nhiều mỏ khai thác bô-xit trên lãnh thổ Trung Quốc để tránh thảm hoạ môi trường. Vì vậy, chúng ta có căn cứ để giải quyết vấn đề này với phía đối tác nước ngoài tham gia dự án.
Thưa các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
Chúng tôi hiểu thực hiện lời thỉnh cầu khẩn thiết này có nghĩa là phải thực hiện một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế nước ta và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế nước ta phải chịu đựng – nhất là Nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành được một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án Nhà máy Nhân Cơ. Chỉ có lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm tuyệt đối đối với vận mệnh quốc gia của các vị cùng với sự thông cảm của đồng bào cả nước mới đủ sức đi tới thực hiện quyết định khó khăn này. Song thà chịu như vậy còn hơn để lại hậu họa khôn lường cho mai sau!
Kính mong Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ xem xét và chấp nhận.
Làm tại Hà Nội ngày 9 tháng 10 năm 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét