Bí mật ngôi mộ cổ

CAND Online:
17:03:00 24/10/2010

Người phụ nữ Việt Nam nào là tác giả chiếc bình được bảo hiểm cả triệu đôla đặt ở Bảo tàng Hoàng gia Thổ Nhĩ Kỳ? Người phụ nữ Việt Nam nào là sư tổ của một dòng gốm mà nói như bà Dessagodard - Giám đốc ngành nghệ thuật châu Á của Tập đoàn đấu giá Befterfields tại San Francisco Mỹ rằng: "Việc phát hiện dòng gốm Chu Đậu, đang trả lại cho Việt Nam một chương trong di sản nghệ thuật mà người ta từng nghĩ đã hoàn toàn biến mất"?

Ngôi mộ cổ của bà Bùi Thị Hý nằm giữa một cái ao lớn.

Kỳ I: Lá thư đến từ viễn xứ

Ngày 10/6/1980, một lá thư từ cán bộ ngoại giao người Nhật gửi cho ông Ngô Duy Đông - Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên hiện tại) với nội dung:

"Kính gửi: Ông Ngô Duy Đông - Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng.

Thưa ông, tên tôi là: Makoto Anabuki, hồi trước là Bí thư thứ 2 của Đại sứ quán Nhật Bản, nay là cán bộ ngoại giao Nhật Bản tại Tokyo.

Trước hết tôi xin kính chúc tỉnh Hải Hưng đang phát triển mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp, nhất là ao cá Bác Hồ, đem lại hiệu quả kinh tế cao và sản xuất rau cải được tăng lên.

Hôm nay tôi xin nhờ sự giúp đỡ của ông về việc sau đây:

Từ trước đến nay tôi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nói chung, đồ gốm cổ Việt Nam nói riêng. Gần đây, tôi mới biết là Viện Bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bảo tồn 1 lọ hoa lam Việt Nam đã được sản xuất từ Việt Nam hồi thế kỷ XV, thế kỷ XVI.

Lọ ấy mang chữ Hán như sau: Thái hòa bát niên nam sách châu tượng nhân Bùi Thị Hý bút. Mười ba chữ Hán nói trên có nghĩa là: Năm 1450, một người thợ tên là bà (cô) Bùi Thị Hý ở Nam Sách châu vẽ hoa văn trên lọ.

Theo tôi biết thì thời Việt Nam thuộc nhà Minh chia nước Việt Nam thành 17 phủ (tổ chức hành chính), trong đó có Lạng Giang phủ. Lạng Giang phủ có 3 châu là Lạng Giang châu, Thượng Hồng châu và Nam Sách châu. Trong Nam Sách châu có 3 huyện là Thanh Lâm huyện, Chí Linh huyện và Bình Hà huyện. Có nghĩa là phạm vi của Nam Sách châu hồi đó là trung phần và bắc phần của tỉnh Hải Dương.

Dưới thời Vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ) thì chia Việt Nam thành 5 đạo (Đông, Bắc, Tây, Nam, Hải Tây). Dưới thời Lê Nhân Tông thì tổ chức hành chính như thế nào, chúng tôi không có tư liệu để điều tra. Có lẽ không thay đổi tổ chức hành chính của hồi Lê Thái Tổ, vì lúc Vua Lê Nhân Tông tức vị mới được 2 tuổi.

Dưới thời Lê Thánh Tông thì đặt 12 đạo, trong đó có Nam Sách đạo và sau năm 1490, vua đó đã cải biến tổ chức hành chính và Nam Sách đạo đã trở thành Hải Dương xứ.

Vậy tôi muốn biết thời Lê Nhân Tông có Nam Sách châu không? Ở đâu? Bà (hay là cô) Bùi Thị Hý là người như thế nào? Học kỹ thuật vẽ trên gốm ở đâu? Hồi đó sản xuất gốm (lò gốm) đặt ở đâu?

Điều này rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử thủ công nghiệp và vai trò của đàn bà nói riêng.

Xin ông chỉ thị cho những chuyên gia nghiên cứu 13 chữ Hán nói trên và nếu có kết quả thì xin cho tôi biết qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội (hộp thư số 49 Hà Nội).

Hơn nữa nếu được thì xin giới thiệu cho tôi những chuyên gia khảo cổ học và mỹ thuật, nghệ thuật ở tỉnh Hải Hưng để trao đổi ý kiến với nhau.

Xin cảm ơn ông!

Nay kính

M.ANABUKI

Cán bộ Bộ Ngoại giao”.

Chiếc bình cực kỳ quý giá này được lưu giữ ở Bảo tàng Hoàng gia Topkapi, nguyên là một cung điện cực kỳ nguy nga lộng lẫy của Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng vào năm 1465 - 1487, một biểu tượng kỷ nguyên vàng nằm trong thành phố Istanbul cổ kính nguy nga và tráng lệ của các hoàng đế Ottoman. Chiếc bình gốm hoa lam quý giá này được mua bảo hiểm với giá 1 triệu USD chứng tỏ nó không chỉ là bảo vật của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là của cả ngành gốm thế giới.

Chiếc bình triệu đô ở bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ.

Lúc ông Anabuki tham quan, nó vẫn được chú thích một cách rất hồn nhiên là gốm của Trung Quốc (TQ). Sự hồn nhiên đó cũng có lôgíc ở chỗ TQ là cái nôi của gốm sứ thế giới và những chữ in trên bình là chữ Hán. Tuy nhiên, ông Anabuki đã ngờ ngợ khi đọc 13 chữ Hán kia và quyết tâm tìm ra ngọn nguồn của Nam Sách châu là ở đâu? Bùi Thị Hý là ai? Cuối cùng, sau khi tra nát sử sách, ông mới biết Nam Sách châu ở Việt Nam. Vốn là một người có cảm tình với xứ sở hình chữ S, ngay từ hồi bao cấp phong tỏa gắt gao nhất, ông vẫn viết thư cho Bí thư Ngô Duy Đông với một hy vọng lấp ló cuối đường hầm.

Thông tin từ người Nhật như một tia sáng mạnh từ phương xa dội về khiến ông Bí thư nổi tiếng một thời Ngô Duy Đông, người nổi tiếng là thân dân và có tư duy cải cách nông nghiệp như Bí thư Kim Ngọc của Vĩnh Phú không thể ngồi yên.

Năm 1983, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Hải Hưng, đề án nghiên cứu nghề cổ truyền gốm sứ mà đặc biệt là gốm Chu Đậu được tiến hành. Qua sự nghiên cứu, điền dã, sưu tầm và nhiều lần khai quật của Bảo tàng Hải Dương cùng các cơ quan chức năng ở trong nước cũng như ở nước ngoài đã làm phát lộ một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp với hàng ngàn mẫu mã gốm Chu Đậu như bát, đĩa, bình lọ cùng những dụng cụ sản xuất như bao nung, con kê, lò đốt...

Tựa như nàng công chúa ngủ trong rừng được đánh thức, những gì tinh túy nhất của mấy trăm năm trước từ trong lòng đất Chu Đậu bỗng một ngày tỉnh dậy, rủ rỉ kể chuyện xa xăm. Sự kiện này làm kinh ngạc các nhà sử học, khảo cổ học, học giả trong và ngoài nước và cũng làm sửng sốt ngay cả với người dân làng Chu Đậu.

Thì ra gốm Chu Đậu đã lưu lạc đến 32 nước trên thế giới - đến nay còn nhiều vạn cổ vật quý giá đang được lưu giữ ở khắp các châu lục, có mặt ở 46 bảo tàng danh tiếng trên thế giới từ châu Á sang châu Âu. Hàng loạt sự kiện tiếp theo của dòng gốm này làm bàng hoàng cả giới sưu tầm, nghiên cứu gốm sứ toàn cầu. Gốm cổ Chu Đậu được trục vớt từ những con tàu đắm ở dưới đáy biển Việt Nam (Cù Lao Chàm, Hòn Dầm, Hòn Cau, Bình Thuận và Cà Mau).

Đặc biệt là con tàu đắm ở Cù Lao Chàm - Đà Nẵng. Với 18 nước hợp tác trục vớt trong 2 năm (1998 - 2000) đã trục vớt được từ trong con tàu đắm này hơn 40 vạn cổ vật gốm sứ Chu Đậu từ thế kỷ XV. Trong hơn 40 vạn cổ vật đó có 27 vạn cổ vật còn lành, ngoài phần lưu lại cho Việt Nam 10% thì 24 vạn cổ vật mà tập đoàn trục vớt được đã mang về San Francisco và Los Angeles ở Mỹ để bán đấu giá. Theo số liệu thống kê của nhà bán đấu giá ở Mỹ, cổ vật giá thấp nhất cũng không dưới 1.000 USD, có chiếc bình gốm tỳ bà cổ Chu Đậu cao 24cm được các nhà sưu tầm kiên quyết tranh mua, đẩy giá lên tới 512.000USD.

Chiếc đầu rồng trấn yểm của bà Bùi Thị Hý.

Có thể nói con tàu đắm này là một kho báu, quảng bá cho tinh hoa văn hóa xứ Đông nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung ra toàn thế giới. Nói như bà Dessa Godard - Giám đốc ngành nghệ thuật châu Á của Tập đoàn đấu giá Befterfields tại San Francisco rằng: "Việc phát hiện dòng gốm Chu Đậu, đang trả lại cho Việt Nam một chương trong di sản nghệ thuật mà người ta từng nghĩ đã hoàn toàn biến mất".

Mấy chục năm với những bằng chứng được coi là chấn động, đảo lộn mọi suy nghĩ về gốm sứ của thế giới, buộc nhiều nhà nghiên cứu gốm sứ nhất loạt phải chắp tay thốt lên rằng: "Nhất sứ Giang Tây (TQ), nhất gốm Chu Đậu". Nhất - ở đây là hàng đầu, là đỉnh cao của thế giới. Một sự so sánh quả thực trước đó kể cả những người bạo gan nhất của ngành gốm sứ Việt Nam cũng chẳng bao giờ dám mơ giữa ban ngày. Tuy nhiên, mấy chục năm sau bức thư của ngài Anabuki, việc tìm ra chủ nhân của chiếc bình hoa lam mà nói rộng là một trong những sư tổ của nghề gốm Chu Đậu vẫn không khác gì “mò kim đáy bể”. Mười ba chữ Hán trên chiếc bình hoa lam cứ như một mật mã khó hiểu, đánh đố giới khoa học dù ngay trong lá thư này, ông Anabuki đã dịch rằng, đấy là một phụ nữ, tên là Bùi Thị Hý tạo tác. Ông đề nghị các nhà khảo cổ học và nghiên cứu nghệ thuật cho biết tiểu sử của bà Bùi Thị Hý, người học nghề làm đồ gốm ở đâu mà sáng tạo nên tác phẩm xuất sắc như vậy. Ông cũng không quên nhắc rằng đây là vấn đề quan trọng về thủ công nghiệp và thương nghiệp của Việt Nam ở thế kỷ XV, đặc biệt là vai trò của người phụ nữ. Tuy nhiên các nhà khoa học ở ta lại nghĩ theo một xu hướng khác hẳn.

Theo ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học Hải Dương, trước khi nhận được lá thư của ông Anabuki, các nhà sử học trong tỉnh đã sưu tầm được nhiều đồ gốm hoa lam và men đa màu lưu ở kho bảo tàng tỉnh từ những năm 60 của thế kỷ XX. Hiện vật tương tự cũng có ở một số bảo tàng trong nước, trong đó không ít tác phẩm của Đặng Huyền Thông, ghi rõ quê quán, ngày tháng năm sản xuất, nơi đặt hàng, người đặt hàng, hầu hết tập trung vào đời Mạc Mậu Hợp (1563 - 1593) nhưng trong nhiều năm vẫn chưa tìm ra nơi sản xuất.

Nhận được thông tin từ Anabuki do Tỉnh ủy chuyển đến, việc nghiên cứu mới thực sự tích cực, nhất là từ khi Ban Thông sử Hải Hưng thực hiện chuyên đề Nghề cổ truyền. Đây là cơ hội để tìm di chỉ sản xuất đồ gốm cổ. Sau 10 năm điền dã, nghiên cứu, kết quả là không chỉ tìm ra trung tâm gốm mỹ nghệ Chu Đậu mà tới 14 trung tâm khác trên địa bàn Hải Hưng khi đó... Tuy nhiên, để giải mã 13 chữ Hán trên bình gốm hoa lam nói trên, phải mất đằng đẵng ngót 30 năm...

Nam Sách châu do nhà Minh đặt liệu còn tồn tại đến niên hiệu Thái Hòa (1443 - 1453), khi mà sau kháng chiến chống Minh, Lê Lợi đổi hai phủ Lạng Giang và Tân An, nguyên là Lộ Hồng và Nam Sách thời Trần thành Đông đạo? “Đại Nam nhất thống chí” cho biết, đến đời Diên Ninh (1454-1459) mới đổi thành Nam Sách Thượng Hạ Lộ. Vậy thời Thái Hòa vẫn tồn tại Nam Sách châu. Như vậy 9 chữ đầu đã được giải mã và khẳng định tác giả viết đúng niên hiệu và địa danh đương thời. Đặc biệt hóc búa là 4 chữ cuối: "Bùi Thị Hý bút", nhiều học giả hiểu rất khác nhau. Đó quả thực là một cái bẫy. Ngôn ngữ vốn nhiều nghĩa trong những ngữ cảnh khác nhau, nhất là chữ Hán nên nhiều học giả nổi danh vẫn bị sa bẫy như thường.

"Bùi Thị Hý bút" phần lớn học giả ở Hà Nội, dịch là: Ông họ Bùi, vẽ chơi. Hồi mồ ma một giáo sư sử học họ Trần nổi tiếng, vị giáo sư này đã rất hùng hồn rằng phải đọc là Bùi Thị (tức là ông họ Bùi), phẩy, hý bút (tức là vẽ chơi), như thế mới tường minh!

Những cổ vật liên quan đến bà Bùi Thị Hý.

Lại có nhiều học giả lập luận cũng rất thuận tai rằng thời phong kiến nhất là ở thế kỷ XV nạn trọng nam khinh nữ vô cùng khắc nghiệt nên phụ nữ không có tên tục mà chỉ có tên hiệu, cũng chẳng ai là phụ nữ mà dám "ký tên" lưu danh mình trên những sản phẩm buôn bán cả.

Lắm luận văn tiến sĩ khảo cổ học, nhiều sách chuyên khảo về gốm sứ, đến nay vẫn để nguyên như thế. Ngược lại, các nhà sử học địa phương mà tiêu biểu là ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học Hải Dương hiểu khác. Cách hiểu khá tương đồng với ông cán bộ ngoại giao Nhật, đã dịch là: Bùi Thị Hý vẽ.

Cơ sở của nó theo ông Hoành trong lịch sử dù hiếm, vẫn tìm được không ít phụ nữ được ghi tên trên đồ gốm, với tư cách là tác giả. Để gây chú ý về vấn đề này, cánh ông Hoành giới thiệu lại sự kiện trên tại tạp chí Khoa học và ứng dụng của Liên hiệp Hội khoa học Hải Dương vào tháng 5/2005 những mong cầu một chiếc chìa khóa hé mở cánh cửa bí mật

Xứ Đoài - Chuyên đề ANTG tuần số 1004
(Kỳ II: Chiếc chìa khóa vàng - ANTG số 1.005, thứ Tư ra ngày 27/10/2010)

17:44:00 28/10/2010
Trong khi việc giải mã 4 chữ cuối trên chiếc bình hoa lam triệu đô vẫn giậm chân tại chỗ theo xu hướng "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" thì chiều 29/5/2006 là ngày tìm được chiếc "chìa khóa vàng" để giải mã vấn đề trên.
>> Kỳ I: Lá thư đến từ viễn xứ

Khi đó ông Tăng Bá Hoành - Chủ tịch Hội Sử học Hải Dương - nhận được 7 trang gia phả của gia tộc nữ tài Bùi Thị Hý, ở trang Quang Ánh, huyện Gia Phúc, nay là thôn Quang Tiền, xã Hồng Quang, huyện Gia Lộc (Hải Dương) do ông Bùi Xuân Nhạn và Bùi Đức Lợi là hậu duệ cung cấp. Dưới đây là bản dịch:

"Tháng giêng, đầu xuân, năm Bảo Đại Nhâm Thân (1932), hậu duệ 13 đời của họ là Lý trưởng Bùi Đức Nhuận, sao y như bản cổ. Thủy tổ là Bùi Đình Nghĩa, nguyên ở ẩn ở đất Minh Ngọc, Nam Xang, Bình Lục, Hà Nam, sinh năm Đinh Mão, thời Trần Đế Hiện Đại Vương, niên hiệu Xương Phù 11 (1387). Ông là con tướng quân Bùi Quốc Hưng, người phù tá Lê Thái Tổ bình giặc Ngô (Minh), nguyên quán ở làng Cống Khê, tổng Bột Xuyên, huyện Chương Đức, tỉnh Sơn Tây, nhập cư làng Quang Ánh năm Đinh Hợi, thời Trần Giản Định Vương, niên hiệu Hưng Khánh thứ nhất (1407). Ông bà sinh 2 người con tại Quang Ánh: Con thứ nhất là Bùi Thị Hý; không có con nối, bà là người thợ có tài làm bình gốm. Con thứ hai là Bùi Đình Khởi, sinh năm Quý Mão, thời Bình Định Vương năm thứ (1423)".

"Thủy tổ Bùi Đình Nghĩa là người có chí lớn, dũng cảm, có tài phi ngựa, nổi tiếng mưu trí. Khi đất nước có biến, tổ phụng sự tổ quốc, tòng quân, khi lâm trận thì đi đầu đạo quân, khi vỡ trận thành Đông Quan, người chiến đấu oanh liệt, hy sinh lẫm liệt về sau không tìm được mộ táng. Thủy tổ có công lớn trong chiến trận, sau được Lê Thái Tổ điểm công danh, ban lộc quan điền 55 mẫu..."

"Thuyết tích họ Bùi, trang Quang Ánh có nghề cổ làm sành sứ lâu đời, khởi nghệ do nữ tài Bùi Thị Hý. Bà là người có tài văn chương, chữ đẹp, kỳ tài về họa. Bà cải trang làm nam giới, thi tới tam trường, phạm quy, bị quan trường đuổi. Sau bà lấy chồng ở huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách nhưng không có con. Người phụ nữ tài năng có nhiều con đường tiến thân, bà có nghề cùng với chồng là ông Đặng Sĩ, một chủ lớn về trang Quang Ánh vào năm Thái Hòa thập niên (1452) cùng em trai là Bùi Khởi chiêu tập người làm thuê, dựng lò, ở bắc trang, nơi ấy thuận đường thủy, gần sông Định Đào, giao thương với châu Nam Sách, chế tác những sản phẩm đặc biệt, cống hoàng triều, xuất cho nhiều thương nhân nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, phương Tây, trao đổi gấm vóc, gỗ từng, cá, gạo, vàng bạc. Từ đấy nghề thịnh đạt, năm này qua năm khác tài lộc tăng nhiều, gia đình họ hàng giàu mạnh, cùng nhau khởi dựng đình trang. Đến thời đất nước đại loạn, bọn hung tặc triệt phá, con cháu xiêu tán, không thể tác nghiệp, nghệ vinh suy vong, nghề hết".

Tảng đá có lỗ nguyên là la bàn đi biển của bà Bùi Thị Hý.

Gia phả viết gọn, súc tích, chính xác về năm tháng. Từ gia phả trên mà biết được lý lịch của người phụ nữ đặc biệt này từ gia cảnh, lịch sử, đặc biệt là học vấn, nghề nghiệp gốm sứ, tình hình giao thương vượt biển thế kỷ XV. Người lập gia phả cực kỳ trân trọng khi gọi Bùi Thị Hý là nữ tài. Gia phả viết năm Bảo Đại Nhâm Thân (1932), do cụ Bùi Đức Nhuận, cháu 13 đời, trưởng chi 3, sao từ một gia phả cổ. Vậy gia phả cổ liệu có còn?

Ngày 27/6, gia đình họ Bùi lại đem đến cho Hội Sử học đọc vài trang của gia phả cổ, viết năm Minh Mệnh 13 (1832), tức trước bản sao một thế kỷ, viết trên lụa. Đây là tư liệu rất quý, xác định cho sự chính xác của bản sao. Gia phả thứ hai này cho biết năm sinh (1420) của nữ tài và cho biết những tư liệu này sao từ một gia phả xưa và từ tấm bia cổ. Vậy tấm bia cổ này nay liệu còn? Cuộc truy tìm cứ thế mà diễn tiến.

Ông Hoành nhớ lại: "Từ những dữ liệu này, chúng tôi suy ra một số vấn đề. Bà Bùi Thị Hý thi đến tam trường, phải chăng đây là kỳ thi tiến sĩ? Vậy kỳ thi ấy vào năm nào? Từ năm 1442 đến 1450, khi bà đã là nghệ nhân làm đồ gốm chỉ có 2 khoa thi: Nhâm Tuất (1442) và Mậu Thìn (1448). Người phụ nữ thời phong kiến 29 tuổi đã yên bề gia thất từ lâu. Vậy bà chỉ có thể dự kỳ thi tiến sĩ đầu tiên của triều Lê sơ (1442). Kỳ thi này Nguyễn Trãi làm độc quyển. Một người có tri thức và biệt tài làm đồ gốm như bà thì không thể chỉ có một minh văn (chữ viết) trên đồ gốm, có thể còn nhiều mà nay chưa biết".

Ngày 12/8/2006, nhân ngày giỗ thứ 507 của bà, Hội Sử học Hải Dương, kết hợp với UBND huyện Gia Lộc và xã Đồng Quang tổ chức hội thảo về nữ tài Bùi Thị Hý qua di vật ở nước ngoài và 2 cuốn gia phả của họ Bùi nhằm bước đầu khẳng định vai trò của bà và những chủ nhân gốm Chu Đậu, đồng thời thúc đẩy việc tiếp tục sưu tầm những di vật có liên quan.

Các nhà khoa học đã nhắc nhở hậu duệ của bà và Bảo tàng tỉnh là phải đặc biệt quan tâm đến những di vật có chữ Hán còn lưu ở trong gia đình và địa phương, nhất là đồ gốm, đồ gỗ, bia ký và sách vở xưa. Công việc này được anh Bùi Đức Lợi là hậu duệ 15 đời đặc biệt quan tâm và nhiệt tình sưu tầm. Sự tha thiết với tổ tiên của bậc cháu chắt ấy đã gặp những may mắn hiếm thấy.

Sau một năm chờ đợi, ngày 16/5/2007, anh Lợi tìm được con nghê ở lò gốm cổ, nơi mà gia phả nói là do Đặng Sĩ xây dựng năm Thái Hòa thập niên (1452), cao 22cm, dài 27cm, đế rộng 6,5cm, phía đuôi có chữ viết, mang cho các nhà sử học nghiên cứu.

Hình dáng cũng như chất liệu của con nghê này không có gì lạ vì có một số hiện vật tương tự ở những hố khai quật tại Chu Đậu và làng Cậy, điều quan trọng là 2 dòng chữ: "Quang Thuận nhất niên, Quang Ánh trang, Bùi Thị Hý tạo", có nghĩa hiện vật do Bùi Thị Hý, ở trang Quang Ánh, tạo vào năm Quang Thuận thứ nhất (1460). Đây là di vật vô cùng quan trọng để xác định vai trò của nữ tài Bùi Thị Hý. Dù là các đại nho cũng không thể dịch là ông họ Bùi nào đó tạo chơi được! Nhưng vận may không dừng ở đó.

Ngày 10/7/2007, anh Lợi lại mang đến cho các nhà khoa học chiếc đĩa còn sống men, vốn là một phế phẩm bị người xưa loại bỏ ngay ở chân lò chứ không đưa vào buôn bán. Đĩa có đường kính 32,7cm, cao 7,8cm, đường kính trôn 14cm, chân cao 0,7cm; tạo dáng một bông hoa 12 cánh, hoa văn khắc chìm theo truyền thống Lý Trần. Giữa đáy có bông hoa 9 cánh, trong đường tròn đường kính 9cm. Trên sườn khắc hoa cúc liên hoàn, rất tinh tế, tỉa kỹ từng gân lá. Xương gốm vàng nhạt, hơi thô, men chưa chín nên thô ráp, chưa phản quang. Phía ngoài để trơn. Trôn quét son nâu nhạt. Đĩa này nếu nung chín sẽ có màu xanh nhạt, dễ nhầm với gốm Lý Trần.

Hiện vật tương tự đã thấy ở lò Thanh Khơi (Trùng Khánh - Gia Lộc), ở Chu Đậu. Đặc biệt ở hiện vật này dưới trôn viết theo đường tròn sát chân đĩa 18 chữ Hán nét mảnh. (Diên Ninh nhất niên, Gia Phúc huyện, Quang Ánh trang, tỷ Bùi Thị Hý, đệ Bùi Khởi tạo). Có nghĩa là: Vào năm Diên Ninh thứ nhất (1454), tại trang Quang Ánh huyện Gia Phúc, chị là Bùi Thị Hý, em là là Bùi Khởi tạo (chiếc đĩa này). Các hiện vật này chúng ta có thể biết được khả năng mỹ thuật của nữ tài trên 3 loại hình: vẽ (hoa lam trên bình ở Thổ Nhĩ Kỳ - 1450), điêu khắc (con nghê - 1460 và sau là con rồng lớn ở ngã ba sông Định Đào), và khắc chìm (trên đĩa - 1454).

Anh Lợi bên chiếc mâm đồng ghi bản sao mộ chí.

Tiếp đó anh Lợi lại lễ mễ mang cho các nhà sử học chiếc mâm đồng đã han gỉ, đường kính 48cm, cháy một phần ở phía ngoài. Chiếc mâm vốn là đồ gia bảo, do bố anh Lợi cất giữ, thời chạy giặc Pháp, ngôi nhà xưa của gia đình bị đốt phá, chiếc mâm đồng bị một tảng tường đất đè lên, phía ngoài lửa liếm cháy nham nhở nhưng bên trong chữ còn vẹn nguyên. Sau khi cọ rửa và xát phấn, Hội Sử học đếm có 18 dòng, gồm 379 chữ, trong đó có một số chữ nôm. Đây là một bản sao bia mộ chí, có những thông tin vô cùng quý.

Việc khắc văn bia mộ chí vào mâm đồng không phải có nguồn gốc ở Việt Nam mà từ thời Thương Chu ở Trung Quốc (thế kỷ IX trước CN), người ta đã ghi tiểu sử nhà vua thứ năm của nhà Chu vào một mâm đồng, chôn trong huyệt mộ, người Trung Quốc gọi là bàn sử (sử viết trên mâm). Các nhà sử học khôi phục toàn bộ văn bản như bản gốc và phiên dịch. Bản dịch mặt trước bia đá:

"Mộ người vợ kỳ tài họ Bùi, tên huý là Hý". Hai dòng bên phải bia ghi: "Ngày 10 tháng 10 năm Cảnh Thống Nhâm Tuất (1502), phu quân (chồng) là Đặng Phúc lập bia. Phu nhân, sinh năm Canh Tý (1420), thời Bình Định Vương Lê Lợi". Dòng bên trái bia ghi: “Mất ngày 12/8 năm Cảnh Thống Kỷ Mùi (1499)”. Mặt sau ghi: "...Sau Đặng Sĩ (chồng trước) cùng những người làm thuê gặp nạn, chết ở biển Đông. Phu nhân tái giá lấy đại gia Đặng Phúc, người trang Chu (Đậu). Phu nhân là một trang nữ tài võ, thông văn, làm chủ thương đoàn (đi) Nhật Bản, Trung Quốc, phương Tây, đến nước ngoài buôn bán dặc phẩm (gốm, sứ).

Thật buồn thay, phu nhân kỳ tài làm bình gốm mà lại không con. Sau về trang Quang Ánh, hưng công làm chùa, đình làng, làm thí chủ xây dựng nhà thờ họ; hưng công bắc cầu đá Đôn Thư, Lâm Kiều (ở bản huyện). Đến đêm 12, tháng 8 năm Kỷ Mùi (1499), trời đất cuồng phong, mưa gió, sấm chớp. Lạ thay, phu nhân nằm trong bình phong mà phát ra ánh sáng hồng như con rồng bay lên. Đoạn phu nhân hóa. Sau rất thiêng, ai có tâm cầu cúng, tất hiển ứng". Chú dẫn: Khi thời thế thay đổi, bia đá cổ huyệt tổ cô giữ ở đất thiêng, cấm chỉ mọi vi phạm".

Gia phả chỉ cho biết bà lấy đại gia Đặng Sĩ, còn sau đó thế nào không rõ. Bia cho biết, ông Đặng Sĩ một lần chỉ huy đoàn tàu vượt biển buôn bán, gặp nạn, chết ở biển Đông cùng với thủy thủ đoàn. Sau đó bà tái giá lấy ông Đặng Phúc một ông chủ lò gốm Chu Đậu. Bà trở thành chủ thương đoàn, vượt biển buôn bán với nhiều chuyến đi Trung Quốc, Nhật Bản và Tây phương bán đồ gốm. Chi tiết này vô cùng quan trọng về ngoại thương của Việt Nam ở thế kỷ XV.

Thanh kiếm báu của bà Bùi Thị Hý trên tay người hậu duệ là anh Bùi Đức Hợi.

Các nhà nghiên cứu kinh ngạc ở chỗ, trước họ nghĩ hàng hải Việt Nam xưa kém phát triển, chỉ có những thuyền thúng thuyền mủng hay thuyền gỗ nhỏ loanh quanh gần bờ gần vụng chứ ít dám nghĩ đến thương thuyền lớn với bộ sậu buồm, chèo khổng lồ có khả năng vượt biển Đông đến các quốc gia khác. Khi quan sát những sản phẩm gốm Chu Đậu có vẽ các chi tiết tàu vượt biển, họ thường đinh ninh đó là những hình ảnh do thủy thủ nước ngoài kể lại cảnh mình hay gặp trên biển cho thợ gốm Việt Nam nghe, sau đó các nghệ nhân ta tưởng tượng rồi vẽ lại.

Qua tư liệu này, có thể nói, đó là hình ảnh trực quan của thủy thủ và thương nhân Việt Nam trên đường vượt biển, buôn bán với nước ngoài, trong đó có nghệ nhân Bùi Thị Hý "kể" về những sóng gió, vất vả khi bôn ba cùng những con sóng bạc đầu, những trận cuồng phong thịnh nộ của biển cả hay những quái thú, quái ngư của ngàn khơi. Điển hình là một đĩa hoa lam, đường kính 36cm, hiện lưu giữ trong một sưu tập ở Adilaide, Nam Úc. Lòng đĩa vẽ tích khá đặc biệt, 2 thuyền lớn, trên đường vượt biển, gặp gió lớn, buồm đã hạ xuống, trên mặt sóng xô dữ dội, có 3 thủy thủ rơi xuống nước, trong đó có 1 người đang bị một con cá khổng lồ đã nuốt đến thắt lưng. Cảnh tượng xám xịt một màu bi ai.

TS Nguyễn Đình Chiến - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: "Gốm hoa lam xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam ở đời Trần qua hiện vật phát hiện trong con tàu đắm thế kỷ XIV mà ngư dân Cà Mau vớt được. Đến hiện vật của con tàu đắm tại Cù Lao Chàm là một phát hiện hết sức độc đáo bởi xuất hiện nhiều đồ gốm khớp với dòng gốm Chu Đậu, khớp với cả dòng gốm Bát Tràng, gốm Thăng Long, tất nhiên ở đó Chu Đậu vẫn chiếm đa số.

Về chuyện giải mã mười mấy chữ Hán trên chiếc bình hoa lam tại Thổ Nhĩ Kỳ, tôi vẫn nghiêng về cắt nghĩa chữ Bùi Thị Hý nghĩa là ông Bùi nào đó vẽ chơi chứ không phải Bùi Thị Hý là một nghệ nhân nữ có tên Bùi Thị Hý".

Xứ Đoài - Bài đăng trên Chuyên đề An ninh thế giới số 1006
(Kì III: Cánh cửa rộng mở)

18:30:00 31/10/2010
Đầu năm 2008, anh Lợi lại chuyển cho các nhà khoa học tấm ảnh chụp những dòng chữ bằng mực nho viết sau ngai thờ tổ tiên. Chữ khá mờ nên chỉ sau khi bôi phấn lên chiếc ngai mới đọc được: "Tổ mộ Bùi Đình Khởi, Cổ Ngựa đường (mộ cụ tổ Bùi Đình Khởi ở đường Cổ Ngựa)". Theo ông Tăng Bá Hoành, đây là lời mật truyền của gia tộc họ Bùi. Thông tin này cho biết mộ tổ cô ở gò Thổ Thư. Nếu khai quật ở đây có thể tìm được bia mộ chí.
>> Bí mật ngôi mộ cổ: Chiếc "chìa khoá vàng"

20 giờ ngày 10/1/2009, anh Lợi lại điện thoại cho biết, tìm được một hòn gạch có chữ tại nơi nghi là mộ của bà Bùi Thị Hý ở khu gò Thổ Thư. Lập tức đoàn khoa học lục tục kéo quân về ngay trong đêm, gần 10 giờ mới đến nơi. Hiện vật thu được là một số mảnh gốm hoa lam Chu Đậu, gồm bát, đĩa, bình, nghê sành (cụt đuôi), đặc biệt là có viên gạch đất nung màu hồng nhạt, nung nhẹ lửa, cỡ khoảng 4 x 22 x 22cm, nhưng đã mẻ một góc, mang dáng dấp của gạch sâu tuổi thế kỷ XIV-XV.

Văn bia được khắc vào 2 mặt. Mặt một nói về nơi để mộ, mặt kia nói về nơi để bia. Cụ thể như sau: "Mộ Tổ cô ban đầu táng tại Gò Thổ Thư, nhìn về hướng bắc. Tổ tiên có truyền lại rằng, Hậu duệ của Đại thương gia Trịnh Hòa, triều Minh, niên hiệu Thiên Thuận (1457-1464), là bạn nữ tặng tổ cô một chiếc chén sứ quý. Sau khi tổ cô qua đời, chôn theo chiếc bình sứ gia bảo. Sau có bọn trộm đào lấy hết. Lại gặp giặc đã phá hủy. (Mộ) được chuyển đến khu đất Rồng. Cấm tuyệt đối mọi người trong dòng họ vi phạm lời truyền (của tiền nhân). Vị, Nhuận, Cần".

Bản dịch mặt 2:

"Tấm bia cổ lớn sau di về đất hình nhân, đó nguyên là lò gốm cổ. Tổ tiên có nói lại rằng, tổ cô có yểm một con rồng lớn (bằng gốm?) tại ngã ba sông Định Đào".

Đây là tấm bia chỉ chỗ về ba di vật quan trọng, đều là thứ mật truyền do các ông Vị, Nhuận, Cần, là trưởng các chi họ Bùi, thực hiện vào đầu thế kỷ XX, khoảng năm 1932. Bia còn nói trong mộ có chiếc chén sứ do một bạn nữ là hậu duệ Trịnh Hòa tặng cho tổ cô vào niên hiệu Đại Thuận, tức trong khoảng từ năm (1457-1464). Chi tiết này chứng tỏ bà Bùi Thị Hý là người từng bôn ba trên biển Đông, quen biết nhiều nhân vật quan trọng về hàng hải đương thời.

Sử sách viết về Trịnh Hòa là một nhà hàng hải vĩ đại của Trung Quốc, đầu thế kỷ XV. Trong thời gian từ năm 1405 đến 1433, ông đã 7 lần chỉ huy hạm đội mạnh, thám hiểm Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông là người đầu tiên vẽ bản đồ biển Đông một cách tạm gọi là khoa học... Theo anh Bùi Đức Lợi, Thổ Thư nghĩa là một cánh đồng hình quyển sách. Mộ tổ cô được táng ở trên gò tại cánh đồng đó nhưng hồi giặc Pháp đóng tề ở làng, chúng đã hốt trọn, san phẳng gò này để đắp thành lũy. Chính bố đẻ anh lúc ấy cũng phải đi phu dịch, ông kể rằng, lúc bốc gò lên, có rất nhiều mảnh gốm cùng hiện vật nhưng hầu như bị phá hủy hết.

Cổ vật đã tìm được

Lại nói về con rồng yểm, theo truyền miệng chính là để bà Hý trừ tà ma, phù trợ cho những thuyền bè ngược xuôi trên sông. Việc tìm con rồng yểm cũng gian nan không kém bởi ngã ba sông Định Đào của cách đây 5-6 thế kỷ với hiện tại khác nhau quá. Xưa ngã ba đó có một âu thuyền, thuyền bè ra vào tấp nập, nay vật đổi sao dời, chính bố anh Lợi đã nhiều lần cùng anh ra mới xác định ngã ba sông ấy chính là cái chuôm (ao) cạnh sông bây giờ. Nhưng con rồng nay ở đâu? Dò la, lần hồi mãi, khoảng tháng 2/2009, anh Lợi mới phong thanh nghe mấy người làm ao đầm kể, cách đây mấy năm họ có đào được một con rồng đất lớn rất kỳ bí nên ai nấy đều sợ hãi chẳng dám mang về, chỉ riêng một ông bạo gan, lớn phổi đem cất giấu tại nhà. May thay ông nọ cũng ở cùng xã, tuy nhiên là người rất bí mật, ai đến cũng không cho xem, trả giá bao nhiêu cũng không bán.

Biết được thông tin đó, anh Lợi nằn nì năm lần bảy lượt bảo đó là đồ gia truyền, chỉ đến xem thôi chứ không hề có ý định đòi lại hay sang nhượng gì, chủ nhân mới xiêu lòng. Ông bỏ mặc anh ở tầng một với đống cổ vật (ông này cũng có thú sưu tầm-NV) rồi khệ nệ bưng con rồng từ một góc bí mật giấu trên gác hai xuống. Rồng cao khoảng 70cm, bằng đất nung trắng xám, da màu đen, mắt lồi, ngậm ngọc, mào vươn về phía trước, gần giống mào rồng Trần, nhưng chân trước đã có vây, dáng vẻ vô cùng uy nghiêm, lành lạnh khí trấn yểm.

Ngày 4/4/2009 nhân ngày Thanh minh, được phép của gia tộc họ Bùi, gia đình anh Lợi tìm được một số hiện vật quý tại gò Hình Nhân của gia đình. Trước hết là bia mộ chí của tổ cô, có kích thước dài 39,7cm rộng 37cm, dày 11cm. Tuy bia đã bị đập mất phần trên và dưới, chữ quá mờ, nhưng mặt trước vẫn đọc được những chữ y như bản sao trên mâm đồng. Đây là tư liệu quan trọng nhất cần tìm. Từ tư liệu này có thể xác định được giá trị của những tư liệu phát hiện trước đó. Bên cạnh bia có những vật yểm: lọ sành da chu, cao 13cm. Có 9 viên đá màu và 9 đồng tiền yểm bên mộ chí. Trên lọ đậy một viên gạch, kích thước 15,5 x 13 x 3,5cm, có vài dòng chữ ở hai mặt. Chữ ở mặt trước, dòng giữa ghi: Đất Hình Nhân là linh địa, cấm vi phạm. Bên phải: Tiền nhân linh chấn yểm. Bên trái: Kế, Tổng Cẩn Trọng yểm (Tổng, Cẩn Trọng yểm kế tiếp). Tổng cộng có 2 lần chấn yểm. Có một hiện vật phát hiện ngoài dự kiến, đó là tấm la bàn bằng đá cẩm thạch, đã bị mẻ hai cạnh. Một bảo vật

Kể về vật báu này, anh Lợi cho biết, ở đầu nhà, lẫn trong đống đá tảng có một phiến đá nhỏ có chữ Hán và một viên đá tảng có 1 chữ lớn ở nhà cụ thân sinh, nơi dòng họ cư trú từ xa xưa. Khi các nhà khoa học đến nơi để nghiên cứu mới ồ lên thích thú bởi đó là chiếc la bàn đi biển, hình vuông, kích thước 17 x 17 x 7cm. Trên la bàn có chữ: Châm bàn chu hải khứ, Bùi Thị Hý. Nghĩa là bàn kim chỉ đường đi cho thuyền biển của Bùi Thị Hý. Nó có ghi chữ Bắc, Đông, mất chữ Nam, Tây. Giữa có một hõm rộng 1,4cm, sâu 1,5cm, giữa lỗ còn một lỗ nhỏ 2mm, khoét sâu xuống để đặt kim nam châm. Bàn của la bàn bằng đá cẩm thạch được mài nhẵn mặt trên.

Ngôi mộ của bà Hý nằm giữa một cái ao lớn.

Đây là hiện vật vô cùng quan trọng, nó chứng minh cho một người phụ nữ Việt Nam, tên là Bùi Thị Hý, ngay từ thế kỷ XV đã vượt sóng dữ biển Đông, giao thương với các nước. Những hiện vật nói trên không chỉ là bảo vật của gia đình mà còn là bảo vật của quốc gia, vì sao? Bởi lẽ Christophe Colomb (1450-1506) năm 1492, mới bắt đầu cuộc hành trình tìm đất mới, tức châu Mỹ, từ cảng Palot, Tây Ban Nha cũng với chiếc la bàn chỉ đường có nguyên lý tương tự khi mà Bùi Thị Hý đã 73 tuổi, trở về quê cha, xây chùa Viên Quang. Điều đó thể hiện tầm vóc lớn lao, ý chí kiên cường của một phụ nữ Việt.

Một buổi chiều mưa gió, tôi cùng anh Lợi ra mộ của bà Bùi Thị Hý. Đám đất ở giữa gò nằm trong lòng một cái ao lớn, có một con đường chạy ra. Nắm hương cắm thơm lừng giữa trời đất. Dưới gò, cứ như lời anh Lợi có rất nhiều đồ gốm cổ, chủ yếu phế phẩm vì xưa kia đây là tàn tích của một cái lò gốm cổ. Thật là sinh ư nghệ, tử ư nghệ.

Để hiểu sâu về dòng gốm cao cấp đặc biệt này và chủ nhân khai sinh ra nó là bà Bùi Thị Hý, cần ngược dòng lịch sử về thời quá khứ ở giai đoạn Lê sơ (1428 - 1504). Triều đình Lê sơ đã làm được nhiều việc lớn đó là những mốc son đậm nét trong lịch sử nước nhà. Khởi dựng bia tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám vào năm 1442 thời Vua Lê Thái Tông. Thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) thì tấm bản đồ đầu tiên xác định chủ quyền biên giới quốc gia Đại Việt được hoàn thành. Cùng đó là Bộ luật Hồng Đức, một bộ luật tiến bộ nhất và hoàn chỉnh nhất trong lịch sử pháp luật thời phong kiến được ra đời. Bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng được hoàn thành vào năm 1479 thời Vua Lê Thánh Tông. Hội Tao Đàn nhị thập bát tú gồm 28 ông tiến sĩ giỏi nhất nước do Vua Lê Thánh Tông làm chủ cũng được lập ra...

Tựu trung lại trong giai đoạn thời Lê sơ đất nước ở đỉnh cao, để lại trong lịch sử dân tộc nhiều bậc vua hiền, vua sáng, nhiều thành tựu rực rỡ về mọi mặt. Cuộc sống của nhân dân thanh bình, nền độc lập của nước Đại Việt được củng cố, có thể nói bấy giờ Đại Việt là nước cường thịnh nhất của cả khu vực Nam Trung Quốc...

Chiếc bình triệu đô ở bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính sự phồn vinh hưng thịnh của đất nước trong giai đoạn này đã được nhân dân ca ngợi và truyền tụng mà sử sách còn ghi như sau:

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
Thóc lúa đầy đồng,
trâu chẳng muốn ăn.

Một giai đoạn đất nước hòa bình, hưng thịnh về mọi mặt. Từ đó đã tạo cho nhiều ngành nghề có điều kiện vươn đến tầm cao tuyệt đỉnh. Một trong những nghề ấy là nghề gốm sứ, mà đỉnh cao là dòng gốm thần, gốm bác học Chu Đậu của nữ tài Bùi Thị Hý. Không phải đến thế kỷ XV người Việt Nam mới biết làm đồ gốm, mà đồ gốm của người Việt đã có từ rất xa xưa. Lúc con người biết làm ra lửa, đã nặn đất giúi vào đống lửa, lúc đầu có thể do "buồn chân, buồn tay" sau vì nhu cầu của cuộc sống mà nặn đồ vật. Đồ gốm thời kỳ văn hóa Hòa Bình cách ngày nay hàng vạn năm thô sơ, xù xì, rồi đồ gốm Bắc thuộc, gốm Lý, Trần... cứ thế mà cải tiến.

Nhưng phải đến thời Lê sơ thế kỷ XV thì đồ gốm mới thực sự lên đến tuyệt đỉnh mà cái nôi là gốm Chu Đậu - do bà Bùi Thị Hý đứng đầu. Những hình ảnh sang trọng, uy quyền nơi cung đình, phủ điện hay thanh bình, trù phú nơi thôn dã đã được thể hiện trên sản phẩm. Những nét đặc trưng như tàu lá chuối hoa cúc, hương đồng cỏ nội. Những tích vẽ kinh điển như con chim chích chòe đang thảnh thơi đi bộ hay đang sải cánh bay cao trên cánh đồng lộng gió. Những con cá tung tăng bơi lội dưới làn nước trong xanh tưởng còn quẫy mình tung bọt trắng xóa. Những con vịt, những con hạc, diều no căng như con tôm con cá nhỏ bên trong còn động cựa. Những con công, con phượng xòe cánh thướt tha. Những con nai đang gặm cỏ ngơ ngác dưới một trời mưa bụi, xôn xao chim én. Những con thuyền lớn rẽ sóng bạc tưởng còn mang trong mình phong vị mặn mòi của đại dương. Thật tĩnh tại mà thảnh thơi. Những điển tích, điển cố hay những cảnh đời thường được cổ nhân phóng bút, mà thành kiệt tác. Gốm

Sản xuất gốm Chu Đậu ngày nay.

Chu Đậu hội đủ những phẩm chất vàng ròng: Sáng như gương, trong như ngọc, trắng như ngà, mỏng như giấy, kêu như chuông... chỉ với bàn tay và những công cụ thô mộc, điều mà ngày nay khoa học đưa người lên vũ trụ, kéo người xuống đáy đại dương, truyền ti tỉ sóng trong một giây cũng không thể làm được.

Gốm Chu Đậu là dòng gốm tiêu biểu cho tinh hoa gốm Việt nhưng đã bị thất truyền tới mấy trăm năm bởi chiến tranh Trịnh Mạc cuối thế kỷ XVI tàn sát bao nghệ nhân, hủy hoại bao bàn xoay, đập tan chiếc lò nung còn ngún khói. Sự hồi sinh dòng “gốm thần” mới chỉ độ mươi năm nay.

Năm 2000, anh Nguyễn Hữu Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) sau khi biết thông tin về sự kiện trục vớt các con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, đã bay ngay vào TP HCM. Anh Thắng bàn với anh Nguyễn Văn Lưu, lúc đó là Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của HAPRO, đây là thời cơ vàng, phải nghiên cứu, làm dự án khôi phục nghề gốm Chu Đậu. Một năm sau đó, tháng 10/2001, Xí nghiệp gốm Chu Đậu ra đời. Dòng gốm Chu Đậu đã hồi sinh, sản phẩm gốm Chu Đậu lại được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Nhật, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ... nối lại và vươn xa hơn những cung đường mà tổ sư nghề gốm Bùi Thị Hý cách đây vài thế kỷ từng dày công tạo dựng

Xứ Đoài - Bài đăng trên Chuyên đề An ninh thế giới số 1006

1 nhận xét: