VĂN HOÁ BLOG !!!

Blog Nguyễn Bảng - Lính già-Nguyễn Bảng - Yahoo! 360plus:
Đăng ngày: 22:05 24-10-2010
Thư mục: Suy ngẫm

Blog cá nhân là loại nhật ký mở, trực tuyến được phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây ở trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam, lúc đầu thú chơi này đa số là giới trẻ dùng blog để lưu lại những suy nghĩ thầm kín của mình không tiện nói ra với bạn bè, chia sẻ những thông tin có tính nhạy cảm cũng như công việc. Dần dần khi internet phát triển và máy tính cá nhân không còn là thứ xa sỉ nữa, các nhà khai thác dịch vụ đua nhau Việt hoá để cung cấp phần mềm dịch vụ đến tận tay người sử dụng thì hầu hết các công chức hay bất kể ai biết sử dụng máy tính và tìm kiếm thông tin trên internet đều dễ dàng lập cho mình trang blog với sở thích riêng. Từ đó họ thực sự hiểu giá trị đích thực của blog mang lại cho con người.
Khi ta có ý thức và trân trọng thú chơi của mình thì Blog cá nhân trở nên có rất nhiều mặt tích cực, là nơi để tất cả mọi người chia sẻ, giải tỏa phiền muộn, thư giãn, giao lưu vui đùa, ngân nga thơ phú cùng bạn bè sau những giờ làm việc vất vả. Blog xóa bỏ mọi ranh giới, tuổi tác, đẳng cấp, giàu nghèo. Kéo tình cảm con người đến gần với nhau hơn, làm cho đời sống lung linh và mở rộng tầm hiểu biết cho mỗi người thêm phong phú. Qua từng trang blog cá nhân ảo, nhiều bloger bước ra ngoài đời, gặp nhau thì thực sự là những người bạn tốt vì họ tường tận đến chân tơ kẽ tóc của nhau về mặt tình cảm vì vậy họ trở nên cực kỳ thân thiết.
Tuy nhiên trong sân chơi blog cá nhân ảo kia không phải blogger nào cũng ý thức được việc sử dụng blog là một thú chơi nghiêm túc, hiệu quả và văn minh, để từ đó từng bloger ứng xử một cách thân thiện và có văn hóa với từng trang blog cá nhân.
Thời gian gần đây ta có thể phân loại và liệt kê ra một vài loại blog như thế này!



1. Blog phản động:
Nội dung những bài viết trong các trang blog này sặc mùi phản động, đi ngược lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Lời lẽ thì mang tính hằn học, kêu gọi, lôi kéo, nói xấu chế độ nhà nước, chửi đổng chính quyền. Mượn gió bẻ măng, từ chuyện bé xé ra to, xuyên tạc một cách vô liêm sỉ những sự việc không có thật. Họ cố tình thoá mạ, bôi nhọ, nói xấu chế độ, nói xấu cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, kêu gọi lật đổ chế độ. Hòng tung hoả mù, làm nhiễu thông tin, chia rẽ bè phái nội bộ chính quyền, nhân dân. Họ ba hoa, tự vỗ ngực, xưng tên họ là những nhân tài mà không được trọng dụng, vì thế họ tuôn ra hàng đống ngôn từ tiêu cực, hằn học qua các bài viết... Các thành phần này thường mò vào comment ở các blog của những người trí thức, người lớn tuổi, blog có đông bạn bè... xuyên tạc, gạ gẫm, bình luận theo tư tưởng bài viết của chính họ, hòng lôi kéo, mua chuộc và mượn uy tín của các blogger chân chính để mở rộng ảnh hưởng.
Họ đâu hiểu rằng, chính họ đang giãy chết trên đống ngôn từ tiêu cực trong blog phản động của họ thì chẳng blogger nào thèm tung hô và cổ suý cho ý đồ đen tối ấy.
Họ ngu ngơ đến mức độ trước khi đăng ký mở blog, nhà cung cấp dich vụ đã khuyến cáo không được dùng blog để tuyên truyền, hoạt động chính trị phá hoại Đảng, phá hoại Nhà nước. Và họ đã đồng ý thoả thuận ấy!
Họ thiển cận đến mức độ không biết đến cái gương sở thì như luật sư Lê Quang Định kia, dù có giỏi giang, ngoan cố và ranh ma đến thế nào thì trước sau cũng phải cúi đầu nhận tội trước vành móng ngựa.
Một blogger trong sáng thì không bao giờ làm bạn và comment cổ suý cho những blog phản động đen tối như thế. Những blog này chỉ gây lòng căm phẫn trong cộng đồng blogger chân chính.


2. Các tin nhắn kiếm cơm, tự động comment, lười biếng.

Đành rằng ai cũng chọn cho mình một việc làm để mưu sinh. Thế nhưng cần phải xác định rõ mục tiêu và mục đích làm việc nghiêm túc để mang lại hiệu quả cao trong công việc. Một số blogger sử dụng blog của bạn bè để quảng cáo hàng hoá be bét, rất mất thẩm mỹ. Quảng cáo liên tục. Đôi khi lại tỏ ra giả bộ "lịch sự" xin lỗi vì làm phiền.
Cách tiếp thị như thế chỉ gây bực mình và phiền hà trong giới blogger chứ không bao giờ kiếm được một chút thiện cảm. Chính vì vậy chẳng khi nào có hiệu quả tiếp thị kiểu như vậy.

Một số blogger thì câu comment bằng cách lười biếng, sử dụng phần mềm Auto comment để gửi thông điệp đại loại như “ Chào bạn! Blog của bạn đẹp lắm í. Bài viết của bạn hay phết! Ghé thăm blog của mình nha”. Thực ra họ có đọc blog của mọi người đâu mà họ biết đẹp và biết hay. Hoặc thứ sáu thì viết“Cuối tuần vui nhé”, thứ hai thì viết “Tuần mới vui nha” thế là họ chỉ ngồi nhà ba hoa và rải comment đó đến hàng ngàn trang blog chỉ bằng một cú click chuột! Đơn giản và vô cảm vô cùng.
Thiết nghĩ, blog là để chia sẻ tâm tư tình cảm qua trang viết. Phải thăm, phải đọc thì mới hiểu nhau, mới thành bạn bè thân thiết, lâu bền chứ kiều lười biếng, ngồi đó mà câu comment như thế thì chỉ được một lần, lần sau thì ai người ta cũng ghét, Người ta tống luôn vào sổ đen chứ ai đi thăm các blogger kiểu khiếm nhã và ích kỷ ấy!!!

3. Blog phản cảm hay blog bẩn.
Thỉnh thoảng tôi hay vào Bài mới nhất của Yahoo. Vô tình lang thang vào blog của một vài teen mới đăng bài thì thấy toàn những chuyện tục tĩu, dâm đãng không thể tưởng tượng được, kèm theo những hình vẽ, hình chụp minh họa hết sức kích dục và phản cảm. Thế mà các comment bạn bè lại tung hô là máu, là cá tính, là câng, thế mới kinh.
Một số blogger kêu gọi lập ra những nhóm, hội, bang với những tên gọi sặc mùi chết chóc của phim chưởng... Rồi cũng đề ra cương lĩnh, tiêu chí, hành động, nội dung trao đổi. Nhưng than ôi "cương lĩnh, tiêu chí, hành động" của các nhóm blog này đều trao đổi vấn đề như: yêu vào "vùng kín" thì phải làm như thế nào, cảm giác ra làm sao? Kỹ thuật, bí quyết làm tình. Hay rủ nhau sưu tầm "đồ lót" của phụ nữ? Rồi nghiên cứu về rận mu... Có blog lại còn sưu tầm cả các tranh ảnh khoả thân, ảnh nóng... Thực ra nếu nhác qua không để ý thì cứ nghĩ đây là các trang blog giáo dục giới tính cho các teen. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì những trang blog này là những trang blog kích dục, đi ngược hẳn với thuần phong mỹ tục và văn hoá ứng xử của người Việt Nam ta. Ấy thế mà cũng khối comment vào hùa, cổ suý cho các tiêu chí như thế!!!


4. Blog đẳng cấp.
Blog đẳng cấp là blog được duy trì bởi blogger có văn hoá, có trình độ và có tư duy rõ rệt, say mê với thú chơi blog. Họ coi blog là sân chơi trong sáng để gửi gắm tâm tư tình cảm của họ đến bạn hữu qua những trang viết mà họ phải đầu tư ý tưởng, thời gian, trình độ và trí tuệ rộng rãi để viết lên một trang blog trao đổi với bạn bè. Ngôn ngữ của họ có thể là rất dân dã, có thể là rất sang trọng, có thể là sử dụng đặc sệt thổ ngữ địa phương. Nhưng những vấn đề họ nêu ra trong blog sẽ được nhiều người đồng tình ủng hộ, trao đổi, tranh luận và khi nào cũng đi đến cái đích là chân lý đúng đắn. Nỗi buồn thì sớt chia, niềm vui thì nhân đôi.
Mỗi bài viết trong các blog này đều đưa ra cho cộng đồng blogger một thông điệp có ích nào đó để mọi người khi quan tâm đến blog đó không bao giờ cảm thấy bị coi thường, xúc phạm hay ân hận vì phải phí thời gian. Loại blog này thường đa phong cách, ngôn từ mộc, chau chuốt và có tính tôn trọng bạn đọc rất cao. Bạn bè của các blog này cũng được cân nhắc kỹ lưỡng. Cách giao lưu của các blogger này qua comment cũng rất thật lòng, nhã nhặn, lịch sự, thẳng thắn, chân thành không xô bồ, thô kệch, hằn học cãi vã hay khiếm nhã.

Lời cuối!
Sự thống kê có thể còn rất dài! Nhưng thôi, tạm thế đã.
Chúng ta, những bloger có văn hoá, có tư duy, có ý thức. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thấu đáo vấn đề để phấn đấu trở thành một blogger chân chính, xây dựng cho mình một trang blog đẳng cấp. Bởi blog cá nhân có thể là ảo thật. Nhưng ẩn đằng sau những trang viết trên blog chính là trí tuệ, tư tưởng, tính cách và con người của bạn đấy. Chính vì vậy rất cần văn hoá trong giao tiếp blog!!! Hãy là những con người thật sự chân thành, biết tôn trọng blog của bạn bè là tôn trọng chính mình. Hãy tỉnh táo, phân tích, loại trừ vì một thế giới blog trong sáng!!!

Nguyễn Bảng 27.01.2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét