Ăn nhậu kém vệ sinh, giun chui vào người làm tổ

Đời sống - VietNamNet:
,

- Những món ăn ưa thích của người dân Việt Nam như rau sống, sò, ốc lại chính là nguồn lây ký sinh trùng nguy hiểm. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, ở nhiều nơi có đến 40% dân số bị ký sinh trùng xâm nhập.

TIN LIÊN QUAN

Cái miệng làm tội cái thân

Sáng 28/7, bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, chuyên khoa về ký sinh trùng, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã tiến hành khám cho một bệnh nhân 31 tuổi có gương mặt bị biến dạng.

Theo lời kể của bệnh nhân, anh ta phải chịu đựng sự đau đớn bởi mặt sưng to suốt từ đầu năm 2010 đến nay.

Thời gian đầu, mặt trái bệnh nhân sưng to như mắc bệnh quai bị, về sau khối sưng di chuyển sang phía mặt phải.

Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, bác sĩ Siêu phát hiện người đàn ông này bị nhiễm giun đầu gai, gây áp xe dưới da. Nguyên nhân lây nhiễm loại giun này có thể do bệnh nhân ăn nhậu nhiều đồ thủy sản không được chế biến kỹ trong dịp Tết.

3.jpg

Rau sống là nguồn lây ký sinh trùng nguy hiểm. Ảnh: VNN.

Theo bác sĩ Siêu, những trường hợp bị giun đầu gai ký sinh nếu không được điều trị kịp thời thì khối áp xe dưới da sẽ trở nên sơ cứng, biến dạng xấu xí, khó hồi phục như cũ. Không chỉ vậy, con giun này có thể xâm nhập vào não người bệnh gây xuất huyết não dẫn đến tử vong.

Hiện nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cũng đang điều trị cho một sinh viên bị hôn mê vì nhậu ốc sên sống.Bệnh nhân tên là Lưu Thanh Điền, 21 tuổi.

Được biết trước đó Điền cùng chủ nhà trọ bắt ốc sên ăn sống, làm mồi nhắm rượu. Kết quả cả hai người bị hôn mê và phải nhập viện cấp cứu.

Ông chủ nhà trọ sau đó đã hồi tỉnh nhưng thần trí còn lơ ngơ, bệnh viện cho về nhà điều trị. Riêng Điền vẫn nằm mê man suốt thời gian dài, tương lai phía trước coi như khép lại, phải sống đời sống thực vật, đi tiêu, tiểu không tự chủ do não bị di chứng nặng nề.

Điền và chủ nhà trọ đã bị ấu trùng giun tròn - tên khoa học là Angiostrongylus Cantonensis tấn công, gây viêm màng não.

Loài giun trên sinh sôi trong phân chuột, ấu trùng nở ra thường bò vào ký sinh trong ốc bươu và ốc sên.

Mỗi ngày có 30 ca khám do nhiễm ký sinh trùng

Bác sĩ Siêu cho biết những loại ký sinh trùng tiêu biểu lây cho con người qua đường ăn uống phải kể đến là sán lá gan, sán sơ mít, giun đũa, tóc, đầu gai và giun đũa chó.

Sán lá gan tồn tại trong rau sống. Hiện nay miền Trung đang là vùng dịch tễ của bệnh sán lá gan. Dịch sán lá gan đã lan rộng ra nhiều nơi và có mặt ở cả quận Thủ Đức, TP.HCM. Chủng sán này phát tán trong phân gia súc, trâu bò.

Khi bị nhiễm sán lá gan, người bệnh sẽ bị áp xe gan gây đau nhói vùng bụng bên phải, sốt cao, nguy hiểm đến tính mạng.

Giun đầu chó sẽ đóng kén, xây tổ khi thâm nhập vào cơ thể người. Ảnh: Internet.

Trong số ký sinh trùng kể trên, giun đũa chó gây nguy hiểm cho con người hơn cả.

Chúng dài từ 4 đến 18 cm, sống trong lông chó, mèo và đất cát, thâm nhập và di chuyển trong mắt, nội tạng người, đóng kén, xây tổ. Rất nhiều trường hợp đi khám do đau đầu kéo dài và được phát hiện bị giun đũa chó đóng kén trong não thành khối u hạt, to bằng quả chanh.

Trẻ em từ 1 đến 4 tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm loại giun này nhất do hay chơi đùa với chó, mèo.

Theo bác sĩ Siêu, cách duy nhất để phòng, tránh lây nhiễm ký sinh trùng là ăn chín, uống sôi và thường xuyên rửa tay sạch bằng chất sát trùng. Ngoài ra, cần lưu ý uống thuốc tẩy run theo định kỳ 6 tháng 1 lần.

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới khám cho từ 25 đến 30 ca bệnh ký sinh trùng, có tháng số bệnh nhân bị ký sinh trùng thâm nhập phải nhập viện lên đến vài chục trường hợp.

Tuy nhiên, số liệu thống kê trên mới chỉ là "phần nổi của tảng băng" bởi còn rất nhiều người bị nhiễm ký sinh trùng qua đường miệng nhưng do không có triệu chứng cụ thể nên chưa đi khám để được phát hiện, điều trị.

  • Thanh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét