Tăng trưởng năm 2010 của Việt Nam có thể không đạt 6,7% như kỳ vọng, trong khi những bất ổn như lạm phát, bội chi, nhập siêu... vẫn hiển hiện. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đây là những "khuyết tật" của nền kinh tế cần sớm sửa chữa.
Bên cạnh câu chuyện Vinashin và vấn đề bô xít Tây Nguyên, các vấn đề kinh tế - xã hội của năm 2010 và kế hoạch cho 2011 cũng nhận được không ít sự quan tâm của các đại biểu trong 2 ngày thảo luận vừa qua của Quốc hội.
Đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ cũng như những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực trong năm 2010, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn nhiều khó khăn... nhưng phần lớn các đại biểu cũng tỏ ra quan ngại trước những bất ổn vĩ mô, vốn kéo dài nhiều năm qua.
Tăng trưởng GDP 2010 có thể không đạt được 6,7%. Ảnh: Hoàng Hà |
"Tôi cho rằng tăng trưởng GDP năm nay không thể đạt 6,7% như Chính phủ kỳ vọng. Nhiều khả năng nó sẽ dưới mức 6,5%", nhận định được thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đưa ra khiến không ít đại biểu giật mình. Lý do được đại biểu của tỉnh Sóc Trăng viện dẫn chính là tình hình mưa lũ đã và đang hoành hành tại miền Trung trong gần một tháng qua chắc chắn sẽ gây ra những thiệt hại khó lòng đo đếm.
Như vậy, nếu những tính toán của đại biểu, đồng thời cũng là chuyên gia kinh tế này chính xác thì việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đã cam kết với Quốc hội hồi đầu năm đã là chật vật. Trong khi đó, bất ổn của kinh niên của nền kinh tế như lạm phát, nhập siêu, thâm hụt ngân sách... lại có dấu hiệu tăng cao.
"GDP tăng trên 6,5% nhưng lạm phát cũng tăng khoảng 8%, hoặc hơn thế nữa thì cuộc sống của xã hội không khá hơn bao nhiêu. Với một bộ phận người dân, đời sống thậm chí còn giảm xuống ", đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) bức xúc .
Quan trọng hơn, một số đại biểu cho rằng việc tiếp tục đưa mục tiêu lạm phát khoảng 7% vào kế hoạch năm 2011 là chưa thỏa đáng, bởi để mức trượt giá cao như vậy kéo dài trong nhiều năm là vô cùng nguy hiểm, chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Theo đại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh), nên phấn đấu đưa chỉ tiêu này xuống khoảng 3-4% là hợp lý.
Bên cạnh lạm phát, bội chi ngân sách cũng là vấn đề gây nhiều nhức nhối tại nghị trường trong 2 ngày qua. Theo phân tích của đại biểu Trần Du Lịch thì bội chi ngân sách trong năm qua tiếp tục ở mức cao và có thể kéo dài sang năm 2011, chủ yếu do Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách tài khóa nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng. Như vậy chất lượng tăng trưởng thực chất của nền kinh tế không được cải thiện bởi vấn dựa chủ yếu vào tín dụng và đầu tư công.
Theo đại biểu Trần Du Lịch thì một khi đã tăng trưởng dựa vào những yếu tố nêu trên thì nhập khẩu và nhập siêu của nền kinh tế chắc chắn sẽ tăng. Đây lại là một bất ổn khác vốn tồn tại dai dẳng trong nền kinh tế trong nhiều năm qua. Vấn đề này cũng được đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) dành nhiều thời gian mổ xẻ.
Theo ông Ngoạn, Chính phủ đặt mục tiêu đưa nhập siêu xuống còn 15% giá trị xuất khẩu vào năm 2015 là quá muộn. Nếu xuất khẩu của nước ta đạt mức tăng trung bình 12% một năm từ nay đến giai đoạn đó thì tổng nhập siêu trong 5 năm của ước khoảng 90 tỷ USD. Đây là con số mà theo thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, là vượt quá sức cân đối của nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ổn định tỷ giá đồng tiền.
Chia sẻ quan điểm cho rằng cơ cấu nhập khẩu hiện nay chủ yếu là nhập máy móc, thiết bị, nguyên - nhiên liệu phục vụ sản xuất và giảm nhập khẩu có thể làm ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng, tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Viết Ngoạn, Việt Nam cần thiết phải "chấp nhận duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải để đảm bảo ổn định vĩ mô, cân bằng ngoại tệ và cán cân thanh toán".
Từ những phân tích nêu trên, các đại biểu cho rằng nên đặt mục tiêu trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011 là ổn định vĩ mô, đặc biệt là tập trung giảm nhập siêu. Song song với đó là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.
Cụ thể, nhiều đại biểu cho rằng nên giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, ngay trong năm tới, xuống dưới 5% (thay vì 5,5% theo đề nghị của Chính phủ). Về nhập siêu, các đại biểu cho rằng nên cân nhắc giảm dần và hạ xuống dưới mức 19,5% như Chính phủ đề xuất. Riêng về chỉ tiêu tăng GDP, phần lớn các đại biểu nhất trí với mức 7% theo kế hoạch đề ra.
Nhật Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét