Việt Nam lọt vào top 10 nền kinh tế cải cách tốt nhất

VnMedia: - Kinh tế -> Tin tức:
Cập nhật lúc 20h07" , ngày 04/11/2010

(VnMedia) - Những cải thiện trong đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng và cung cấp thông tin tín dụng giúp Việt Nam giành được vị trí trong số 10 nền kinh tế cải cách tốt nhất nhằm tạo điều kinh doanh thuận lợi trong năm 2009/2010. Đó là kết quả được đưa ra trong báo cáo "Môi trường Kinh doanh 2011: Tạo khác biệt cho doanh nghiệp" do IFC và Ngân hàng Thế giới công bố chiều 4/11.

Trong báo cáo này, Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh thuận lợi, lên thứ 78 trong số 183 nền kinh tế đề cập trong báo cáo. Singapore, đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc và New Zealand là những nền kinh tế dẫn đầu thế giới về môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Các nỗ lực cải cách thể chế và hành chính công của Chính phủ Việt Nam đã được báo cáo Môi trường Kinh doanh 2011 ghi nhận và thể hiện ở sự tăng bậc xếp hạng chung của Việt Nam,” ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực IFC phụ trách Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào và Thái Lan phát biểu. “Trước mắt, điều quan trọng là phải tiếp tục tập trung vào việc triển khai các cải cách trên thực tế và duy trì động lực cải cách.”

Lần đầu tiên trong 8 năm, các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương nằm trong số những nền kinh tế thực hiện cải cách tích cực nhất, với 18 trên 24 cải cách về quy định và thể chế kinh doanh trong năm qua – nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác.

Báo cáo cho biết, những nền kinh tế đang nổi lên như Indonesia, Malaysia và Việt Nam đi đầu trong việc đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp phép, đăng ký tài sản và cải thiện cung cấp thông tin tín dụng. Trong đó, Malaysia đã giảm được thời gian và chi phí chuyển nhượng bất động sản nhờ triển khai nhiều dịch vụ trực tuyến hơn.

Ảnh minh họa

Báo cáo chi tiết các lĩnh vực giúp kinh tế Việt Nam thăng hạng


Việt Nam tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhà và chuyển thẩm quyền chứng nhận quyền sở hữu nhà từ cơ quan chính quyền địa phương sang Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm cho việc cấp phép xây dựng thuận lợi hơn nữa. Ngoài ra, hệ thống thông tin tín dụng cũng được cải thiện, cho phép người đi vay được kiểm tra báo cáo tín dụng về họ và được quyền sửa chữa các thông tin sai lệch.

Từ năm 2005 đã có khoảng 85% các nền kinh tế trên thế giới tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp địa phương thông qua 1.511 cải cách trong quy định về kinh doanh. Theo báo cáo, Trung Quốc là một trong 15 nền kinh tế cải cách tích cực nhất khi đã triển khai 14 thay đổi về thể chế nhằm tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn trong những năm gần đây, trải dài trên cả chín lĩnh vực mà Báo cáo Môi trường Kinh doanh xem xét.

Singapore là nền kinh tế đứng đầu thế giới về môi trường kinh doanh thuận lợi trong 5 năm liền. Đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc giữ vững vị trí thứ hai một phần nhờ nâng cao được hiệu quả trong giải quyết tranh chấp thương mại. Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia cũng giữ được vị trí trong nhóm 25 nền kinh tế đứng đầu.

Tính trên phạm vi toàn cầu, kinh doanh ở các nền kinh tế thuộc khối OECD thu nhập cao vẫn thuận lợi nhất và khó khăn nhất là ở khu vực Cận Sahara Châu Phi và Nam Á. Tuy nhiên, các nền kinh tế đang phát triển cũng đang ngày càng năng động hơn. Trong năm qua, 66% các nước đang phát triển đã tiến hành các cải cách trong quy định về kinh doanh, trong khi mới 6 năm trước chỉ có 34% thực hiện cải cách.


Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét