Thân cây bồ đề được chuyển về chợ 19 - 12 trong chiều 4.11 - Ảnh: Minh Sang |
Nhưng phải đến 2 giờ chiều qua thì thân cây bồ đề cả trăm tuổi mới được xe của công ty TNHH Thủ đô II di chuyển về chợ 19-12. Khác với điều tượng tưởng của chúng tôi, cũng như đông đảo người dân có mặt, hiện thân cây bồ đề nom chẳng khác nào một cây gỗ khô, chuẩn bị được người ta bổ củi đem nhóm bếp: toàn bộ phần nhánh ăn từ thân cây bị cắt cụt, còn phần rễ chính cũng bị phạt đứt toàn bộ, nhánh nào dài cũng còn không quá hai gang tay, phần thân cây bị cầy xước nham nhở. Thậm chí, thân cây bồ đề còn bị cưa gần đứt ra làm hai phần.
Trước đó, theo tường trình của ông Nguyễn Văn Quỳnh, chủ trang trại trong ngõ 310 Nghi Tàm, vào khoảng 23h ngày 3.11, ông nhận được một cú điện thoại từ người đàn ông lạ xưng là Dũng, cán bộ CATP Hà Nội nhờ trồng lại cây bồ đề bị bứng trộm trong chợ 19 - 12 mà lực lượng điều tra vừa tìm thấy, rồi cúp máy. Sau cú điện thoại, gần 1 giờ sáng, một chiếc xe cẩu loại 5 tấn chở cây đến, đi phía sau là một chiếc xe taxi. Ông Quỳnh cho biết, có gần chục người theo xe mang cây bồ đề bị chặt nham nhở đến trang trại nhà ông. Khi tới khu vực đã được đào sẵn hố trồng cây, thấy hố trồng cây quá nhỏ đã dùng cẩu hất gốc cây bồ đề trên xuống khu đất đối diện rồi vội vàng bỏ đi.
Cũng sau gần một tiếng đồng hồ thân cây bồ đề được về chợ 19.12, nhân viên của công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh đã được điều động để “sơ cứu” thân cây như bỏ toàn bộ phần rễ dập nát để tránh vi khuẩn xâm nhập dẫn đến “nhiễm trùng”, tưới nước cho cây tươi và đắp đất phù sa vào những vết thương trên thân... Tới 5 giờ chiều cùng ngày, sau khi được “sơ cứu” thân cây bồ đề đã được trồng lại vào chính cái hố mà nó đã bị bứng trộm. Tuy nhiên, theo nhiều nghệ nhân trồng cây cảnh ở Tứ Liên, hiện trạng này cho thấy cây bồ đề này đã “9 phần chết 1 phần sống”. Muốn cứu chữa trước hết phải làm sạch vết thương trên thân cây, sau đó cưa rời phần bị cưa dở rồi tiến hành giâm, chiết ủ bằng những biện pháp thúc cây thật mạnh may ra cây mới có khả năng hồi sinh. Và nhiều ý kiến cho rằng nên đưa thân cây bồ đề này về chăm sóc tại vườn ươm Phú Diễn (huyện Từ Liêm), đợi tới khi cây hồi phục hoàn toàn mới đem trồng lại vị trí cũ.
Cũng trước đó, theo tường trình của ông Nguyễn Anh Cường - Giám đốc Cty TNHH Thủ Đô II, thì cây bồ đề trước đây mọc trên nóc khu nhà vệ sinh công cộng của chợ 19-12 cũ, toàn bộ phần rễ mọc trên tường. Trong quá trình phá dỡ, di dời nhà vệ sinh, bốt điện tại đây thì cây không còn chỗ dựa và có hiện tượng bị đổ. Khi thi công đường 19-12, Ban Quản lý dự án giao thông - Sở GTVT Hà Nội đã xây tường bao một nửa phía ngoài đường 19-12 mới, phía trong một phần rễ cây bồ đề ăn vào tường của dự án. Trong quá trình thi công tường vây barie tại công trình bị đổ kéo theo cây bồ đề bị đổ theo… Cũng trong bản tường trình, ông Cường cho rằng, do tiến độ thi công gấp rút, để tái bố trí cho bà con kinh doanh chợ 19-12 cũ; do sơ suất của cán bộ giám sát của công ty hôm đó đã không báo cáo sự việc với cơ quan chức năng mà đã thu dọn và thuê vận chuyển cây bồ đề đi nơi khác.
Hà An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét