Vung 160 triệu USD, ráng mua một chiếc chìa khóa

Thanh Nien Online :
02/11/2010 16:06
(TNO) Đó là chiếc chìa khóa văn phòng thống đốc California, bang đông dân nhất của nước Mỹ.

Làm gì để xài hết 160 triệu USD?

Nếu đem câu hỏi đó đến chỗ Meg Whitman, cựu giám đốc điều hành (CEO) của eBay thì bạn sẽ có ngay một danh sách dài: 5 triệu USD để trả lương cho các cố vấn tranh cử, 4 triệu USD để vận hành trang web, hơn 95 triệu USD để quảng cáo, thêm nhiều triệu USD khác cho cố vấn hùng biện, ăn mặc…

Whitman chính là nhân vật đang nắm giữ kỷ lục chi “sộp” nhất trong một kỳ vận động tranh cử ở Mỹ nếu không tính đến tranh cử tổng thống. Trong số hơn 160 triệu USD mà bà đã vung ra để vận động tranh cử chức thống đốc bang California, hơn 140 triệu USD là tiền được móc từ túi riêng của bà.


Bà Meg Whitman (giữa) rất chịu khó gọi điện thoại đến từng cử tri để thuyết phục bỏ phiếu cho mình - Ảnh: Reuters

Nữ doanh nhân từng nhiều lần lọt vào danh sách những phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ này say sưa tiêu tiền, bỏ qua mọi nguyên tắc cân đối thu chi cơ bản nhất trong kinh doanh - lĩnh vực mà bà là bậc thầy với thành quả chói lọi: đưa eBay thành trang web bán hàng trực tuyến số một trên thế giới.

Lần này, trên chính trường, cựu CEO của eBay không ngần ngại móc túi riêng 140 triệu USD, vượt qua tất cả các khoản chi của đối thủ đảng Dân chủ Jerry Brown chừng… 10 lần.

Để so sánh thêm, toàn bộ chi phí cho cuộc bầu cử liên bang ở Úc hồi tháng 8 qua ở mức chỉ 52 triệu USD. Tại Anh, định mức tối đa để cả một đảng phái chính trị có thể chi tiêu trong một kỳ bầu cử quốc gia không được vượt quá 31 triệu USD.

Đẳng cấp của nữ tỉ phú

Cũng giống như bất kỳ một nhà vận động tranh cử nào khác ở Mỹ, Whitman thuê các công ty quảng cáo để phối hợp làm việc với các nhân viên tranh cử, những chuyên gia thăm dò dư luận và cả một đạo quân cố vấn để đề ra các ý tưởng, viết kịch bản, sản xuất các chương trình quảng cáo…

Bầu cử giữa kỳ 2010

- Diễn ra vào ngày 2.11

- Bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 37/100 ghế thượng viện và 37 thống đốc bang.

- Được gọi là giữa kỳ vì nó diễn ra đúng vào giữa nhiệm kỳ (4 năm) của tổng thống Mỹ.

Nữ tỉ phú đã móc hầu bao hơn 83 triệu USD để thuê Smart Media Group, một công ty ở Virginia để sản xuất và thực hiện quảng cáo trong chiến dịch của bà.

Với một nhân vật đẳng cấp cao như Whitman - xét về độ phồng của túi tiền và quyết tâm leo cao trên chính trường - các thông điệp tranh cử phải đến với từng nhóm đối tượng riêng biệt, sao cho các lời hứa hẹn phải đánh trúng mong mỏi của họ nhất. Thế là hàng loạt công ty khác được Whitman chi tiền để đề ra chiến lược quảng cáo cho từng nhóm cử tri riêng biệt cũng như thực hiện các cuộc thăm dò dư luận mang quy mô địa phương.


Tổng thống Mỹ Obama (phải) tích cực vận động cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ - Ảnh: Reuters

8 triệu USD đã chảy vào túi ông chủ những công ty thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến. Mục đích: phát hiện những nhóm đối tượng nào có khuynh hướng bỏ phiếu cho Whitman và những lời hứa hẹn nào thì dễ lọt vào tai họ nhất.

1,5 triệu USD khác thì được dành cho những người thăm dò ý kiến qua điện thoại.

Nổi tiếng với phong cách ăn mặc… chẳng có tí phong cách nào, nay Whitman đã chịu khó chi bộn tiền để được các chuyên gia hàng đầu về thời trang cố vấn cách ăn diện sao cho hấp dẫn nhất trong mắt cử tri.

Còn nhớ tạp chí Fortune, nơi Whitman từng chiếm lĩnh danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất, từng bình rằng Whitman trông cứ như đang mặc quần áo của… anh trai. Mặc kệ, Whitman cứ phớt lờ, chỉ mải mê đưa eBay nhảy lên những nấc thang cao nhất. Còn lần này, nữ tỉ phú đã phải thay đổi quan điểm 180 độ.

67.000 USD cho 30 giây quảng cáo

Có thể mua gì với 140 triệu USD?

- 6 triệu bánh pizza hảo hạng của Lombardi ở New York.

- Trên 6.000 chiếc Toyota Prius.

- Học phí cho 11.700 sinh viên tại Trường đại học California, Los Angeles.

Không may cho Whitman và bất cứ ai muốn tranh cử ở California: đây là “thị trường chính trị” thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Bang đông dân nhất nước Mỹ này có đến 13 thị trường truyền thông riêng biệt. Bất kỳ ứng viên nào muốn thông điệp của mình đến với toàn bang đều phải bỏ tiền mua quảng cáo trên cả 13 thị trường này. Mà giá quảng cáo thì ở mức… tận trên trời cao.

Đơn cử để mua 30 giây quảng cáo trên truyền hình Los Angeles vào giờ vàng để đến được với 20% dân số California, người ta có thể phải chi đến 67.000 USD!

Con số này cao hơn rất nhiều so với quảng cáo ở những bang nhỏ hơn. Hãng truyền thông BBC dẫn kết quả một cuộc nghiên cứu truyền thông của công ty Horizon Media cho thấy, quảng cáo cùng thời lượng và thời gian trên truyền hình tại thành phố nhỏ Bowling Green ở bang Kentucky chỉ tốn chưa tới 1.000 USD.


Nữ tỉ phú Whitman đã chịu khó đầu tư hơn cho vẻ bề ngoài so với thời còn tự do tung hoành trên thương trường - Ảnh: Reuters

Trên các đài phát thanh, giá quảng cáo cũng mềm hơn rất nhiều. Cho 60 giây quảng cáo trên một đài phát thanh nổi tiếng ở Los Angeles chỉ phải trả chừng 1.500 - 2.000 USD. Còn ở vùng nông thôn của những bang nghèo, con số đó có khi chỉ vỏn vẹn… 10 USD.

Quay lại cuộc đua của bà Whitman, hầu hết chiến dịch quảng cáo được thực hiện trên truyền hình, tất nhiên là truyền hình California. Ở giai đoạn cuối của cuộc vận động, trung bình mỗi ngày bà quảng cáo trên truyền hình chừng 1.300 lần! Đến đây thì có thể hiểu được vì sao hơn 140 triệu USD tiền túi của bà tỉ phú lại bốc hơi nhanh đến thế.

Khổ nỗi trong khi 140 triệu USD có thể mua được rất nhiều thứ, có khả năng rất lớn là chiếc chìa khóa văn phòng thống đốc không có trong giỏ hàng. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận vào giai đoạn cuối của cuộc vận động cho thấy nữ tỉ phú Whitman đang bị rớt lại ở khoảng cách rất xa so với đối thủ Jerry Brown trong cuộc chạy đua vào văn phòng thống đốc bang California.

Kiều Oanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét